1. ''Nghề văn là nghề của chữ - chữ với tất cả của nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh.''
2. ''Cái thảm kịch ghê gớm nhất của người viết văn chuyên nghiệp là khi tả đến chỗ mà tình cảm thật dữ dội nhưng chữ thì không ra được''.
3. ''Có lúc viết văn tôi thấy trong lòng nhộn nhạo mà chữ bẹp dí trên giấy, cảnh tắc chữ như bị nghẹn thở. Tôi bỏ đấy đi chơi. Rồi lúc khác chữ cuồn cuộn lên, mình viết báo thù lại''.
4. "Mỹ thuật vốn không là bà con với luân lý của thời đại. Một thằng ăn cắp đã trở nên đẹp đẽ vô cùng khi hắn cắt túi người ta rất gọn, rất nhanh."
5. "Người lỗi lạc sống một cách đặc biệt không giống ai và không cho ai bắt chước được mình, chết là mang cả cái bản chính đi, chứ không để lại một bản sao nguyên cảo nào..."
6. "Phải làm cho trọn bổn phận tối thiểu của thằng người đời. Nghĩa là phải sống, sống với thị dục, sống với giác quan, sống bằng xác thịt..."
7. "Chỉ có cuộc đời rộng rãi, chỉ có đường đời vô định mới dạy cho ta biết được những câu đẹp đẽ một cách quái dị như thế thôi."
8. "Muốn viết cho được tốt được hay thì phải đi, mà phải đi đúng đi nhiều. Cái sự thật có tính châm ngôn này cả người già đời văn ở ta và cả anh chị em trẻ mới vào nghề, không còn ai dở hơi đi bàn ngược lại, mà chỉ có bàn sâu thêm mà thôi'."
9. ''Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay… Cùng một vốn ngôn ngữ ấy, nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phi đúng vị trí của nó."
10. ''Nghĩ về sự đầy đủ, trong trẻo, đẹp đẽ, sáng sủa và sang giàu của tiếng nói Việt Nam, có những lúc tôi ngừng lại đó trang sách đọc, tôi ngừng lại đó câu chưa xuống dòng… mà nhìn trân trân tờ giấy bỏ dở. Tôi nhìn trân trân vào giữa khoảng không ngoài cửa sổ lên trời xanh mà lòng thấy dạt dào lên những lời cảm. Tôi lặng lẽ cúi xuống mặt trang giấy trắng tinh đang om sòm những tiếng mời chào kia mà nói bật lên những lời biết ơn đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời... Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm màu ấy thấy bồi hồi, bồi hồi như vấn vương với một cái gì thật thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim, trữ ngân của thế gian không sao sánh đổi được."
11. ''…Ông nên nhớ rằng chỉ có những khách du lịch máy bay quốc tế là có quyền đi vững lên mà không cần viết lách gì cả, còn chúng ta thì phải vừa đi vừa viết nữa. Và viết là chủ yếu. Nếu đời văn phải dành nhiều tháng nhiều năm cho đi, thì cái cuối cùng của cái chuyến đi ấy, vẫn là viết. Phải viết ra cho được.''
- Nguyễn Tuân là “một nhà văn có tài năng đặc biệt, một nghệ sĩ có lương tâm” bởi niềm đam mê sáng tạo, yêu cái đẹp và khả năng “làm sống lại cả một thời xưa cũ”.
(Thạch Lam - Đọc Vang bóng một thời)
- Nguyễn Tuân là nhà văn “đứng hẳn ra một phái riêng” bởi “lối hành văn đặc biệt và những ý kiến cùng tư tưởng phô diễn bằng một giọng tài hoa, sâu cay và khinh bạc, đầy nghệ thuật như một bức phác họa và bao giờ cũng cho người ta thấy một trạng thái tâm hồn.”
(Vũ Ngọc Phan)
- “Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến một nhà văn có quan điểm duy mỹ, trọng cái đẹp hình thức, đặt nghệ thuật lên trên hết mọi thứ thiện ác ở đời.”
(Nguyễn Đăng Mạnh)
- “Nguyễn Tuân đã làm cái việc của một người đi khơi lại đống tro tàn của dĩ vãng, tìm lại những cái đẹp của ngày qua đã một thời vang bóng”
(Phan Cự Đệ - Đọc lại Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân)
- “Sau khi ông mất, ta bỗng nhận ra rằng con người ấy đi qua cuộc đời đã để lại trên mặt đất này một vết hằn sâu biết chừng nào. Ấy hẳn là do bởi sức nặng nhân cách và tài năng của ông, cả hai đều lớn, nhiều khi lớn đến vướng víu, kềnh càng và không phải ai cũng có thể lấy làm dễ chịu.”
(Nguyên Ngọc)
- Ông là “một trong mấy nhà nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX.”
(Nguyễn Ðình Thi)
- Văn của Nguyễn Tuân cũng rất kén độc giả, “chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức.”
(Vũ Ngọc Phan).
- “Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản đó là phản ứng của chủ nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc (…). Nhu cầu chơi ngông buộc Nguyễn Tuân phải đẩy mọi cái thông thường tới cái cực đoan, thậm chí tới mức trở thành những kỳ thuyết, nghịch thuyết.”
(Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Tuân - một phong cách độc đáo và tài hoa)
- “Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú… Không chỉ tích lũy những từ sẵn có, ông luôn luôn có ý thức sáng tạo từ mới và cách dùng từ mới…”
(Nguyễn Đăng Mạnh)
- Nguyễn Tuân là “Người thợ kim hoàn của chữ”.
(Tố Hữu)
- “Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ ngôn từ đã đưa cái đẹp thăng hoa đến một độ cao hiếm thấy trong văn học Việt Nam’.’
(Hoài Anh)
- "Một ngày không xa khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa."
(Vũ Ngọc Phan)
- "Một bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ... một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng"
(Anh Đức)