Xuân Quỳnh - Nhận định về tác giả, tác phẩm

I. Nhận định về tác giả

- “Xuân Quỳnh đã có được điều cần thiết nhất đối với một tác giả thơ: một cách nghĩ và một cách nói của riêng mình” (Nhà nghiên cứu - phê bình Vương Trí Nhàn)

- “Thơ Xuân Quỳnh có lối viết thoải mái, không gò bó trong cấu tứ, mềm mại và duyên dáng, thơ chị có bản sắc riêng đó là sự trẻ trung, chân thành” (Nhà nghiên cứu - phê bình Nguyễn Xuân Nam)

- “Có lẽ là từ thời Hồ Xuân Hương, qua các chặng phát triển, phải đến Xuân Quỳnh, nền thơ ấy mới thấy lại có một nữ thi sĩ mà tài năng và sự đa dạng của tâm hồn được thể hiện ở một tầm cỡ đáng kể như vậy, dồi dào phong phú như vậy.” (Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)

- Xuân Quỳnh đã “sống hết mình, làm việc hết mình, yêu hết mình để hiến dâng cho nghệ thuật, cho cuộc đời, cho tình yêu chung và riêng bằng cái sức lực cuối cùng của sự sống phải tính đến từng nhịp đập của một trái tim đau”. (Mã Giang Lân, Hồ Thế Hà - Sức bền của thơ)

- “Xuân Quỳnh đã đến với thơ từ phần riêng tâm tình, kỉ niệm tuổi thơ, từ tình yêu tha thiết của tuổi trẻ và lòng gắn bó với nghề nghiệp [...] Xuân Quỳnh luôn chân thật và mềm mại trong cảm xúc, chị nhìn cuộc sống không đơn giản một chiều.” (GS.Hà Minh Đức)

- “Bao giờ chị cũng đẩy mạnh cảm xúc lên ở mức cao nhất. Chị luôn nói đến tận cùng những tình cảm của mình. [..] Xuân Quỳnh đã đem chính cuộc đời mình ra để đổi lấy những câu thơ.” (Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ)

- Xuân Quỳnh là "một chồi thơ khỏe, tràn đầy sức sống và hứa hẹn một cây thơ vững chắc, xanh tươi. Thơ Xuân Quỳnh tuy chưa nói được gì nhiều về các vấn đề chung, lớn của thời đại song thơ Xuân Quỳnh lại cuốn hút tôi bằng những lời tâm sự chân thành về những chuyện hết sức riêng tư như tình yêu, ước mơ và khát vọng." (Chu Nga - Xuân Quỳnh, Một chồi thơ sắc biếc)

- Thơ tình đầu đời của thi sĩ Xuân Quỳnh "đã bất ngờ chiếm lĩnh thi đàn thơ tình Việt Nam đương đại bằng một khát vọng yêu - như một tình điệu thơ hoàn toàn mới mẻ khác lạ. Trước Xuân Quỳnh và kể cả cùng thời với Xuân Quỳnh chưa có một hồn thơ phụ nữ nào đắm say cuồng nhiệt đến thế.” (Nguyễn Thị Minh Thái - Thơ tình Xuân Quỳnh: biết yêu anh cả khi đã chết rồi)

- “Từ những bài thơ của thuở ban đầu còn nhiều hồn nhiên, mộc mạc và cả sự non nớt trong nghệ thuật đến những bài thơ đã già dặn, đã đi vào độ chín của một phong cách thơ đều lắng sâu những nỗi đau thầm kín: những nỗi đau và trăn trở của một cuộc đời và một số phận nghệ thuật của người đàn bà làm thơ.” (Đoàn Thị Đặng Hương - Người đàn bà yêu thơ và làm thơ, Xuân Quỳnh)

- “Trước nay có lẽ chưa có người con gái làm thơ nào đã nói những lời yêu cháy bỏng, thật và dữ dội như chị - đó chính là nét hiện đại trong tâm hồn chị, tâm hồn người phụ nữ thế kỷ XX, dám yêu và dám thổ lộ tất cả, không lùi bước trước bất cứ một sự "giữ ý" nào.” (Mai Quốc Liên - Vài lời muộn màng)

- "Người phụ nữ yêu trong thơ Xuân Quỳnh mạnh bạo, chân thành bày tỏ những khao khát trong lòng mình, là điều rất mới mẻ, trong đời và cả trong thơ. (Trước đây đã có nàng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc cũng đã nói đến những khao khát hạnh phúc lứa đôi, nhưng trong thơ xưa chưa thể có một người phụ nữ bày tỏ trực tiếp tình yêu của mình). Đó là thứ tình yêu hết mình, quên mình, nó cũng đòi hỏi sự duy nhất, sự tuyệt đối, và luôn đi liền với khát khao về mái ấm gia đình, với sự gắn bó lâu bền, thuỷ chung. Điều đó chứng tỏ rằng quan niệm tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn có gốc rễ trong tâm thức của dân tộc." (Nguyễn Văn Long)

- “Trong thơ, Xuân Quỳnh đã hát một giọng riêng khác với ngay cả những tác giả nữ khác về tình yêu. Nó có một sắc thái táo bạo và nhiều khi còn dữ dội nữa. (Ở thời kì ấy, thơ tình của chị đôi khi còn làm cho những nhà thơ đàn ông phải nể vì ). Chị là một trong những tiếng thơ rất sớm của một người con gái, một người đàn bà chủ động yêu và đòi quyền được yêu. (ở cái thời mà người ta quen nhìn phụ nữ - dẫu là trong văn học một vai trò bị động và yếu đuối.” (TS.Đoàn Thị Đặng Hương)

- “Đến Xuân Quỳnh, thơ Việt Nam hiện đại mới có được một tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao hồn nhiên, chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ”. (GS.Trần Đăng Suyền)

- “… thơ đối với chị không phải là một nghề nghiệp, cũng không phải Tài năng, mà là Số Phận, là Tâm Hồn, là điều Thiêng Liêng khó đạt tới nhất trên Cõi Đời này” (Lưu Khánh Thơ, Đông Mai - Xuân Quỳnh cuộc đời và tác phẩm)

II. Nhận định về tác phẩm

1. Sóng (SGK Ngữ văn 11 - Bộ Kết nối tri thức; SGK Ngữ văn 12 chương trình cũ)

- “Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩ là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút, cho nó phải nể.” (Nhà thơ Vũ Cao, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội)

- “Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.” (GS.Trần Đăng Suyền)

- “Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ.” (Nhà thơ Việt Nam hiện đại, GS Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, NXB KHXH,1984)

- “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…” (Chu Văn Sơn)

- “Nhịp điệu trong bài Sóng thật đa dạng, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3 (Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ), 1/2/2 (Sóng không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể), 3/1/1 (Em nghĩ về anh, em), 3/2 (Em nghĩ về biển lớn - Từ nơi nào sóng lên)... Ngoài ra, các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu trước, tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt: “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”, “Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước”, “Dẫu xuôi về phương bắc/Dẫu ngược về phương nam” ” (GS Nguyễn Đăng Mạnh - Cẩm nang ôn luyện môn văn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.237.)

- “Sóng là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách của Xuân Quỳnh. Qua hình tượng sóng, trên cơ sở sự tương đồng, hòa hợp giữ sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Bài thơ cho thấy tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.” (SGK Ngữ văn 12 - Chương trình Chuẩn)

2. Thuyền và biển (SGK Ngữ văn 11 - Bộ Cánh Diều)

- Với “Thuyền và biển”, Xuân Quỳnh không chỉ giúp người con gái được sống thật với lòng mình, thỏa mãn khát vọng riêng tư mà còn như một đối thoại với nửa nhân loại để khẳng định bản ngã của giới mình. (Dương Thị Ngọc Hà)

- “Trong câu hát dân gian Việt Nam, cô gái thường được ví với một cái bến tĩnh tại, bị động, khắc khoải đợi chờ người yêu như một con thuyền đi xa, có trở về hay không chưa định rõ. Trong thơ Xuân Quỳnh, tình người con gái đã được ví như biển lớn, rộng hơn, chủ động hơn...ở đây có nét khác với truyền thống phương đông, nơi tình yêu thường được bộc lộ một cách kín đáo, thầm lặng." (Nguyễn Xuân Nam, Xuân Quỳnh - Tác phẩm và lời bình)

- "Chữ nghĩa sang trọng, chính xác, nhiều chỗ đắc địa nên cảm xúc dạt dào ngay từ tầng một. Thế trận câu chữ chặt chẽ, tâm tình chân thật - chị làm thơ bằng cả tâm hồn – nên cảm xúc ở tầng hai và tầng ba chảy ào xuống trái tim người đọc như thác đổ." (Phạm Đức Nhì)

- "Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố!” Mong các ca sĩ đừng đổi lại: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ” (Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu)

III. Liên hệ, mở rộng

1. Hình tượng sóng, biển, thuyền

“Tình anh như sóng dâng cao

Tình em như dải lụa đào tẩm hương”

Ca dao

“Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh

Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Truyện Kiều - Nguyễn Du

“Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi”

Biển - Xuân Diệu

2. Những trạng thái đối lập, mâu thuẫn trong tình yêu

“Em bảo anh: đi đi

Sao anh không đứng lại

Em bảo anh đừng đợi

Sao anh lại vội về

Lời nói thoảng gió bay

Đôi mắt huyền đẫm lệ

Sao mà anh ngốc thế !

Không nhìn vào mắt em”

Em bảo anh đi đi – Kaputikian

"Anh yêu ơi hãy tha lỗi cho em

Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ

Những bực dọc trong ngày vất vả

Làm anh buồn mà em có vui đâu"

Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh

3. Nỗi nhớ trong tình yêu

“Trời còn có bữa sao quên mọc

Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”

Đêm sao sáng

- Nguyễn Bính

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi.”

Tương tư chiều

- Xuân Diệu

"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người."

Tương tư

-  Nguyễn Bính

"Đêm nằm lưng chẳng đến giường

Trông trời mau sáng ra đường gặp anh."

Ca dao

"Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt.

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên."

"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn,

Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm."

4. Tình yêu truyền thống

“Thuyền về có nhớ bến chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

Ca dao

“Tim con gái, trái tim con gái

Chẳng đủ tin để gánh phong trần

Thương yêu chút đã dừng chân lại

Kẻo xa xôi lại bảo “không gần”.”

Tim con gái

- Ý Nhi

5. Nỗi lo lắng, trăn trở trong tình yêu

"Chúng ta thay đổi thời gian, thời gian thay đổi chúng ta

Có tình yêu nào lại xanh quanh năm được nhỉ

Cũng có lúc héo tàn bởi mặt trời nóng ran như lửa

Có ai lại mãi là mình như thuở xa xưa"

Không đề

- Béc-nơ

"Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai

Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn"

Giục giã

- Xuân Diệu

"Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?"

Hoa cỏ may

- Xuân Quỳnh

"Lời tình tự trăm lần trên ghế đá

Biết lời nào giả dối với lời yêu."

Thơ tình cho bạn trẻ

- Xuân Quỳnh

" Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam đã Bắc"

Sân ga chiều em đi

- Xuân Quỳnh

6. Khát vọng tình yêu

“Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết”

Biển

- Xuân Diệu

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."

Vì sao

- Xuân Diệu

"Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ, không thương một kẻ nào?"

Bài thơ tuổi nhỏ

- Xuân Diệu

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi."

Tự hát

- Xuân Quỳnh

"Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự người hơn"

Nói cùng anh

- Xuân Quỳnh

"Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người

Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm

Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng..."

Thơ viết cho mình và những người con gái khác

- Xuân Quỳnh

 

  • 27 lượt xem
Sắp xếp theo