Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Lý thuyết

1. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Là những giá trị tinh thần (tư tưởng, cách ứng xử,...) hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, nhân nghĩa, cần cù lao động, hiếu học, tôn sư trọng đạo, hiếu thảo,...

3. Ý nghĩa

Góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và mỗi cá nhân.

4. Trách nhiệm của chúng ta

- Bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

- Lên án, ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống dân tộc

Bài tập

1. Những thái độ và hành vi nào sau đây thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

a) Tìm đọc tài liệu về các truyền thống và phong tục, tập quán của dân tộc

b) Chê bai những người ăn mặc theo phong cách dân tộc là lạc hậu, là quê mùa

c) Đánh giá cao, kính phục các nghệ nhân của những nghề truyền thống

d) Không tôn trọng những người lao động chân tay

đ) Sống chỉ biết mình, không quan tâm đến người khác

e) Tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa

g) Tích cực tìm hiểu lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc

h) Thích xem phim, kịch, nghe nhạc của Việt Nam

i) Sưu tầm những món ăn và kiểu trang phục dân tộc độc đáo

k) Lấy chồng sớm trước tuổi quy định của pháp luật

l) Tìm hiểu và giới thiệu với mọi người về các lễ hội truyền thống của dân tộc.

Trả lời:

- Các câu đúng: (a), (c), (e), (g), (h),(i), (l)

Đó là những thái độ và việc làm thể hiện sự tích cực tìm hiểu, tuyên truyền và thực hiện các chuẩn mực giá trị truyền thống.

2. Em hãy tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của một truyền thống ở quê em (phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, trang phục dân tộc,....) và giới thiệu để bạn bè cùng biết?

Trả lời

Nhắc tới bánh phu thê, chắc đã không còn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam, chiếc bánh vẫn thường xuất hiện trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi. Bánh phu thê không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam mà còn hàm chứa trong đó triết lý âm dương của cả dân tộc.

Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng...

Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh Phu Thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay cũng còn gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ.

Có người lại truyền nhau tên gọi bánh “phu thê” gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là bánh phu thê. Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gửi cho chồng kèm theo lời nhắn:

“Từ ngày chàng bước xuống ghe

Sóng bao nhiêu đợt bánh rầu bấy nhiêu”.

Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó, người ta truyền nhau rằng bánh phu thê tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng, và thường hay có mặt trong tiệc cưới như một lời nhắn nhủ đến các đôi vợ chồng trẻ.

Lại có câu chuyện khác thế này, những em nhỏ của làng Đình Bảng kể lại rằng:

Theo truyền thuyết, thời Lý vào những ngày hội hè hay ngày Tết, người dân làng Đình Bảng thường dùng sản vật mình đã cấy trồng ra làm bánh Su Sê, thành tâm dâng cúng tổ tiên, rồi cùng hưởng lộc. Một lần hội làng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi Ỷ Lan về quê lễ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở Đền Đô. Tại đây, dân làng đã dâng Đức vua và Nguyên Phi đặc sản của quê hương là bánh Su Sê. Đức vua và Nguyên Phi thưởng thức món bánh này và khen ngon. Thấu suốt sự hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn của loại bánh ngon, nhà vua đã truyền rằng bánh nên là một lễ vật trong ngày vui kết thành phu thê. Từ đó, bánh được gọi là bánh Phu Thê.

3. Em đồng ý với những ý kiến nào sau đây?

a) Truyền thống là những kinh nghiệp quý giá

b) Nhờ có truyền thống, mỗi dân tộc mới giữ được bản sắc riêng

c) Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp, rất đáng tự hào

d) Không có truyền thống, mỗi dân tộc và cá nhân vẫn phát triển

đ) Trong thời đại mở cửa và hội nhập hiện nay, truyền thống dân tộc không còn quan trọng nữa.

e) Không được để các truyền thống dân tộc bị mai một, lãng quên.

Trả lời:

Đáp án đúng: (a), (b), (c), (e).

- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào quá trình của dân tộc và mỗi cá nhân. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.

4. An thường tâm sự với các bạn: "Nói đến truyền thống của dân tộc Việt Nam, mình có mặc cảm thế nào ấy. So với thế giới, nước mình còn lạc hậu lắm. Ngoài truyền thống đánh giặc ra, dân tộc ta có truyền thống nào đáng tự hào đâu?

Em có đồng ý với An không? Vì sao? Em sẽ nói gì với An?

Trả lời

- Em không đồng ý với ý kiến của An

- Bởi vì, dân tộc Việt Nam có tuyền thống lâu đời. Với mấy nghìn năm văn hiến, chúng ta có thể tự hào về bề dày lịch sử của truyền thống dân tộc chứ không chỉ có truyền thống đánh giặc ngoại xâm (như ý nghĩ của An)

- Em sẽ nói: Chúng ta có nhiều truyền thống đáng tự hào. Chúng ta không chỉ có truyền thống đánh giặc mà chúng ta có truyền thống cần cù, chịu khó trong lao động, truyền thống "Lấy nhân nghĩa để thăng hung tàn", "Lấy chí nhân để thay cường bạo", truyền thống đoàn kết để chống giặc và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống "tôn sư trọng đao", truyền thống hiếu thảo, thủy chung...Những truyền thống đó thật đáng tự hào. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống đó.

  • 28.308 lượt xem
Sắp xếp theo