Nguyễn Công Hoan - Nhận định về tác giả, tác phẩm

1. Nhận định về tác giả Nguyễn Công Hoan

- “Nguyễn Công Hoan thuộc lớp nhà văn những năm 20 đầu thế kỉ, lớp người đang mò mẫm, tìm đường, khai phá. Công lao của ông là giữa những con đường đan nhau ở các ngã ba, ngã tư, nơi mà những người cầm bút còn đang phân vân, thậm chí có thể lạc lối giữa những nguồn ảnh hưởng phức tạp, cũ mới tốt xấu lẫn lộn, ông đã chọn con đường đi về phía truyền thống dân tộc, về phía quần chúng bị áp bức, con đường của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam.”

(Phan Cự Đệ)

- "Văn xuôi Nguyễn Công Hoan “không réo rắt như một cung đàn, không nhẹ nhàng như một bài thơ, không man mác như gió thổi mặt nước”giống các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ, mà “văn có cái hay, rõ ràng, sáng sủa, thiết thực, hơi văn nhanh và gọn. Lời văn hàm một giọng trào phúng”.

(Trúc Hà - Lược khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết của tiểu thuyết)

- “Trong luôn mười năm nay, ngòi bút tả chân của ông vẫn giữ nguyên tính chất tả chân và lối văn của ông viết vẫn nguyên một lối văn bình dị.”

(Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại)

- “Nguyễn Công Hoan tính đến trực giác của người đọc và xây dựng tác phẩm của mình sao cho giá trị thẩm mĩ khái quát được thể hiện triệt để trong mối liên hệ với những mặt hết sức khác nhau của đời sống tinh thần của người đọc.”

(Jan Mucka - Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn của Sê-khốp)


- "Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một tấn trò đời rộng rãi và phong phú, ông chỉ cốt khám phá trong hiện thực, những mâu thuẫn, những cảnh tượng trái và phản nhau…. Thế giới của Nguyễn Công Hoan là thế giới những những kẻ khốn khổ đáng thương. Đọc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan người đọc như được trực tiếp sống giữa cái xã hội khốn cùng của những con người dưới đáy, những thói hư tật xấu của đám thanh niên tiểu tư sản thành thị chạy theo lối sống "Âu hoá".”

(Nguyễn Trác - Lịch sử văn học Việt Nam)

- “Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan chưa có bề sâu tâm lý. Song không vì vậy mà chúng không chân thực, không sinh động. Có thể nói trái lại, chỉ bằng vài nét vẽ, nhà văn đã phác ra được một bộ mặt, một tư thế, một chân dung khá sinh động với nét tâm lý chủ yếu nổi bật, phù hợp với bản chất xã hội nhân vật.”

(Nguyễn Hoành Khung - Từ điển văn học, tập 2)

- "Ông ưa tả, ưa vẽ cái xấu xa, hèn mạt đê tiện của cả một hạng người xưa nay vẫn đeo cái mặt lạ giả dối. Hạng người này có gặp ở đời, ta thường lầm vì cái bề ngoài mà phải kính trọng nể nang họ [...] Nhà văn ở đây vô tình lại có cái đau đớn, khổ sở lầm than của hạng người cùng đinh nghèo khổ và cái giả trá xấu xa bất lương của bọn quyền quý trưởng giả, nhà văn đã nhận thấy rằng: cái xã hội hiện thời đầy rẫy sự ô trọc, giả dối lại xây lên trên mọi sự bất bình, là một xã hội cần phải đạp đổ.”

(Trần Hạc Đình)

2. Nhận định về truyện ngắn Kép Tư Bền (SGK Ngữ văn 11, Cánh Diều)

- “Việc cuốn Kép Tư Bền được hoan nghênh làm tôi tin rằng tôi có thể viết nổi tiểu thuyết và tôi có thể theo đuổi được nghề văn.”

(Nguyễn Công Hoan)

- “Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh… Một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền…”

(Nguyễn Công Hoan - Đời viết văn của tôi)

- "Cũng như Tam Lang, tác giả của Kép Tư Bền ưa nói đến những bề trái của xã hội, ưa phanh phui, bày tỏ những cái hèn kém, xấu xa gian tà, độc ác của người đời.”

(Thiếu Sơn)

- "Số phận, hoàn cảnh của kép Tư Bền có lẽ cũng chính là số phận, hoàn cảnh của những người làm kép hát nói chung, vì phải kiếm tiền mà họ không được tự do trong cả việc khóc cười - một việc tưởng như rất đỗi tự nhiên của con người, trong lúc muốn khóc họ lại phải cười, trong lúc muốn cười họ lại phải khóc, chỉ vì sự cười khóc của họ đã được người ta mua bằng tiền mất rồi." 

(Vũ Thị Minh Trang)

  • 46 lượt xem
Sắp xếp theo