Tải file làm trên giấy

Nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Dàn ý phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

1. Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ (tác giả, thời điểm ra đời, nơi xuất bản, đánh giá chung của dư luận,...) và nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.

2. Thân bài

- Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình (nhân vật trữ tình muốn biểu đạt điều gì, thông qua hình tượng nào, với cái nhìn và thái độ ra sao,...)

- Phân tích, đánh giá sự phát triển của hình tượng chính (qua các khổ, đoạn trong bài) và tính độc đáo của những phương tiện ngôn từ đã được sử dụng (từ ngữ, cách gieo vần, ngắt nhịp, các biện pháp tu từ,...)

- Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại (của chính nhà thơ hoặc của những tác giả khác).

3. Kết bài

Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết bài nghị luận. 

Phân tích bài thơ Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ "Mùa xuân chín" là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.

Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng" Mùa xuân chín", ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét "chín" của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.

"Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang"

Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió khẽ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng" sột soạt", tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hòa quyện lấy nhau:

"Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;"

Vạn vật mang sức xuân, làn mưa xuân tưới thêm cho cỏ cây sức sống mới đầy xanh tươi "gợn tới trời" như đang đùa giỡn với nắng, với gió với mây. Tiếng hát đón xuân của bao cô gái thôn quê đầy tình tứ, mùa xuân đến khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi, tâm hồn đầy trẻ trung, yêu đời. Giai điệu nhạc cất lên cùng lời ca:

" Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi."

Niềm vui xuân hoà cùng niềm vui của hạnh phúc lứa đôi, thế là ngày mai trong đám cô thôn nữ ấy, có người đi lấy chồng bỏ lại sau lưng những cuộc vui, có chút gì đó tiếc nuối đan xen trong niềm vui ấy. Mùa xuân điểm tô cho đời, kết nên quả ngọt cho tình yêu, mùa của niềm hạnh phúc tràn đầy.

"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây..."

Niềm yêu đời họa trong lời hát thơ ngây, trong sáng, tinh nghịch "tiếng ca vắt vẻo" trên lưng núi, hoà vào cảnh vật, âm vang mãi. Những âm thanh như đang chuyển động theo nhịp thời gian, "hổn hển" "thì thầm" với nhau đầy ý vị, thân thương. Tiếng thơ nghe sao khiến người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ kỳ.

"Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Nếu ở khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây tươi xanh thì đây chính là hình ảnh đối lập khi xuân chín, xuân đã không còn thơ mộng như khi vừa sang nữa, nó mang màu của nỗi tiếc nuối ngậm ngùi, mang màu của nắng gió thôn quê: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". m "ang" cuối bài làm cho câu thơ mang tâm trạng mênh mang khó tả, như nỗi lòng thì nhân đang băn khoăn, trĩu nặng xót xa về thân phận người con gái:

" Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Nếu ngày xưa khi đang tuổi xuân thì, nhịp xuân sang cùng lòng bao cô gái ngân nga lời ca, tiếng hát chào mừng thì giờ đây khi xuân chín, xa rời xuân xanh năm nào, "chị ấy" giờ trở thành một người phụ nữ với bao nỗi lo toan. Trách nhiệm cuộc sống và công việc của người mẹ, người vợ thêm nặng, song, dù vất vả, nhọc nhằn vẫn ánh lên nét đẹp rạng ngời.

Bài thơ thật nhẹ nhàng, ngôn ngữ dù giản dị nhưng được nhà thơ chọn lọc rất tinh tế. Mỗi tiếng thơ thốt lên là cả một bầu trời thương yêu vừa mang nỗi thương cảm vừa mang nỗi nhớ mênh mang chốn quê nhà vất vả, gian nan. Với ngôn ngữ kết tinh cùng tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một "mùa xuân chín" vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.

Phân tích, đánh giá bài Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc với những vần thơ phản ánh hiện thực và bày tỏ cảm xúc, thái độ, tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống của nhân dân trong chiến tranh, trong nạn đói chan chứa tình yêu nước và tinh thần nhân đạo. Trong những bài thơ đặc sắc có bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu dạt ở Quý Châu. Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) vừa là bức tranh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của nhà thơ trong cảnh loạn li; lo cho tình hình đất nước đang lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc; thương nhớ quê hương xa xôi và ngậm ngùi xót xa cho thân phận bất hạnh của mình nơi đất khách.

Phiên âm chữ Hán:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Trong bài thơ, bốn câu đầu là "câu đề" với mục đích miêu tả bức tranh thiên nhiên bao la nhưng mang nỗi buồn hiu hắt ở vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,

Người đọc có thể nhận thấy Đỗ Phủ đứng ở vị trí tương đối cao để ngắm nhìn toàn cảnh, vì thế mà tầm nhìn của ông khá xa, khá rộng. Mọi thứ được miêu tả không những theo chiều sâu và còn theo tầm mắt của tác giả, nhìn về phía xa xăm. Khả năng quan sát tinh tế của Đỗ Phủ được thể hiện ngay từ câu thơ đầu khi tả cảnh rừng phong với sương còn phủ trên lá cây; nó tạo ra một cảnh tượng buồn, đặc biệt hình ảnh rừng phong lại càng nhấn mạnh thêm sự li biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu đến. Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu bởi mỗi độ thu về, cả rừng phong chuyển sang màu đỏ úa, tượng trưng cho sự li biệt. Sương móc cũng tượng trưng cho mùa thu, cho sự lạnh lẽo. Sương móc sa dày đặc làm xơ xác cả rừng phong. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rất rõ qua chính cái nhìn đầy tâm trạng đau buồn của nhà thơ.

Câu thơ thứ hai có nhắc đến hình ảnh Vu sơn, Vu giáp, người đọc sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia – nơi toàn cảnh bị bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bài thơ, Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vu nổi tiếng bởi sự hiểm trở và hùng vĩ, được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút; vách núi thì dựng đứng vậy nên ánh mặt trời khó có thể lọt được xuống tới lòng sông. Chính vì vậy mà vào mùa thu, khung cảnh nơi đây luôn ảm đạm, lạnh lẽo và qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng u sầu của Đỗ Phủ nó lại hiện lên càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Hai câu thơ mở đầu, câu thứ nhất tả cảnh thu ở rừng phong, câu thứ hai tả cảnh thu ở núi non. Tuy cảnh vật khác nhau nhưng nhà thơ nhìn chúng với con mắt và tâm trạng giống nhau – tâm trạng trĩu nặng một nỗi buồn thương. Hai câu thơ tuy là đều là hình ảnh rừng núi nhưng lại chung một điểm, đó chính là nỗi buồn đang dần ngấm vào tác giả, nỗi buồn ấy chế ngự cả tâm trạng và cảm xúc của tác giả khi ông đặt bút ngâm thơ.

Cũng với tâm trạng như vậy, Đỗ Phủ đã viết nên những câu thơ tiếp theo mang nét tả thực đầy ám ảnh, như có ma lực cuốn hút hồn người:

Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Nếu như ở hai câu mở đầu là hình ảnh của rừng phong, là sự quan sát từ trên cao xuống thì hai câu tiếp theo lại miêu tả cảnh sắc vừa hoành tráng lại dữ dội. Hai câu đề là cảnh thu trên cao (rừng phong, dãy núi) thì đến hai câu thực là cảnh thu dưới thấp. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ. Chúng vẫn là những chi tiết được cảm nhận qua đôi mắt thi nhân và được miêu tả bằng ngọn bút kì tài mà thành những vần thơ trác tuyệt. Hình ảnh mặt đất mây đùn cửa ải xa tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Bốn câu thơ tuy tả cùng một cảnh nhưng ở mỗi câu là một nét chấm phá riêng, là sự nhìn nhận toàn cảnh chứ không tập trung vào một điểm cụ thể nào. Cảnh sắc trời mây non nước, rừng núi hiện ra vừa cụ thể lại vừa đặc trưng cho mùa thu. Nhưng chính hình ảnh này, lại khiến tác giả nhớ quê hương tới nao lòng.

Ở bốn câu thơ sau, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách. Câu năm và câu sáu có nghệ thuật đối rất chỉnh vừa là cảnh thu mà cũng là tình thu:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm.

Giống như hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu, hình ảnh hoa cúc cũng đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, tưởng như không có gì mới nhưng điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa, nhà thơ lại rơi lệ. Hai lần nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào. Hình ảnh chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một hình ảnh ẩn dụ đầy ý nghĩa, không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để chở ước vọng của nhà thơ về với quê hương trong tâm tưởng.

Đến hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đã đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy vẫn không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang, mong ngóng, chờ đợi ngày được trở về quê của tác giả.

Bốn câu cuối tập trung vào miêu tả cảm xúc cũng là những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là lòng mong ngóng quê nhà, nỗi khát khao được trở về quê hương, tình yêu và sự buồn bã khi phải sống tha phương. Bốn câu thơ diễn tả nỗi buồn của người xa quê, ngậm ngùi, mong ngóng ngày trở về quê hương.

Đặc điểm nghệ thuật của bài thơ là có kết cấu hết sức chặt chẽ, câu nào cũng bám chặt chủ đề, tức là các câu đều thể hiện được hai yếu tố “cảm xúc” và “mùa thu”, vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng. Cảnh có sương thu, rừng thu, sắc thu, khí thu, gió thu, sông thu, hoa thu, tiếng thu (tiếng chày đập vải). Tác giả đã thành công thâu tóm được tất cả thần thái của mùa thu trong bài thơ.

Cảm xúc mùa thu là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Qua bài thơ ta thấy được một tâm hồn thi sĩ vừa nhạy cảm lại rung động mãnh liệt với cảnh sắc. Trái tim Đỗ Phủ đã dành trọn cho quê hương, cũng qua bài thơ, cái tư tưởng "yêu nước thương đời" lại càng thể hiện rõ. Với Đỗ Phủ, mùa thu đồng nghĩa với nỗi buồn và niềm thương nhớ không nguôi, nhất là khi ông đang phải sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn nơi xứ lạ. Những vần thơ của ông có sức lay động mãnh liệt, đặc biệt những vần thơ như bật lên khỏi trang giấy, mở ra một khung cảnh rất rõ… Ông xứng đáng được người đời tôn vinh là bậc “Thi thánh” của thời Thịnh Đường mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

Phân tích, đánh giá bài thơ Nắng mới - Lưu Trọng Lư

Vào những năm 1932 - 1945, phong trào Thơ mới đã thổi vào nền văn học nước nhà một luồng gió mới lạ, đánh thức cả một nền thơ đang “triền miên trong cõi chết”. Một trong số những nhà thơ tiên phong và góp phần làm nên chiến thắng không nhỏ trong phong trào Thơ mới phải kể đến Lưu Trọng Lư. Năm 1939, ông cho ra đời tập thơ đầu tay “Tiếng thu” gây nhiều tiếng vang nhất bởi chất thơ cất lên từ những kỉ niệm thời thơ ấu, về quê hương, dòng sông, cánh diều,... Trong đó phải kể đến “Nắng mới”, một trong những thi phẩm thành công, nổi bật của phong trào thơ mới.

Bài thơ là hồi ức của tác giả về ngươi mẹ thân yêu của mình, một đề tài không hề mới lạ nhưng vẫn lay động tâm hồn người đọc bởi những xúc cảm chân thành kết hợp với nghệ thuật thơ đặc sắc.

Với tình yêu cái đẹp và tâm hồn nhạy cảm, Lưu Trọng Lư luôn đi tìm kiếm và chắt chiu cái đẹp, từ những vẻ đẹp thanh cao đến bình dị, đời thường. Thiên nhiên trong thơ ông tất thảy đều thi vị và thật nên thơ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh quê hương trong vẻ đẹp của nắng mới:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng”

Nắng ở đây không tươi tắn như nắng trong thơ của Hàn Mặc Tử: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. “Nắng mới” ở đây là sự giao thoa giữa ấm và lạnh, nắng và mưa, sáng và tối, khô và ẩm, cũ và mới, dĩ vãng và hiện tại. Lúc này không gian đã chuyển màu sang thời gian, rồi ngược lại thời gian lóng lánh: hắt bên song – biên giới giữa trong nhà và ngoài sân, giữa riêng ta và vũ trụ. Cộng hưởng với ánh nắng soi rọi tiềm thức ấy là tiếng gà trưa xao xác, não nùng. Hai từ láy trong cùng một câu thơ khiến giọng thơ như trầm hẳn xuống, trĩu nặng.

Nhà thơ chập chờn nhớ sống lại kí ức tươi sáng về người mẹ trong những ngày nắng mới:

“Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không”.

Nhớ về thời “dĩ vàng” là nhớ về quá khứ, dù tươi đẹp đến mấy nhưng cũng đã mãi mãi lụi tàn và không thể quay trở lại. Những “ngày không”, có lẽ là những ngày ấu thơ khi tác giả còn nhỏ, được sống cùng mẹ và chưa phải lo nghĩ, vướng bận điều gì.

Từ nỗi nhớ về ngày thơ bé, hình ảnh người mẹ thân yêu, giản dị hiện lên ngày càng rõ nét:

“Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.”

Người mẹ đã không còn nữa, tất cả những gì còn lại chỉ là kỉ niệm nhạt nhòa đọng lại trong tâm trí đứa trẻ lên mười. Cũng là “nắng mới”, nhưng trong quá khứ, nắng không “hắt bên song” mà tràn đầy sức sống, niềm vui “reo ngoài nội” vì ánh nắng đó đến vào những ngày còn mẹ. Từ “reo” như một nốt nhạc bay bổng, lảnh lót, tươi vui giữa một bản nhạc trầm lắng, da diết có phần não nùng. Câu thơ như bừng lên sức sống vui tươi, khác lạ. Trong khổ thơ, hình ảnh mẹ gián tiếp xuất hiện thấp thoáng sau màu ảo đỏ, trước giậu phơi. Có lẽ đó chính là hình ảnh thân thuộc nhất đọng lại trong tâm trí người con.

Hình ảnh người mẹ hiền lương - người gắn bó sâu nặng nhất với tác giả, đã chịu biết bao khổ cực trong cuộc sống hiện lên trong những dòng thơ nhẹ nhàng mà đầy cảm xúc. Chi tiết miêu tả ngoại hình của mẹ chỉ xuất hiện trong hai dòng thơ cuối, nhưng đó là hình ảnh đẹp nhất:

“Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa”

Buổi trưa là thời gian ngưng đọng nhất. Lưu Trọng Lư đã đi rất xa về quá khứ để nhớ tỉ mỉ cảnh người mẹ đưa áo ra dậu phơi mỗi khi có nắng mới. Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức, tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ trẻ chăm chút, hiền dịu, nụ cười tỏa sáng trên gương mặt. Không gian màu đỏ của nắng và áo trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ của tác giả. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh” để lại dư vị, cảm xúc vấn vương, lan tỏa trong lòng người đọc. Không phải “nụ cười” hay “miệng cười” mà chỉ là “nét cười” - sự kín đáo, nhẹ nhàng và cũng thật nhanh, như chỉ lướt qua chứ chưa kịp đọng lại trên khuôn mặt mẹ. Hình ảnh ấy cũng gợi nhớ đến hình ảnh những cô hàng xén trong thơ Hoàng Cầm:

“Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng”

(Bên kia sông Đuống)

Bài thơ không chỉ hấp dẫn độc giả bởi tình cảm tha thiết, chân thành và nỗi nhớ sâu sắc của người con hướng về người mẹ tần tảo sớm hôm mà còn bởi nghệ thuật, tài năng ngòi bút Lưu Trọng Lư. Nghệ thuật đảo ngữ được nhà thơ sử dụng góp phần làm tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Giọng điệu thơ giãi bày, bộc bạch những tâm tình sâu kín, chủ thể “tôi” trực tiếp thể hiện những cảm xúc chân thực, lay động lòng người. Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, gần gũi với bạn đọc,...

Đọc bài thơ, ta càng thấm thía hơn về tình mẫu tử - thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý trong mỗi con người. Bên cạnh những dòng thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc về mẹ - người phụ nữ cả đời tần tảo hi sinh của nhà thơ, người đọc còn cảm nhận được sự tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của Lưu Trong Lư trước thiên nhiên, đất trời. Có lẽ bởi vì vậy mà nhiều năm trôi qua nhưng sức sống của bài thơ vẫn tràn đầy, để lại những ấn tượng nhẹ nhàng mà đậm sâu trong lòng độc giả.

  • 44.396 lượt xem
Sắp xếp theo