Củng cố, mở rộng (Bài 1 - trang 48)

Câu 1: Qua bài học này, theo bạn, điều gì làm nên sức hấp dẫn của một truyện ngắn hiện đại?

- Truyện ngắn có dung lượng nhỏ, ngắn gọn mà cô đúc nên có sức ám ảnh lớn. Nó tập trung vào một hoặc một vài biến cố trong một không gian, thời gian nhất định, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và sự liên tưởng cho người đọc.

- Đề tài, nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội.

- Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua sự đối thoại như văn bản kịch.

- Về điểm nhìn và phương thức kể chuyện. Điểm nhìn phải bao quát, rõ ràng, có thể thay đổi linh hoạt, đa chiều.

Câu 2: Thảo luận nhóm: Suy nghĩ của bạn về hình tượng các nhân vật nữ: thị Nở và người vợ nhặt. Từ đó, hãy đánh giá giá trị nhân đạo của mỗi tác phẩm.

1. Hình tượng nhân vật người phụ nữ:

a. Thị nở (Chí Phèo – Nam Cao)

Ngoại hình

- Miêu tả khách quan, trần trụi: một người “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”

  • Ngẩn ngơ: hành động theo bản năng;
  • Xấu ma chê quỷ hờn: từng đường nét trên khuôn mặt không giống với những gì nên có trên khuôn mặt con người;
  • Đã vậy, Thị còn nghèo và nhà có mả hủi;

⇒ Thị khó có được hạnh phúc bởi một con người mang trên mình toàn những điều bất lợi.

Vẻ đẹp và
vai trò
của nhân vật

* Là con người với phẩm chất tốt đẹp, giàu tình người:

- Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn không phải để miệt thị mà nhằm làm nổi bật nội tâm đầy tình thương của Thị Nở

  • Sau cuộc gặp gỡ vào đêm định mệnh, Thị Nở dành sự quan tâm cho Chí Phèo:
  • Thị Nở quan tâm đến Chí Phèo, nấu cháo hành cho Chí ăn khi hắn bị ốm. Bưng bát cháo hành thị Nở đưa cho “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”.
  • Chính thị Nở đã suy nghĩ về Chí Phèo: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người” ⇒ một cái nhìn khác với những cái nhìn của người làng Vũ Đại.
  • Tình cảm và sự quan tâm của Thị Nở với Chí Phèo đã như một liều thuốc chữa lành bao nhiêu “vết thương, vết rạch” để Chí Phèo quay trở lại thành một người với sự lương thiện trong căn tính.

⇒ Chính tình thương và sự quan tâm khiến Thị trở nên có duyên trong mắt Chí.

* Thị Nở còn là người có khát khao hạnh phúc gia đình:

- Thị Nở thích cuộc sống gia đình có vợ có chồng.

- Suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí.

- Đối với Chí, cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích”.

- Bởi khát khao và suy nghĩ nghiêm túc về hạnh phúc gia đình nên Thị đã trở về xin phép bà cô và thái độ tức giận khi bà cô từ chối.

* Là nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: bi kịch cuộc đời Chí Phèo.

- Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao muốn làm trọn vẹn thêm vấn đề trung tâm của tác phẩm: sự bi thảm trong bi kịch cuộc đời Chí Phèo.

  • Ban đầu, Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau chỉ bởi sự chung đụng về mặt thể xác.
  • Sau đó, chính tình thương của Thị Nở đã làm thức dậy sự lương thiện vốn có trong Chí.
  • Khi Thị Nở từ chối Chí, Chí Phèo từ chỗ khát khao và hạnh phúc đến tột cùng bị đẩy xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng ⇒ đẩy Chí đến những hành động sau này: uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến và tự sát.

⇒ Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của nhân vật chính: Chí Phèo

b. Hình tượng nhân vật thị (Vợ nhặt – Kim Lân)

Lai lịch, xuất thân và
hoàn cảnh

- Không có quê hương gia đình → nạn đói năm 1945 đã khiến biết bao con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình.

- Tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “vợ nhặt” → cho thấy sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.

Hoàn cảnh

- Không việc làm cụ thể, cuộc sống bấp bênh, bị nạn đói dồn dập đẩy đang trên bờ vực cái chết.

- Cái đói quay quắt đã dồn đẩy chị, làm chị đánh mất cả sĩ diện và lòng tự trọng.

⇒ Thị là nạn nhân của nạn đói với số phận bi thảm, đáng thương.

Ngoại hình

- Quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp;

- Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt;

- Cái ngực gầy lép nhô lên.

⇒ Là hiện thân của sự nghèo đói, khốn khổ.

Hành động, cử chỉ

- Lần thứ nhất, khi nghe câu hò vui của Tràng, thị đã vui vẻ giúp đỡ → đây chính là sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo.

- Lần thứ hai:

  • Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn
  • Khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”
  • Khi nghe Tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ... cùng về”, thị đã theo về thật → Trong cái đói khổ, đó là cơ hội để thị bấu víu lấy sự sống.

⇒ Cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người, khiến người ta mất đi cả lòng tự trọng, sĩ diện và sự e thẹn, dịu dàng vốn có của người phụ nữ.

Phẩm chất, vẻ đẹp


- Có khát vọng sống mãnh liệt:

  • Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết về Tràng, chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì thị sẽ không phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
  • Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống.

- Thị là người ý tứ và nết na:

  • Trên đường về, thị cũng rón rén e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống, thị ngại ngùng cho thân phận vợ nhặt của mình.
  • Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
  • Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng ngượng nghịu.
  • Sáng hôm sau, thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.
  • Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không buồn làm bà buồn.

⇒ Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.

- Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hi vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.

Nhận xét chung: Nhân vật người vợ nhặt là nhân vật thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm, tiêu biểu cho những người nghèo khổ, khốn cùng bị cái đói, cái chết đe dọa, dồn đẩy đến bước đường cùng. Thị luôn khao khát hạnh phúc gia đình, đem đến làn gió tươi sáng, ấm áp cho gia đình anh Tràng và cả người dân ở xóm ngụ cư trong hoàn cảnh bi đát nhất.

2. Giá trị nhân đạo:

a. Chí Phèo – Nam Cao:

- Niềm cảm thương sâu sắc đối với những số phận khổ đau, bất hạnh như Chí Phèo, thị Nở.

- Khẳng định, đề cao nhân tính, đề cao con người.

- Nam Cao phê phán những thế lực bạo tàn chà đạp con người.

- Nam Cao đề ra giải pháp mang tính nhân đạo, mang ý nghĩa hiện thực và triết lí sâu sắc: lật đổ xã hội tàn bạo để bảo toàn nhân tính của con người.

b. Vợ nhặt – Kim Lân:

- Niềm cảm thương, đồng cảm sâu sắc của nhà văn trước số phận của những người nghèo khổ.

- Là tiếng nói khẳng định, đề cao những tình cảm cao đẹp của người lao động nghèo khổ: đó là tình yêu thương đùm bọc, tình mẫu tử, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.

- Thể hiện niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống vào tương lai dù ở trong tình cảnh khốn khó nhất.

- Lên án tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

Câu 3: Tìm đọc thêm một số truyện ngắn của Nam Cao và Kim Lân; từ đó, phân tích những nét nổi bật trong cách kể chuyện của từng tác giả.

* Nam Cao

- Cốt truyện: vững chắc, kết cấu linh hoạt qua từng chi tiết. 

- Chủ thể trần thuật: xuất hiện ở nhiều dạng thức trần thuật phong phú, đa dạng. Ông sử dụng nhiều dạng trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài trong truyện ngắn của mình, thể hiện rõ sự linh hoạt trong cách kể của tác giả. Chủ thể trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên trong và điểm nhìn phức hợp cũng chiếm một ưu thế không nhỏ trong truyện ngắn Nam Cao. 

- Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo. Ông luôn đề cao tư tưởng, chú trọng tới hoạt động bên trong của con người, thể hiện niềm tin vào nhân cách, sự lương thiện của con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

* Kim Lân

- Nghệ thuật miêu tả chân dung, tâm lý nhân vật: Các nhân vật của ông đều hiện lên với những tính cách, tâm lý khác nhau được thể hiện qua cử chỉ, hành động và lời nói. Không quá cầu kỳ về xuất thân, hoàn cảnh, các nhân vật của ông đều hiện lên một cách giản dị nhưng thấm đượm tình người, tình yêu xóm làng,...

- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ độc đáo. Kim Lân rất có biệt tài trong việc lựa chọn và vận dụng ngôn từ tuyệt vời với sự kết hợp hài hòa nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị của ngôn ngữ đồng quê. 

  • 3 lượt xem
Sắp xếp theo