Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật (Âm nhạc)

I. Dàn ý chung

Mở đầu
  • Nêu tên tác phẩm được giới thiệu và lí do chọn giới thiệu tác phẩm đó.
Triển khai
  • Miêu tả đặc điểm của tác phẩm (thể loại, tính chất, quy mô, dung lượng,...) và nêu nhận xét, đánh giá về tác phẩm theo các góc độ tiếp cận khác nhau.

Kết luận

  • Khẳng định giá trị chung và ý nghĩa của tác phẩm.

II. Bài mẫu

Mẫu số 1: Ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” (Ca sĩ Hoàng Thùy Linh)

Trong những năm gần đây, việc đưa chất liệu văn học vào các sản phẩm âm nhạc dần trở thành xu hướng, được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Chất liệu văn học, dân gian trong các sản phẩm âm nhạc được xem như yếu tố tạo sức hấp dẫn, dễ khắc sâu vào tiềm thức của khán giả. Qua các MV được đầu tư kỹ lưỡng, những nhân vật quen thuộc trong sách vở như được sống lại bởi những ca từ, giai điệu mới mẻ. Một trong số những ca sĩ tiên phong, có những sản phẩm nổi bật phải kể đến Hoàng Thùy Linh với MV ca nhạc Để Mị nói cho mà nghe.

Sức hấp dẫn của MV ca nhạc này là hoàn toàn thuyết phục, không thể phủ nhận. Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Làn sóng xanh, Hoàng Thùy Linh với “Để Mị nói cho mà nghe” đã chiến thắng tất cả các hạng mục được đề cử. Theo đó, e-kip này đã giành chiến thắng ở các hạng mục gồm: Ca khúc của năm, Bài hát hiện tượng, Hòa âm phối khí, MV của năm, Nữ ca sĩ của năm, Sự kết hợp xuất sắc và Ca sĩ đột phá . Ngoài ra, Để Mị nói cho mà nghe còn đoạt thêm giải Top 10 ca khúc được yêu thích nhất do thính giả bình chọn. Có nghĩa là tổng số giải thưởng mà MV ca khúc này đạt được lên đến con số 8.

“Để Mị nói cho mà nghe” lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Hình ảnh cô Mị với tất cả những đau thương, bi kịch của cuộc sống làm dâu gạt nợ nơi “địa ngục trần gian” nhà thống lý Pá Tra dường như đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Song, Hoàng Thùy Linh và đội ngũ sản xuất của mình đã không sao chép y nguyên tác phẩm mà đem đến những cách thể hiện, góc nhìn mới mẻ.

Trong MV, Hoàng Thùy Linh đã hóa thân thành Mị. Khác với Mị trong văn học là một người phụ nữ cam chịu, bị giày vò về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí cô còn nghĩ sẽ ăn lá ngón tự tử, Mị của Hoàng Thùy Linh lại vô cùng yêu đời, mạnh mẽ, tự do và không bị trói buộc bởi những luật lệ hà khắc. MV còn đưa người xem đến những tác phẩm quen thuộc, gắn liền với ký ức của bao thế hệ học sinh như Vợ nhặt (Kim Lân), Chí Phèo (Nam Cao), Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), hay Số đỏ (Vũ Trọng Phụng). Không chỉ đơn thuần là cắt ghép các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm kinh điển đưa vào sản phẩm âm nhạc, thông qua đó, Hoàng Thùy Linh đã thể hiện một góc nhìn khác, đầy nhân văn, đồng thời cũng vạch ra một kịch bản tươi sáng hơn cho cuộc đời của những nhân vật trên. Việc chọn dàn nhân vật trên luôn đảm bảo kích thích trí tò mò và sự quan tâm của đông đảo khán giả vì ai cũng muốn biết được những phận người tưởng như đã quá thân quen ấy, khi xuất hiện trên một sản phẩm âm nhạc sẽ được biến hóa như thế nào. Đó chính là sự sáng tạo, khéo léo của e-kip Hoàng Thùy Linh. Ngoài ra, việc "đập vỡ" những khuôn mẫu bấy lâu khán giả luôn dành cho những nhân vật, tác phẩm trên cũng là một điều khiến đông đảo khán giả thích thú.

Về phần âm nhạc, giai điệu của ca khúc Để Mị nói cho mà nghe cực kì lạ tai nhưng cũng không kém phần thu hút với sự kết hợp giữa Pop, dân gian, EDM, rap được tính toán sao cho pha trộn hài hòa nhất. Sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc vùng núi Tây Bắc cùng câu hát “Để Mị nói cho mà nghe” bỗng nhiên trở nên rất mực hòa hợp. Với nhịp điệu sôi động, bài hát mang đến cho người nghe một góc nhìn hài hước, lạc quan, tươi mới đối với hình ảnh nhân vật Mị.

Với lời bài hát: “Này là mình đi theo giấc mơ sớm mai gọi mời, nơi vòng tay ấm êm chẳng rời” và hình ảnh Mị tự cởi trói cho mình, khoác lên bộ váy mới trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”, nhân vật Mị trong bài hát dường như đã vùng lên và thoát khỏi bóng tối u ám đang vây quanh cuộc đời cô do đám nhà thống lý, A Sử gây nên. Phần hình ảnh của chiếc MV “Để Mị nói cho mà nghe” đã được xây dựng theo đúng “gu” của giới trẻ: chất “parody” làm cho cái quen thành lạ, cái lạ thành quen, tự do, vui vẻ và bám kịp những “hot trend”.

Lời bài hát phản ánh đúng tinh thần “sống trọn từng khoảnh khắc”: “Mị còn trẻ Mị muốn đi chơi”, “Thanh xuân sao lại phải nghỉ ngơi”, “Đời mình đâu có mấy vui cớ sao lại buồn. Biết ngày mai trắng đen hay tròn vuông”. Đó thông điệp gửi tới cả người nghe hôm nay lẫn những nhân vật trong dòng văn học hiện thực phê phán xưa kia. Ở trong tác phẩm nguyên bản, Mị bị giam lỏng trong một căn buồng bé tẹo, chỉ có một ô vuông bằng bàn tay thông ra ngoài, những gì Mị trông thấy chỉ là một màu trăng trắng, không rõ là sương hay nắng. Cô gái Mị trong bài hát muốn khích lệ Mị trong tác phẩm rằng nếu không vùng lên, không đối diện với chính những điều mà lũ cường bạo đang gây ra thì Mị sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tự do, và được sống với khát vọng của chính bản thân mình.

Lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học và chất liệu văn hóa dân gian, Hoàng Thùy Linh cũng đội ngũ sản xuất MV của mình đã sáng tạo, nỗ lực không ngừng nghỉ, đem đến cho nền âm nhạc Việt Nam một màu sắc mới lại, đậm dấu ấn cá nhân và giàu ý nghĩa, giá trị nhân văn. Xét về lời bài hát và khả năng thể hiện của ca sĩ, giới chuyên môn chưa có những đánh giá cao, song về mức độ đầu tư, giá trị và thông điệp của MV là điều không thể bàn cãi. Dù việc thưởng thức, cảm nhận tùy thuộc nhiều vào “gu” của mỗi người, song việc ủng hộ cho những sản phẩm như vậy là điều rất nên làm.

  • 2.438 lượt xem
Sắp xếp theo