Yêu cầu cần đạt và Tri thức Ngữ văn

I. Yêu cầu cần đạt

1. Kiến thức

- Phân tích được nội dung và ý nghĩa của văn bản, mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, quan hệ giữa chúng với luận đề; nhận biết và giải thích được sự phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề văn bản.

- Nhận biết và phân tích được mục đích, thái độ và tình cảm của người viết; vai trò của các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm trong văn bản nghị luận.

- Liên hệ được nội dung văn bản với một tư tưởng, quan niệm, xu thế (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học) của giai đoạn mà văn bản ra đời để hiểu sâu hơn.

- Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói để có hướng vận dụng phù hợp, hiệu quả.

2. Kĩ năng

- Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội (Con người và cuộc sống xung quanh): trình bày rõ quan điểm và hệ thống luận điểm; cấu trúc văn bản chặt chẽ, mở đầu và kết thúc gây ấn tượng, lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

- Biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội (kết cấu bài có ba phần; có nêu và phân tích, đánh giá các ý kiến trái ngược; có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ.

3. Phẩm chất

- Có thái độ trung thực;

- Có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.

II. Tri thức Ngữ văn

1. Văn bản nghị luận

- Là văn bản chủ yếu để thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề.

→ Văn bản nghị luận nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về một vấn đề.

→ Nghị luận là bàn bạc, tranh luận; là nói lý lẽ, thuyết phục người đọc, người nghe bằng lập luận, logic chặt chẽ.

- Ví dụ: Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi); Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh); Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung),...

2. Cấu trúc của văn bản nghị luận:

- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố, những yếu tố cơ bản bao gồm: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng,...

- Trong đó:

+ Luận đề:

  • Là vấn đề bao trùm, được đem ra để bàn luận, bảo vệ, chứng minh hay bác bỏ trong toàn bộ bài viết;
  • Có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm;

+ Luận điểm:

  • Là hệ thống những ý kiến, quan điểm chính mà người viết nêu ra ở trong bài.
  • Luận điểm được coi là linh hồn của bài văn nghị luận → tư tưởng, quan điểm, đánh giá của người viết được thể hiện sáng rõ, mạch lạc dưới hình thức những câu văn có tính chất khẳng định hay phủ định.

+ Lí lẽ: là những lời diễn giải có lí mà người viết/nói đưa ra để khẳng định ý kiến của mình.

+ Bằng chứng: là những ví dụ được lấy từ đời sống hoặc từ các nguồn khác để chứng minh cho lí lẽ.

→ Các luận điểm với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề.

→ Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.

3. Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận

- Các yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận như: thuyết minh, tự sự, miêu tả, biểu cảm,...

  • Thuyết minh: Có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó → làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.
  • Miêu tả: Tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan.
  • Tự sự: Kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.
  • Biểu cảm: Bộc lộ cảm xúc, tình cảm, làm cho văn bản thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.

4. Ví dụ

“Ấm ức” cho môn Sử

Từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mua cho nhiều sách lịch sử. Những cuốn như "Trăng nước Chương Dương", "Nghìn xưa văn hiến"… đến giờ tôi vẫn nhớ nội dung.

Tôi yêu lịch sử và thích môn học này suốt thời đi học.

Khi theo dõi sát cuộc tranh luận liên quan đến việc nên quy định Lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộc ở bậc THPT, tôi không thấy có vấn đề gì lắm khi để Lịch sử thuộc nhóm "môn tự chọn".

Một số người "ấm ức" cho môn Sử khi nó không được xếp ngang hàng về độ quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhưng tôi nghĩ điều này là hợp lý. Chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) trang bị tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông. Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản. Toàn bộ kiến thức cốt lõi, sự phát triển từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại (gọi là thông sử) của thế giới và Việt Nam được dạy trong giai đoạn này. Như vậy, môn lịch sử trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở đã được thiết kế đầy đủ. Học sinh nào, như tôi ngày xưa, yêu thích Sử, vẫn có thể học tiếp ở cấp ba và đại học.

Hiểu về lịch sử, cũng như Địa lý, Hóa học hay Sinh học, tôi nghĩ chỉ cần kiến thức căn bản. Kiến thức chuyên sâu về lịch sử, cũng như các ngành khoa học khác, chỉ nên dành cho một nhóm - những người cần hoặc yêu thích. Đừng bắt một nhà toán học tương lai phải thuộc làu làu sự kiện lịch sử như thời chúng tôi, vừa tốn kém nguồn lực, vừa phi thực tế.

Nếu lo ngại học sinh không chọn (học sâu thêm) môn Sử sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước, thì không có cách nào khác ngoài khơi gợi niềm đam mê với môn học này. Lịch sử phải được trả về đúng thực chất, là môn học hấp dẫn, chứ không phải môn học đặc thù theo định hướng. Muốn làm được như vậy, cần nỗ lực cải thiện phương pháp giảng dạy cũng như công cụ học tập.

Về phương pháp, nên dẫn dắt câu chuyện để học sinh tự hiểu vấn đề và thúc đẩy tìm hiểu thêm, thay vì bắt ép học thuộc chi tiết. Về công cụ học tập, nếu như trước đây, học Sử chủ yếu là đọc sách thì từ nay nên có thêm nhiều công cụ khác. Tôi thấy các video về lịch sử trên YouTube rất hấp dẫn, nên chăng có thể sản xuất, chiếu các video này trong giờ Sử, vừa trực quan sinh động, vừa lôi cuốn học sinh. Ví dụ nói về ngày 30/4, một đoạn vài phút trong đó có hình ảnh biểu tượng là chiếc xe tăng húc vào cổng Dinh Độc Lập cũng ấn tượng hơn rất nhiều so với vài trang sách dày đặc chữ viết.

Tới đây trong nền kinh tế tri thức và ở một cấp độ phát triển cao hơn của xã hội, nhu cầu thực tế của đời sống sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học lịch sử. Con người sẽ mong muốn tìm hiểu về nguồn gốc của chính mình, nguồn gốc của gia đình, dòng họ, làng mạc, doanh nghiệp... Trong từng lĩnh vực đời sống cũng cần tìm hiểu về lịch sử. Hiện nay chúng ta biết khá nhiều về lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, từng trận đánh, từng nhân vật nhưng lịch sử kinh tế, tài chính hay lịch sử các ngành vẫn còn rất nhiều dư địa để nghiên cứu, khảo cứu...

Ngành sử đang không được coi trọng đúng mức, nhưng tôi có niềm tin rằng trong tương lai, khoa học lịch sử sẽ có chỗ đứng vững chắc, nếu chúng ta có sự thay đổi căn bản về phương pháp dạy và học bộ môn rất quan trọng này.

(Nhà báo Hoàng Anh Minh - VnExpress, ngày 26/5/2022)

* Phân tích cấu trúc và yếu tố bổ trợ của văn bản nghị luận trên:

1) Cấu trúc:

- Luận đề: Sự “ấm ức” cho môn lịch sử khi được xếp vào môn học tự chọn - không được xếp ngang hàng về độ quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ.

- Luận điểm:

  • Luận điểm 1: Sự hợp lý của việc xếp Lịch sử vào môn học tự chọn. (Một số người "ấm ức" cho môn Sử khi nó không được xếp ngang hàng về độ quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhưng tôi nghĩ điều này là hợp lý.)
  • Luận điểm 2: Quan điểm về dạy học bộ môn Lịch sử (Hiểu về lịch sử, cũng như Địa lý, Hóa học hay Sinh học, tôi nghĩ chỉ cần kiến thức căn bản.)
  • Luận điểm 3: Phương pháp để dạy học hiệu quả môn Lịch sử. (Nếu lo ngại học sinh không chọn (học sâu thêm) môn Sử sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước, thì không có cách nào khác ngoài khơi gợi niềm đam mê với môn học này.)
  • Luận điểm 4: Khẳng định tầm quan trọng và niềm tin vào sự phát triển của bộ môn Lịch sử. (Tới đây trong nền kinh tế tri thức và ở một cấp độ phát triển cao hơn của xã hội, nhu cầu thực tế của đời sống sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học lịch sử.)

- Lí lẽ:

  • Kiến thức chuyên sâu về lịch sử, cũng như các ngành khoa học khác, chỉ nên dành cho một nhóm - những người cần hoặc yêu thích.
  • Đừng bắt một nhà toán học tương lai phải thuộc làu làu sự kiện lịch sử như thời chúng tôi, vừa tốn kém nguồn lực, vừa phi thực tế.
  • Lịch sử phải được trả về đúng thực chất, là môn học hấp dẫn, chứ không phải môn học đặc thù theo định hướng.
  • ….

- Bằng chứng:

  • Chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) trang bị tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
  • Tôi thấy các video về lịch sử trên YouTube rất hấp dẫn, nên chăng có thể sản xuất, chiếu các video này trong giờ Sử, vừa trực quan sinh động, vừa lôi cuốn học sinh. Ví dụ nói về ngày 30/4, một đoạn vài phút trong đó có hình ảnh biểu tượng là chiếc xe tăng húc vào cổng Dinh Độc Lập cũng ấn tượng hơn rất nhiều so với vài trang sách dày đặc chữ viết.

2) Các yếu tố bổ trợ:

- Tự sự: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mua cho nhiều sách lịch sử. Những cuốn như "Trăng nước Chương Dương", "Nghìn xưa văn hiến"… đến giờ tôi vẫn nhớ nội dung.

- Biểu cảm:

  • Tôi yêu lịch sử…
  • Tôi thấy các video về lịch sử trên YouTube rất hấp dẫn…
  • tôi có niềm tin rằng trong tương lai…

- Thuyết minh: Tôi thấy các video về lịch sử trên YouTube rất hấp dẫn, nên chăng có thể sản xuất, chiếu các video này trong giờ Sử, vừa trực quan sinh động, vừa lôi cuốn học sinh. Ví dụ nói về ngày 30/4, một đoạn vài phút trong đó có hình ảnh biểu tượng là chiếc xe tăng húc vào cổng Dinh Độc Lập cũng ấn tượng hơn rất nhiều so với vài trang sách dày đặc chữ viết.

  • 14 lượt xem
Sắp xếp theo