Tác giả Xuân Quỳnh

Là nhà văn trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, Xuân Quỳnh nổi bật lên là một gương mặt tiêu biểu mang đậm bản sắc riêng, một nhà thơ nữ có vị trí quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Xuân Quỳnh bước vào làng thơ từ rất sớm và cũng ra đi đầy bất ngờ và mất mát, nuối tiếc cho những người yêu thơ. Tuy thời gian xuất hiện trên văn đàn ngắn ngủi nhưng bà đã để lại gia tài thơ giàu giá trị, đóng góp không hề nhỏ vào nền văn học Việt Nam hiện đại: “Từ khi xuất hiện cho đến khi vĩnh biệt cuộc đời, quá trình sáng tác của thơ Xuân Quỳnh là một chặng đường đi lên không bị đứt đoạn. Hồn thơ của chị ngày một đa dạng và không ngừng được thử thách qua thời gian, với nhiều loại chủ đề khác nhau.” (Ngân Hà - Nữ sĩ Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại)

I. Tiểu sử

1. Quê quán:

  • Quê nội: làng La Khê, Hoài Đức, Hà Tây.
  • Quê ngoại: làng La Tinh, cách quê nội mấy cánh đồng và làng La Cả.

→ Quê nội và quê ngoại Xuân Quỳnh nằm bên bờ sông Nhuệ, một vùng đất nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa. Đấy là một làng quê cổ truyền với những mái chùa cong, những đường làng lát gạch và những lũy tre xanh.

→ Bên ngôi nhà ngói năm gian, Xuân Quỳnh được ru bằng tiếng lách cách đưa thoi, tiếng hát của những người thợ dệt. Cái không gian quê mùa mà đầm ấm ấy đã chở che tâm hồn thơ ngây và bất hạnh của Xuân Quỳnh từ thuở bé.

2. Gia đình:

  • Mẹ Xuân Quỳnh là Bà Nguyễn Thị Trích (cha Xuân Quỳnh thường gọi là Trinh) là con gái nhà giàu, kết hôn với cha Xuân Quỳnh năm 17 tuổi. Bà qua đời vì bệnh lao năm 31 tuổi sau khi sinh Xuân Quỳnh ít lâu. Ngoài Xuân Quỳnh, bà còn có Đông Mai - chị Xuân Quỳnh và 3 người con trai đều mất khi mới 6 tháng tuổi.
  • Cha Xuân Quỳnh là Ông Nguyên Quang Thường (giáo Lục). Ông lãng mạn, từng sáng tác văn chương, viết báo, dạy học. Sau khi mẹ Xuân Quỳnh mất, ông tái giá và có với vợ sau 4 người con. Vì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, ông và vợ lẽ ra riêng rồi vào Sài Gòn sống, để Xuân Quỳnh và Đông Mai ở lại quê nhà với bà nội.
  • Tuổi thơ Xuân Quỳnh gắn bó với quê hương đẹp đẽ êm đềm với sự chăm sóc yêu thương của bà, của chị. Song, tình thương của bà, của chị dù sâu nặng đến đâu cũng không thay thế được tình mẫu tử. Bởi lẽ tình mẫu tử vốn thiêng liêng và cao cả.

2. Cuộc đời:

- Các chặng đường trong sự nghiệp:

  • Học hết tiểu học, Xuân Quỳnh ở nhà với bà. Sau hiệp định Gienève, Xuân Quỳnh tham gia văn nghệ thiếu nhi với bộ đội địa phương.
  • Tháng 2 năm 1955 khi Xuân Quỳnh 13 tuổi, bà được tuyển vào Đoàn văn công nhân dân Trung ương và đào tạo thành diễn viên múa.
  • Từ 1955 đến 1963, Quỳnh đi biểu diễn nhiều lần ở nước ngoài, dự đại hội Sinh viên Thanh niên Thế giới 1959 tại Viên (Áo).
  • Năm 1962 - 1963, Xuân Quỳnh được chọn đi học khóa bồi dưỡng những nhà viết văn trẻ khóa I tại Trường Viết Văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam.

→ Chính tại nơi đây bà đã có những cơ hội được tiếp xúc học hỏi với những nhà thơ, nhà văn có tên tuổi. Bà tìm thấy ở văn chương một cuộc đời khác nữa. Với Xuân Quỳnh, thơ chính là định mệnh, thơ vừa giải thoát vừa bù đắp cho tất cả những lo âu khát khao và bà đã hình dung ra “nếu ngày mai em không làm thơ nữa” tất cả sẽ trở về với bình yên và đơn điệu.

  • Năm 1964 sau khi học xong, Xuân Quỳnh làm việc tại báo Văn nghệ sau đó chuyển sang làm biên tập viên NXB Tác phẩm mới và bà vinh dự được bầu vào BCH hội nhà văn Việt Nam lần thứ III.

- Tình yêu, hạnh phúc gia đình:

  • Xuân Quỳnh yêu rồi làm vợ, làm mẹ giữa những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt. Bà đã khoác ba lô vào tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị để mang đến hơi thở nóng bỏng của cuộc kháng chiến.
  • Nếu con đường thơ luôn rộng mở thì cuộc sống gia đình của bà lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Năm 23 tuổi Xuân Quỳnh lấy chồng- một chàng trai cùng đoàn Ca múa nhạc. Sau khi sinh con trai đầu lòng, hạnh phúc gia đình bắt đầu rạn nứt. Với một tâm hồn nhạy cảm tế nhị mãnh liệt, kỳ vọng nhiều ở tình yêu và hạnh phúc nên Xuân Quỳnh luôn cảm thấy hụt hẫng. Rồi gia đình tan vỡ, day dứt đau đớn Xuân Quỳnh chỉ biết gửi gắm nỗi niềm tâm sự vào những trang thơ.
  • Giữa lúc Xuân Quỳnh đang bơ vơ, chới với, hụt hẫng, đau khổ thì Lưu Quang Vũ đến. Lưu Quang Vũ hiểu những tâm sự, những khát khao, những nỗi niềm của Xuân Quỳnh, còn Xuân Quỳnh lại tìm thấy ở Lưu Quang Vũ một trái tim đồng điệu.
  • Năm 1973 bà tái hôn với Lưu Quang Vũ. Chính tình yêu đã nâng cánh cho tâm hồn thơ của Xuân Quỳnh, giúp bà vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn vất vả trong cuộc sống. Ngược lại Xuân Quỳnh cũng có một vai trò không nhỏ trong sự nghiệp của nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Trân trọng, biết ơn người vợ hiền của mình Lưu Quang Vũ đã dành rất nhiều vần thơ xúc động gửi tới Xuân Quỳnh:

“Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh

Khi những điều giả dối vây quanh

Bàn tay ấy chở che và gìn giữ

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng

Anh thành người có ích cũng nhờ em…”

  • Cuộc sống gia đình đang hạnh phúc thì ngày 29-8-1988 Xuân Quỳnh cùng chồng và con trai Lưu Quỳnh Thơ mất vì tai nạn giao thông ở đầu cầu Phú Lương trên đường đi từ Đồ Sơn về Hà Nội. Sự ra đi đột ngột ấy đã để lại biết bao tiếc nuối trong lòng người thân, bạn bè và cả những độc giả hâm mộ.

→ Số phận nghiệt ngã đã không cho Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ kịp sống hết những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, cả hai đã ra đi trong lúc sức sáng tạo dồi dào và tài năng đang ở độ chín nhưng có thể khẳng định một điều trái tim hai người sẽ không phải chịu cảnh cô đơn. Sau 15 năm gắn bó bây giờ họ lại tiếp tục bên nhau, vĩnh viễn bên nhau cùng tình yêu bất tử của mình.

II. Sự nghiệp

Là một diễn viên múa nhưng Xuân Quỳnh rất yêu thơ chính vì vậy bà đã quyết định từ bỏ ánh đèn sân khấu để chuyên tâm vào sáng tác, thơ chính là cuộc sống thứ hai, là lẽ sống của Xuân Quỳnh. 

1. Những chặng đường sáng tác

- Tập thơ đầu tay của Xuân Quỳnh là “Chồi biếc” gồm 18 bài thơ ngắn lấy chất liệu chủ yếu từ cuộc sống của tác giả. Tập thơ mang đến một hơi thở mới trẻ trung, tươi mới của một người thiếu nữ hăm hở, rạo rực làm chủ cuộc đời, khát khao được cống hiến cho đất nước.

Đề tài tình yêu là một đề tài không thể thiếu trong tập thơ của một tâm hồn trẻ. Đặt những bài thơ tình yêu của Xuân Quỳnh với những nhà thơ nữ cùng thế hệ ta sẽ thấy sự độc đáo của một cá tính rất riêng. thơ tình Xuân Quỳnh mạnh mẽ sôi nổi, nhưng vần thơ vẫn rất tha thiết và say đắm:

"Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau rạn vỡ."

(Thuyền và biển)

- Tập thơ thứ hai của Xuân Quỳnh là “Hoa dọc chiến hào” gồm những bài thơ ra đời trong khoảng từ 1964- 1969, trong không khí của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước oanh liệt của nhân dân ta, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tập thơ đã phản ánh không khí của thời đại. Tập thơ gồm 28 bài.

  • Khoảng 20 bài thơ thể hiện không khí chiến tranh.
  • Không thể thiếu đề tài tình yêu mà Sóng là một trong những bài thơ tình hay nhất. Xuân Quỳnh đã dùng hình tượng “Sóng” để diễn tả lòng mình một cách tài hoa ý vị. Đó không chỉ là khát vọng của riêng nhà thơ mà là khát vọng tình yêu mãnh liệt “bồi hồi” trong tim bao thế hệ. Và mãi sau này nếu trên đời còn tình yêu thì con sóng ấy vẫn cứ dạt dào thương nhớ:

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ."

(Sóng)

- Tập thơ thứ ba: “Gió lào cát trắng” - kết quả của những chuyến lặn lội vào những vùng tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh. Đây là mảnh đất có hệ thống địa đạo lớn nhất nước thời chiến tranh

- Tập thơ thứ tư: “Lời ru trên mặt đất”: ra đời trong những ngày độc lập thống nhất của đất nước, cho nên nó không còn cái dữ dội khốc liệt của chiến tranh, mà thay vào đó là tiếng reo vui náo nức của ngày chiến thắng. Cảm hứng chủ đạo của tập thơ là niềm vui, niềm hòa bình, niềm tự hào dân tộc, niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

- Sau Lời ru trên mặt đất Xuân Quỳnh cho ra mắt hai tập thơ tiếp theo là "Sân ga chiều em đi" và "Tự hát". Cả hai tập thơ tập trung nói về cuộc sống đời thường với những màu sắc, cảm xúc khác nhau. Giọng điệu thơ chân thành và tha thiết. Đề tài tình yêu vẫn là đề tài chủ đạo trong thơ. Nhưng lúc này tình yêu không được miêu tả ở cái rạo rực sôi nổi như "Thuyền và biển" hay như "Sóng" ở thủa ban đầu, mà tình yêu trong thơ mở ra những cung bậc khác nhau: tha thiết nhưng vẫn nhiều day dứt băn khoăn, lo âu, phấp phỏng.

- Tập thơ cuối cùng mà nữ sĩ Xuân Quỳnh gửi lại cho đời đó là tập "Hoa cỏ may". Tập thơ được xuất bản năm 1989 khi Xuân Quỳnh đã qua đời. Đó là những vần thơ đằm thắm, hóm hỉnh, dịu dàng nhưng lại sâu sắc bởi những vần thơ đó đã qua bao trải nghiệm buồn vui của cuộc đời.

- Từ những năm 1980 trở đi bên cạnh những tập thơ dành cho người lớn, Xuân Quỳnh tập trung sáng tác về đề tài thiếu nhi.

  • Tập thơ thiếu nhi đầu tiên là tập "Cây trong phố - Chờ trăng" (in chung với Ý Nhi năm 1981).
  • Tập thơ thứ hai của Xuân Quỳnh viết riêng cho thiếu nhi đó là tập thơ "Bầu trời trong quả trứng" xuất bản năm 1982.

- Xuân Quỳnh không chỉ làm thơ mà còn viết truyện cho thiếu nhi. Nhiều truyện của Xuân Quỳnh tạo được sự sâu sắc trong lòng người đọc. Xuân Quỳnh sáng tác bốn tập truyện cho thiếu nhi: Truyện Lưu Nguyễn; Mùa xuân trên cánh đồng; Bến tàu trong thành phố; Vẫn có ông trăng khác. Với các tác phẩm này, Xuân Quỳnh đã cho thấy bà không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà văn của thiếu nhi. Bên cạnh chủ đề tình mẹ con Xuân Quỳnh đã có sự mở rộng đề tài đề cập tới nhiều mối quan hệ khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh đời sống của các em.

2. Phong cách sáng tác

a. Quan niệm thơ ca:

- Đối với Xuân Quỳnh ý niệm về sự thai nghén để cho ra đời một tác phẩm dường như rất đơn giản: “Lúc viết những dòng này, tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết ý nghĩ cứ ào ào kéo đến trong đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vấn đề tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn”.

→ Dễ hiểu vì sao Xuân Quỳnh coi trọng nhất yếu tố tình cảm, cảm xúc trong thế giới nghệ thuật. Thơ phải là cái gì đó níu nhau chảy ra trong nguồn cơn xúc cảm, trong giây phút bừng ngộ của tư tưởng nghệ thuật. Thơ phải bật ra từ trong huyết quản của mình.

→ Với Xuân Quỳnh, làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, tự khẳng định, để sáng tạo và để nối liền bản thân với đồng loại,vũ trụ. Xuất phát từ mình, chân thật với chính mình là điều cốt yếu dẫn đường cho sự ra đời của tác phẩm. Xuân Quỳnh thường nhìn thấy chính mình đầu tiên khi nhìn vào con người và sự vật xung quanh nên bà có thói quen diễn tả tâm trạng của mình qua thơ đúng đến từng khía cạnh nhỏ nhặt nhất.

b. Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh

(1) Cái tôi nồng nàn, đắm say, yêu thương, khát khao hạnh phúc, vị tha, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến.

- Xuân Quỳnh không phải con người sinh ra được hưởng hạnh phúc nhưng hạnh phúc, tình yêu là cái đích cao cả để bà vươn tới. Nhà thơ tìm đến với thơ tình như cứu cánh của đời mình. Ở đó, bà là người khi tỉnh thì tỉnh hết mình, biết được tình yêu không là vĩnh viễn: “Hôm nay yêu mai có thể xa rồi” và khi say cũng say hết mình:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”.

(Sóng)

- Xuân Quỳnh viết bài thơ “Sóng” năm 1967 - khi bà 25 tuổi, độ tuổi căng đầy sức sống, dạt dào tình yêu. Vì lẽ đó, dù đã trải qua đổ vỡ trong tình yêu, hôn nhân nhưng người phụ nữ ấy vẫn không ngừng hi vọng, tin tưởng vào tình yêu, hạnh phúc. Bài thơ thể hiện niềm tin của nữ sĩ vào một tình yêu lớn, vĩnh cửu như con sóng nhất định sẽ tới bờ “dù muôn vời cách trở”. Trái tim dung dị, hồn nhiên của Xuân Quỳnh như con sông tìm về ngọn nguồn biển cả với những con sóng đắm say, táo bạo:

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

(Sóng)

Hình tượng “sóng” chính là sự hóa thân của “em” - người con gái đang say đắm trong tình yêu. “Sóng” “em” đan cài, quấn quýt, khi hòa nhập, khi phân đôi để soi chiếu vào nhau. Từ con sóng ngoài biển khơi, bà đã nói lên tiếng lòng tha thiết của mình:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

(Sóng)

- Nỗi nhớ trong tình yêu cũng như mãnh liệt như những con sóng ngoài đại dương. Có lẽ sự da diết, cháy bỏng ấy chỉ có thể được viết lên từ một trái tim yêu nồng nhiệt - Xuân Quỳnh. Những cơn sóng nối tiếp nhau, dạt dào trong tâm hồn người phụ nữ:

“Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ”

(Thuyền và biển)

→ Tình yêu như sự sống của “em”, những ngày không được gặp, không được ở gần nhau, trái tim “em” đau đớn khôn nguôi.

- Không chỉ khao khát được yêu, được hạnh phúc, Xuân Quỳnh còn ước được tan ra với sóng:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

(Sóng)

→ Tình yêu của Xuân Quỳnh, đó chính là hi sinh, là dâng hiến.

(2) Cái tôi táo bạo, chủ động, hiện đại mà vẫn nhuần nhị, nữ tính, truyền thống:

- Cái tôi của Xuân Quỳnh đằm thắm, tràn đầy nữ tính nhưng không kém phần táo bạo:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ"

(Sóng)

→ Trái tim của Xuân Quỳnh như những con sóng lúc ồn ào, dữ dội, khi lặng lẽ, dịu êm. Dù cung bậc cảm xúc nào cũng vẫn là trái tim thiết tha, rạo rực của người con gái đang yêu say đắm, nồng nàn. Trái tim của người con gái khi yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp mà luôn hướng tới những cái lớn lao hơn để hòa nhập, đồng điệu với mình:

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”.

(Sóng)

Đó là sức sống và khát vọng không lúc nào nguôi ngoai, yên định. Sóng đã dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp để đến với cái cao rộng, bao dung. Và hành trình tìm kiếm ấy đã giúp Xuân Quỳnh nhận ra cái muôn thuở của tình yêu:

“Bởi tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên”

(Thuyền và biển)

(3) Cái tôi tràn ngập tình yêu cuộc sống, giàu khát vọng, ước mơ mà vẫn trĩu nặng những mặc cảm, lo âu.

- Thơ Xuân Quỳnh là tiếng yêu tha thiết, mãnh liệt, chân thành - dẫu gặp bao khổ đau, tan vỡ. Với bà, những cảm xúc về tình yêu chẳng bao giờ khô cạn, lời thì thầm tình yêu vẫn mãi rung động đến tận cùng của tâm hồn:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

(Sóng)

Song, nỗi lo âu vẫn luôn thường trực. Ngay trong bài thơ sóng, tâm hồn bà vẫn luôn ám ảnh sự bất thường nào đó đến từ hai phía đối lập và tương tranh dữ dội: bình yên và bão tố, hiện hữu và hư vô,...; hay lo sợ sự chảy trôi của năm tháng và sự hữu hạn của đời người,...

c. Cảm hứng


d. Phương thức biểu hiện

(1) Hình ảnh, biểu tượng: sóng, thuyền, biển

- Sóng: biểu tượng cho em, cho người phụ nữ trong tình yêu. Em giống sóng ở tình yêu em dành cho anh dịu dàng, đằm thắm nhưng vô cùng mãnh liệt; ở khao khát tìm về nguồn cội của tình yêu, ở khao khát được khám phá “muôn trùng sóng bể”,...

- Thuyền và biển: em là biển, anh là thuyền:

“Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ”

Mượn hình ảnh thuyền và biển để tượng trưng cho tình yêu đôi lứa:

  • Biển là nỗi niềm khao khát vô bờ, là tình yêu không thỏa, biển giấu kín những đắng cay, hạnh phúc như trái tim mang trong mình mọi nỗi buồn vui.
  • Biển bao la đối lập với những gì bé nhỏ, chật chội, biển tượng trưng cho sự sống bất diệt; là tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc: khát khao, mong chờ, nhung nhớ, âu lo,...

(2) Ngôn ngữ: giản dị, tự nhiên, giàu chất dân gian, gắn với sinh hoạt hàng ngày.

(3) Giọng điệu: nhẹ nhàng, tâm tình, khắc khoải lo âu nhưng cũng tràn đầy tin tưởng.

-------------------------------------------------------

 Với một quan niệm nghệ thuật độc đáo đầy sáng tạo, Xuân Quỳnh đã xây dựng một thế giới nghệ thuật đa dạng phong phú, có chiều sâu triết lý. Xuân Quỳnh thực sự là một nhà thơ quan trọng trong tiến trình lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại.

  • 7 lượt xem
Sắp xếp theo