Tôi có một ước mơ (Martin Luther King)

I. Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu 1: Trong lịch sử của dân tộc, có những trường hợp một văn kiện chính trị lại trở thành một áng văn chương có sức lay động lớn. Bạn hãy kể tên một vài tác phẩm như vậy.

- Hịch tướng sĩ, Chiếu dời đô, Cầu hiền chiếu;

- Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến;

- …

Câu 2: Nhiều nhân vật lịch sử đã thể hiện niềm ước mơ về hạnh phúc cho nhân dân, bình yên cho đất nước trong những câu thơ, câu văn hoặc những lời phát biểu đầy tâm huyết. Bạn hãy nêu một ví dụ cụ thể để chứng minh ý kiến trên.

- “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. (Nguyễn Trãi)

- “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. (Trần Bình Trọng)

- “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. (Hồ Chí Minh)

- “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (Hồ Chí Minh)

II. Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Xác định mục đích hướng tới của tác giả ở bài diễn văn này.

- Mục đích: Phát biểu trong cuộc biểu tình về tự do → trình bày những suy nghĩ, quan điểm và lan tỏa nhận thức về sự tự do (đặc biệt đối với người da đen đang chịu nạn kỳ thị, đối xử bất bình đẳng).

Câu 2: Ý nghĩa của việc dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của nước Mỹ là gì?

- Thể hiện sự tôn trọng của tác giả đối với bản tuyên ngôn của người Mỹ → Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng.

- Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông”: Văn kiện “Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ” tuyên bố trả tự do cho tất cả nô lệ da đen thuộc các bang của nước Mỹ → bằng chứng về sự giải phóng của những người da đen nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn.

- Thể hiện khát vọng được tự do, bình đẳng của những người da đen.

Câu 3: Theo dõi cách tác giả nói về thời điểm cần thiết để đòi công lý.

- Thời điểm cần thiết để đòi công lý: Ngay Bây Giờ (Các từ “Đây là”, “Giờ đây” lặp lại nhiều lần, nhấn mạnh thời điểm “ngay bây giờ” )

→ Tác giả hiểu rõ bản chất của tư bản là luôn chậm trễ trong việc đưa ra những quyền tự do, bình đẳng của người da đen và luôn dùng những lời lẽ hòng xoa dịu như những liều thuốc an thần. Vì vậy, ông nhấn mạnh không thể tiếp tục do dự, chần chừ mà “ngay bây giờ” phải đứng lên đòi lại công lý.

Câu 4: Chú ý quan điểm đấu tranh của tác giả.

- Đấu tranh trên phương diện chính trị, không sử dụng bạo lực.

- Luôn xuất phát từ nguyên tắc và lòng tự trọng cao.

- Phải tiến lên uy nghi với cả sức mạnh vật chất và tâm hồn.

- Không đánh đồng, ngờ vực tất cả người da trắng.

- Không đơn độc, lẻ bước, luôn tiến về phía trước, chỉ dừng lại và hài lòng khi đã đòi được quyền tự do, bình đẳng.

→ Quan điểm đúng đắn, nhân đạo.

Câu 5: Qua cách diễn đạt và đưa bằng chứng, tác giả đã thể hiện thái độ và tình cảm của mình như thế nào?

- Thể hiện sự căm phẫn, đau xót trước tình cảnh người da đen bị phân biệt đối xử.

- Khát khao cháy bỏng được tự do, bình đẳng.

Câu 6: Chú ý ngôn ngữ và giọng điệu của tác giả khi thể hiện niềm tin và ước mơ.

- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ, bằng chứng xác đáng, thuyết phục;

- Giọng điệu truyền cảm, đanh thép, thể hiện niềm tin và ước mơ cháy bỏng.

Câu 7: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhằm tác động mạnh đến người đọc, người nghe?

- Biện pháp: Điệp cấu trúc “Tôi mơ rằng…” + những tưởng tượng của tác giả về một tương lai thế giới tự do, bình đẳng, con người chung sống hạnh phúc.

Câu 8: Bạn có ấn tượng, cảm xúc gì về đoạn kết?

- Đoạn kết là lời khẳng định lại quan điểm của tác giả, đó cũng là khát khao cháy bỏng về một ngày tươi sáng, khi người da đen được đối xử bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.

- Câu hát được trích dẫn như lời hát ăn mừng chiến thắng của quá trình đấu tranh mà những người da đen đã nỗ lực hết mình, không ngừng nghỉ.

III. Yêu cầu sau khi đọc

Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập ở văn bản Tôi có một ước mơ là gì?

Niềm mong mỏi, khát khao cháy bỏng về tự do, bình đẳng của người da đen.

Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản.

- Luận điểm 1: Trình bày lý do cho sự hiện diện của bài diễn văn.

- Luận điểm 2: Thực trạng người da màu bị đối xử bất công.

- Luận điểm 3: Thời điểm và quan điểm đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng.

- Luận điểm 4: Niềm tin và ước mơ tự do, bình đẳng cho người da màu.

Câu 3: Phân tích cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình nhằm thuyết phục người nghe, người đọc.

- Bằng chứng: bản “Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ” đã được ký kết cách đây một thế kỷ.

→ Đây là bằng chứng đanh thép thể hiện quyền tự do, bình đẳng của người da màu đáng lý đã có từ rất lâu và nó đã phải được thực hiện.

- Lý lẽ:

  • Nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do.
  • … người da đen vẫn phải sống cô đơn trên hòn đảo nghèo đói giữa một đại dương mênh mông thịnh vượng về vật chất.
  • Người da đen vẫn gầy mòn trong những ngóc ngách của xã hội Mỹ…

→ Hiện thực tại nước Mỹ, người da đen vẫn chưa được giải phóng dù đã ký sắc lệnh hàng trăm năm trước.

  •  … nhắc nhở nước Mỹ về tính cấp bách của thời khắc Ngay Bây Giờ.
  • Đây là lúc chân thật hóa những lời hứa dân chủ.
  • Đây là lúc chúng ta giải thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn của sự phân biệt chủng tộc…

→ Nhấn mạnh thời cơ giải phóng tự do đã đến, kêu gọi chính quyền từ hai phía đấu tranh vì tự do và bình đẳng.

  • Tôi mơ rằng… con cháu của những người nô lệ và chủ nô có thể ngồi bên nhau quanh chiếc bàn của tình huynh đệ
  • Tôi mơ rằng một ngày kia, dù bang Mit-xi-xi-pi ngột ngạt bởi cái nóng của sự bất công và đàn áp cũng sẽ biến thành ốc đảo của tự do và công lí.
  • Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm cách của chúng.

→ Tác giả đã cụ thể hóa giấc mơ của mình dựa trên một tương lai tươi sáng – nơi những người da màu được giải phóng, có cuộc sống bình đẳng, hoàn thuận với các dân tộc khác.

  • Từ bất cứ triền núi nào, hãy để tự do ngân vang!
  • Và khi điều đó xảy ra, khi chúng ta chịu để cho tự do ngân vang, từ mọi ngôi làng và thôn xóm… chúng ta đã được tự do!”

→ Cuộc đấu tranh sẽ đến hồi kết, người da màu sẽ giành được quyền tự do, bình đẳng như trong lời ca tiếng hát của đoạn kết tác phẩm. Đây như một sự khẳng định, tổng kết lại toàn bộ tác phẩm.

Câu 4: Trong đoạn kết của văn bản, tác giả đã bộc lộ ước mơ gì? Hình ảnh “tự do ngân vang từ những đỉnh đồi, […] ngọn núi” có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của tác giả?

- Trong đoạn kết của văn bản, tác giả đã bộc lộ ước mơ về thành công của công cuộc đấu tranh giành quyền lợi, người da đen đã có được sự tự do và bình đẳng.

- Hình ảnh “tự do ngân vang từ những đỉnh đồi, […] ngọn núi” có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của tác giả. Tự do lan tỏa khắp mọi nơi, nhân rộng theo chiều không gian địa lý, nối tiếp nhau đến khắp mọi vùng miền, đem lại niềm vui, hạnh phúc, giải phóng cuộc sống nô lệ cùng cực của những người da đen.

Câu 5: Hãy chỉ ra và phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ (điệp ngữ, ẩn dụ,…) đã được tác giả sử dụng.

- Biện pháp điệp cấu trúc: “Một trăm năm sau,...”; “Đây là lúc…”; “Chúng ta…”; “Tôi mơ rằng…”;

→ Nhấn mạnh hiện thực khổ đau, đọa đày, tăm tối của những người da đen; thể hiện khao khát, mong mỏi cháy bỏng được trả tự do, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng; khẳng định quyết tâm đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng.

- Biện pháp ẩn dụ: “Đây là lúc chúng ta thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn của sự phân biệt chủng tộc”, “con đường chan hòa ánh nắng của sự bình đẳng về chủng tộc”, “mang đất nước ra khỏi vùng cát lún của sự bất công”, “mùa hè ngột ngạt của người da đen”, “làn gió thu của tự do và bình đẳng mát mẻ”,…

→ Bày tỏ ước mơ về tự do và nhân quyền trước công chúng của tác giả, kêu gọi quyền bình đẳng cho những người da đen.

→ Về nghệ thuật: Lập luận thêm thuyết phục, làm cho giọng điệu truyền cảm, tác động mạnh mẽ đến người nghe, người đọc.

Câu 6: Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả đối với nước Mỹ qua văn bản.

- Dù nước Mỹ vẫn luôn tồn tại tình trạng phân biệt sắc tộc, đặc biệt là sự kỳ thị đối với những người da đen, song, với tác giả, nước Mỹ vẫn là đất nước tốt đẹp bởi đó là nơi ông gửi gắm ước mơ của mình. Ông có niềm tin rằng chính quyền sẽ hiểu và đáp lại những lời nguyện cầu, những mong mỏi, khao khát cháy bỏng của ông; tin vào sự nhận thức và thấu hiểu đạo lý của những người da trắng.

- Bộc lộ tình yêu với con người nước Mỹ, đặc biệt sự yêu thương, đồng cảm với những người Mỹ gốc Phi đang ngày ngày trải qua nạn phân biệt chủng tộc, cuộc sống tăm tối, khổ cực.

Câu 7: Theo bạn, quan điểm và ước mơ của tác giả được thể hiện trong văn bản đến nay còn có ý nghĩa không? Hãy lí giải ý kiến của bạn.

- Quan điểm và ước mơ của tác giả được thể hiện trong văn bản đến nay vẫn còn ý nghĩa.

- Xã hội đổi mới và phát triển, sự độc lập, tự do và bình đẳng đã được giải quyết nhưng vẫn có những góc tối mà ở đó - vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử, kỳ thị thậm chí là tẩy chay.
→ Sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào tiềm thức và qua nhiều thế hệ.

- Vì vậy, cuộc đấu tranh giành quyền lợi chính đáng vẫn kéo dài, vẫn luôn phải nỗ lực, kiên trì để giữ lấy quyền tự do, bình đẳng.

Câu 8: Từ bài diễn văn Tôi có một ước mơ, bạn rút ra được bài học gì trong việc tạo lập một văn bản nghị luận giàu sức thuyết phục?

- Một bài văn nghị luận phải đảm bảo bố cục ba phần, có mở đầu - triển khai và kết luận.

- Cần lập luận rõ ràng, mạch lạc, rõ ý tứ; hệ thống lí lẽ, dẫn chứng xác đáng, độ tin cậy cao, có sức lan tỏa, thuyết phục cộng đồng.

- Có thể kết hợp các yếu tố khác nhằm tăng sức thuyết phục như miêu tả, thuyết minh, tự sự,...

IV. Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày điều bạn thấy tâm đắc khi đọc văn bản Tôi có một ước mơ.

Gợi ý triển khai

(1) Về quan điểm đấu tranh của tác giả:

- Đó là quan điểm đúng đắn, nhân đạo. Đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, sử dụng sức mạnh tinh thần, nội lực, tránh sử dụng bạo lực, không để xảy ra những tình cảnh đổ máu, mất mát, đau thương. 

- Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh không nên ngờ vực tất cả người da trắng bởi không phải tất cả trong số họ đều có sự phân biệt đối xử, cần có cái nhìn khách quan, đa chiều, công bằng.

- Đấu tranh cũng là quá trình lâu dài và cần có sự đồng lòng, hiệp lực, không ai có thể đi một mình và cũng không thể chiến thắng nếu chỉ có đơn độc.

- Hành trình đấu tranh sẽ không ngừng nghỉ - cho đến khi người da đen có được sự tự do, bình đẳng.

→ Đó là quan điểm của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, như kim chỉ nam cho quá trình đấu tranh giành lấy những quyền lợi chính đáng của người da đen.

(2) Về tình yêu của tác giả dành cho nước Mỹ:

- Là quốc gia rộng lớn, đa văn hóa, có sự phát triển mạnh mẽ nhưng ẩn sâu trong những góc khuất của nước Mỹ lại là sự tăm tối, cùng cực của những người da màu ngày đêm chống chọi với nạn phân biệt chủng tộc.

- Dù sắc lệnh trao trả tự do cho nô lệ da đen đã được kí kết từ những năm 1862 nhưng hơn 100 năm sau, thực trạng ấy vẫn dày vò những kiếp người khốn khổ.

Dẫu vậy, M.Luther King vẫn không ngừng tin yêu và hy vọng vào đất nước, quê hương mình. Ông vẫn dành cho nước Mỹ tình yêu và niềm tin chắc chắn rằng nơi này sẽ có những con người sáng suốt, nhận thức được sự bất công, ngang trái và sớm trao trả lại quyền tự do, bình đẳng cho người da màu. Ở ông luôn có cái nhìn nhân đạo, trái tim bao dung và khát khao cháy bỏng về một tương lai tươi sáng, khi người da màu được đối xử bình đẳng.

  • 35 lượt xem
Sắp xếp theo