Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Dàn ý chung kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội 

A. Mở bài: Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận; sự cần thiết bàn luận về vấn đề.

B. Thân bài: Trình bày ít nhất hai luận điểm chính nhằm làm rõ ý kiến và thể hiện quan điểm, thái độ của người viết (trước các biểu hiện đúng/sai/tốt/xấu); sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

C. Kết bài: khẳng định lại tầm quan trọng hay ý nghĩa của vấn đề cùng thái độ, lập trường của người viết 

undefined
Bảng kiểm kĩ năng viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập 

Học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi người cần phải xác định cho mình, đặc biệt là với mỗi học sinh. Để việc học đạt hiệu quả mỗi người nên xác định cho mình một động cơ học tập đúng đắn. Vậy động cơ học tập là gì? động cơ học tập có vai trò quan trọng như thế nào với mỗi người?

Chúng ta hiểu động cơ học tập là việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu học tập đúng đắn. Trên cơ sở có mục tiêu học tập đó, mỗi người sẽ có ý thức phấn đấu để hoàn thành mục tiêu và đạt được kết quả cao trong học tập. Mỗi người sẽ có mỗi động cơ học tập khác nhau, không ai giống ai cả. Dù động cơ học tập khác nhau nhưng đều giống nhau ở mục tiêu và kết quả đạt được, đó là kết quả học tập tốt. Trên thực tế không phải ai cũng xác định được mục tiêu học tập cả, có người có ý thức, trách nhiệm thì luôn luôn xác định được mục tiêu học tập đúng đắn, phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Trường hợp này thì lại thường rơi vào những người có sự chăm chỉ và có kết quả học tập tốt. Ngược lại những người có lực học kém, thường xuyên ỷ lại vào người khác sẽ không có động cơ học tập rõ ràng, hậu quả là việc học đã kém lại càng kém hơn, thành tích học tập không được như mong muốn.

Động cơ học tập hình thành từ khi nào? Chúng ta không thể ép học sinh mầm non, tiểu học mới chập chững đi học đã xác định được mục tiêu, động cơ học tập ngay được. Động cơ học tập hình thành trong quá trình lâu dài, được tích lũy dần dần và chỉ thực sự rõ ràng khi học sinh đã có những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, chính xác về việc học của mình. Có những bạn hình thành động cơ học tập từ rất sớm ngược lại lại có những người trải qua rất nhiều những thay đổi, biến động, đả kích về tinh thần hoặc nhiều lý do khác mới hình thành cho mình được động cơ học tập… Với động cơ học tập chúng ta có thể chia nó làm hai loại: một là động cơ bên trong hai là động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong chính là mục tiêu phấn đấu mà người học đề ra để mình đạt được; động cơ bên ngoài là những ảnh hưởng, tiêu chí của xã hội đặt ra và nó cũng có tác động không nhỏ đến người học, là yếu tố thúc đẩy mỗi người hình thành được mục tiêu cho mình.

Như chúng ta đều biết động cơ học tập có vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Nhờ có động cơ học tập người học có phương hướng, mục tiêu học tập để từ đó hoàn thành được giấc mơ của mình. Chẳng hạn một người có động cơ học tập là đạt học bổng để đi nước ngoài du học thì họ sẽ luôn có ý thức phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành được mục tiêu đó. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.

Để có được động cơ học tập mỗi người cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học, mục tiêu rõ ràng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó việc hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè xung quanh cũng là những yếu tố cần thiết giúp mỗi người học nhận thức được đúng đắn nhiệm vụ của mình. Cha mẹ cũng không nên quá áp đặt, so sánh để tạo áp lực cho con cái. Mà hãy dành sự nhẫn nại, kiên trì, giảng giải từ từ để con em hiểu được tầm quan trọng của học tập.

Với mỗi học sinh xác định được động cơ học tập là điều vô cùng quan trọng, đó là bước đệm và là tiền đề để mỗi người có hướng phấn đấu trong học tập, hoàn thành được những mục tiêu đề ra, chinh phục được con đường học vấn của mình.

Nghị luận về tinh thần vượt khó của giới trẻ

Sinh thời, nhà văn Pháp Voltaire đã chia sẻ: “Cuộc sống phủ đầy gai, và tôi không biết phương thuốc nào hơn ngoài đi thật nhanh qua chúng. Ta càng quanh quẩn trong sự bất hạnh của chính mình càng lâu thì sức mãnh hãm hại của nó càng lớn”. Thật vậy, cuộc sống chính là thế, “phủ đầy gai” - đầy rẫy những khó khăn, nghịch cảnh. Vì vậy, điều làm nên sự khác biệt của cuộc đời mỗi con người chính là cách họ đối mặt. Mỗi người, đặc biệt là lứa trẻ - tương lai của đất nước, cần phải rèn luyện cho mình tinh thần, bản lĩnh để vượt qua, đương đầu với khó khăn, thách thức.

Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, không phải lúc nào cũng là những gam màu tươi vui, đẹp đẽ, sẽ có rất nhiều những rắc rối, khó khăn, gian khổ,... Tinh thần vượt khó chính là bản lĩnh, ý chí của con người khi đối mặt với những nghịch cảnh mà cuộc sống đem lại. Một người có tinh thần ấy, sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được những mục tiêu, ước mơ, khát vọng của mình mà không ngại vượt qua những rào cản, cách trở. Tinh thần vượt khó cũng giúp chúng ta biết cách chấp nhận, học hỏi được từ những sai lầm, thất bại để khắc phục, hoàn thiện, biến khó khăn thành cơ hội tiến bước về phía trước. Trước khi trở thành ông chủ của hãng sản xuất phim hoạt hình hàng đầu thế giới, Walt Disney đã bị đuổi việc bởi một biên tập viên vì lí do “thiếu sáng tạo”; trước khi trở thành cha đẻ vật lý hiện đại, Eisten đã bị mọi người cho rằng mắc bệnh tự kỉ, khó hòa nhập với xã hội,...

Tinh thần vượt khó sẽ đem lại cho con người những “quả ngọt” - thành quả sau những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Bằng tinh thần, bản lĩnh ấy, chúng ta đã biết cách để chấp nhận, học hỏi từ những trải nghiệp, va vấp thậm chí là thất bại; biết đứng dậy từ những lần vấp ngã. Khi rèn luyện và có trong mình tinh thần ấy, những phẩm chất khác cũng dần được tạo thành như chăm chỉ, cần cù, lạc quan, nghị lực,... Chúng ta sẽ có được sự tin tưởng, yêu thương, trân trọng từ những người xung quanh.

Chúng ta may mắn được sống trong nền hòa bình, độc lập mà cha ông đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để giữ lấy. Ngày nay, cuộc sống càng phát triển, những nỗi lo cơm áo, gạo, tiền cũng đã được vơi bớt, cha mẹ luôn cố gắng dành cho con mình mỗi trường lí tưởng để trưởng thành, trong đó việc học là quan trọng nhất. Song, cũng vì lẽ đó mà giới trẻ dần thiếu đi những trải nghiệm trong cuộc sống, được bao bọc quá nhiều khiến họ còn nhiều lầm tưởng về hiện thực, khó chấp nhận khi gặp những khó khăn, thách thức dù có khi rất nhỏ bé. Họ chỉ thích những điều đơn giản, dễ dàng, gặp việc khó dễ nản chí, buông xuôi,... Đó là thực tế đáng lo ngại và cần được quan tâm để hạn chế tối đa, thay đổi nhận thức để cuộc sống trở nên tích cực hơn.

Song, cũng có rất nhiều người trẻ tuổi luôn cố gắng rèn luyện bản lĩnh đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh và đã thành công. Có lẽ chúng ta vẫn chưa quên cô gái trẻ giàu nghị lực Nguyễn Thúc Thùy Tiên - hoa hậu hòa bình thế giới 2021. Cô đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, cơ cực, thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Ngày lên đường đại diện Việt Nam thi đấu trên đấu trường quốc tế, cô cũng không được nhiều sự ủng hộ. Song, bằng ý chí, bản lĩnh kiên cường và quá trình không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện tri thức, kĩ năng, Thùy Tiên đã đăng quang và mang vương miện quốc tế về cho đất nước. Hành trình đương nhiệm của Thùy Tiên đã truyền cảm hứng cho biết bao người trẻ Việt, đặc biệt, cô đã thành công mang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trí tuệ, tài giỏi, bản lĩnh vươn ra thé giới.

Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng trước hoàn cảnh. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, điều chúng ta cần làm là tin tưởng vào bản thân, giữ được cái nhìn tích cực, có vậy mới có thể nâng đỡ chính mình. Và hãy nhớ rằng, “trong lúc gian nan, tương trợ bạn chính là gia đình” (Guy Lafleur). Dù chúng ta bao nhiêu tuổi, sinh sống và làm việc ở đâu, hãy luôn nhớ rằng gia đình sẽ mãi ở bên, động viên, tin tưởng và sẵn sàng đón bạn trở về sau những giây phút mỏi mệt ngoài cuộc sống. Hãy luôn cố gắng duy trì trạng thái tích cực và một ý chí, tinh thần “thép” - sẵn sàng đối mặt, đương đầu với mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống này.

  • 21 lượt xem
Sắp xếp theo