- “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…” (Giăng sáng)
- “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.” (Đời thừa)
- Một tác phẩm thật giá trị: “Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” (Đời thừa)
- “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương rồi, còn sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.” (Đời thừa)
- “Sống - tôi nói cái sự sống nó tự biết nó chứ không phải lối sống vô tri vô giác của cỏ cây, sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động.” (Sống mòn)
- "Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta.” (Giăng sáng)
- “Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất…” (Sống mòn)
- “Sự kết hợp chặt chẽ và thường xuyên những yếu tố tiến bộ về tư tưởng với những sáng tạo về nghệ thuật cho Nam Cao một phong cách đặc biệt: phong cách một nhà văn hiện thực tâm lý.”
(Hà Minh Đức - Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc)
- “Với ý thức tạo một chất giọng điệu riêng, không dẫm lại người khác ... năm năm đi vào đời văn của Nam Cao là một sự dồn nén biết bao gắng công và nỗ lực… cho một sự nghiệp không lẫn với ai.”
(Phong Lê)
- “Nam Cao là nhà văn trong ý nghĩa đích thực và cao quý của khái niệm này, và là một nhà văn hiện đại.”
(Nguyễn Văn Hạnh)
- “Nếu như thiên tài là đi trước thời đại và có tính hiện đại, là vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian, là độc đáo, duy nhất, không lặp lại được thì đối với nền văn học hiện đại Việt Nam, hai chữ ấy phù hợp với Nam Cao”.
(Trần Đăng Suyền)
- “Từ những chuyện vụn vặt đời thường, Nam Cao đã thực sự động chạm đến vấn đề có tính chất nhân bản, đã đặt ra những vấn đề sâu sắc về cuộc sống, về thân phận của con người, về vấn đề cải tạo xã hội, về tương lai của dân tộc và nhân loại. Bi kịch của đời thường, của những cái vặt vãnh hàng ngày, qua ngòi bút đầy tài năng của Nam Cao đã trở thành những bi kịch vĩnh cửu."
(Trần Đăng Suyền, Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn)
- “Bằng một tài năng lớn, Nam Cao đã có những đóng góp mới mẻ đối với sự phát triển văn xuôi Việt Nam - Nam Cao xuất hiện trong văn học sử như là người đại diện tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán…”
(Nguyễn Hoành Khung - Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam)
- “Nam Cao không che dấu, không màu mè gì hết, nói toạc cái cuộc sống cùng đường tận lối và nhơ nhớp của những người như anh.”
(Tô Hoài)
- “Ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.”
(Lê Văn Trương)
- “Nam Cao để lại cho cuộc sống, chính là những hình ảnh sinh động của một số nông dân ngoi ngóp trong cảnh nghèo đói. Họ đã bị áp bức và bóc lột đến cùng kiệt, và cũng bị phá hoại đến cùng kiệt, thể chất cũng như tinh thần dưới cái chế độ thống trị của bọn cường hào phong kiến.”
(Nguyên Hồng - Sức sống của ngòi bút)
- “Tầm vóc của Nam Cao chính là ở tấm lòng và tư tưởng của ông . Tấm lòng lớn, tư tưởng lớn. Những vấn đề mà Nam Cao đặt ra cho đến bây giờ vẫn làm nhức nhối chúng ta”.
(Nguyễn Văn Hạnh - Nam Cao một đời người một đời văn)
- “Nhưng nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính con người đang bị cái đói, miếng ăn làm cho tiêu mòn đi.”
(Nguyễn Đăng Mạnh - Cái đói và miếng ăn trong truyện Nam Cao)
- “Với Nam Cao, đời là một tấm áo cũ bị xé rách tả tơi [...] không có gì nguyên vẹn, ngay ngắn, tròn trịa, đẹp đẽ trong văn Nam Cao.”
(Nguyễn Tuân)
- “Truyện ngắn Chí Phèo như một thứ quả lạ của một phong cách đã chín.”
(Vũ Tuấn Anh)
- “Người ta từ chối cho những Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo quyền làm người, quyền sống lương thiện như mọi người. Thái độ ngang tàng bạo ngược của chúng chẳng qua là biểu lộ một tâm trạng tuyệt vọng. Lời chửi, tiếng kêu, cái chết vô lý của chúng là sự phản kháng và tố cáo của những con người bị từ chối không được làm người”
(Nguyễn Văn Trung - Con người bị từ chối quyền làm người trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao)
- "Chí Phèo hy vọng ở đám đông chứng kiến cho mình nhưng hắn biết đám đông tất thảy đều sợ cụ Bá. Một tiếng cười của cụ thì đám đông đã giải tán, khi Chí Phèo chưa gây hại cho ai, mặc dầu vậy, Chí lâm nạn, nằm vạ thì đám đông cũng "lảng dần đi" vì: "nghĩ đến sự yên ổn". Nhưng cả đến lời cảm thán cho một thân phận, một con người cũng không có ở họ - họ không phải là một thế lực, và đồng thời cũng mất đi một tình cảm đồng loại, điều này do sự sợ hãi, một tâm lý yên phận hay là một sự xử thế khôn ngoan."
(Đức Mậu - Mối quan hệ xã hội trong làng Vũ Đại)
- "Trong cõi say triền miên của cuộc đời, Chí khóc, tiếng khóc cất lên như xé tan cõi mộng, phá tan cái mông lung, cái mập mờ trong chuỗi say vô định. Từ trong “tiếng khóc rưng rức” nghe có vẻ “vô tư” ấy người đọc cảm nhận được nỗi day dứt, uất nghẹn từ trong cổ họng. Chí khóc cho số phận khổ đau của mình. Chí khóc cho mối tình bạc bẽo. Khóc cho cuộc đời khốn khổ đắng cay. Khóc vì xã hội thực dân phong kiến thối nát, bất nhân."
(Trần Văn Toản - 'Dây tóc phát sáng' trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao)
- “Hắn trở nên xa lạ với dân làng Vũ Đại và cũng xa lạ với bản thân. Hắn không còn là người nông dân lao động nữa mà là phần tử bị loại ra khỏi xã hội loài người.”
(Nguyễn Hoành Khung)
- “Với Nam Cao, tình yêu không đi liền với sự lý tưởng, với sự hâm mộ sùng bái người yêu mà bắt đầu chỉ thuần túy là bản năng. Nam Cao đã hợp nhất hài hòa tình yêu của họ giữa tinh thần và thể xác. Đây cũng là sự hồi sinh của tinh thần nhờ tình yêu và sự gắn kết hai thân xác tưởng như đã chết. Nó đã hóa, tái sinh Chí Phèo, tình yêu cho Chí Phèo và Thị Nở ý thức về chính mình. Tình yêu cũng làm tăng thêm chiều dài cho cuộc đời Chí.”
(Nguyễn Tuấn Dũng - Cấu trúc nhân vật qua tác phẩm Chí Phèo)