Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

I. Yêu cầu đối với kiểu văn bản

- Có luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.

- Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ, để làm sáng tỏ luận điểm.

- Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.

- Bố cục bài viết gồm ba phần:

  • Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề đó.
  • Thân bài: Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết, phản biện các ý kiến trái chiều.
  • Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp.

II.  Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Tầm quan trọng của việc học phương pháp học

Câu 1: Bài viết bàn về vấn đề gì? Nhận xét của bạn về hệ thống các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản.

- Bài viết bàn luận về việc lựa chọn phương pháp học phù hợp.

- Hệ thống các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản chặt chẽ, có tính thuyết phục cao; thu hút được người đọc, người nghe.

Câu 2: Tóm tắt nội dung phần mở bài, thân bài, kết bài.

- Tóm tắt mở bài: Tất cả chúng ta đều suốt đời học tập trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng không phải ai cũng thành công. Và yếu tố quan trọng, quyết định cho sự thành công hay thất bại của chúng ta phần lớn là do cách chúng ta lựa chọn phương pháp học.

- Tóm tắt thân bài: Học phương pháp là học các kĩ năng, cách thức để tiếp thu tri thức nhanh nhất và hiệu quả. Theo Prit-men, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần có sự khôn ngoan và phương pháp tối ưu để nắm bắt các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Hay Hen-ri A- đam-xơ cũng đã từng khẳng định rằng “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn là người thông thái”. Một phương pháp học tập sai lầm sẽ khiến tốn thời gian mà việc học không hiệu quả. Ngược lại, khi nhận ra những điểm chưa hợp lí trong phương pháp học mà điều chỉnh, ta sẽ tiến bộ rõ rệt. Cũng có ý kiến “Chỉ cần học thuộc những gì thầy cô trên lớp dạy đi thi được điểm tốt là được, tại sao cần phương pháp học?”. Mục đích của việc học là để hoàn thiện con người, trau dồi tri thức, không phải vì điểm số.

- Tóm tắt kết bài: Vậy để thành công, mỗi chúng ta cần hình thành cho mình những phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp với khả năng và mục tiêu của bản thân. Như Phrăng- xít Bây – cơn đã nói “Tri thi thức là sức mạnh”.

Câu 3: Bài viết đã sử dụng những cách thức nào để phần mở bài và kết bài gây ấn tượng?

- Bài viết đã sử dụng những ý kiến và câu nói của các nhà văn/ triết gia… nổi tiếng để phần mở bài và kết bài gây ấn tượng và thu hút người đọc, người nghe.

Câu 4: Cách lập luận của tác giả khi trao đổi với ý kiến trái chiều có gì đáng lưu ý?

- Tác giả khi trao đổi với ý kiến trái chiều đã khẳng định và nêu rõ quan điểm cá nhân. Tác giả khẳng định ý kiến đó là sai và nhấn mạnh vai trò của việc học và phương pháp học phù hợp.

  • 1 lượt xem
Sắp xếp theo