Vợ nhặt (Kim Lân)

I. Khái quát chung

1. Tác giả

1.1. Cuộc đời

- Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1921.

- Quê quán: làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

⇒ Mảnh đất “đời tạo văn nhân”, “nhân tài nảy nở”. Con người nơi đây có thể nghèo túng nhưng luôn giữ vẻ tài hoa, nền nếp. Không đi đâu xa, nhưng họ luôn khéo léo, hay trọng sĩ diện, trọng vẻ ngoài đến mức thành một tiêu chuẩn sống. Cốt cách đó cũng ngấm vào máu Kim Lân từ nhỏ, hun đúc ở ông tình yêu quê hương đến máu thịt.

- Đời sống:

  • Đời sống riêng thua thiệt, là con người vợ thứ ba trong một gia đình bình thường, bị mọi người rẻ rúng;
  • Do điều kiện khó khăn nên Kim Lân chỉ học hết bậc tiểu học. Sau đó, ông làm thợ sơn guốc, sơn bình phong, thợ sơn tranh sơn mài,…

1.2. Sự nghiệp

- 1942 Kim Lân bắt đầu sự nghiệp bằng truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật - một tác phẩm mang tính tự truyện.

- 1942 - 1944 Kim Lân viết truyện ngắn khá đều, tập trung phản ánh khung cảnh làng quê với cuộc sống và số phận của người nông dân.

- Sau CMT8 Kim Lân tiếp tục viết về làng quê Việt Nam, đi sâu vào thể hiện những thay đổi tình cảm của người nông dân trong cách mạng, kháng chiến, sự đổi đời của họ trong cải cách ruộng đất và những hoạt động cách mạng thầm lặng bình thường nhưng thật đáng quý của họ.

⇒ Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông thường tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê. Ông viết chân thật và xúc động về cuộc sống và người dân quê bởi ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ.

⇒ Kim Lân viết truyện có duyên, cách dựng truyện khéo, nhân vật sống như thật trong cuộc đời, cách viết dân dã mà tinh tế, thuần phác mà tài hoa với nét hóm hỉnh riêng của người từng trải, yêu đời. Ông được xem là một trong số ít cây bút viết về nông thôn hay nhất trong văn xuôi hiện đại nước ta.

2. Tác phẩm

2.1. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ

- Tiền thân của truyện ngắn “Vợ nhặt” là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Cuốn tiểu thuyết này được viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Hòa bình lập lại, dựa trên một phần cốt truyện cũ, nhà văn cho ra đời truyện ngắn “Vợ nhặt”.

- Tác phẩm được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962).

- Bối cảnh xã hội của truyện: Phát xít Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay nên tháng 3 năm 1945 nạn đói khủng khiếp đã xảy ra. Chỉ trong vòng vài tháng, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta chết đói.

2.2. Cốt truyện và kết cấu tác phẩm

- Cốt truyện: Câu chuyện kể về cuộc sống của những người dân nghèo xóm ngụ cư giữa năm đói 1945. Trong đó, nhân vật Tràng (nhân vật chính) “nhặt” được một người phụ nữ về làm vợ. Từ đó, gia đình Tràng yêu thương, đùm bọc nhau giữa những ngày đói và cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.

- Kết cấu:

  • Phần 1: Tràng đi làm về, xuất hiện trong bóng tối của xóm nhỏ ngụ cư khi cái đói chưa tràn về. Lần thứ hai Tràng xuất hiện ở xóm ngụ cư cũng trong một buổi chiều tà cùng một người đàn bà lạ. Họ khiến cả xóm nghèo xôn xao
  • Phần 2: Tràng nhớ về hai lần gặp gỡ, vài câu bông đùa, bốn bát bánh đúc mà mình có vợ.
  • Phần 3: Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện. Tâm trạng và tình thương của bà dành cho đôi vợ chồng trẻ.
  • Phần 4: Cảnh sáng hôm sau đêm “tân hôn” của hai vợ chồng Tràng. Vợ Tràng nói về những người đi cướp kho thóc của Nhật và Tràng nghĩ về điều đó

- Nhận xét: Kết cấu không theo trình tự thời gian. Hiện tại và quá khứ đan xen với nhau; Kiểu kết thúc mở

⇒ Diễn trình vận động của cốt truyện trong Vợ nhặt là kiểu cốt truyện tâm lý, chuỗi sự kiện của tác phẩm được tổ chức theo diễn trình tâm trạng của nhân vật Tràng. 

2.3. Nhan đề:

- Nhan đề đã thâu tóm giá trị nội dung, tư tưởng tác phẩm.

- Tràng có vợ một cách ngẫu nhiên. Người ta cưới hỏi đàng hoàng còn Tràng lại “nhặt” được vợ. "Nhặt" là từ thường đi với những thứ nhỏ bé hoặc không ra gì như nhặt rơm, nhặt rác… Nhưng ở đây từ nhặt lại được gắn liền với từ vợ, một từ mang sắc thái ý nghĩa trang trọng, thể hiện sự trân trọng đối với vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

⇒ Thân phận con người bị rẻ rúng có thể “nhặt” về như một món đồ bỏ đi. Đó thực chất là cảnh khốn cùng của hoàn cảnh.

⇒ Nhan đề vừa thể hiện thảm cảnh của người dân nghèo trong nạn đói năm 1945 ở nước ta, vừa bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc, bao dung và niềm tin, khát vọng sống hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Tình huống truyện

- Tràng là một chàng trai sống ở xóm ngụ cư nghèo mà lại xấu xí, thô kệch > < lấy được vợ > < giữa nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử.

Tràng chỉ là một anh thanh niên bình thường, thậm chí dưới mức bình thường. Tràng không có ngoại hình dễ nhìn, không thông minh sắc bén, không có gia cảnh giàu sang, khá giả.

⇒ Nói tóm lại, nhân vật này không có điểm gì nổi bật cho đến khi tình huống truyện xảy ra: Giữa lúc nạn đói khủng khiếp 1945, người đàn ông nghèo (bản thân còn không biết có lo nổi cho mình hay không và đồng thời đang phải nuôi mẹ già) lại đi đến một quyết định vô cùng táo bạo là lấy vợ. Và điều khiến cho tình huống truyện trở nên đặc biệt thu hút đó là người vợ này anh “nhặt” được chỉ sau hai lần gặp gỡ vu vơ, sau một bữa ăn và qua vài câu tán tỉnh bông đùa.

- Tình huống Tràng nhặt được vợ đã làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên:

  • Những đứa trẻ cũng sớm hiểu ra mối quan hệ giữa Tràng và thị nên đã chọc "chông vợ hài", Tràng đáp lại trong sự sung sướng "Bố ranh!". Có một cái "đầu trọc thò ra gọi giật giọng" và mời anh Tràng vào chơi, cũng chỉ để dò hỏi xem người đàn bà đi bên cạnh là ai thôi. Từ đó thể hiện thái độ của người dân xóm ngụ cư trước việc anh Tràng có vợ. Họ vừa tò mò, vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng cho Tràng "giời đất này còn rước cái của nợ đời về”.
  • Mẹ của Tràng cũng ngạc nhiên
  • Bản thân Tràng cũng không ngờ được, cứ ngỡ ngàng như không phải. Một tình huống éo le, giàu kịch tính, rất độc đáo.

⇒ Tình huống truyện được xây dựng bất ngờ mà hợp lý. 

⇒ Ý nghĩa tình huống truyện:

  • Giá trị hiện thực: tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít qua bức tranh xám xịt về thảm cảnh chết đói.
  • Giá trị nhân đạo: Tình nhân ái cưu mang đùm bọc lẫn nhau, khát vọng hướng tới cuộc sống và hạnh phúc. Điều mà Kim Lân muốn nói là trong bối cảnh bi thảm, giá trị nhân bản không mất đi, con người vẫn muốn cứ được là con người.

2. Chân dung nhân vật

2.1. Nhân vật Tràng

- Nhân vật trung tâm của Vợ nhặt không phải là một kì công của tạo hóa, Kim Lân đẽo gọt chân dung nhân vật khá sơ sài. Đó là một người đàn ông lao động xấu xí, thô kệch và ngờ nghệch: “Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tý, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lý thú, vừa dữ tợn”. 

- Gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười “tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện trên nền cảnh “tối sầm lại vì đói khát” của xóm ngụ cư.

⇒ Khi xây dựng ngoại hình của Tràng, nhà văn Kim Lân đã cố tình tạo nên những chi tiết gợi nên sự tò mò cho người đọc về bản chất tâm hồn bên trong cái vỏ bọc hình thức, về những diến biến thay đổi kì diệu trong con người nhân vật này.

2.2. Người vợ nhặt

- Thị là người phụ nữ gầy vêu vao: “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”.

⇒ Có thể nói, cái đói đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp lại càng nhếch nhác, tội nghiệp hơn nữa. Có lẽ, tác giả đã chủ tâm “dìm” ngoại hình thị như vậy để đánh lạc hướng độc giả của mình và tạo ra một tình huống nhặt vợ “độc nhất vô nhị”. Đây cũng là cách tác giả đưa người đọc tới với những bất ngờ phía sau của câu chuyện, tới với vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn đang tạm bị che giấu sau hình hài, dáng vẻ nhếch nhác, dơ dáy ấy.

- Lần đầu, Tràng gặp thị ở kho thóc và thị chính là người “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Chỉ với từ láy “ton ton” Kim Lân đã cho tấy đó là một người đàn bà hoạt bát và vào thời điểm đó, cái đói vẫn chưa lấy đi hết sinh khí của thị. Thị vẫn còn “cười tít” rất “tình tứ” với Tràng.

- Lần thứ hai, gặp lại Tràng, thị thay đổi hẳn khiến Tràng không thể nhân ra ngay: “Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa”.

  • Hai từ láy “sầm sập’, “sưng sỉa” miêu tả thật ấn tượng hành động và thái độ của người đàn bà để vẽ nên một chân dung khác của thị. Chân dung của người đàn bà đã bị cái đói lấy đi hoàn toàn vẻ nữ tính vốn có.
  • Tiếp đó, Kim Lân dùng hai từ “tả tơi” và “xám xịt” để tô đậm cái dáng vẻ tiều tụy, xơ xác vì thiếu ăn của thị nhưng ông vẫn ý thức giữ lại cái vẻ “cong cớn” rất đanh đá khi nghĩ rằng Tràng quên lời hứa cho “ăn cơm trắng mấy giò” để trả công đẩy xe cho Tràng lần gặp trước.

- Khi diễn tả ngoại hình của người đàn bà này lần đầu trở thành cô dâu, Kim Lân đã lại chọn những từ láy rất thích hợp: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách cà tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”. Rõ là những biểu hiện rất ngượng ngùng, e lệ và có vẻ sợ sệt của nàng dâu mới về nhà chồng.

2.3. Nhân vật bà cụ Tứ

- Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở giữa phần trích, sau sự kiện Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

- Bà cụ xuất hiện trong sự mong mỏi và nôn nóng của Tràng: “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Những từ láy “húng hắng”, “lọng khọng”, “lẩm bẩm” đã làm toát lên hình ảnh một bà mẹ nghèo tội nghiệp trong ngày đói.

⇒ Gợi ra cái vẻ tiều tụy, gầy guộc và luôn trong trạng thái lo lắng với những toan tính tủn mủn của bà lão giữa cái đời sống khốn khổ mà hai mẹ con bà đang phải gồng mình lên để chèo chống qua ngày.

- Trước thái độ xởi lởi, nôn nóng bất thường kèm theo lời trách móc của con trai, bà lão chỉ “nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi: – Có việc gì thế vậy?”. Hai từ “nhấp nháy”, “chậm chạp” đã đủ gợi lên hình ảnh một bà lão thôn quê lọm khọm và già yếu.

- Khi Tràng bảo: “Thì u cứ hẵng vào trong nhà đã nào” thì “bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”. Từ “phấp phỏng” diễn tả những bước đi không vững chãi.

- Tiếp đó, khi thấy có người đàn bà lạ đứng ở đầu giường thằng con trai mình, bà lão “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn” để nhìn kĩ người đàn bà lạ đó thì dấu hiệu tuổi tác lại càng hiện rõ nét hơn.

- Buổi sáng sau hôm Tràng có vợ thật đặc biệt đối với ngôi nhà và tất cả các thành viên trong gia đình Tràng. Hình ảnh mới của bà cụ Tứ được Kim Lân diễn tả ngắn gọn trong bốn từ láy “nhẹ nhõm”, “tươi tỉnh”, “rạng rỡ”, “xăm xắn”: “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Từ “bủng beo’ được đặt trong sự đối sánh với bốn từ trên là cách để Kim Lân vẽ lên chân dung của một người mẹ hạnh phúc.

⇒ Mặc dù Tràng, Thị và bà cụ Tứ hay những người dân trong xóm ngụ cư đều là những nhân vật bình thường, không có gì xuất chúng hay siêu phàm nhưng họ đều không hề tầm thường, họ luôn ẩn chứa bên ngoài cái vỏ héo hon, ngây ngô, già nua của mình một tâm hồn cao thượng, đức hi sinh, bao dung và nhân hậu.

3. Diễn biến tâm lý nhân vật

3.1. Tràng và người vợ nhặt

a. Bị cái đói dồn vào thảm cảnh:

Tràng

Người vợ nhặt

  • Đi từng bước mệt mỏi, cái đầu trọc chúi về đằng trước...
  • Không có tiền cưới vợ. Ngày vui vợ chồng phải ăn cám.
  • Rách rưới, tả tơi gầy sọp, trên khuôn mặt lưỡi cày chỉ còn thấy hai con mắt.
  • Không có nổi cái tên, không duy trì nổi lòng tự trọng để phải theo không Tràng chỉ sau bốn bát bánh đúc.

b. Có khát khao nương tựa, gắn bó để được tồn tại, để sống, để cho cuộc đời mỗi người trở nên có ý nghĩa hơn:

Tràng

Người vợ nhặt

  • Lúc đầu: Chỉ đùa và trên đường đưa người vợ nhặt về tâm hồn tràn đầy tình nghĩa, quên luôn cả mùa đói.
  • Sáng hôm sau: Cảm nhận rõ hạnh phúc "Thấm thía cảm động" của mái ấm gia đình.
  • Lúc đầu: Chỉ định gắn với Tràng để tồn tại qua mùa đói.
  • Sáng hôm sau: Cuộc sống gia đình thay đổi thị, biến thành "người đàn bà hiền hậu, đúng mực, không có vẻ gì chao chát chỏng lỏng"

c. Tràng và người vợ nhặt có sự hi vọng, tin tưởng vào tương lai:

- Tràng nghĩ đến chuyện tu sửa nhà cửa, sinh con, đẻ cái, lo lắng cho vợ con sau này, đám người phá kho thóc Nhật và hình ảnh lá cờ đỏ tượng trưng cho Việt Minh.

- Người vợ nhặt cùng mẹ chồng quét tước, thu dọn nhà cửa, sân vườn mong mang lại một sinh khí mới. Nói đến chuyện các vùng khác không còn đóng thuế, phá kho thóc Nhật, chuyện Việt Minh.

3.2. Diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ

- Ngạc nhiên:

  • Đứng sững lại hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn, quay nhìn Tràng không hiểu (thấy người đàn bà bên Tràng).
  • Băn khoăn ngồi xuống giường khi nghe người đàn bà chào.

- Lo âu, thương cảm, tủi thân:

  • Cúi đầu, kẽ mắt rĩ xuống hai dòng nước mắt (buồn vì không lo nổi đám cưới cho con, sợ con và dâu "có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không").
  • Nghẹn lời, nước mắt "cứ chảy xuống ròng ròng".

- Hi vọng tin tưởng ở tương lai:

  • Nói đến chuyện nuôi gà, chuyện sẽ có một đàn gà nay mai. Nói đến triết lí "ai giàu ba họ ai khó ba đời" để động viên con và dâu về một viễn cảnh thoát đói nghèo.
  • Thu dọn, quét tước nhà cửa, sân vườn mong mang lại một sinh khí mới.

4. Những đặc điểm trong cách kể của tác giả

4.1. Không gian

- Truyện ngắn Vợ nhặt được xây dựng trên không gian bối cảnh của một xã hội đói nghèo, loạn lạc ở Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trên cái nền không gian ấy, không khí của cái đói, cái chết bao trùm khiến người ta phải hãi hùng và số phận con người cũng thật bi thảm.

  • Đó là hình ảnh của những gia đình “lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, của xóm chợ về chiều “xơ xác, heo hút”, của các dãy phố “úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa”.
  • Đó là âm thanh “thê thiết” của đàn quạ trên cây gạo ngoài bãi chợ, là tiếng bàn tán thì thầm của người dân xóm ngụ cư.
  • Đó là “mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, là vị “đắng chát” của bát cháo cám…

⇒ Không gian ấy có thể cảm nhận từ nhiều giác quan với những hình ảnh đầy ám ảnh, những âm thanh thê thiết, mùi ẩm mốc, hôi thối,…

- Từ cái bối cảnh xã hội ấy, Kim Lân cũng khéo léo lồng ghép một không gian bối cảnh thiên nhiên ảm đạm: “Trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt người thì Tràng đi làm về”. Trong không gian của bóng chiều nhá nhem tối sầm ấy, một xóm ngụ cư tồi tàn được nhà văn tập trung khắc họa: ngã tư xóm chợ về chiều xác xơ, heo hút, gió từ đồng thổi vào ngăn ngắt. 

- Bên cạnh không gian xóm ngụ cư tồi tàn là không gian phố huyện nơi Tràng và thị gặp nhau: “Hai bên dãy phố úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa”. Đây là nơi hàng ngày Tràng đẩy xe thóc lên phố huyện còn thị cùng bao người khác ngồi chờ đợi, hi vọng ai đó thuê làm việc kiếm tiền sinh nhai. Ở không gian phố huyện này, còn có một không gian nhỏ hơn đó là không gian quán bánh đúc – nơi gợi lên cái ngặt nghèo của nạn đói năm ấy với hình ảnh thị quên cả sĩ diện mà sẵn sàng vào quán cùng Tràng rồi ăn “một chặp” 4 bát bánh đúc. Đây cũng chính là không gian cuộc giao kèo giữa Tràng và thị trở nên có hiệu lực: thị chính thức ngầm đồng ý theo không về làm vợ Tràng.

4.2. Thời gian

Thời gian trong tác phẩm Vợ nhặt là thời gian của quá khứ - hiện tại tương lai theo trình tự tuyến tính:

- Quá khứ: đẩy xe gạo lên tỉnh, mỗi lần qua nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đấy, hắn thường hò một câu cho đỡ nhọc, cũng chẳng chủ tâm chòng ghẹo cô nào, hắn quen Thị. Đến lần thứ hai, hắn đãi thị ăn bốn bát bánh đúc, lại tình cờ “nhặt” được thị về.

- Hiện tại: đưa nhau về nhà giữa cái cảnh cái đói tràn vào khắp nơi giống như bóng tối cuối ngày chuẩn bị che lấp khắp bầu trời, chẳng biết có thấy ánh sáng của ngày mai.

- Tương lai: đói khổ, khó khăn và hình ảnh lá cờ khởi nghĩa mang hi vọng cho người nông dân nghèo. “Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo kéo nhau ầm ầm đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”, “nghe láng máng người ta nói họ là Việt Minh đấy”. Ánh sáng của cách mạng mặc dù chưa rõ ràng nhưng đã bắt đầu xuất hiện, đem đến viễn cảnh mới cho những con người may mắn còn sống sót qua cơn đói và đang đối mặt với cái chết từng ngày.

4.3. Điểm nhìn trần thuật

- Điểm nhìn của người kể chuyện: cái nhìn khách quan, toàn tri. Viết Vợ nhặt, Kim Lân đã lựa chọn hình thức kể chuyện truyền thống – kể theo ngôi thứ ba. 

- Sự độc đáo trong điểm nhìn trần thuật của Vợ nhặt trước hết tạo nên bởi điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện. Điểm nhìn bên ngoài đã tạo ra tính khách quan tối đa cho trần thuật. Các sự kiện diễn ra tự nhiên như cuộc đời vốn thế, nó giúp nhà văn bao quát nhiều phương diện và góc độ của hiện thực cuộc sống. 

- Một điểm thú vị trong Vợ nhặt là sự di chuyển điểm nhìn trong tác phẩm: Từ người kể chuyện vào nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong. Điểm nhìn người kể chuyện đã hòa trộn vào điểm nhìn nhân vật, dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong để dễ dàng phát hiện ra những tâm tư ẩn kín trong tâm hồn nhân vật.

⇒ Sự dịch chuyển điểm nhìn như vậy giúp cho câu chuyện bớt đi phần phiến diện và có được cả chiều sâu tâm lý lẫn sự thông báo diễn biến bên ngoài cốt truyện. Vợ nhặt đánh dấu sự trưởng thành của nhà văn trong việc phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật ở góc độ điểm nhìn. Điều đó cũng góp phần làm cho tư tưởng, chủ đề tác phẩm sinh động, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc.

⇒ Với cách tổ chức điểm nhìn của người trần thuật như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ được tài năng của mình trong việc kể chuyện, dẫn chuyện, và đặc biệt là khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất của nó.

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

a. Giá trị hiện thực:

- Bề mặt: bức tranh hiện thực của làng quê khi việc nhặt vợ của Tràng diễn ra chính trong nạn đói 1945, qua đó mà bộc lộ những nét sâu đậm nhất của tư tưởng nhân đạo. 

- Bề sâu: khi sự đói khát khiến giá trị của con người trở nên rẻ rúng, những điều đẹp đẽ thiêng liêng của cuộc sống trở nên bi hài, chua chát đến tội nghiệp.

  • Sự đói khát đã khiến cho hình hài, bộ dạng con người tiều tụy, thê thảm. Trẻ con xóm ngụ cư ủ rũ như những ông già; người lớn mặt u tối, hốc hác; người vợ nhặt mặc bộ quần áo rách tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ con hai con mắt.
  • Sự đói khát đã hủy hoại cả nhân cách con người. Điều này thể hiện chua xót nhất trong nhân vật người vợ nhặt. Một người đàn bà phải vứt bỏ những ý tứ, những phép tác xã giao, những sĩ diện, xấu hổ, bẩu xíu vào một câu hò đùa để kiếm miếng ăn thật; phải gạt phăng những miếng trầu xã giao lễ nghĩa để chọn bốn bát bánh đúc mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng; phải vứt bỏ cả lễ giáo và sự thận trọng, bám vào một câu đùa tầm phơ tầm phào để theo không một người đàn ông xa lạ, mong tìm chốn nương thân, hi vọng chạy trốn cái đói.

⇒ Miếng ăn ngày đói đã trở thành sự khởi đầu và đích đến của một mối quan hệ thiêng liêng, trở thành yếu tố chi phối khốc liệt với nhân cách con người. Sự đói khát khiến cuộc sống trở nên đau đớn, kì quái, con người không được sống cho ra con người.

b. Giá trị nhân đạo

- Khẳng định, ngợi ca, trân trọng và thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của những con người biết vượt lên trên cái đói, cái thảm đạm để sống, để yêu thương, để vui và hi vọng.

2. Giá trị nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo.

- Cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn:

- Dựng cảnh chân thật, sinh động, đặc sắc: cảnh chết đói, cảnh bữa cơm ngày đói,…

- Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, bộc lộ tự nhiên, chân thật.

- Ngôn ngữ nông thôn mộc mạc, giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng được chọn lọc kĩ, tạo nên sức gợi.

IV. Tư liệu liên hệ, mở rộng

* Chia sẻ của nhà văn Kim Lân *

1. Trong sự rẻ rúng của gia đình, nhiều bạn bè đồng học vẫn đi, đèn sách nhởn nhơ, tôi buồn bực vô cùng. Đúng ra là tự ái. Tự nhiên tôi nhìn xung quanh thấy nhiều sự nhăng nhít, vô lý và nhất là lòng ham viết, thích viết của tôi lại càng nung nấu.

2. Điều quan trọng là văn chương phải thật, phải giản dị. Văn của tôi đã nói được tiếng nói và sự suy nghĩ của tôi.

3. Tôi quan niệm: truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng là nhân vật. Nhân vật phải có tính cách và phải hành động theo tính cách nhân vật một cách tự nhiên, không giả tạo sáo rỗng.

4. Viết văn trước tiên tôi viết cho mình, cho những mơ ước gửi gắm của chính mình. Sau nữa đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc.

5. Khi đói, con người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, vẫn khát khao hạnh phúc, vân hướng về ánh sáng, vân tin vào sự sống và vân hi vọng ở tương lai.

6. Tôi muốn phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong cái hoàn cảnh cùng đường ấy, nơi cuộc sống dường như không còn lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự sống, sự thương yêu nhau, không phải là sự giành giật nhau (...). Bối cảnh của truyện là khi cái đói hoành hành khắp nơi. Nhưng các nhân vật của truyện thì đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh.

7. Tôi nghĩ nhà văn cũng là một con người như mọi người, cũng đầy những khuyết tật những cá tính riêng nhưng khi đã là người viết văn, ngồi trước trang giấy trắng thì hình như lúc ấy mình sống, mình nghĩ đẹp hơn. Hình như mình vượt khỏi những thói tật hàng ngày của mình.

* Nhận định của các nhà nghiên cứu *

1. Đọc văn xuôi Kim Lân, ta bắt gặp cái thế giới của những người thường dân nghèo khổ vốn là hạng “hạ lưu” ở xã hội cũ: Những người nông dân miền xuôi mất nhà mất đất xiêu dạt lên miền ngược, táp vào một xóm chợ bên sông, một góc phố núi hay ven một đồn điền, một xóm trại, tiếp tục vật lộn với miếng sống sơ đẳng hàng ngày. Đã có lúc nhà văn gọi những nhân vật thân thuộc ấy của ngòi bút mình là “những đầu thừa đuôi thẹo ở khắp xó xỉnh cuộc sống”. Cách gọi giống như là sự tự mệnh danh đầy đau xót của chính các nhân vật ấy (…) Mạch kể chuyện của Kim Lân dường như bắt rất nhạy vào những cảnh thương tâm: cảnh bỏ nhà xiêu dạt vì công nợ, thuế khóa, cảnh ăn xin, cảnh chết đường chết chợ, cảnh bị áp bức, đọa đày,…

(Lại Nguyên Ân, Văn xuôi Kim Lân - Tạp chí văn học số 6)

2. Thế giới nghệ thuật của ông chỉ tập trung ở khung cảnh làng quê cùng với cuộc sống, thân phận người nông dân (…) Những con người của quê hương ông, thân thiết ruột thịt với ông, từ cuộc sống đói nghèo lam lũ trực tiếp bước vào tác phẩm, tự nó toát lên ý nghĩa hiện thực, mặc dù nhà văn chưa thật tự giác về điều đó.

(Từ điển tác giả tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường)

3. Sau cách mạng tháng tám, ngòi bút Kim Lân tập trung vào phương diện xã hội chính trị, của đời sống nông dân gắn liền với vận mệnh đất nước. Về đề tài này, Làng và Vợ nhặt xứng đáng được xem là những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

(Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn)

4. Năm mươi năm, một nửa thế kỷ cầm bút mà chỉ vẻn vẹn có chừng ngót chục truyện ngắn thì quả là ít ỏi. Nhưng cũng kỳ lạ thay, mỗi khi lần mở những trang văn ít ỏi ấy, ta lại cảm thấy không có một bước ngoặt, một chặng đường nào của con người Việt Nam trong nửa thế kỉ qua mà Kim Lân không đá động tới dẫu chỉ bằng sự chạm trổ hết sức khiêm tốn là: truyện ngắn.

(Vũ Dương Quỹ - Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông)

5. Kim Lân quan niệm viết văn như cách đòi cho mình một nhân phẩm, một chỗ đứng trong cuộc sống nhỏ bé quẩn quanh của quê hương.

(Trần Hữu Tá, Từ điển văn học - tập 1)

6. Văn Kim Lân không đao to, búa lớn, chữ chữ hàng hàng chân chất như củ khoai củ sắn, lời văn trong lối kể cũng không ồn ào cứ rỉ rả, rỉ rả mà lại thánh thót mới “tài” chứ - Kim Lân không ưa đánh bóng, mạ kền con chữ, hàng chữ. Ông có cái nhìn, cái óc nghĩ, cái lối diễn đạt của người xứ quê. Nó bình dị, chất phác pha chút hóm hỉnh nữa.

(Hoài Việt, Nhà văn trong nhà trường)

7. Kim Lân chọn bối cảnh ấy (nạn đói 1945) cho truyện Vợ nhặt không nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng là những dòng rất hiểm trong văn chương từ đó đến nay. Cái nghèo ở Ngô Tất Tố, cái đói ở Nam Cao khiến ta thương cảm muốn rơi nước mắt. Cái đói và cái chết ở Kim Lân, khiến ta khiếp sợ, rụng rời.

(Trần Đồng Minh, Tiếng nói tri âm)

8. Vợ nhặt dường như đã mang nét mới của thời đại, vượt lên trên chủ nghĩa nhân văn trong dòng văn học hiện thực trƣớc Cách mạng tháng Tám 1945.

(Vũ Dương Quỹ, Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông)

9. Phần tâm huyết sâu sắc nhất của tác giả Vợ Nhặt chắc hẳn đã không được dồn cho việc làm hiển hiện những nét thấp kém của con người bộc lộ qua nhân hình và nhân cách. Ngược lại, với việc đặt nhân vật vào khoảng sống mờ tối, lắt lay, nhà văn đã tìm được một cơ hội vô song để biểu hiện sự bất diệt của nỗi khát thèm được sống, được yêu thương và hy vọng.

(Đỗ Kim Hồi)

  • 21 lượt xem
Sắp xếp theo