Đơn chất và Hợp chất - Phân tử

Bài học: Đơn chất và hợp chất - Phân tử giới thiệu đến các em ngắn gọn, chi tiết lý thuyết. Bên cạnh là các ví dụ và bài tập có lời giải chi tiết, xây dựng dựa trên kiến thức trọng tâm chương trình hóa 8.

I. Đơn chất

1. Đơn chất

Khái niệm: Đơn chất là những chất tạo nên từ một nguyên tố hóa học

Ví dụ: Khí hiđro được tạo nên từ nguyên tử H, kim loại nhôm được tạo nên từ nguyên tử Al,...

Có 2 loại đơn chất là đơn chất kim loại và đơn chất phi kim.

  • Đơn chất kim loại: thường dẫn nhiệt, dẫn điện và có ánh kim.

Ví dụ: Nhôm, vàng, sắt,...

  • Đơn chất phi kim: không dẫn nhiệt, không dẫn điện (trừ than chì dẫn được điện...) và thường không có ánh kim.

Ví dụ: Lưu huỳnh, oxi, ...

2. Đặc điểm cấu tạo

  • Trong đơn chất kim loại: các nguyên tử sắp xếp khít lại với nhau và theo một trật tự nhất định.

Hình 1: Mô hình tượng trưng một mẫu kim loại đồng

  • Trong đơn chất phi kim: Các nguyên tử thường liên kết với nhau theo một số nhất định và thường là 2.

Hình 2: Mô hình tượng trưng cho mẫu khí hiđro và khí oxi

II. Hợp chất

1. Hợp chất là gì?

  • Hợp chất là những chất cấu tạo nên từ hai nguyên tố hóa học trở lên

Ví dụ:

Nước được tạo nên từ 2 nguyên tố hóa học là H và O.

Axit sunfuric được tạo nên từ 3 nguyên tố hóa học là: H, S và O.

  • Hợp chất được phân thành hai loại là:

Hợp chất vô cơ như: nước, muối ăn, axit clohiđric...

Hợp chất hữu cơ như: metan, glucozơ,...

2. Đặc điểm cấu tạo

Trong hợp chất, nguyên tử của các nguyên tố liên kết với nhau theo một tỉ lệ và một thứ tự nhất định.

Hình 3: Mô hình tượng trưng cho mẫu muối ăn

III. Phân tử

1. Định nghĩa

Phân tử là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử liên kết với nhau và thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất.

Ví dụ: Nước có hạt hợp thành gồm 2 H liên kết với 1 O; khí oxi có hạt hợp thành là hai nguyên tử cùng loại liên kết với nhau.

Với đơn chất kim loại, nguyên tử là hạt hợp thành có vai trò như phân tử.

2. Phân tử khối

Phân tử khối là khối lượng một phân tử được tính bằng đơn vị cacbon.

Cách tính phân tử khối: bằng tổng số nguyên tử khối của các nguyên tử trong phân tử.

Ví dụ: Tính phân tử khối của các chất: O2 H2SO4, HNO3, KMnO4.

O2 = 16 x 2 = 32 đvC

H2SO4 = (2 x 1) + 32 + (16 x 4) = 98 đvC

HNO3 = 1 + 14 + (16 x 3) = 63 đvC

KMnO4 = 39 + 55 + (16 x 4) = 158 đvC

IV. Trạng thái của chất

Mỗi mẫu chất là một tập hợp vô cùng lớn những hạt là phân tử hay nguyên tử.

Tùy vào điều kiện, thường một chất có thể có 3 trạng thái: rắn, lòng và khí (hay hơi).

Ví dụ: Nước đá, nước lỏng và hơi nước.

  • Khi các chất ở trạng thái rắn, các hạt (nguyên tử hay phân tử) sắp xếp khít nhau và dao động tại chỗ. 
  • Ở trạng thái lỏng, các hạt ở gần sát nhau và chuyển động trượt lên nhau. 
  • Ở trạng thái khí, các hạt ở rất xa nhau và chuyển động nhanh hơn, về nhiều phía khác nhau (hỗn độn).
Câu trắc nghiệm mã số: 29452,29453,29454
  • 13.863 lượt xem
Sắp xếp theo