Thực hành đọc hiểu: Anh hùng tiếng đã gọi rằng (Trích Truyện Kiều)

1. Chuẩn bị

- Thúy Kiều gặp Từ Hải khi ở lầu xanh lần thứ hai và nàng được người anh hùng có chí khí, tài năng hơn người cứu giúp thoát khỏi cuộc sống lầu xanh. Khi đã lập nên sự nghiệp “hùng cứ một phương”, Từ Hải giúp Kiều đền ơn, trả oán.

- Đoạn trích tiếp ngay sau cuộc đền ơn báo oán của Kiều, từ câu 2419 đến câu 2450.

2. Đọc hiểu

Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Chú ý cách xưng hô của Thúy Kiều khi đối thoại với Từ Hải

Cách xưng hô ở vị thế thấp hơn (Thúy Kiều đang là người mang ơn Từ Hải), có phần tự ti.

Câu 2: Lời của Từ Hải nói với Thúy Kiều cho thấy Từ Hải là một người như thế nào?

Từ Hải là người: tài giỏi, quốc sĩ vô song, chí tình chí nghĩa, tấm lòng nhân hậu, tinh tế, hiểu được tâm tư, tình cảm của Thúy Kiều; là người hào hiệp, ân oán rõ ràng; rất coi trọng Thúy Kiều, coi nàng như tri kỉ.

Câu 3: Chú ý hành động và kì tích của Từ Hải.

- Hành động và kì tích của Từ Hải: “rạch đôi sơn hà”, “gió quét mưa sa”, “đạp đổ năm tòa cõi Nam”,” sấm ran trong ngoài”, “nghênh ngang một cõi biên thùy”,...

Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1: Đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng có thể chia làm mấy phần? Nêu ý chính của mỗi phần.

- Phần 1 (từ đầu đến …là tam cam lòng): Cuộc trò chuyện giữa Từ Hải và Thúy Kiều.

- Phần 2 (phần còn lại): Vẻ đẹp anh hùng, “quốc sĩ vô song” của Từ Hải.

Câu 2: Có gì đáng lưu ý trong cách xưng hô của Thúy Kiều khi nói về mình và khi nói về Từ Hải? Cách xưng hô đó giúp em hiểu gì về Thúy Kiều? Qua cuộc đối thoại giữa hai nhân vật, em thấy Từ Hải là một người như thế nào?

- Cách xưng hô của Thúy Kiều:

  • Khi nói về mình: nhỏ nhẹ, có phần tự ti, tự nhận mình hèn mọn.
  • Khi nói về Từ Hải: tôn vinh chàng, xem như người bề trên, như “sấm sét” nàng đã “trộm nhờ” ra tay.

- Thúy Kiều: là người trọng tình nghĩa, biết ơn người đã cưu mang, giúp đỡ mình; đồng thời thấy được Kiều cũng là một con người bình thường với những cung bậc cảm xúc đời thường (trước đây trong lòng nặng nề, sau khi đền ơn báo oán thấy lòng nhẹ nhàng, dễ chịu);

- Từ Hải: là người anh hùng lí tưởng, nghĩa hiệp, giúp đỡ Thúy Kiều không tính toán, xem đó như việc nhà, việc chung; đó là người có nhân cách cao đẹp.

Câu 3: Phân tích hình tượng nhân vật Từ Hải qua đoạn trích (về lí tưởng, lời nói, hành động, kì tích).

- Lí tưởng:

  • Ân - oán rõ ràng: việc giúp Thúy Kiều báo ân, báo oán là việc làm đầy nghĩa khí mà anh hùng xưa nay vẫn luôn coi trọng. Với Từ Hải, “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” → không thể bỏ qua mọi bất bình, tội ác trong cuộc đời.
  • Tự lập triều đình, không chung trời đất với vua Minh: “Triều đình riêng một góc trời - Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.”

- Lời nói:

  • Tự nhận mình là “quốc sĩ” (kẻ sĩ có tiếng ở trong nước), gọi mình là “anh hùng”;
  • Lời nói thể hiện chí khí người anh hùng: khẳng định không thể bỏ qua những chuyện bất bình;

- Hành động:

  • “Thừa cơ trúc chẻ mái tan”: Nhân cơ hội đang thắng thế, thế quân đang mạnh, đánh đâu thắng đó.
  • “Đòi cơn gió quét mưa sa… cõi Nam”: Đánh ào đi, chiến thắng dễ dàng như gió quét bụi cát, chiếm được 5 huyện phía Nam .
  • “Phong trần mài một lưỡi gươm… sá gì!”: Gặp cảnh đời nhiễu nhương, Từ Hải mài một lưỡi gươm, dùng võ lực tạo nên sự nghiệp.

- Kì tích

  • “trúc chẻ mái tan”, “sấm ran trong ngoài”: đánh đâu thắng đó, đối phương tan vỡ như ngói tan xuống đất → chưa đánh mà tự vỡ.
  • “Triều đình riêng một góc trời… sơn hà”: Dựng lên một triều đình riêng, không chung trời đất với vua Minh - đối địch, ngang hàng; có tổ chức quy củ “gồm hai văn võ”;
  • “Nghênh ngang một cõi biên thùy”: nơi tận cùng địa giới, thuộc quyền thống trị của Từ Hải, ngang nhiên thách thức triều đình vua Minh.

Câu 4: Đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng thể hiện chủ đề gì và có vị trí như thế nào trong tác phẩm Truyện Kiều?

- Đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng ca ngợi lí tưởng anh hùng thông qua nhân vật Từ Hải – một con người chí tình chí nghĩa, sống và chiến đấu vì lí tưởng và khát vọng tự do, lẽ công bằng.

- Vị trí: là một sáng tạo của Nguyễn Du so với Kim Vân Kiều truyện; góp phần thể hiện tư tưởng, khát vọng của tác giả.

Câu 5: So sánh nghệ thuật miêu tả nhân vật ở các đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng và Trao duyên.

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật ở đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng: sử dụng các từ Hán Việt để góp phần miêu tả cốt cách phi thường của nhân vật Từ Hải đã khắc họa thành công một hình tượng con người mang tầm vóc vũ trụ kì vĩ.

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật ở đoạn trích Trao duyên: sử dụng những từ ngữ chọn lọc, tinh tế, ngôn ngữ kể, độc thoại nội tâm nhân vật có sức thuyết phục cao đã xây dựng thành công diễn biến tâm lí phức tạp, giằng xé, đau khổ của Kiều.

  • 1.133 lượt xem
Sắp xếp theo