Tải file làm trên giấy

Dưới bóng hoàng lan

A. Tìm hiểu chung

I. Tác giả

Cuộc đời

 + Tên khai sinh: Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), 1910 – 1942.

 + Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn.

 + Là con người điềm đạm, nồng hậu và rất đỗi tinh tế.

Sự nghiệp Vị trí

 + Cây bút tiêu biểu của nhóm văn Tự lực văn đoàn, từng làm báo viết văn.

 + Nhà văn nổi tiếng giai đoạn 1930-1945 với sở trường truyện ngắn.

Đặc điểm sáng tác

 + Nội dung: Hướng về cuộc sống những người dân nghèo nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay những tri thức bình dân, thể hiện niềm thương cảm kín đáo mà sâu sắc.

 + Nghệ thuật: Cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị, giàu chất thơ.

Một số sáng tác

 + Các tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942)

 + Tiểu thuyết Ngày mới (1939)

 + Tập tiểu luận Theo dòng (1941)

 + Tùy bút Hà Nội ba sáu phố phường (1943)

II. Tác phẩm

1. Thể loại: Truyện ngắn

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: In trong Tuyển tập Thạch Lam

3. Phương thức biểu đạt: Tự tự

4. Tóm tắt văn bản Dưới bóng hoàng lan

“Dưới bóng hoàng lan” là truyện ngắn không có cốt truyện. “Dưới bóng hoàng lan” có 4 nhân vật: hai bà cháu, cô thôn nữ Nga và cây hoàng lan. Thanh là một đứa trẻ mồ côi, một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh đi tỉnh làm, lần trở về thăm bà gần nhất cách đó đã hai năm. Mái nhà xưa và bóng bà “che mát” tâm hồn đứa cháu; hương thơm và bóng hoàng lan ướp hương và ủ ấp cho một mối tình êm đẹp “dịu ngọt chăng tơ…

B. Soạn bài Dưới bóng hoàng lan

I. Trước khi đọc

Câu 1: Với cảnh vật xung quanh và với những người thân yêu, kỉ niệm nào mỗi khi nhớ lại, bạn thấy thật ấm áp, dễ chịu? Nếu được yêu cầu kể lại, bạn sẽ kể như thế nào?

Gợi ý: Giây phút sum họp đêm giao thừa, buổi đi chơi cùng người thân…

Câu 2: Đã bao giờ bạn có nhu cầu được sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của những điều vốn rất bình dị hằng ngày?

Gợi ý: Có/chưa.

II. Trả lời các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Tâm trạng của Thanh khi trở về với không gian thân thuộc.

- Khi bước vào cổng: thấy mát hẳn cả người, cảm nhận sự yên tĩnh, mọi sự ồn ào đều ngừng lại trên bực cửa.

- Vào nhà: nghẹn họng, mãi mới cất được tiếng gọi khẽ...

Câu 2: Trạng thái tình cảm của Thanh khi nhận ra cây hoàng lan.

- Nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với cây hoàng lan hồi ba mẹ anh còn sống.

- Xúc động khi nhận ra cây đã lớn.

- Thoải mái, nhẹ nhõm khi quay về với khu vườn thân quen thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối bình yên, thân thuộc của gia đình, chốn quê thanh tịnh

Câu 3: Biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh (qua lời nói, tâm trạng).

- Lời nói nhẹ nhàng, tâm tình.

- Tâm trạng: Hạnh phúc

Câu 4: Ý nghĩa lời đối thoại giữa bà cụ và Nga về chuyện hái hoa hoàng lan.

- Bà cụ chỉ đơn thuần hỏi Nga vì sao hái hoa khi còn non, câu trả lời của Nga ẩn ý cho tình cảm của cô với Thanh.

- Lời đối thoại là cách Nga bày tỏ tình cảm của mình với Thanh, là một chi tiết không thể thiếu trong diễn biến cốt truyện.

Câu 5: Chi tiết nào ở phần kết giúp bạn dự đoán sự tiến triển tình cảm giữa Nga và Thanh.

Chi tiết Thanh biết rằng Nga vẫn chờ đợi, nhớ mong chàng như ngày trước.

III. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? Ngôi kể ấy có nhất quán từ đầu đến cuối câu chuyện không?

- Truyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba; ngôi kể này nhất quán trong toàn bộ tác phẩm.

Câu 2: Hình ảnh thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt... hiện ra qua đôi mắt của nhân vật nào? Việc chọn điểm nhìn như vậy có ý nghĩa gì?

- Điểm nhìn từ người kể chuyện – người thứ 3: Những đối tượng được nói đến trong tác phẩm Thanh, bà của Thanh, bác Nhân, cô Nga, con mèo, căn nhà, khu vườn, cây hoàng lan đều hiện lên qua lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba.

⇒ Người kể chuyện ngôi thứ ba ẩn danh đôi khi hoà nhập với một nhân vật nào đó trong truyện để nhìn và miêu tả nhân vật của truyện – lẽ ra chỉ là đối tượng được quan sát và tái hiện ở đây trở thành người quan sát và biểu lộ tình cảm đối với con người, cảnh vật xung quanh.

Câu 3 : Lời đối thoại giữa bà và Thanh trong phần đầu của tác phẩm chủ yếu xoay quanh những chuyện gì? Tình cảm của các nhân vật bộc lộ như thế nào qua những lời đối thoại đó?

- Lời thoại chủ yếu xoay quanh chuyện khi Thanh vắng nhà, lời hỏi thăm của Thanh với bà, lời bà dặn dò Thanh đi nghỉ ngơi.

- Tình cảm của các nhân vật được bộc lộ qua lời đối thoại: Sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương.

Câu 4 : Phân tích những biểu hiện tình cảm giữa Nga và Thanh được khắc họa trong tác phẩm.

Các biểu hiện Nhân vật Thanh Nhân vật Nga
Lời nói
Biểu hiện “Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang, gọi vui vẻ: – Cô Nga…”; “... rồi lên tiếng nhẹ nhàng: “– Anh Thanh! Anh đã về đấy à? [...] – Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn quá. [...] – Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.”...
Ý nghĩa Vui vẻ, hạnh phúc khi được gặp lại Tâm tình, nhẹ nhàng, quan tâm đầy dịu dàng, thể hiện nỗi nhớ đến Thanh mỗi khi đến hái hoa.
Cử chỉ
Biểu hiện "Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ [...] và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật. [...] Thanh cũng ngồi ghé xuống. [...] Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng. [...] một bà một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya, khi trăng lên. [...] Thanh tiễn Nga ra đến cổng. [...] Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình.”. “Nga ngửng nhìn Thanh, cười [...] nàng chỉ ăn nhỏ nhẻ, cầm chừng, và buông đũa luôn để sới cơm cho Thanh. [...] nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao nhiêu âu yếm. [...] Nga cũng đứng yên lặng.”...
Ý nghĩa Tình cảm với cô em gái hàng xóm thân thiết dần trở thành tình yêu Tình yêu, sự quan tâm tinh tế, dịu dàng của Nga với Thanh tình đầu dịu ngọt
Suy nghĩ, cảm xúc
Biểu hiện “hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. [...] có lúc chàng lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình. [...] Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. [...] Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. [...] Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải. [...] Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước.”... “Nga cũng cười hơi thẹn: [...] – “Anh con hái đấy ạ” và nàng nhìn Thanh mỉm cười. [...] Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương.”...
Ý nghĩa Hạnh phúc nhưng vẫn chưa sự buồn thương khi Nga và Thanh vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm với nhau thì lại sắp phải xa nhau Hạnh phúc, nhớ nhung, chờ đợi

Câu 5: Trong Dưới bóng hoàng lan, nghệ thuật viết truyện của Thạch Lam biểu hiện rõ nhất qua cốt truyện, nhân vật hay lời kể? Hãy phân tích một trong ba yếu tố đó.

Thể hiện trên cả 3 yếu tố: cốt truyện, nhân vật, lời kể nhưng rõ nhất ở lời kể.

Phương diện Đặc điểm
Cốt truyện

Cốt truyện của Dưới bóng hoàng lan rất đơn giản, có thể tóm lược trong vài ba dòng, không có những tình tiết li kì, gay cấn. Truyện không lôi cuốn người đọc bằng cốt truyện hấp dẫn.

Nhân vật

Truyện ngắn này chỉ có một vài nhân vật. Các yếu tố như: lai lịch, ngoại hình, hành động của nhân vật hầu như không có nét gì đặc biệt. Lời nói của nhân vật không nhằm thể hiện cá tính, mà chủ yếu bộc lộ đời sống tình cảm trong các mối quan hệ.

Lời kể

- Sử dụng lời kể tâm tình để miêu tả lại khung cảnh ngôi nhà, khu vườn nơi Thanh sinh ra và lớn lên, nơi chứa nhưng kỷ niệm thơ ấu tươi đẹp của Thanh.

- Lời kể ngắn thể hiện được tâm tình của nhân vật chính.

- Lời kể nhẹ nhàng thể hiện một tình yêu quê hương da diết, tình yêu bà thiêng liêng.

+ Lời kể còn tái hiện bức tranh tình yêu trong sáng, tinh khôi giữa Thanh và Nga.

⇒ Lời kể là yếu tố thể hiện rõ nhất nghệ thuật truyện ngắn của Thạch Lam.

Câu 6: Theo bạn, nhan đề Dưới bóng hoàng lan có ý nghĩa gì?

- Nhan đề “Dưới bóng hoàng lan” mang nghĩa ẩn dụ, gợi về nội dung câu chuyện liên quan đến loài cây hoàng lan.

⇒ Nhan đề “Dưới bóng hoàng lan” có ý nghĩa bao trùm gợi nhớ về những kỉ niệm của nhân vật Thanh. Bóng hoàng lan là sự kết nối từ quá khứ đến với hiện tại. Nó gắn liền với tuổi thơ của nhân vật Thanh và cũng là một sợi dây kết nối tình cảm trong sáng của cả Thanh và Nga

Câu 7: Cảnh nào được miêu tả trong truyện gợi cho bạn nghĩ đến một bức tranh đẹp? Nếu cần chọn một cảnh để vẽ minh họa, bạn sẽ chọn cảnh nào? Vì sao?

- Cảnh được miêu tả trong truyện gợi nghĩ đến một bức tranh đẹp: Cảnh Thanh nằm dưới bóng cây hoàng lan, nghĩ về những kỉ niệm tuổi thơ.

- Nếu cần chọn một cảnh để vẽ minh họa, cảnh được chọn là: Thanh nằm giả vờ ngủ. Người bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Vì hình ảnh này gợi ra sự bình yên, tình cảm yêu thương trìu mến của bà.

Câu 8: Nhà thơ Thế Lữ cảm nhận: Dưới bóng hoàng lan là tác phẩm “nhân từ như một lời yên ủi” (Thạch Lam - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.147). Từ gợi ý đó, bạn hãy phân tích tình cảm của tác giả đối với con người và cuộc sống được thể hiện qua tác phẩm.

Hai từ khoá quan trọng của lời nhận xét là nhân từ và yên ủi. Nhân từ là hiền lành, thương người; yên ủi là làm dịu những đau khổ, buồn phiền. Như vậy, theo Thế Lữ, đọc truyện này, độc giả cảm thấy như nhận được một tình thương mến, khiến lòng người được vỗ về, an ủi.

Những nét đẹp trong tình cảm, cách ứng xử giữa các nhân vật với nhau, sự nâng niu, trân trọng đối với từng cảnh vật, từng kỉ niệm cũng như những biểu hiện tinh tế, mơ hồ nhưng dịu ngọt trong tình yêu mới chớm của đôi bạn trẻ,… Chính tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với cuộc sống và con người là yếu tố tạo nên hiệu quả nghệ thuật này cho tác phẩm.

IV. Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích tâm trạng nhân vật Thanh ở đoạn cuối của phần kết truyện.

Có lẽ ai đã từng đọc “Dưới bóng hoàng lan” đều khó có thể quên được những xúc cảm rung động nhẹ nhàng, xao xuyến của Thanh và Nga trong cái khung cảnh tĩnh lặng và đầy hương thơm hoa hoàng lan. Văn bản xoay quanh một lần trở về quê thăm bà của nhân vật Thanh - mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, những hình ảnh quen thuộc hiện lên, và bên cạnh mái tóc của bà, mùi hương hoàng lan nơi vườn và bên tóc mai của Nga khiến chàng trai trẻ xốn xang. Nhưng câu chuyện vẫn khép lại trong cảnh Thanh trở về tỉnh. Kết truyện, Thanh đứng lại nhìn cây hoàng lan và nhờ gửi lời chào đến Nga. Tâm trạng của Thanh nửa buồn, nửa vui, cứ nghĩ mãi về Nga cũng như tình cảm của hai người. Kết truyện mở, dự đoán tình cảm của Nga và Thanh sẽ còn đẹp mãi, nở rộ và tràn đầy hương thơm như cây hoàng lan. Tình yêu đầu đời nhẹ nhàng tinh tế, lãng mạn, trong sáng, đáng yêu. Lời chưa ngỏ nhưng ý tình thì nồng nàn. Giữa Thanh và Nga tuy chưa hề có lời tỏ tình, hẹn ước, nhưng trong lòng hai người đã dậy lên những tình cảm khác lạ. Đó là những rung động đầu đời, tươi mới, lạ lùng, bỡ ngỡ. Mọi lời nói, cử chỉ, cảm xúc của họ đều thể hiện sự quan tâm về nhau một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, ngọt ngào và trong sáng.

  • 1.302 lượt xem
Sắp xếp theo