Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân

Lý thuyết

1. Khái niệm

Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa một nam và một nữ trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện được pháp luật thừa nhận nhằm chung sống lâu dài và xây dựng một gia đình hòa thuận hạnh phúc. Tình yêu chân chính là cơ sở quan trọng của hôn nhân

2. Những quy định của pháp luật nước ta

a. Những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân

- Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng

- Hôn nhân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, biên giới và được pháp luật bảo vệ

- Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

b. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hôn nhân

- Nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi trở lên

- Kết hôn tự nguyện và phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Cấm kết hôn trong các trường hợp:

+ Người đang có vợ hoặc chồng

+ Mất năng lực hành vi dân sự

+ Cùng dòng máu về trực hệ

+ Có họ trong phạm vi 3 đời

+ Cha mẹ với con nuôi

+ Bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố mẹ kế với con riêng

+ Giữa những người có cùng giới tính

- Vợ chồng phải bình đẳng tôn trọng danh dự, nhân phẩm và nghề nghiệp của nhau

3. Trách nhiệm của thanh niên học sinh

Có thái độ thận trọng và nghiêm túc trong tình yêu hôn nhân, không vi phạm pháp luật về quy định hôn nhân

Bài tập

1. Em đồng ý với những ý kiến nào sau đây? Giải thích vì sao em đồng ý với ý kiến đó?

a. Kết hôn khi nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên

b. Cha mẹ có quyền quyết định về hôn nhân của con

c. Lấy vợ, lấy chồng là việc của đôi nam nữ, không ai có quyền can thiệp

d. Kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, trên cơ sở tình yêu chân chính

đ. Kết hôn khi nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi trở lên

e. Trong gia đình, người chồng là người quyết định mọi việc

g. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ hướng dẫn cho con việc chọn bạn đời

h. Không nên yêu sớm vì có thể sẽ dẫn đến kết hôn sớm

i. Kết hôn sớm và mang thai sớm sẽ có hại cho sức khỏe cả mẹ và con

k. Gia đình chỉ có hạnh phúc khi được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính

l. Lấy vợ, lấy chồng con nhà giàu mới có hạnh phúc

m. Nếu vợ chồng bình đẳng thì sẽ không có trật tự gia đình.

Trả lời:

Em đồng ý với ý kiến: d, đ, g, h, i, k vì những ý kiến đó dựa trên quan điểm của một tình yêu chân chính. Trách nhiệm tình cảm của mỗi người trong gia đình và thực hiện vấn đề hôn nhân đúng pháp luật quy định.

2. Em hãy nêu những hậu quả xấu do nạn tảo hôn gây ra?

Trả lời:

- Hậu quả đối với người tảo hôn: Lấy vợ, lấy chồng sớm, sức khỏe không đảm bảo, phải sống xa gia đình, không có người chăm sóc, chưa đủ khả năng lo cho cuộc sống của mình và con cái, hạnh phúc dễ tan vỡ.

- Đối với gia đình: Gánh nặng cho gia đình

- Đối với cộng đồng: Hiện tượng tảo hôn là vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng

3. Tình huống:

Học hết trung học phổ thông, Lan đang ở nhà chờ xin việc thì gặp và yêu Tuấn, đã tốt nghiệp THPT trước đó hai năm và cũng đang không có việc làm. Khi hai người xin cha mẹ cho kết hôn thì hai bên đều khuyên Lan và Tuấn hãy thư thả, bao giờ có việc làm thì hãy xây dựng gia đình nhưng Lan và Tuấn không đồng ý, cứ thúc ép cha mẹ. Cuối cùng, hai gia đình đành chấp thuận cho Lan và Tuấn kết hôn.

Theo em, ý kiến của gia đình Lan và Tuấn đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Ý kiến của gia đình Lan và Tuấn là đúng. Bởi vì 2 người tuy đủ tuổi kết hôn nhưng vì sự nghiệp, công ăn việc làm chưa có thì không thể đảm bảo cho hạnh phúc gia đình sau khi kết hôn

4. Tình huống:

Anh Đức và chị Hoa là con bác, con chú ruột nhưng họ yêu nhau. Gia đình họ hàng hai bên khuyên can, ngăn cản nhưng họ vẫn kiên quyết lấy nhau vì họ cho rằng họ có quyền tự do lựa chọn, không ai có quyền ngăn cản

- Theo em, lí do "tự do lựa chọn" của anh Đức và chị Hoa có đúng không? Vì sao?

- Nếu anh Đức và chị Hoa cứ cố tình lấy nhau thì cuộc hôn nhân của họ có hợp pháp không? Vì sao?

Trả lời:

- Lí do "tự do lựa chọn" của anh Đức và chị Hoa trong trường hợp này là không đúng, vì họ đã vi phạm khoảng 13, điều 8. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: Cấm kết hôn những người có họ trong phạm vi 3 đời...." anh, chị em, con chú con bác"

- Nếu anh Đức và chị Hoa cứ cố tình lấy nhau thì cuộc hôn nhân của họ không hợp pháp, vì họ đã vi phạm những điều cấm kết hôn mà pháp luật quy định

5. Bình mới 16 tuổi nhưng mẹ Bình ép gả Bình cho một người nhà giàu ở xã bên, Bình không đồng ý thì mẹ đánh và cứ tổ chức cưới, bắt Bình về nhà chồng

- Việc làm của mẹ Bình đúng hay sai? Vì sao?

- Cuộc hôn nhân này có được pháp luật thừa nhận không? Vì sao?

- Bình có thể làm gì để thoát khỏi cuộc hôn nhân đó?

Trả lời:

- Việc làm của mẹ Bình là sai vì Bình mới 16 tuổi chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật quy định và mẹ Bình cũng sai khi ép buộc Bình làm điều mình không muốn

- Cuộc hôn nhân này sẽ không được pháp luật thừa nhận vì kết hôn chưa đủ tuổi; việc kết hôn là do sự ép buộc và chưa đủ tuổi nên Bình không thể đăng kí kết hôn được

- Để có thể thoát ra khỏi cuộc hôn nhân đó, Bình có thể nhờ bà con dòng tộc hoặc các cơ quan đoàn thể, khuyên nhủ mẹ mình. Nếu không được thì nhờ pháp luật can thiệp

6. Tình huống:

Khi lấy anh Phú, chị Hoa đang là giáo viên tiểu học. Lấy nhau một thời gian thì anh Phú được cử làm phụ trách trạm bơm nước của xã nên không có thời gian chăm lo công việc đồng áng. Anh nghe theo bố mẹ, bắt chị Hoa phải bỏ nghề dạy học để về làm ruộng. Chị Hoa không đồng ý thì anh Phú dọa sẽ li hôn với chị.

Căn cứ vào quy định của pháp luật về hôn nhân, em hãy nhận nêu nhận xét của mình về việc làm của anh Phú?

Trả lời:

Việc làm của anh Phú là sai, anh Phú đã vi phạm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hôn nhân đó là: vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Vợ, chồng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm và nghề nghiệp của nhau.

7. Hiện nay trong một số gia đình có tình trạng chồng ngược đãi, đánh đập, hành hạ vợ. Trước tình trạng đó, nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường, là việc riêng của vợ chồng, gia đình người người ta, không nên can thiệp.

Em có tán thành quan niệm đó không? Vì sao?

Trả lời:

Em không tán thành với quan niệm đó vì vợ chồng phải có nghĩa vụ tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ nhau. Hành động chồng ngược đãi, đánh đập, hành hạ vợ là trái với đạo đức, trái với pháp luật, bị xã hội lên án. Hành động "bạo lực gia đình" phải được chấm dứt trong một xã hội văn minh và mọi người sống có đạo đức, có văn hóa.

8. Tình huống:

Anh Hùng và chị Thanh yêu nhau nhưng gia đình hai bên không chấp nhận tình yêu của hai người. Vượt qua phản ứng của hai bên gia đình, anh Hùng và chị Thanh vẫn quyết định tiến tới hôn nhân.

Theo em, với sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình như vậy thì anh Hùng và chị Thanh có đăng kí kết hôn được hay không? Trong trường hợp này, anh Hùng và chị Thanh nên làm gì?

Trả lời:

Nếu anh Hùng và chị Thanh hội đủ các điều kiện để kết hôn (theo quy định tại Điều 9 - Luật Hôn nhân và Gia đình) và không rơi vào các trường hợp bị cấm kết hôn (theo quy định tại Điều 10 - Luật Hôn nhân và Gia đình) thì anh chị hoàn toàn có quyền đi đăng kí kết hôn. Trong trường hợp này, anh Hùng và chị Thanh nên thuyết phục để hai bên gia đình hiểu, chấp nhận và vun đắp cho tình yêu của anh chị để hạnh phúc được trọn vẹn hơn.

9. Tình huống:

Chị H và anh B đã cưới và chung sống với nhau hơn 10 năm. Con trai của anh chị đã 10 tuổi nhưng anh chị vẫn chưa đăng kí kết hôn. Cách đây một năm, anh B đã gặp và quan hệ tình cảm với chị C cùng cơ quan. Sau đó anh B và chị C tiến hành đăng kí kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi đăng kí kết hôn với anh B, chị C cho rằng mình mới chính thức là vợ của anh B. Chị H thì cho rằng quan hệ giữa anh B và chị C là bất hợp pháp.

- Em đồng ý với ý kiến của chị C hay chị H? Tại sao?

- Theo em, nếu có tranh chấp xảy ra giữa chị H và chị C thì ai sẽ là người bị thiệt thòi? Tại sao?

Trả lời:

Ý kiến của chị C đúng vì giữa chị C và anh B có đăng kí kết hôn, trong khi giữa chị H và anh B chưa có đăng kí kết hôn

- Nếu có tranh chấp xảy ra giữa chị H và chị C thì người chịu thiệt thòi là chị H. Giữa chị H và anh B tuy có hôn nhân thực tế nhưng không có đăng kí kết hôn nên pháp luật không thể bảo vệ quyền lợi và lợi ích của chị.

10. Anh A bị nhiễm HIV trong khi chị P là người khỏe mạnh. Hai anh chị rất yêu nhau. Chị P biết rất rõ về bệnh tình của người yêu mình và chị tự nguyện kết hôn với anh A

Theo em, pháp luật có cho phép anh A và chị P kết hôn với nhau không?

Trả lời:

Pháp luật hiện nay không cấm những người nhiễm HIV/AIDS kết hôn. Do đó, trong trường hợp trên, anh A và chị P được phép kết hôn bình thường.

11. Anh A 20 tuổi, chị B 16 tuổi đã tự nguyện yêu nhau và quyết định lấy nhau. Được sự cho phép của hai bên gia đình, anh A và chị B đã tổ chức đám cưới về chung sống với nhau mặc dù chưa đăng kí kết hôn.

- Theo em, quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B có được pháp luật công nhận và bảo vệ không? Tại sao?

- Trường hợp trên có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Nếu có thì đó là các quy định nào?

Trả lời:

Quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ vì anh A và chị B tự ý về sống chung với nhau mà chưa đăng kí kết hôn, chị B mới 16 tuổi (đang ở tuổi chưa thành niên) nên chưa đủ tuổi để được phép kết hôn.

- Trường hợp trên vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về độ tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18 tuổi trở lên - Điều 9, Khoản 1), đồng thời vi phạm quy định Bộ luật Hình sự về tội cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn (tội tảo hôn - Điều 148, khoản b)

12. Tình huống: 

Anh D 21 tuổi và chị M 15 tuổi tự nguyện yêu nhau và quyết định lấy nhau. Một tuần sau khi tổ chức đám cưới, anh D đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt và truy tố về tội giao cấu với trẻ em. Anh D, cô M và hai bên gia đình đã phản đối việc bắt giữ vì cho rằng việc anh D và chị M cưới nhau và chung sống với nhau là hoàn toàn tự nguyện và đã được sự đồng ý và nhất trí của hai bên gia đình

Theo em, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bắt giam và truy tố anh D về tội giao cấu với trẻ em là đúng hay sai? Tại sao?

Trả lời:

Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bắt giam và truy tố anh D về tội giao cấu trẻ em là đúng, vì Khoản 1, Điều 115 của Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt từ một năm đến năm năm.

13. Tình huống:

Anh Minh và chị Hằng yêu nhau và quyết định kết hôn. Do ông ngoại của anh Minh và ông nội của chị Hằng là anh em ruột nên khi biết anh Minh và chị Hằng yêu nhau cả hai bên gia đình đã phản đối một cách quyết liệt với lí do là Minh và Hằng có quan hệ gần gũi về huyết thống nên không thể kết hôn.

Theo em, anh Minh và chị Hằng có thể kết hôn với nhau được hay không? Tại sao?

Trả lời:

Anh Minh và chị Hằng không thể kết hôn với nhau vì pháp luật cấm kết hôn giữa người có họ trong phạm vi 3 đời (theo Khoản 3, Điều 10 - Luật Hôn nhân và Gia đình). Trong trường hợp trên, anh Minh và chị Hằng đang ở đời thứ 3.

  • 41.449 lượt xem
Sắp xếp theo