Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội

I. Yêu cầu

- Nêu được đề tài nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo.

- Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.

- Biết thực hiện các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu, khai thác được các nguồn tham khảo đáng tin cậy.

- Biết sử dụng các trích dẫn, cước chú, tài liệu tham khảo và các phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có.

II. Phân tích bài viết tham khảo

Giao thoa và tiếp biến văn hóa

– nhìn từ kiến trúc rồng thành bậc điện Kính Thiên

1. Bố cục

Đặt vấn đề

- Giới thiệu về vấn đề nghiên cứu: Giao thoa và tiếp biến văn hóa – nhìn từ kiến trúc rồng thành bậc điện Kính Thiên.

Giải quyết

vấn đề

- Trình bày các kết quả nghiên cứu

- Sử dụng hình minh họa cho kênh chữ

- Thu thập thông tin từ nhiều nguồn

- Phân tích, đánh giá thông tin

Kết luận

- Khẳng định quan điểm của người viết

2. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Đề tài của báo cáo nghiên cứu ở trên là gì? Tác giả đã tiếp cận đề tài từ góc độ nào?

- Đề tài: Nghiên cứu về kiến trúc rồng thành bậc điện Kính Thiên.

- Góc độ tiếp cận: từ góc độ công năng đến kiểu dáng.

Câu 2: Để triển khai báo cáo, những luận điểm chính nào đã được tác giả sử dụng?

- Công năng của kiến trúc rồng thành bậc điện Kính Thiên

- Nguồn gốc tên gọi

- Hình dáng con rồng của kiến trúc rồng thành bậc điện Kính Thiên

- Nguồn gốc và công dụng của Long bệ thạch. Ứng dụng của nó vào Việt Nam.

Câu 3: Các thông tin tác giả cung cấp trong bài viết đến từ nguồn nào? Bạn có nhận xét gì về độ chính xác, tin cậy, khách quan của các thông tin?

- Các thông tin tác giả cung cấp trong bài viết đến từ các nguồn:

  • Luận án tiến sĩ: Các nguồn sử liệu về quy mô và cấu trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê.
  • Tạp chí văn hóa học: Từ góc nhìn tứ linh khám phá tâm thức văn hóa rồng của người Việt và người Hán.
  • Sách: Hoàng thành Thăng Long.

- Những thông tin này có độ chính xác cao, có tính tin cậy và khách quan.

Câu 4: Tài liệu tham khảo có những thông tin gì và được sắp xếp theo trật tự nào?

- Tài liệu tham khảo chứa những thông tin: Tác giả, năm công bố, tên tác phẩm, tên tạp chí, luận án hoặc tên sách, lần xuất bản, nhà xuất bản, nơi xuất bản, tập, số, các số trang.

- Tài liệu tham khảo được sắp xếp theo trật tự: ABC họ tên tác giả của tài liệu.

III. Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

a. Lựa chọn đề tài

Đề tài của báo cáo kết quả nghiên cứu có thể là một vấn đề xã hội như một sự kiện văn hóa – lịch sử, một vấn đề khoa học – nghệ thuật, một hiện tượng tâm lí, cũng có thể là một vấn đề tự nhiên như môi trường, khí hậu, tài nguyên,…

b. Thu thập, phân tích và đánh giá thông tin

- Mỗi nguồn tài liệu có thể cung cấp những loại thông tin khác nhau, phù hợp với những chủ đề khác nhau.

  • Các từ điển bách khoa có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan về vấn đề.
  • Các tài liệu tham khảo chuyên môn cho biết những thông tin chi tiết, cụ thể.
  • Các bản ghi chép bài phỏng vấn, diễn văn giúp hiểu hơn về các chủ đề lịch sử, văn chương, khoa học.
  • Báo và tạp chí cung cấp những tin tức, sự kiện,… mới nhất về vấn đề mà bạn quan tâm.
  • Các văn bản quảng cáo cho biết thêm thông tin về các chủ đề liên quan đến kinh tế, văn hóa đại chúng.
  • Các ảnh chụp, video clip, bản ghi âm, tư liệu về hiện vật được trưng bày trong bảo tàng; các hình ảnh minh họa, bản đồ, bảng biểu, số liệu;… cho biết những tri thức cụ thể, chi tiết về vấn đề;…

→ Trước khi tìm kiếm thông tin, hãy cân nhắc nguồn tư liệu nào có ý nghĩa nhất đối với nghiên cứu của bạn.

- Xét về nguồn gốc, có thể chia các tài liệu thành hai loại: tài liệu gốc và tài liệu phái sinh.

  • Tài liệu gốc là nguồn tài liệu được tạo ra bởi những người trực tiếp chứng kiến, tham gia các sự kiện, ví dụ: thư từ, nhật kí, diễn văn, ảnh chụp, tự thuật, email, bản tường thuật từ ngôi thứ nhất,… Nguồn tài liệu gốc có thể giúp bạn hình dung ra được không khí và các chi tiết cụ thể về sự kiện, song thường chứa đựng cái nhìn có tính chất thiên kiến của tác giả.
  • Nguồn tài liệu phái sinh là những bản ghi được tạo ra sau các sự kiện, bởi những người không trực tiếp chứng kiến, tham gia, ví dụ: tiểu sử, từ điển bách khoa, bản ghi lời kể của người được chứng kiến,… Tài liệu phái sinh có thể đưa lại cái nhìn tổng quan, đa chiều về vấn đề, nhưng độ tin cậy lại phụ thuộc vào nguồn tài liệu mà chúng dựa vào.

- Sau khi thu thập được những thông tin đáng tin cậy, bạn cần lưu trữ chúng một cách hệ thống, khoa học. Có một số cách phổ biến để lưu trữ thông tin như: tóm tắt, trích dẫn.

  • Tóm tắt là nắm bắt các nội dung cốt lõi của tài liệu và diễn đạt chúng một cách ngắn gọn dựa vào các từ khóa.
  • Trích dẫn là ghi chép nguyên văn các thông tin và sử dụng dấu ngoặc kép để đánh dấu những phần trích dẫn (trích dẫn trực tiếp) hoặc diễn giải lại các thông tin bằng ngôn ngữ của mình (trích dẫn gián tiếp).

2. Xây dựng đề cương

- Sau khi đã có được những thông tin bao quát về vấn đề, bạn có thể tìm thấy một cách triển khai vấn đề riêng của mình.

3. Viết

- Khi viết báo cáo nghiên cứu, bạn cần tuân thủ các quy định về hình thức trình bày của một báo cáo nghiên cứu.

- Lưu ý, bài viết cần thể hiện rõ các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu; có trích dẫn, cước chú, tài liệu tham khảo và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Bố cục phù hợp với một báo cáo nghiên cứu, gồm các phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận, tài liệu tham khảo.

- Các thông tin tham khảo có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy.

- Các luận điểm, bằng chứng rõ ràng, chặt chẽ.

- Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả; không mắc lỗi dùng từ, đặt câu (ngữ pháp).

IV. Gợi ý triển khai

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG VÀ CỔ LOA

I. Đặt vấn đề

Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng nghìn năm lịch sử, từ trong sâu thẳm của tâm linh Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng người Việt và các Vua Hùng là người có công dựng nước. Chính điều đó đã hình thành nên đời sống văn hóa tín ngưỡng rất độc đáo của cả dân tộc Việt Nam và cả dân tộc đều thờ một ông tổ chung và tất cả các di tích trong quần thể Khu di tích Đền Hùng là minh chứng rõ nét cho tín ngưỡng độc đáo ấy.

II. Giải quyết vấn đề

Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trong vùng đất thấp phía Tây Bắc thành phố Việt Trì. Tổng diện tích tự nhiên trên 1.000ha thuộc phần đất trong địa giới hành chính của 7 xã: Hy Cương, Chu Hóa, Tiên Kiên, Thanh Đình - huyện Lâm Thao; Phù Ninh; Kim Đức và xã Vân Phú - thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Khu vực Đền Hùng nằm trong vùng địa chất biến chất, nâng lên và uốn nếu với 3 kiểu: địa mạo đồi gò (đá mẹ chủ yếu là đá Gnai), địa mạo đồi gò phù sa cổ và bậc thềm thung lũng tích lũy. Tương ứng là các kiểu địa hình đồi gò (đá mẹ là chủ yếu), sau đó đến gò đồi trung bình và thung lũng bồi tích. Đây chính là tiểu vùng đồi xen ruộng nước.

Khu vực Đền Hùng mang đặc tính chung của khí hậu miền Bắc Việt Nam, thuộc khí hậu á nhiệt đới gió mùa. Có hai mùa rõ rệt, mùa nóng và mùa lạnh. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, thường có mưa chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm. Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thường ít mưa và có gió lạnh. Nhiệt độ: không khí trong bình năm: 23,1oC.

Theo thực tế cấu trúc địa hình tự nhiên khu vực Đền Hùng thì núi Nghĩa Lĩnh nơi có Đền Hùng cao nhất vùng, xung quanh là những đồi gò san sát. Hình thế các đồi gò này tựa như một đàn voi quay đầu chầu về núi Nghĩa Lĩnh (Tổ Sơn) (tương truyền có 99 con voi/ núi như thế). Các núi voi đều gắn với truyền thuyết “Vua Hùng chọn đất đóng đô”. Mà ở đây truyền thuyết (văn hóa phi vật thể) gắn liền với di tích (văn hóa vật thể)./.

Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có: đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.

Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây.

Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự).

Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung.

Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp Tết.

Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng

Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.

Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

3. Kết luận

Đền Hùng gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) cùng với câu ca đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Hàng ngàn năm qua, Đền Hùng luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thái Dũng (2017), Tìm hiểu về văn hóa thời đại Hùng Vương, NXB Hồng Đức.

2. Nhóm Trí thức Việt (2019), Các di tích, lịch sử, tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, NXB Hồng Đức.

  • 14 lượt xem
Sắp xếp theo