Tác giả Kim Lân

 

Trong đội ngũ nhà văn hiện đại Việt Nam, Kim Lân (1920 - 2007) thuộc một trong nhóm những nhà văn viết tuy không nhiều nhưng lại tạo được nhiều dấu ấn cho người đọc.

I. Cuộc đời

- Kim Lân (1920 - 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài. 

- Quê quán: làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, nay là làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

⇒ Ông sinh ra trên mảnh đất Kinh Bắc nghìn năm văn hiến. Đây là quê hương có bề dày lịch sử, văn hóa cổ truyền với những lễ hội nổi tiếng như: hội Đền Đô, hội Lim, hội Đồng Kị...và những thú chơi phong tục hấp dẫn như đánh đu, đấu vật,... Nơi đây còn nổi tiếng với những câu hát quan họ ngọt ngào, mượt mà, đằm thắm.

⇒ Con người nơi đây có thể nghèo túng nhưng luôn giữ vẻ tài hoa, nền nếp. Không đi đâu xa, nhưng họ luôn khéo léo, hay trọng sĩ diện, trọng vẻ ngoài đến mức thành một tiêu chuẩn sống. Cốt cách đó cũng ngấm vào máu Kim Lân từ nhỏ, hun đúc ở ông tình yêu quê hương đến máu thịt.

⇒ Kim Lân sinh ra ở mảnh đất “đời tạo văn nhân”, “nhân tài nảy nở” nhưng lại không giống như nhiều nhân tài ở mảnh đất này. Ông có đời sống riêng thua thiệt: con một người vợ lẽ trong gia đình bình thường, bị mọi người khinh miệt, rẻ rúng.

- Thuở thơ ấu, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học rồi đi làm, lăn xả vào cuộc sống mưu sinh để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhờ chịu khó quan sát và cũng hay ngẫm nghĩ, lại có nhiều cơ hội tiếp xúc, đi nhiều nơi nên Kim Lân đã có vốn hiểu biết khá phong phú về phong tục tập quán của vùng Kinh Bắc quê hương ông.

- Đầu những năm 40, Kim Lân được bạn đọc đón nhận với một số truyện được in trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Ở loạt truyện này, nhà văn miêu tả những cảnh đời cơ khổ và một số sinh hoạt phong phú ở thôn quê.

- Cùng với các nhà văn Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao... Kim Lân theo Cách mạng từ năm 1944 trong Hội văn hóa cứu quốc. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở thành phóng viên các báo của lực lượng vũ trang Cách mạng như: Xông Pha, Chi Lăng.

- Hòa bình lặp lại, ông làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ và giảng dạy tại trường viết văn Nguyễn Du.

- Năm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2007, Kim Lân mất tại Hà Nội, thọ 87 tuổi

II. Sự nghiệp

1. Hành trình sáng tác

1.1. Trước Cách mạng tháng Tám

- Trước Cách mạng tháng Tám, Kim Lân là cây bút mới với một số truyện ngắn được đăng báo, tiêu biểu như: Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa… hầu hết các sáng tác mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó.

- Đặc biệt Kim Lân được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (Đánh vật, Chọi gà, Thả chim…). Có thể kể đến các tác phẩm như: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn… kể lại một cách sinh động những thú vui kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám – những người sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời. Giữa cuộc đời nhọc nhằn, những trang văn của Kim Lân đã giúp người đọc hiểu rằng: Sau những lũy tre xanh xanh kia, từ bao đời nay người nông dân sống lam lũ thật, nhưng tháng ba ngày tám, những buổi sáng xuân, họ vẫn tổ chức được những trò vui, mà qua đó đã thể hiện được sự thông minh, tài hoa, một tâm hồn tươi sáng lành mạnh.

Kim Lân từng tâm sự rằng: “Những truyện tôi thích và cũng được nhiều người thích, đều là những cái tôi viết về chính mình, về làng xóm mình, người thân mình”. Do đó truyện ngắn Kim Lân mang tính hiện thực, giản dị. Mỗi truyện như một mảng đời nhà văn “xắn ra” (Chữ của Tô Hoài) từ mảnh đất sống của kiếp người thấm đẫm mồ hôi, nước mắt lời than thở và cả những nụ cười nhiều lúc hồn nhiên xúc động. Kim Lân là nhà văn của những số phận thiệt thòi, những kiếp người cùng khổ của làng quê Việt Nam giữa thế kỉ XX.

1.2. Sau Cách mạng tháng Tám

- Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông là câu bút chuyên viết về truyện ngắn và làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Có thể kể đến tác phẩm: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962).

- Từ sau năm 1960 Kim Lân dừng sáng tác văn học. Ở độ tuổi bốn mươi, với nghệ thuật viết truyện ngắn bậc thầy, cái sự gác bút của ông quả là lạ. Có người nói, văn tài của ông đã hết. Có người lại bảo, ông muốn né tránh, không muốn can dự vào chuyện văn, chuyện người, vốn dĩ nhiều lúc vàng thau lẫn lộn. Người từng trải và hiểu rõ khí phách Kim Lân thì đoán rằng ông đã sớm nhận ra điểm dừng của văn nghiệp mình. Đúng như M.Gorki đã từng nói: “Dấu hiệu của một tài năng còn ở chỗ anh ta đã biết dừng lại đúng chỗ”.

- Thay vào công việc viết văn, Kim Lân tham gia viết báo và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ. Bên cạnh đó, ông còn tham gia đóng phim và kịch. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến: Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy; Lý Cựu trong phim Chị Dậu; Lão Pẩu trong phim Con Vá; Cải Khiết trong vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can; cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm.

⇒ Tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng Kim Lân là nhà văn có vị trí vững chắc trên văn đàn, trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

2. Quan niệm nghệ thuật

2.1. Quan niệm của Kim Lân về con người

- Trong một buổi phỏng vấn nhà văn, nhà báo Hồng Thanh Quang có trao đổi với ông về con đường nên theo và có lợi cho sự phát triển của thiên chức văn học, Kim Lân đã không ngần ngại mà trả lời rằng: “Nếu mà gọi là chọn con đường nào cho văn học từ xưa tới nay nó cũng chỉ có một con đường: Con đường vì con người, vì đời sống, vì tình thương yêu”. Với ông, cũng như bao nghệ sĩ khác, con người là đích đến cuối cùng của nghệ thuật, con người gắn với cuộc đời trần thế nhất, gắn với tình yêu thương, gắn với hầu hết mọi mối quan hệ của đời sống, từ quan hệ với thiên nhiên đến quan hệ với con vật nuôi, và đặc biệt là quan hệ với chính con người.

Là một con người đôn hậu, lại rất yêu quê hương mình, Kim Lân luôn nhìn thấy và thể hiện cái bản tính tốt đẹp, hướng thiện của người nông dân thuần phác, để rồi tái tạo lại trong tác phẩm nghệ thuật. Trải suốt các sáng tác của nhà văn kể cả trước và sau Cách mạng tháng Tám là các nhóm nhân vật dù được khai thác ở phương diện nào cũng đều toát lên một vẻ đẹp phong phú về đời sống tâm hồn và cao quý về nhân cách, đặc biệt là lối sống đậm tình người. 

2.2. Quan niệm về cái đẹp

Con đường kiếm tìm cái đẹp, cũng là ngọn nguồn và đích tới của việc sáng tạo nghệ thuật nơi Kim Lân có một hướng đi khá đặc biệt. Đó là hành trình về với quê hương bản xứ để khám phá và ngợi ca những nét đẹp văn hóa làng quê. Sinh ra và lớn lên ở một vùng “đất hun tú khí, đời tạo văn nhân” như cái làng Chợ Giầu, phủ Đông Ngàn, huyện Từ Sơn thì hành trình trở về với quê hương bản quán để kiếm tìm và ngợi ca cái đẹp như ông cũng là điều dễ hiểu. 

2.3. Quan niệm về việc viết văn

- Kim Lân viết văn, trước hết, có hai động lực khởi nguồn đó là lòng “ham viết, thích viết” trước “nhiều sự nhăng nhít, vô lý” của cuộc sống xung quanh nhà văn lúc ấy. Sau nữa, việc cầm bút viết văn của người thợ sơn guốc đó có ý nghĩa lớn lao, mang tính nhân văn, đó là: “đòi cho mình một thân phận, một nhân phẩm, một chỗ đứng trong cuộc sống nhỏ bé quẩn quanh của quê hương”.

- Như những nhà văn chân chính khác, mối quan tâm lớn nhất của Kim Lân là mối quan hệ giữa văn học với đời sống, với thời đại. Ngay từ thời kỳ đầu cầm bút, ông đã quan niệm: điều quan trọng là văn chương “phải thật, phải giản dị”“trong văn phải có cái tâm”.

- Là người viết không nhiều nhưng Kim Lân luôn được bạn văn nể trọng, bạn đọc lưu nhớ. Sở dĩ có được điều đó là bởi ông luôn tâm niệm “chỉ viết những gì mình nắm chắc”. Con người ấy đã gạt bỏ mọi sự lôi cuốn của nhịp sống thời đại để giữ cho mình một lối viết rất riêng, chậm rãi, cẩn trọng và đậm chất nông nhàn.

- Là một con người chịu nhiều thua thiệt, việc viết văn, với ông, còn là niềm khao khát được thể hiện rõ nét chính con người mình trên trang giấy. Ông đã tự nhận rằng: “xem văn như người... Văn tôi giống tôi trước hết là cách nói, cách nghĩ, cách xử sự... Văn của tôi đã nói được tiếng nói và sự suy nghĩ của tôi. Nhiều khi cách xử sự của nhân vật trong truyện cũng là cách xử sự của tôi trong cuộc sống hàng ngày”.

⇒ Và như thế, nhà văn Kim Lân đã giữ trọn vẹn cái Tâm của người cầm bút trong suốt hành trình cống hiến nghệ thuật của bản thân.

3. Một số phương thức biểu hiện nghệ thuật của Kim Lân (Qua tác phẩm Vợ nhặt)

3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và tình huống

a. Ngoại hình nhân vật:

- Khi miêu tả những người nông dân nghèo đói, Kim Lân không tô vẽ họ mà dường như tác giả chỉ việc đưa họ từ cuộc đời thực vào trang sách.

- Ngay những dòng mở đầu tác phẩm "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân vừa ngắm nghía, vừa miêu tả ngoại hình nhân vật Tràng qua từng cử chỉ nhỏ “Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tý, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú,vừa dữ tợn”.

- Tác giả tiếp tục hoàn thiện bức chân dung của anh chàng ngụ cư nghèo đói này bằng những nét vẽ: “cái đầu thì trọc lốc”, “thân hình vậm vạp”, “lưng thì to như lưng gấu”. Không chỉ có vậy, sự vất vả, nghèo hèn như cũng thể hiện rõ qua tướng đi của Tràng: “Tràng đi từng bước mệt mỏi, cái áo nâu tàng vắt qua một bên tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước”.

⇒ Người đọc tìm thấy ở Tràng một cái gì đó hoang sơ qua những nét vẽ vụng về của tạo hoá. Một bức chân dung xấu xí, thô kệch, gồ ghề hằn lên những vết tích khắc khổ, đói nghèo.

b. Tình huống:

- Tình huống trong truyện ngắn Kim Lân có thể chia làm hai dạng. Dạng thứ nhất là những truyện có tình huống bất ngờ, éo le khiến nhân vật rơi vào cảnh bi đát, tội nghiệp. Dạng thứ hai là những truyện có tình huống bất ngờ, éo le, đặt nhân vật chính vào những chuyện khó xử; đối mặt thử thách mà họ buộc phải vượt qua → Tình huống truyện “Vợ nhặt” thuộc dạng thứ hai.

- Ngay tên truyện “Vợ nhặt” cũng gợi lên một tình huống truyện hi hữu khác lạ, hứa hẹn những chi tiết bất ngờ, ngạc nhiên với người đọc. Tràng - một anh nông dân ngụ cư, nghèo xơ xác, xấu xí, thô kệch bỗng nhiên lại “nhặt” được vợ. Tình huống bất ngờ khiến Tràng là người trong cuộc mà cũng hoang mang, ngờ vực “ngờ ngợ như không phải thế”. Kim Lân chú ý tô đậm sự ngờ vực, hoang mang ở Tràng cốt để đẩy tình huống lên điểm kịch tính. Trong cảnh đói khát thê thảm, người đói chết như ngả rạ, việc Tràng lấy vợ là một tình huống hết sức éo le, trớ trêu đặt nhân vật trước một cuộc thách đố vô cùng mạo hiểm của cuộc đời.

3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

a. Miêu tả tâm lí qua biểu hiện bên ngoài:

- Tâm lí ngỡ ngàng, phấn chấn của anh nông dân xấu xí, nghèo nàn bỗng nhiên “nhặt” được vợ, Kim Lân thể hiện thật tài tình qua nét mặt và cử chỉ: “Mặt hắn có cái gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tìm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.”. Tràng cũng muốn nói một câu gì đó “tình tứ” với vợ nhưng vụng về, lúng túng đến khổ sở “tay nọ xoa mãi vào tay kia” không thốt được câu nào cho ra hồn.

- Tâm trạng lo lắng, ngại ngùng và e thẹn của người “vợ nhặt” khi về nhà chồng được Kim Lân diễn tả chân thật qua một loạt những cử chỉ, hành động: “Chân nọ bước díu vào chân kia” khi nhìn thấy ngôi nhà xúm xó của gia đình chồng “Ả đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài... ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”. Và khi đối diện với mẹ chồng “Thị cúi mặt xuống, tay vân vê cái tà áo đã rách bợt”. Tâm trạng của người vợ nhặt vừa ngượng nghịu, vừa sờ sợ và có cả sự âu lo nén lại sau tiếng thở dài khi chị nhìn thấy gia cảnh nghèo túng của nhà chồng - nơi sẽ cưu mang chị trong cái sự khốn khổ vì đói.

b. Miêu tả trực tiếp tâm lí nhân vật:

- Những cảm giác rất “người” của nhân vật bỗng nhiên lấy được vợ: “Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả những ngày tháng trước mặt”. Và bên cạnh người vợ “nhặt” của mình, Tràng cảm thấy “Một cái gì đó lạ lắm, nó mơn man khắp da thịt, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu thương như một vị thần kì diệu đã đem đến cho Tràng những cảm xúc mới mẻ, làm thay đổi hẳn con người: “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn phải có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này”. Tràng trở thành người đàn ông chững chạc, biết yêu thương, có ý thức, trách nhiệm hơn trong tư cách người con, người chồng đối với mẹ, với vợ.

- Bà cụ Tứ sau khi nghe con trai thưa chuyện về cuộc hôn nhân đầy éo le của mình, từ sự ngạc nhiên bà cụ bỗng hiểu ra tất cả: “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con cái là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Con mình thì... Trong kẽ mắt của bà rì xuống hai dòng nước mắt…” → am hiểu sâu sắc tâm lí của người già, đặc biệt là tấm lòng yêu thương của người mẹ nghèo dành cho con. Nét nổi bật nhất trong tâm trạng bà cụ là tủi hờn, xót thương, lo lắng cho hạnh phúc mong manh của hai vợ chồng Tràng trong cái đận đói khát mờ tối cả đất trời.

3.3. Ngôn ngữ nhân vật

"Vợ nhặt", tác giả đã thể hiện rất chân thực, sinh động tâm lí nhân vật bà cụ Tứ qua độc thoại nội tâm. Trước cảnh tối sầm vì đói khát, người con trai duy nhất của cụ Tứ đã đưa vợ về. Kim Lân đã đặt bà cụ Tứ vào một tình huống khó xử như thế để theo dõi, phân tích tâm lí nhân vật. Nếu như Tràng - lâng lâng vui sướng với cuộc hôn nhân của mình thì bà cụ Tứ lại ý thức rất rõ về nghịch cảnh éo le của cuộc hôn nhân này. Bà cụ không thể tin con trai mình lại có thể có vợ dễ dàng như thế, bởi vậy bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô con dâu trong nhà. Diễn tả sinh động, cụ thể nét tâm trạng này là những dòng độc thoại nội tâm: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Không phải con cái Đục mà? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ?”...

---------------------------------------------------

Hơn tám mươi năm cuộc đời, theo nghiệp văn chương với hơn ba mươi truyện ngắn nhưng những trang văn ít ỏi ấy của ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt về con người, nhất là người nông dân và cuộc sống của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử quan trọng. Những trang viết của nhà văn thể hiện một trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương, thôi thúc con người ta hướng về nguồn cội, hướng về quê hương, nhất là trong thời cuộc lo toan bộn bề hiện đại hôm nay. Với những đóng góp của mình, tên tuổi Kim Lân sẽ còn được nhắc mãi trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

  • 23 lượt xem
Sắp xếp theo