Dương phụ hành (Cao Bá Quát)

I. Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu 1: Theo bạn, khi đi đến một xứ sở khác, tiếp xúc với một nền văn hóa khác, người ta thường có những phản ứng hay cảm xúc như thể nào trước những gì được gặp, được thấy?

- Hào hứng, thích thú;

- Bỡ ngỡ, lạ lẫm, khó thích nghi;

- Chê bai, kì thị những nét văn hóa khác biệt;

- Tôn trọng, học cách hòa nhập;...

Câu 2: Bạn đã biết câu chuyện thú vị nào về cuộc tiếp xúc văn hoá giữa những người đến từ hai thế giới: phương Đông và phương Tây? Hãy chia sẻ câu chuyện đó.

Sau khi ở Ai Cập về năm 45 TCN, người đứng đầu nhà nước La Mã là Xêđa đã mời nhà toán học và thiên văn học Ai Cập về dựa vào lịch Ai Cập để cải cách lịch La Mã.

II. Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Chú ý các chi tiết miêu tả hình ảnh người thiếu phụ phương Tây.

- Trang phục: áo trắng phau.

- Hành động: tựa vai chồng, ngó thuyền Nam, kéo áo, rì rầm nói, hờ hững cốc sữa biếng cầm tay, uốn éo, đòi chàng nâng đỡ dậy.

Câu 2: Hình dung về nhân vật trữ tình.

“Biết đâu nỗi khách biệt li này”: nhân vật trữ tình đang trong hoàn cảnh li biệt, xa xứ, xa quê hương, gia đình và vợ mình → Nhìn khung cảnh người thiếu phụ và chồng chợt thấy nhớ thương gia đình, khao khát được đoàn tụ.

II. Yêu cầu sau khi đọc

Câu 1: So sánh và chỉ ra những chỗ khác biệt giữa bản dịch thơ với nguyên tác.

Câu Nguyên tác 

Bản dịch

Câu 1 Tây dương thiếu phụ y như tuyết

Thiếu phụ Tây dương áo trắng phau

→ Bản dịch làm mất giá trị biểu đạt của so sánh “như tuyết”: màu trắng như tuyết gợi vẻ đẹp trong sáng, tạo ấn tượng mạnh.

Câu 2 Độc bằng lang kiên tọa minh nguyệt

Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu

→ Dịch sát nguyên tác.

Câu 3 Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh

Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói.

→ Dịch tương đối sát nguyên tác, tuy nhiên mất từ “hỏa” (đèn lửa)

Câu 4 Bả duệ nâm nâm hướng lang thuyết.

Kéo áo, rì rầm nói với nhau.

→ Nguyên tác là "nói với chồng" →  bản dịch "nói với nhau": có sự tương tác qua lại.

Câu 5 Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì

Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay

→ Cấu trúc câu đảo so với nguyên tác → nhấn mạnh sự “hững hờ” khi cầm cốc sữa; nguyên tác không có từ “biếng”.

Câu 6 Dạ hàn vô ná hải phong xuy

Gió bể, đêm sương, thổi lạnh thay!

→ Cấu trúc đảo so với nguyên tác, nhấn mạnh sự lạnh lẽo của gió biển lúc ban đêm sương xuống.

Câu 7 Phiên thân cánh sáng lang phù khởi

Uốn éo, đòi chồng nâng đỡ dậy,

→ Sử dụng từ “uốn éo” không có trong nguyên tác; nhấn mạnh thêm hành động dựa dẫm, tình tứ của người thiếu phụ với chồng.

Câu 8 Khởi thức Nam nhân hữu biệt li.

Biết đâu nỗi khách biệt li này.

→ Dịch sát nguyên tác.

→ Nhận xét chung: Bản dịch thơ về cơ bản bám sát nguyên tác, ngôn từ gần gũi, dễ hiểu hơn; tuy nhiên, tiếp cận từ bản nguyên tác sẽ cảm nhận được rõ hơn tâm trạng, suy tư của nhà thơ.

Câu 2: Xác định thời gian, không gian, sự việc của câu chuyện được kể trong bài thơ

- Thời gian: ban đêm (trăng thâu, đèn le lói, đêm sương)

- Không gian: trên đại dương, dưới bóng trăng thâu, gió bể thổi lạnh.

- Sự việc: người phụ nữ phương Tây ngồi tựa vai chồng, rì rầm nói chuyện với nhau; người phụ nữ tay cầm cốc sữa hờ hững; khi gió biển thổi lạnh, vươn vai vươn mình nũng nịu, uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy.

→ Khung cảnh tình tứ, thân mật của người phụ nữ phương Tây với chồng của mình.

Câu 3: Chỉ ra những chi tiết miêu tả người thiếu phụ phương Tây, qua đó, nêu các đặc điểm nổi bật của hình tượng này.

- Trang phục: y như tuyết (màu áo trắng phau như tuyết) - gợi vẻ trong sáng, nổi bật, tạo ấn tượng mạnh → đối lập với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam (thường mặc những gam màu tối, xắn váy, chít khăn mỏ quạ để thuận tiện lao động).

- Cử chỉ, hành động:

  • Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu;
  • Kéo áo chồng, rì rầm nói chuyện;
  • Hờ hững cầm một cốc sữa;
  • Vươn mình, uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy.

→ Người phụ nữ ở tư thế chủ động. Đó là người phụ nữ có nét đẹp xa lạ, có chút ma mị trong màu trắng như tuyết; đang hạnh phúc trong tình yêu, chủ động bày tỏ tình cảm, những cử chỉ thân mật, nũng nịu, tình tứ với chồng của mình >< người phụ nữ Việt Nam: ít khi ra khỏi nhà, sóng đôi với chồng, khi xuất hiện cùng chồng luôn ý tứ, dè dặt, lo nâng khăn sửa áo cho chồng,...

Câu 4: Hình tượng người thiếu phụ phương Tây trong bài thơ được tái hiện qua cái nhìn của một nhà Nho đồng thời cũng là một nhà thơ phương Đông. Hãy phân tích những cảm xúc, thái độ được tác giả bộc lộ từ các điểm nhìn đó.

- Sự trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ phương Tây,

- Cái nhìn đa chiều, tích cực đối với nền văn hóa khác biệt; tính nhân văn sâu sắc và tính cách phóng khoáng của nhà thơ.

- Sự thương xót, đồng cảm với cảnh ngộ những người phụ nữ phương Đông, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam.

- Nhớ thương gia đình, khao khát được trở về, đoàn tụ.

Câu 5: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong cầu thơ kết và những ý tứ được mở ra từ câu thơ này.

- Câu thơ kết tương phản với 7 câu thơ trước đó. Nhà thơ tự hỏi (tự nói với mình): “Biết đâu nỗi khách biệt li này”.

→ Người thiếu phụ và chồng đang hạnh phúc còn nhà thơ đang sống trong nỗi cô đơn, đau buồn của cảnh biệt ly, nhớ thương gia đình và khát khao đoàn tụ. Sâu trong cảnh biệt ly ấy còn là cảnh ngộ phải đi “xuất dương hiệu lực”, tài năng bị vùi dập, công danh dở dang, trải qua nhiều cay đắng trên con đường hoạn lộ.

Câu 6: Đọc bài thơ, bạn cảm nhận được những gì về tư tưởng, tâm hồn tác giả?

Tác giả là người có cái nhìn tiến bộ, nhân văn, nhãn quan tư tưởng mới mẻ. Ông là người tiên tiến, có khát vọng vươn lên và đặc biệt vượt khỏi tính kì thị dân tộc nhỏ nhen để dám nhìn vào những điều khác biệt và phản ánh vào văn học.

IV. Kết nối đọc viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày điều bạn thấy tâm đắc nhất ở bài thơ Dương phụ hành.

Gợi ý triển khai

(1) Về hình ảnh người phụ nữ phương Tây được nhà thơ khắc họa:

- Trang phục của người đàn bà Tây dương đối lập với phụ nữ Phương Đông truyền thống. Theo quan niệm của Phương Đông, màu trắng thường là màu đau buồn, chỉ mặc đồ trắng khi có đại tang. Cô gái Phương Tây diện đồ trắng ngay cả khi chồng đang còn sống, kề bên. Cao Bá Quát dùng lối so sánh “trắng như tuyết” để tuyệt đối hóa màu sắc trên trang phục của cô. Toàn bộ trang phục ấy là một màu trắng tinh, không hề có sự pha điểm màu khác.

- Ở Phương Đông thời đó, đàn bà phải cung kính, phục tùng, giữ lễ với chồng; ở nhà phải “cử án tề mi” (dâng cơm ngang lông mày), ra ngoài phải ý tứ “thụ thụ bất thân”, đứng xa chồng. Vậy mà giữa bóng trăng trong, giữa gió bể (thiên nhiên), cạnh thuyền của người Nam, thiếu phụ Phương Tây kia trong quan hệ với chồng hoàn toàn phá “lễ”.

- Thiếu phụ Tây dương chẳng những “dựa vào vai chồng” mà còn tự nhiên “kéo áo”, “nói chuyện”, “đòi nâng dậy”. Họ 1uấn quýt bên nhau, đôi phu thê “đâu biết người Nam đang ở cảnh biệt ly”. Chính câu kết này đã khiến bài thơ ngắn giàu “ý tại ngôn ngoại”. Vì “đâu biết” nên họ mới tự nhiên thể hiện.

(2) Về tâm trạng nhà thơ:

- Toàn bài thơ miêu tả khung cảnh người thiếu phụ phương Tây tình cảm, thân mật với chồng, chỉ tới câu cuối mới viết về tâm trạng của tác giả. Song, đó là nghệ thuật “ý tại ngôn ngoại” → 1 câu cũng đủ để thể hiện sâu sắc tâm trạng của chủ thể trữ tình.

- Trong câu thơ số 6 miêu tả bể đêm sương lạnh, đây là một nét vẽ góp phần làm nổi bật ỗi đau của nhân vật trữ tình → càng thêm cô đơn, lạnh lẽo, tê tái.

- Câu thơ số 8: Nhà thơ tự hỏi (tự nói với mình): “Biết đâu nỗi khách biệt li này”. Người thiếu phụ và chồng đang hạnh phúc còn nhà thơ đang sống trong nỗi cô đơn, đau buồn của cảnh biệt ly, nhớ thương gia đình và khát khao đoàn tụ. Sâu trong cảnh biệt ly ấy còn là cảnh ngộ phải đi “xuất dương hiệu lực”, tài năng bị vùi dập, công danh dở dang, trải qua nhiều cay đắng trên con đường hoạn lộ.

  • 11 lượt xem
Sắp xếp theo