Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại)

I. Yêu cầu

- Chọn được vấn đề thảo luận có ý nghĩa, gần gũi với trách nhiệm của tuổi trẻ học đường.

- Nêu được các khía cạnh cụ thể của vấn đề và những cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề.

- Thể hiện được quan điểm rõ ràng về vấn đề với lí lẽ thuyết phục và bằng chứng phù hợp, sinh động trong từng ý kiến phát biểu.

- Thể hiện được thái độ tôn trọng lẫn nhau trong thảo luận.

II. Thực hành thảo luận

1. Chuẩn bị

- Ở phạm vi tập thể, trước khi thực hành nói và nghe, cần trao đổi ý kiến để chọn đề tài thảo luận phù hợp, có khả năng lôi cuốn được nhiều người tham gia phát biểu ý kiến. 

- Ở phạm vi cá nhân:

  • Nếu đã viết bài về đề tài được chọn thảo luận, hãy rút ra từ bài viết đoạn mà bạn tâm đắc nhất, thể hiện được cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá độc đáo để làm nòng cốt cho ý kiến sẽ phát biểu.
  • Nếu đề tài thảo luận hoàn toàn mới, hãy tìm hiểu trước, thu nhập, tra cứu các tài liệu liên quan để hình thành ý kiến của mình. 

- Người điều hành buổi thảo luận và thư kí ghi chép lại các nội dung thảo luận; lập danh sách những người đăng kí phát biểu;… đảm bảo cho buổi thảo luận đạt kết quả mong muốn.

2. Thảo luận

Người nói

Người nghe

- Bày tỏ thái độ hưởng ứng tích cực đối với đề tài, vấn đề thảo luận.

- Nắm bắt được tốt nội dung các ý kiến đã phát biểu và chiều hướng phát triển của cuộc thảo luận.

- Nêu được ý kiến làm sáng tỏ đề tài, vấn đề thảo luận với lí lẽ sắc bén và bằng chứng sinh động, tạo được sự kết nối liền mạch với các ý kiến đã phát biểu trước đó.

- Thể hiện được văn hóa tranh luận khi nêu ý kiến phản bác.

- Biết thu hút sự chú ý của người nghe bằng việc kết hợp linh hoạt phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

- Làm chủ được thời gian phát biểu ý kiến (không vượt quá khung quy định).

- Theo dõi sát tiến trình thảo luận.

- Ghi chép những ý kiến phát biểu độc đáo hoặc những ý kiến cần được trao đổi thêm.

- Thể hiện sự tôn trọng người nói, tạo điều kiện cho người nói thể hiện tốt nhất ý kiến của mình.

- Chuẩn bị ý kiến để sẵn sàng tham gia thảo luận.

3. Đánh giá, rút kinh nghiệm

- Người điều hành tổng kết thảo luận, nêu những điều đã đạt được đồng thuận và những điều còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt, nhấn mạnh ý nghĩa của đề tài, vấn đề thảo luận trong việc giúp mỗi người xác định được thái độ sống tích cực trong xã hội hiện đại.

- Người điều hành biểu dương sự đóng góp của tập thể và từng cá nhân cho sự thành công (theo những mức độ khác nhau) của cuộc thảo luận.

- Tập thể cùng rút kinh nghiệm về khâu tổ chức thảo luận, từ bước chuẩn bị đến bước triển khai.

- Từng cá nhân tự rút ra những bài học bổ ích cho bản thân về kĩ năng phát biểu ý kiến và kĩ năng tương tác nói – nghe trong thảo luận.

4. Gợi ý triển khai

“Điều gì làm nên một con người hạnh phúc? Thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?”... Đó là những câu hỏi mà có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghĩ tới. Hạnh phúc giống như một đích đến mà con người luôn theo đuổi, một trạng thái tinh thần hoàn hảo mà ai cũng mong muốn. Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc, còn đối với tôi, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều rất nhỏ bé, bình dị, và hạnh phúc là do bản thân chúng ta kiến tạo.

Với tôi, một cô gái trẻ tuổi chưa có quá nhiều trải nghiệm và va vấp trong cuộc đời, hạnh phúc với tôi đơn giản lắm.

Đơn giản, đó là những chiều đi học về tôi vẫn thấy nội đợi tôi trước sân nhà, hay đang chăm sóc cây cảnh trong sân, có khi là đang cho bầy chó con uống sữa. Vào buổi tối, cả nhà chúng tôi quây quần bên nhau, bố mẹ hạnh phúc, gia đình hòa thuận, êm ấm. Tôi đã từng trải qua cảm giác mất đi người thân yêu của mình, đã nhiều ngày chứng kiến cảnh bố nằm trên giường bệnh, vậy nên có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi là gia đình khỏe mạnh, mỗi ngày trở về đều thấy họ, sự hiện diện đó chính là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất với tôi - với mỗi chúng ta.

Hạnh phúc với tôi - như đã nói, với một cô gái trẻ tuổi, chính là được đến trường, mỗi ngày được học và tiếp thu những điều mới mẻ, được gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với mọi người. Tôi được sống và nỗ lực theo đuổi những niềm yêu thích, đam mê của tôi. Tôi rất yêu nghề giáo, vì vậy luôn cố gắng học tập và trau dồi đạo đức, tri thức, nhân cách để có thể chạm tới ước mơ đó. Bố mẹ tôi cũng luôn ủng hộ hết lòng. Tình yêu thương, sự thấu hiểu và ủng hộ ấy chính là đôi cánh nâng bước tôi đi trên hành trình dài rộng của cuộc đời này. Tôi hạnh phúc, vì tôi được là chính mình.

Tố Hữu đã từng viết: “Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình”. Đó là một lẽ sống lớn, và cũng là một niềm hạnh phúc lớn khi chúng ta biết cách cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại. Đối với những người trẻ như tôi, việc cống hiến một điều gì đó lớn lao cho xã hội là điều khá khó khăn, nhưng cống hiến cũng có thể bằng những điều nhỏ bé nhưng không vì thế mà tầm thường. Tôi đã viết rất nhiều bài viết, cũng có khi được đăng báo, hoặc trên các diễn đàn mạng trực tuyến, những bài viết ấy đã giúp người đọc thư giãn, có thêm năng lượng tích cực,... Tôi tin rằng, tôi đã đóng góp được phần công sức nhỏ bé của mình, và tôi hạnh phúc vì điều đó.
Một cô gái yêu văn và tâm hồn mơ mộng như tôi, cái cảm giác gọi là hạnh phúc đôi khi cũng đến từ những điều rất nhỏ nhặt, chỉ là hôm nay đi học, bầu trời rất xanh, ánh nắng chan hòa, những cơn gió nhè nhẹ thổi như muốn xoa dịu tâm hồn con người sau những giờ phút mệt mỏi,... Cũng có khi chỉ đơn giản là tôi bắt gặp một bông hoa bên đường, ở một nơi góc khuất và thiếu ánh nắng, nó vẫn vươn mình và nở rộ rất đẹp. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để tôi vui vẻ, hạnh phúc rồi.

Đôi khi, niềm hạnh phúc của chúng ta cũng có thể bắt nguồn từ niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Hãy nhớ đến cảnh những bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 khi được chữa khỏi, nhìn những nụ cười, khuôn mặt rạng rỡ ấy, bạn có thấy hạnh phúc không? Nhìn những nụ cười móm mém hòa cùng nước mắt cảm động của những người mẹ Việt Nam anh hùng khi được quan tâm, động viên, tri ân sâu sắc, bất giác tôi cũng thấy thật ấm lòng, niềm hạnh phúc của những người mẹ ấy dường như đã lan tỏa đi thật xa,...

Ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, có lẽ chúng ta lại có những góc nhìn mới, những quan niệm mới về hạnh phúc. Nhưng với tôi, có khi hạnh phúc không phải là đích đến hay kết quả mà là thái độ sống của chúng ta. Hãy yêu những điều giản dị, tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống và sẵn sàng trao đi những niềm vui,...

  • 6 lượt xem
Sắp xếp theo