Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Trích Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng)

I. Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu hỏi: Phải chăng giá trị của nghệ thuật là ở chỗ nó có ích cho đời sống?

- Có hai khuynh hướng: nghệ thuật vì nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.

  • Nghệ thuật vị nghệ thuật: hướng đến thuộc tính và giá trị nội tại của nghệ thuật. Giá trị nội tại này là giá trị về một nghệ thuật chân chính, đích thực. Theo định hướng đó, nghệ thuật chỉ nên hướng về chính bản thân nó.
  • Nghệ thuật vị nhân sinh: hướng đến mục đích làm nghệ thuật và chức năng của nghệ thuật. Mà cụ thể là hướng về con người, đời sống, xã hội. Vì vậy nghệ thuật vị nhân sinh sẽ mang nhiều nhiệm vụ hơn, truyền tải nhiều thông điệp hơn. Như trong một số những giai đoạn lịch sử, nghệ thuật như tấm gương phản chiếu đời sống hiện thực của xã hội. Như tác phẩm nổi tiếng “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Người nghệ sĩ đã thông qua hoạt động nghệ thuật để phản ánh nỗi khổ đau của tầng lớp người dân trong bối cảnh thời đó.

→ Mỗi người có quan điểm riêng về nghệ thuật.

II. Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật?

- Vũ Như Tô: cảm thấy bất ngờ về việc mình xây Cửu Trùng Đài lại là sai. Ông khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì nên tội nên không phải chạy trốn.

- Đan Thiềm: luôn tỏ ra lo lắng, khuyên Vũ Như Tô nên trốn đi.

Câu 2: Tình huống kịch được miêu tả trong lớp I là gì?

Mâu thuẫn giữa niềm khao khát hiến dâng tất cả cho nghệ thuật của người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng với lợi ích trực tiếp và thiết thực của đời sống nhân dân. Mâu thuẫn này xuất phát từ niềm khao khát của người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng tập trung ở sự việc xây dựng Cửu Trùng Đài (Đài càng xây cao thì càng tốn kém nhiều, tổn thất lớn, lại thêm các nạn đại dịch...). Như vậy, dù muốn dù không Vũ Như Tô đã bất đắc dĩ trở thành kẻ thù của nhân dân. 

Câu 3: Bối cảnh nào được tái hiện thông qua các chỉ dẫn sân khấu.

- Bối cảnh: nhân dân nổi lên (tiếng quân ầm ầm, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và, tiếng ngựa hí).

Câu 4: Chú ý thái độ của Vũ Như Tô, Đan Thiềm khi Nguyễn Vũ xuất hiện.

- Đan Thiềm luôn cố tỏ ra lo lắng. vì lo cho Vũ Như Tô nên khuyên ông hãy chạy đi, nàng khuyên ông hãy chạy đi để bảo toàn tính mạng.

- Vũ Như Tô bình tĩnh vì vẫn tin bản thân mình không làm gì sai, bản thân luôn quang minh chính đại, làm việc gì cũng nghĩ tới lợi ích chung, không lý gì lại phải chạy trốn.

Câu 5: Sự kiện nào được miêu tả trong lớp III.

- Sự kiện được miêu tả trong lớp III: Trịnh Duy Sản làm phản, cái chết của Hoàng Thượng và Nguyễn Vũ.

Câu 6: Sự kiện nào được miêu tả trong lớp IV.

- Sự kiện được miêu tả trong lớp IV: Tình thế nguy ngập: được tin vua chết, Nguyễn Hoằng Dụ kéo quân đốt phá kinh thành, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.

Câu 7: Chú ý sự khác biệt trong hành động, thái độ của các nhân vật trong tình thế nguy ngập.

- Vũ Như Tô: Phản đối việc đốt phá Cửu Trùng Đài

- Bọn nội gián: Phản đối việc để Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô

Câu 8: Chú ý thái độ của Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

- Vũ Như Tô: bình tĩnh, khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì sai để phải bỏ chạy.

- Đan Thiềm: vội vàng, khẩn trương giục Vũ Như Tô bỏ chạy vì nàng lo lắng cho tính mạng của người tài.

Câu 9: Chú ý hành động của đám cung nữ và quân nổi loạn.

- Đám cung nữ: quỳ xuống van xin, đổ mọi tội lỗi cho Đan Thiềm.

- Quân nổi loạn: bắt lũ cung nữ.

Câu 10: Hành động, lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm thể hiện thái độ gì của nhân vật?

- Vũ Như Tô: Không sợ chết, không chịu khuất phục trước quân nổi loạn.

- Đan Thiềm: Quỳ lạy, van xinh Ngô Hạch tha chết cho Vũ Như Tô.

Câu 11: Chú ý sự đối lập trong lời thoại, hành động của Vũ Như Tô và đám quân sĩ.

- Vũ Như Tô: Khẳng định mình không có tội, việc xây dựng Cửu Trùng Đài là để làm đẹp cho đất nước.

- Đám quân sĩ: Cho rằng hành động và lời nói của Vũ Như Tô là điên rồ, người ta oán trách Vũ Như Tô vì xây dựng mà mẹ mất con, vợ mất chồng…

Câu 12: Chú ý thái độ của Vũ Như Tô khi biết Cửu Trùng Đài bị đốt cháy.

- Vũ Như Tô đau đớn, tiếc nuối, xót xa khi nhìn thấy Cửu Trùng Đài đang cháy rụi trước mắt.

III. Yêu cầu sau khi đọc

Câu 1: Tóm tắt các sự kiện chính trong đoạn trích. Bạn có nhận xét gì về diễn biến của các sự kiện?

- Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô đi trốn, vì mọi người cho rằng ông chính là thủ phạm khiến mọi người oán giận, còn ông cảm thấy bản thân không làm gì nên tội.

- Trịnh Duy Sản mưu với lũ Lê Quảng Đô, Trịnh Tri Sâm lập vua khác.

- Hoàng Thượng qua đời, Nguyễn Vũ cũng tự tử.

- Được tin vua chết, Nguyễn Hoằng Dụ kéo quân đốt phá kinh thành, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.

- Đan Thiềm tiếp tục khuyên Vũ Như Tô chạy trốn, Vũ Như Tô tin bản thân mình trong sạch.

- Quân khởi loạn bắt đám cung nữ, Đan Thiềm cầu xin cho Vũ Như Tô. Vũ Như Tô không chịu khuất phục, không sợ chết trước quân khởi loạn.

- Vũ Như Tô vĩnh biệt Đan Thiềm và Cửu Trùng Đài.

- Vũ Như Tô đau đớn, xót xa khi nhìn Cửu Trùng Đài cháy.

⇒ Các sự việc diễn ra theo trình tự thời gian, xoay quanh cuộc đời Vũ Như Tô.

Câu 2: Tình huống kịch được miêu tả trong đoạn trích là gì? Trước tình huống đó, mỗi nhân vật đã có những phản ứng, hành động như thế nào? Những phản ứng, hành động đó thể hiện đặc điểm tính cách gì của nhân vật?

- Tình huống kịch: mâu thuẫn giữa dân, những người thợ xây đài và tầng lớp vua chúa phong kiến ngày càng gay gắt. Lợi dụng tình hình đó, phe phản nghịch, đứng đầu là Quận công Trịnh Duy Sản đã nổi loạn giết vua Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm…Còn lôi kéo cả binh lính, dân chứng và chính người thợ xây đài nổi dậy đốt Đài Cửu Trùng đang xây dở.

- Phản ứng, hành động của các nhân vật:

  • Đan Thiềm: vội vàng, khẩn trương giục Vũ Như Tô bỏ chạy vì nàng lo lắng cho tính mạng của người tài.
  • Vũ Như Tô: bình tĩnh, khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì sai để phải bỏ chạy.

⇒ Qua đó có thể thấy Đan Thiềm là người có bản chất tốt đẹp, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình để bảo vệ người tài. Còn Vũ Như Tô là một người chính trực, không chịu khuất phục, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nghệ thuật.

Câu 3: Xung đột chính trong đoạn trích là gì? Dựa vào đâu bạn nhận ra xung đột đó?

Xung đột chính của kịch: Mâu thuẫn giữa phe nổi loạn với phe Lê Tương Dực:

  • Phe nổi loạn: dân chúng, thợ xây Cửu Trùng Đài
  • Phe đối lập trong triều đứng đầu là Trịnh Duy Sản

⇒ Dựa vào ngôn ngữ, hành động của các nhân vật để xác định xung đột của kịch.

Câu 4: Phân tích diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô được thể hiện trong đoạn trích (dựa vào các lời thoại và hành động của nhân vật).

- Lúc đầu, ông thà chết chứ nhất định không xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân; khi được vua thưởng bạc vàng, lụa là ông đem chia hết cho thợ. Nhưng Vũ Như Tô quá say sưa với mơ ước xây dựng một công trình nghệ thuật lớn cho đất nước, cho đời sau đến mới quên cả thực tế: dân chúng đang đói khổ, càng bị giai cấp thống trị bòn rút mồ hôi, nước mắt để xây Cửu Trùng Đài.

- Khi dân chúng và quân khởi loạn nổi dậy, Vũ Như Tô quyết không chạy trốn, không nhận ra cái sai của mình, nguyện chịu chết và bảo vệ Cửu Trùng Đài.

- Vũ Như Tô vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô, mâu thuẫn giữa con người dân và con người nghệ sĩ, giữa khát vọng nghệ thuật và thực tế xã hội đã có kết cục nhưng thực ra vẫn chưa được giải quyết triệt để.

- Khi Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô cảm thấy đau đớn, xót xa. Vũ Như Tô quá say mê cái đẹp mà quên cả thực tế.

Câu 5: Hình tượng Cửu Trùng Đài trong vở kịch có ý nghĩa gì? Bạn có suy nghĩ gì về những phản ứng khác nhau của các nhân vật khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy?

- Cửu Trùng Đài là một công trình kiến trúc tuyệt tác.

  • Được xây bằng tài hoa tuyệt đỉnh của Vũ Như Tô - được xây dựng bằng tâm huyết của Vũ Như Tô: với ông thì Cửu Trùng Đài là phần tâm hồn, là sinh mệnh.
  • Được xây dựng bằng khát vọng cao đẹp, lý tưởng đẹp, tình tri kỉ.

- Cửu Trùng Đài còn là hiện thân cho cái đẹp xa hoa, đi ngược lại với lợi ích của người lao động.

  • Với vua: Cửu Trùng Đài thể hiện quyền lực, là chốn ăn chơi.
  • Với Vũ Như Tô: Cửu Trùng Đài là mộng lớn.
  • Với Đan Thiềm: Cửu Trùng Đài là “niềm kiêu hãnh nước nhà”
  • Với nhân dân: Cửu Trùng Đài là món nợ mồ hôi, xương máu.

- Cửu Trùng Đài là hiện thân cho số phận mong manh của cái đẹp

⇒ Khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy phản ứng khác nhau của các nhân vật: Vũ Như Tô đau đớn kinh hoàng nhận ra sự vỡ mộng lớn. Ông “rú lên” kinh hoàng, tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi!… Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Còn về phía nhân dân, họ vui mừng khi Cửu Trùng Đài bị cháy.

Câu 6: Vở kịch gợi cho bạn suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng và thực tế, giữa cá nhân và lịch sử?

- Vấn đề muôn thuở mà Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập tới trong "Vũ Như Tô" là vấn đề tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thời đại nào cũng không hề thay đổi. Ông trân trọng ước mơ của kẻ sĩ, muốn người tài được trọng dụng, họ cần được tạo điều kiện để thi thố tài năng, thỏa niềm đam mê sáng tác, nuôi dưỡng những đứa con tinh thần. Nguyễn Huy Tưởng muốn nâng tầm những người nghệ sĩ chân chính, luôn sống và cống hiến hết mình với đam mê cháy bỏng, sẵn sàng hy sinh bản thân dẫu vất vả, cực nhọc mấy cũng chỉ cần được thỏa trí sáng tạo làm đẹp cho đời,… Nhưng có một điều bất di bất dịch mà người nghệ sĩ nào cũng cần nhớ đó chính là nghệ thuật được xây dựng trên nền móng của hiện thực, bắt nguồn từ những điều giản đơn, gần gũi nhất trong cuộc sống và nghệ thuật phải quay lại phục vụ con người chứ không thể vì chìm đắm trong đó mà dửng dưng với nỗi đau của con người, bất chấp tất cả cho lí tưởng thẩm mỹ cá nhân bởi “nghệ thuật vị nhân sinh”.

- Không chỉ người sáng tạo mà người hâm mộ cái đẹp cũng cần rút ra cho mình những suy nghĩ, những kinh nghiệm riêng. Đan Thiềm không sai khi có “căn bệnh” yêu và đam mê cái đẹp; trân trọng kẻ sĩ Vũ Như Tô với tài năng xuất chúng; cảm thông với nỗi đau và bi kịch của người nghệ sĩ vì bị o bế, đè nén không được thỏa trí sáng tạo,… nhưng tình yêu nào cũng khó tránh khỏi sự mù quáng, đôi khi vì quá say sưa với niềm đam mê mà con người khó lòng phân định được điều mình đang làm có thực sự hướng tới những giá trị tốt đẹp đích thực hay không.

Câu 7: Trong lời đề tựa kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết:

“Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.

Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.”

Lời đề tựa này cho thấy thái độ gì của tác giả đối với các nhân vật? Thái độ đó được biểu hiện như thế nào qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài?

- Lời tựa đã thể hiện toàn bộ nội dung cũng như mâu thuẫn, băn khoăn của chính tác giả:

  • Mâu thuẫn giữa con người công dân và con người nghệ sĩ trong Vũ Như Tô cũng chưa được giải quyết dứt khoát.
  • Băn khoăn: không thể hy sinh lợi ích bức thiết của dân chúng nhưng vẫn mong có một công trình nghệ thuật như Cửu Trùng Đài.

- Việc quần chúng giết Vũ Như Tô có lí đúng: nếu Vũ Như Tô không xây Cửu Trùng Đài thì chắc Lê Tương Dực không thể xây được Cửu Trùng Đài, gây thiệt hại cho nhân dân. Nhưng quần chúng nhân dân trong cơn nông nổi, giận dữ, có thể chưa hiểu hết Vũ Như Tô. Khát vọng và động cơ của Vũ Như Tô là chính đáng, nhưng xây Cửu Trùng Đài là không nên vì lúc đó là chất thêm một gánh nặng cho dân chúng.

- Đan Thiềm và Vũ Như Tô là người yêu cái đẹp nên quên cả thực tế. Nhưng sự đam mê ấy luôn phải có sự tỉnh táo của người công dân quan tâm đến lợi ích của dân chúng, phải có hành vi ứng xử đúng, hợp với hoàn cảnh thực tế. Nói cầm bút chẳng qua cùng là một bệnh với Đan Thiềm, phần nào tác giả chưa dứt khoát với quan niệm nghệ thuật thuần túy, ít nhất là trong tác phẩm này.

IV. Kết nối đọc – viết

Theo bạn, vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn trích? Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về vấn đề đó.

Gợi ý triển khai

- Vấn đề: Thân phận của người nghệ sĩ.

- Vũ Như Tô là người nghệ sĩ với khát khao cao cả sáng tạo nghệ thuật, từ khi được “vua biết mặt, chúa biết tên” đã tự học nghề, rèn rũa tài năng và không bỏ lỡ cơ hội sáng tạo.

- Vấn đề: vị trí của người nghệ sĩ ở nhân dân hay ở giai cấp thống trị? Nếu thuộc về nhân dân, niềm khao khát sáng tạo nghệ thuật bị đè bẹp hoặc chết hẳn vì nỗi lo mưu sinh và gánh nặng áo cơm (nhân vật Hộ trong “Đời thừa” - Nam Cao). Nếu ở nơi vua quan thống trị, nghệ sĩ trở thành kẻ thù của công chúng trong cuộc đấu tranh giai cấp.

→ Ở vị trí nào, bi kịch cũng sẽ đến với Vũ Như Tô, bởi người nghệ sĩ không có chỗ đứng trong xã hội, không có cơ hội sáng tạo nghệ thuật. Bi kịch xảy ra khi nghệ sĩ say mê đến quên mình để sáng tạo nhưng nhân dân lại không hiểu nghệ thuật nên nguyền rủa, tiêu diệt nghệ sĩ.

→ Đó không chỉ là số phận của một người nghệ sĩ mà là bi kịch của nghệ thuật. Cái Tài, cái Đẹp bị tiêu diệt, bị hủy hoại.

  • 6 lượt xem
Sắp xếp theo