Tràng giang (Huy Cận)

I. Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu 1: Theo bạn, vì sao người đọc lại có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt với mình?

Người đọc có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt với mình vì bài thơ được viết bởi những tình cảm, cảm xúc, rung động chân thực của người viết. Khi người viết đặt cái tâm của mình vào bài thơ, bài thơ sẽ có sức rung cảm mãnh liệt, tác động đến tâm hồn, suy nghĩ và tình cảm của người đọc.

Câu 2: Bạn có cho rằng cảnh trời đất mênh mông trong buổi chiều tà thường có một ý nghĩa đặc biệt đối với tâm hồn của mỗi người? Hãy đọc một số câu thơ mà bạn biết nói về cảnh ấy, thời điểm ấy.

- Cảnh trời đất mênh mông trong buổi chiều tà thường có ý nghĩa đặc biệt đối với tâm hồn mỗi người.

- Một số câu thơ về buổi chiều tà:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

Ca dao

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu

Song xa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

Truyện Kiều - Nguyễn Du

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Chiều hôm nhớ nhà - Bà Huyện Thanh Quan 

Buổi chiều đi lảng ở chân mây

Hoa tím trên sông thoảng điệu gầy.

Buổi chiều - Xuân Diệu

 
II. Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Chú ý điều được gợi mở từ câu thơ đề từ.

Lời đề từ “bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

- Bâng khuâng: thể hiện được nỗi lòng của nhà thơ, thấy mênh mông, vô định, khó tả nổi cảm xúc trước không gian rộng lớn

- Trời rộng, được nhân hóa “nhớ sông dài” cũng chính là ẩn dụ nỗi nhớ của nhà thơ

⇒ Lời đề từ gợi cảm hứng của bài thơ, gợi giọng điệu nhẹ nhàng xen lẫn nỗi buồn man mác.

Câu 2: Hình ảnh xuất hiện ở câu cuối khổ thơ có thể gợi lên những cảm nhận gì?

“Củi một cành khô”: những thứ nhỏ bé, khô héo và thiếu sức sống.

“Lạc mấy dòng”: trôi dạt, vô định, lạc lõng.

⇒ Gợi tâm trạng của nhân vật trữ tình: sự vô định, ngổn ngang, chơi vơi, quanh quẩn không biết đi đâu về đâu.

Câu 3: Thế nào là “sâu chót vót”?

“Sâu chót vót” (tính từ): miêu tả bầu trời.

⇒ Đó là không gian được mở rộng đến hai lần: có cả chiều cao (từ mặt nước lên bầu trời) và cả chiều sâu (bầu trời dưới đáy sông sâu).

⇒ Bầu trời cao, sâu, bao la, rộng lớn >< con người càng trở nên nhỏ bé, đáng thương.

Câu 4: Chú ý đặc điểm chính tả và ngữ âm của từ láy “dợn dợn”.

“Dợn dợn”: từ láy hoàn toàn; một từ mới cho chính nhà thơ chế tác. (gần nghĩa với “rờn rợn”: thường dùng để chỉ sự sợ hãi, ghê sợ trước điều gì đó)

⇒ Nhân vật trữ tình thấy “dợn dợn” trước những cái vô biên, vô cùng như trời rộng, sông dài, trăm ngả sóng,... vì trước những sự vô hạn của không gian - thời gian, con người càng trở nên nhỏ bé, bất lực.

III. Yêu cầu sau khi đọc

Câu 1: Bạn cảm nhận gì về nhan đề Tràng giang? Nhan đề và lời đề từ liên quan thế nào với nội dung cảm xúc của bài thơ?

- Nhan đề “Tràng giang”:

  • Từ Hán Việt “Tràng giang” (sông dài) → gợi không khí cổ kính.
  • Hiệp vần “ang”: tạo dư âm vang xa, trầm lắng, mênh mang.

⇒ Bên cạnh gợi ý nghĩa về một con sông dài thì Tràng giang mở rộng chiều kích cảm nhận cho người đọc cả về chiều rộng, nhờ vậy mà con sông xuất hiện trong bài thơ như dài, rộng vô tận.

⇒ Tràng giang còn gợi ra một nỗi buồn mênh mang của con người khi đứng trước dòng sông.

- Nhan đề và lời đề góp phần nêu lên chủ đề và thể hiện nội dung chính của bài thơ, giúp người đọc dễ hình dung và tiếp nhận tác phẩm hơn.

Câu 2: Có thể dùng từ ngữ nào để chỉ tính chất của khung cảnh được “vẽ” ra trong bài thơ?

Các từ ngữ dùng để chỉ tính chất của khung cảnh được “vẽ” ra trong bài thơ: buồn điệp điệp, nước song song, sầu trăm ngả, lạc mấy dòng, đìu hiu, sâu chót vót, dài - rộng, cô liệu, mênh mông, lặng lẽ, lớp lớp, dợn dợn,...

Câu 3: Bài thơ đã được cấu tứ như thế nào? Bạn dựa vào đâu để xác định như vậy?

- Cấu tứ bài thơ và lí do xác định: Tràng giang được cấu tứ trên nền cảm hứng không gian sóng đôi: Có dòng “tràng giang” thuộc về thiên nhiên trong tư cách một không gian hữu hình và dòng “tràng giang” tâm hồn như một không gian vô hình trong tâm tưởng. Đây vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường thi.

- Dựa vào các hình ảnh được sử dụng trong bài thơ: tác giả mở đầu từ hình ảnh con sóng xa xôi rồi tiến vào gần hơn đó là hình ảnh làng quê lúc chiều tà… 

Câu 4: Chỉ ra sự tương phản giữa các hình ảnh trong khổ thơ thứ hai. Sự tương phản đó có ý nghĩa gì và tiếp tục được triển khai ở các khổ thơ tiếp như thế nào?

- Sự tương phản giữa các hình ảnh trong khổ thơ thứ hai:

  • “nắng xuống” - “trời lên”
  • “sông dài” - “trời rộng” - “bến cô liêu”

⇒ Vũ trụ thì bao la, vô tận còn con người thì quá nhỏ bé, đơn độc, lẻ loi.

⇒ Sự tương phản cho ta thấy được tâm trạng buồn bã, băn khoăn, ngơ ngác trước những ngã rẽ của cuộc đời. Thi nhân cảm nhận rõ sự nhỏ bé, lẻ loi, cô độc của một kiếp người giữa dòng đời rộng lớn. Đây không phải là nỗi buồn của cá nhân ông mà là cảm xúc chung của cả một thế hệ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX.

- Sự tương phản này tiếp tục được triển khai ở các khổ thơ tiếp theo:

  • Khổ thơ thứ ba gợi ảnh vật cô liêu nhưng không có sự gắn kết với nhau, thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người.
  • Khổ thơ thứ tư gợi cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng lòng người thì buồn vời vợi bởi nỗi nhớ quê hương.

Câu 5: Bài thơ có những điểm khác lạ nào trong cách sử dụng ngôn ngữ? Hãy làm rõ hiện tượng này qua phân tích một ví dụ bạn cho là tiêu biểu.

- Sử dụng hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính (10 lần/16 dòng thơ, cách ngắt nhịp truyền thống: 3/4). Hệ thống từ láy trải khắp bài thơ: điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót, mênh mông, lặng lẽ, lớp lớp, dợn dợn.

- Cách dùng và sử dụng những hình ảnh đối lập: củi một cành>< mấy dòng. Nắng xuống >< trời lên, sông dài - trời rộng - bến cô liêu, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

- Biện pháp nghệ thuật tượng trưng: củi một cành khô lạc mấy dòng, bến cô liêu, chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa.

- Những hình ảnh màu sắc đẹp như: bờ xanh tiếp bãi vàng, mây cao đùn núi bạc, chim nghiêng cánh, sóng gợn.

Câu 6: Nếu một số thi liệu truyền thống xuất hiện trong văn bản. Việc tác giả sử dụng những thi liệu ấy cho biết thêm điều gì về cầu tử của bài thơ?

- Thi liệu truyền thống có thể kể đến trong bài thơ: đề tài sông nước quen thuộc của thi sĩ xưa; sử dụng từ Hán Việt (tràng giang); thể thơ thất ngôn, tỏ rõ sự suy tư, cảm xúc mênh mông của con người; tứ thơ quen thuộc của thơ cô lấy cảnh vật để nói về nỗi niềm của con người.

- Tác dụng: việc sử dụng những thi liệu truyền thống giúp bài thơ mang không khí cổ điển, trầm mặc, thể hiện sự trang nhã trong lời thơ, câu từ của tác giả. Đồng thời, nó cũng góp phần trong việc thể hiện tâm tư, cảm xúc thầm kín của tác giả mang đậm một tấm lòng yêu quê hương, đất nước.

Câu 8: Bài thơ đã giúp bạn có thêm được cảm nhận gì về đời sống, về mối quan hệ giữa con người cá nhân với vũ trụ vô biên?

Bài thơ đã giúp ta có những cảm nhận mới về đời sống, về mối quan hệ giữa con người cá nhân với vũ trụ vô biên. Đó là một vũ trụ vô cùng vô tận và sự nhỏ nhoi của kiếp người với nỗi sầu thiên cổ. Khi đứng trước không gian vô tận như vậy, con người càng cảm thấy bâng khuâng, cô đơn vì nhớ quê hương da diết.

IV. Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ sự tâm đắc của bạn về một phương diện nổi bật của bài thơ Tràng Giang.

Gợi ý triển khai

(1) Về thể loại:

- Tràng giang là một trong số không nhiều thi phẩm tuyệt tác của phong trào Thơ Mới. Trong tư cách là một bài thơ mới, Tràng giang có nhiều cách tân, tìm tòi mới mẻ. Chẳng hạn, một phong thái diễn đạt cảm xúc mới, một điệu hồn sâu lắng, rợn ngợp cô đơn của cái Tôi hiện đại, những cách tân trong nhịp thơ để tăng chất nhạc và những lựa chọn táo bạo về hình ảnh, ngôn ngữ gây ấn tượng sâu sắc.

- Tuy nhiên, Tràng giang còn là một thi phẩm được viết trên tinh thần không khước từ với truyền thống. Trái lại, tác giả vận dụng được nhiều nét tinh hoa của văn chương trung đại và tạo cho bài thơ một vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại phù hợp với phong cách thơ giàu suy tưởng của chính mình.

(2) Tứ thơ sóng đôi:

- Tràng giang” được cấu tứ trên nền cảm hứng không gian sóng đôi: Có dòng “Tràng giang” thuộc về thiên nhiên trong tư cách một không gian hữu hình và dòng “Tràng giang” tâm hồn như một không gian vô hình trong tâm tưởng. Đây vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường Thi.

- Tiếp cận Tràng Giang trong tư cách dòng sông thiên nhiên có thể thấy một điều đặc biệt: khổ thơ nào cũng có thông điệp về nước. Thông điệp trực tiếp là các từ : “nước”, “con nước”, “dòng”…Thông điệp gián tiếp là các từ : “sóng gợn”, “cồn nhỏ”, “bèo dạt”, “bờ xanh”, “bãi vàng”…

- Tiếp cận Tràng giang với tư cách dòng sông cảm xúc trong tâm hồn lại phát hiện thêm một điều thú vị nữa: Cảnh nào cũng gợi buồn. Sóng buồn vô hạn ( buồn điệp điệp); Gió đầy tử khí: “đìu hiu”. Gợi nhớ đến câu: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” ( Chinh Phụ Ngâm); Bến sông cô đơn vắng vẻ: “bến cô liêu”; Nước với nỗi buồn trải khắp không gian: “sầu trăm ngả”

(3) Sự ảnh hưởng của thơ Đường:

- Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ cổ điển và hiện đại. Trong đó vẻ đẹp cổ điển của bài thơ hiện ra qua các thi liệu quen thuộc trong Đường thi như: sông, trời, nắng và cuộc sống con người thì buồn tẻ, chán chường, mọi thứ như tan rã, chia lìa và đau thương.

- Chỉ với một khổ trong bài đã có rất nhiều dấu ấn ngôn ngữ Đường thi (khổ 2).

- Bút pháp chấm phá với hình ảnh của cánh chim, mây và cách dùng từ “đùn” trong câu thơ “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” gợi nhớ đến câu thơ của Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.

- Toàn bài sử dụng hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính: tràng giang, điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu,...

- Nỗi nhớ trong câu “Lòng quê dợn dợn vời con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

→ Nỗi nhớ của Thôi Hiệu: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

  • 15 lượt xem
Sắp xếp theo