Sóng (Xuân Quỳnh)

I. Chuẩn bị

Yêu cầu: Tìm hiểu thêm thông tin về nhà thơ Xuân Quỳnh.

- Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 06-10-1942 (thực ra là ngày mồng một Tết như lời chị gái Đông Mai) tại quê nội làng La Khê, Hoài Đức, Hà Tây (Thanh Oai - Hà Sơn Bình?). Quê ngoại là làng La Tinh, cách quê nội mấy cánh đồng và làng La Cả.

- Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bà là nữ thi sĩ viết về tình yêu hay nhất sau Cách mạng tháng Tám nói riêng, thơ ca Việt Nam nói chung.

- Dọc theo chiều dài lịch sử văn học Việt Nam, ngoài Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh được xem là nữ sĩ có những đóng góp tích cực, táo bạo, hồn nhiên, sâu sắc,... với những trăn trở với đời, với người.

- Dù viết về tình yêu lứa đôi, thế giới trẻ thơ hay những quan hệ nhân sinh muôn màu muôn vẻ, thơ Xuân Quỳnh vẫn luôn nổi bật vẻ đẹp nữ tính, hồn nhiên, tươi tắn mà chân thành, đằm thắm. Hồn thơ bà bay lên với những khát vọng da diết, cao đẹp về hạnh phúc đời thường.

II. Đọc hiểu

Các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Chú ý các trạng thái ngược của sóng và nguyên nhân sóng từ sông ra bể.

- Các trạng thái trái ngược của sóng:

  • “dữ dội” - “dịu êm”
  • “ồn ào” - “lặng lẽ”

- Nguyên nhân sóng từ sông ra bể: vì “sông không hiểu nổi mình”

  • “Sông” là không gian bé nhỏ, chật hẹp, tù túng;
  • “Bể” là không gian rộng lớn, mênh mông, khoáng đạt.

→ Sóng muốn tìm đến không gian bao la, khoảng đạt.

→ Khát vọng mãnh liệt, chủ động tìm kiếm để được hòa nhập với biển rộng bao la.

Câu 2: Hình tượng “sóng” gợi lên những suy nghĩ gì về tình yêu?

- Cũng như sóng, trái tim vốn rất nhạy cảm của người con gái luôn bao hàm những trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn, phức tạp, thất thường với những vui buồn, giận hờn, nhớ nhung.

- Tình yêu có lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, đằm thắm, ngọt ngào, cũng có lúc sôi nổi, mãnh liệt và say đắm.

⇒ Trạng thái của tình yêu cũng phức tạp, đa chiều, đa diện như sóng biển.

Câu 3: Tác dụng của biện pháp tu từ điệp (điệp từ ngữ và điệp cú pháp) trong bài thơ là gì?

- Nhấn mạnh nỗi nhớ, sự thao thức, mong chờ, lo lắng khôn nguôi của sóng - cũng chính là em.

- Khẳng định bản lĩnh kiên cường, sự thủy chung, son sắt một lòng của người phụ nữ trong tình yêu.

- Tạo sự liên kết giữa các dòng thơ.

- Giúp đoạn thơ giàu nhịp điệu, dễ nghe, dễ thuộc.

Câu 4: Chú ý khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu.

- Hai tiếng “làm sao” gợi lên một niềm mong ước cháy bỏng tâm hồn “em”, thật ra da diết và thành thực.

- “Tan ra” là hy sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” giữa “biển lớn tình yêu”. Đó là niềm ước mong của người phụ nữ được sống trong hạnh phúc bền vững, trường tồn đến cả ngàn năm.

Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1: Em có nhận xét gì về nhịp điệu, âm điệu của bài thơ? Nhịp điệu, âm điệu đó được gợi lên từ những yếu tố nào?

- Âm điệu nhịp nhàng, đằm thắm, dào dạt. Đó là nhịp sóng của của biển cả hòa hợp với nhịp sóng lòng của nữ sĩ trong một tình yêu không bao giờ yên định. Đó là âm điệu, nhịp điệu của muôn trùng con sóng trên biển cả và cũng là nhịp điệu, âm điệu của những đợt sóng trong lòng người với nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc.

- Âm điệu, nhịp điệu đó được tạo nên bởi hai yếu tố chính: thể thơ năm chữ và phương thức tổ chức ngôn từ, hình ảnh.

  • Thể thơ năm chữ cùng với sự linh hoạt, phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm đã gợi lên đầy ấn tượng nhịp sóng biển, nhịp sóng lòng: khi dịu êm, nhịp nhàng, khi dữ dội, trào dâng,...
  • Những câu thơ có vần nhưng liền mạch, các khổ thơ được gắn kết bằng vần nối từ chữ cuối cùng của khổ thơ trên xuống chữ cuối câu thơ đầu của khổ thơ tiếp đó.

Câu 2: Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “sóng”, được gợi tả với những biểu hiện khác nhau. Hãy chỉ ra những biểu hiện đó.

(1) Sự đối lập của sóng:

  • Sóng được biểu hiện ở những trạng thái đối ngược nhau, đó là điều thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi.
  • Lúc biển động, phong ba, sóng "ồn ào", "dữ dội", khi trời yên biển lặng, sóng "lặng lẽ", "dịu êm".
  • Trạng thái của sóng: "Sóng" được đặt giữa "ngày xưa" và "ngày sau"; nghệ thuật đối lập cùng cụm từ "vẫn thế"

⇒ Sóng vẫn thế, luôn ở trạng thái vốn có của nó. Đó là quy luật vĩnh cửu của tự nhiên. Bởi trong thực tế, biển là một thế giới vô biên với vô vàn những con sóng vĩnh viễn xao động.

(2) Nguồn gốc của sóng:

  • Giữa đại dương mênh mông ấy, “sóng bắt đầu từ gió”, nhưng “gió bắt đầu từ đâu” là câu hỏi không hề dễ dàng để trả lời.
  • Nỗi nhớ của sóng: Dù ở không gian nào: “dưới lòng sâu” âm thầm hay “trên mặt nước” dữ dội; dù ở thời gian nào “ngày” – “đêm”, sóng vẫn “nhớ bờ” để rồi bồn chồn không ngủ được.

⇒ Sóng là vậy, dù lặng yên dưới lòng biển hay dữ dội trên mặt đại dương thì ngàn đời vẫn khát khao tìm về bến bờ tĩnh tại.

(3) Sóng trên đại dương:

  • Đại dương có muôn ngàn con sóng, tất cả những con sóng ấy đều phải vượt muôn trùng hải lí, muôn vàn cách trở để vào được tới bờ.
  • Mọi con sóng biển đều phải chấp nhận một vòng đời, miệt mài thực hiện chuyến hành trình gian nan để vào bờ.

Câu 3: Giữa tâm trạng người phụ nữ đang yêu và những trạng thái của sóng có sự tương đồng. Hãy phân tích sự tương đồng đó và nhận xét về mối quan hệ giữa hình tượng “sóng” và hình tượng “em” trong bài thơ.

(1) Sự tương đồng giữa sóng và em:

- Trạng thái của tình yêu:

  • Cũng như sóng, trái tim vốn rất nhạy cảm của người con gái luôn bao hàm những trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn, phức tạp, thất thường với những vui buồn, giận hờn, nhớ nhung.
  • Tình yêu có lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, đằm thắm, ngọt ngào, cũng có lúc sôi nổi, mãnh liệt và say đắm.

⇒ Trạng thái của tình yêu cũng phức tạp, đa chiều, đa diện như sóng biển.

- Khát vọng tình yêu: Giống như những con sóng từ ngàn xưa cho đến "ngày sau" mãi cồn cào trong lòng biển, mãi trường tồn và vĩnh cửu với thời gian, nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người cũng là khát vọng đã có từ muôn đời của nhân loại.

- Nguồn gốc của tình yêu: “em” không biết gió có từ đâu, em cũng không biết những xao xuyến của đất trời có từ bao giờ, cũng như em không biết “khi nào ta yêu nhau”.

⇒ Đây cũng là một quy luật phổ biến trong tình yêu: trực cảm thường đến trước lý chí, tuy nhiên chính sự bí ẩn của trực cảm lại là yếu tố tạo nên nét quyến rủ của tình yêu, khi con người không thể lý giải nổi tình yêu của mình thì cũng là lúc họ đang sống thật với những xúc cảm vô tư, chân thành của tình yêu.

- Nỗi nhớ của em: Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức mà còn gắn liền với tiềm thức thời gian trong mơ. Em đã bày tỏ chân thành, cảm động về tình yêu của em dành cho anh. Nỗi nhớ trong em cũng như sóng biển cồn cào, da diết. Nỗi nhớ ấy chiếm lĩnh tâm trí em cả ngày lẫn đêm, ngay cả trong những giấc mơ.

- Ẩn dụ tình yêu: Con sóng luôn khao khát tới bờ cũng như em luôn khao khát về phía anh, tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, vừa mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, thuỷ chung.

⇒ Giá trị đích thực của sóng là tìm được đến bờ, giá trị đích thực của tình yêu là tìm được hạnh phúc.

(2) Nhận xét về mối quan hệ giữa hai hình tượng: "sóng" và "em" có sự song hành đặc sắc từ đầu đến cuối văn bản.

  • "Em" là cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu.
  • "Sóng" là hình tượng nghệ thuật được sáng tạo để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của mộtt trái tim phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu thương. "Sóng" cũng là một hình ảnh ẩn dụ.

⇒ Hai hình tượng ấy khi phân đôi để soi chiếu sự tương đồng, khi hoà nhập để âm vang, cộng hưởng. Trái tim đang yêu của người phụ nữ soi vào sóng để nhận ra mình, thông qua sóng để thể hiện những đam mê, rung động, khao khát. Hai hình tượng đan cài, quấn quýt, soi sáng cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc hơn khát vọng tình yêu dâng trào mãnh liệt trong lòng nữ sĩ.

⇒ Với hình tượng sóng, bài thơ làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương, mang tâm thế của một cá thể đối diện với cái vô biên, vĩnh hằng từ đó suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu. Cảm xúc thơ vì thế vừa sôi nổi, mãnh liệt, vừa có chiều sâu triết lí.

Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ trong bài thơ.

- Khổ 1: đối lập (các trạng thái của sóng) - bộc lộ tinh tế nỗi lòng người phụ nữ khi yêu.

- Điệp từ “em nghĩ”: thể hiện sự thao thức, lo lắng khôn nguôi.

- Điệp từ “dẫu” điệp lại ở đầu hai câu thơ lại khẳng định bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ, sự thủy chung, son sắt trong tình yêu.

- Câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?”; “Gió bắt đầu từ đâu?” → Nhấn mạnh mong muốn muốn tìm được cội nguồn, lí giải được tình yêu.

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng.

- Người phụ nữ có thể thất thường, có những biểu hiện phức tạp tới khó hiểu trong tình yêu, nhưng điều cuối cùng họ khao khát hướng tới vẫn là cảm giác bình yên.

- Nỗi nhớ, nỗi thao thức, dạt dào, da diết, cuồn cuộn như những đợt sóng vô hồi vô hạn, thường trực, cồn cào. Nỗi nhớ ấy đến từ tâm hồn đến tiềm thức, vô thức. Người phụ nữ đang yêu mà trong giấc mơ còn thức thì thức không chỉ là để “nhớ tới anh”, thức còn như để trông giữ tình yêu, để tình yêu không tuột khỏi tầm tay.

- Với tình yêu, không có phương Nam hay Bắc mọi không gian khách quan đều vô nghĩa trước không gian kỳ diệu của tình yêu, người phụ nữ son sắt, thủy chung chỉ duy nhất một hướng về phương anh. Giữa cuộc đời rộng lớn, giữa vũ trụ bao la, chỉ anh là bến bờ hạnh phúc duy nhất để em kiếm tìm.

- Niềm ước mong của người phụ nữ là được sống trong hạnh phúc bền vững, trường tồn đến cả ngàn năm.

Câu 6: Người phụ nữ trong bài thơ Sóng có điểm gì tương đồng và khác mới so với người phụ nữ trong ca dao và văn học trung đại mà em được biết?

- Tương đồng: đó là tình yêu của người phụ nữ cổ điển, mang tính xa xưa, kế thừa những nét đẹp của người phụ nữ xã hội cũ: sự kín đáo, dịu dàng, nỗi nhớ nhung, tấm lòng thuỷ chung son sắt, niềm tin trong sáng vào một tình yêu bất diệt.

- Khác biệt: đó là tình yêu của người phụ nữ hiện đại táo bạo, mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu, không ngượng ngùng mà chân thành, bộc trực, thẳng thắn, bứt phá khỏi những quan niệm cổ điển.

Câu 7: Trong văn học có nhiều câu thơ, bài thơ dùng hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu. Hãy sưu tầm những câu thơ, bài thơ đó, đồng thời so sánh với bài Sóng để thấy được những sáng tạo đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Bài thơ “Biển” (Xuân Diệu): biển là biểu tượng cho “anh”, tình yêu của người đàn ông. Người đàn ông bộc lộ nỗi niềm, tình cảm của mình cho người phụ nữ thông qua hình tượng “biển”.

  • 6 lượt xem
Sắp xếp theo