Tác gia Nguyễn Tuân

1. Đặc điểm con người nhà văn Nguyễn Tuân

1.1. Nguyễn Tuân - 1 trí thức giàu lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc sâu sắc

a. Nhìn ở bề nổi, Nguyễn Tuân là con người ngông ngạo và kiêu bạc.

- Nguyễn Tuân xuất thân trong gia đình nhà nho lúc Hán học đã lụi tàn.

  • Thân sinh ông là nhà nho tài hoa thuộc thế hệ cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
  • Hoàn cảnh gia đình ấy dễ làm nảy sinh ở Nguyễn Tuân tâm lý của một nhà nho bất đắc chí: vừa tỏ ra kiêu ngạo vừa bi quan bất lực, tự gán cho mình thuộc lớp người sinh lầm thế kỷ, tài cao phận thấp, sinh ra chơi ngông với đời, phá phách..

- Nhưng căn bản Nguyễn Tuân là một thanh niên Tây học, được tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng phương Tây hiện đại, nhất là ý thức tự do cá nhân, thích đề cao khẳng định cái Tôi. Tâm lý một anh nhà nho bất đắc chí đã gặp ý thức tự do cá nhân, làm nảy sinh ở Nguyễn Tuân kiểu con người chơi ngông, vừa cổ điển vừa hiện đại.

⇒ Nguyễn Tuân có cốt cách một nhà nho tài tử, lãng tử, giống cốt cách Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà.

b. Song nhìn ở bề sâu, Nguyễn Tuân căn bản là một trí thức giàu lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc sâu sắc.

- Ông là con người nặng tình người, tình đời. Đây mới là cái gốc thái độ ngông ở Nguyễn Tuân. Và lòng yêu nước ở Nguyễn Tuân lại có màu sắc, biểu hiện riêng: Sự gắn bó với lớp người xưa và trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

- Biểu hiện:

  • Yêu tiếng mẹ đẻ, yêu và tự hào về nền văn hóa của cha ông, với những kiệt tác văn học…
  • Yêu phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, những thú chơi tao nhã đầy nghệ thuật của ông cha, cho đến cả món ăn mang khẩu vị dân tộc, những điệu dân ca mang hồn quê hương xứ sở.

1.2. Nguyễn Tuân - con người của chủ nghĩa xê dịch, có lối sống tự do và rất phóng túng.

- Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao.

  • Ông thích khẳng định cái tôi cá nhân độc đáo của mình.
  • Ông tự gán cho mình chứng bệnh: chủ nghĩa xê dịch. Nghĩa là ông ham du lịch, ưa đi tìm những cảm giác lạ, cho nên có lối sống rất tự do phóng túng (ông từng tự nhận con người mình trước cách mạng là đứa con hư).

-  Tuy nhiên chính những chuyến xê dịch ấy đã giúp Nguyễn Tuân có cơ hội để lại những trang viết đầy tài hoa về cảnh sắc mọi miền đất nước.

1.3. Nguyễn Tuân - Con người rất mực tài hoa.

- Am hiểu nhiều lĩnh vực và nhiều môn nghệ thuật khác nhau.

- Vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật, nhiều lĩnh vực để tăng cường khả năng quan sát và diễn tả thể hiện. Nghĩa là bao giờ Nguyễn Tuân cũng nhìn sự vật từ nhiều góc độ, bằng nhiều con mắt. Văn Nguyễn Tuân vì thế pha chất khảo cứu, rất giàu tri thức, giá trị văn hoá, đem lại nhiều thú vị cho độc giả bằng vốn văn hoá uyên bác và bằng lối viết tài hoa.

1.4. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ đích thực rất coi trọng nghề nghiệp của mình

- Quan niệm về nghề: Nghề văn là một nghề cao quý, khác hẳn và đối lập với những gì có tính chất thương mại, phàm tục tầm thường, tính vụ lợi con buôn. Và ở đâu có đồng tiền phàm tục ở đó không có cái đẹp. Lao động nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc và đầy khổ hạnh

- Vì vậy ông viết rất cẩn thận nghiêm túc, nhiều khi cầu kì. Trong xã hội thực dân nhốn nháo đương thời, không ít nhà văn nặng về thương mại, nhân cách như Nguyễn Tuân quả là hiếm và quý. Đấy là biểu hiện một người nghệ sĩ giàu lòng tự trọng, biết giữ gìn nhân cách, tôn trọng độc giả và tôn trọng chính mình. Cả cuộc đời cầm bút của Nguyễn Tuân đã minh chứng cho quan niệm ấy. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Tuân là một giọt mật của con ong yêu hoa đem thơm thảo cho đời.

2. Sự nghiệp văn học

2.1. Quá trình sáng tác

Nguyễn Tuân đến với văn chương sớm. Ông cầm bút từ đầu những năm 30, từng thử bút trên nhiều thể loại... nhưng không thành công. Mãi đến 1938 ông mới tìm ra sở trường của mình là truyện ngắn và tùy bút. Nguyễn Tuân thành công xuất sắc với Vang bóng một thời, và 1 số tùy bút. Đời văn Nguyễn Tuân trải dài hơn nửa thế kỷ, chia thành 2 giai đoạn:

  • Trước cách mạng: Ông được biết đến là một cây bút văn xuôi lãng mạn tài hoa với lối viết văn hết sức lạ, gây ấn tượng.
  • Sau cách mạng: Nguyễn Tuân trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi mới, nhà văn cách mạng.

2.2. Đề tài chính

TRƯỚC CÁCH MẠNG

a. Đề tài "Chủ nghĩa xê dịch"

- Đây vốn là lý thuyết Nguyễn Tuân vay mượn của phương Tây, chủ trương: đi không có mục đích, cốt chỉ thay chỗ ở để tìm cảm giác lạ, để thoát li mọi trách nhiệm với gia đình và xã hội

- Nguyễn Tuân tìm đến lý thuyết này do bất mãn với thời cuộc sau khi ở tù ra, đang hoang mang mất phương hướng. Ông tự nhận là mình có chứng bệnh xê dịch. Nên ở đề tài này, người đọc thấy hiện lên một cái tôi hoang mang không tìm thấy niềm tin ở cuộc đời.

- Nhưng chính những chuyến xê dịch ấy là dịp để Nguyễn Tuân bày tỏ tấm lòng tha thiết với cảnh sắc hương vị quê hương đất nước mọi miền trong những trang viết cực tài hoa

- Tác phẩm tiêu biểu: "Thiếu quê hương", "Một chuyến đi", …

b. Vẻ đẹp " vang bóng một thời".

- Tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện ngắn" Vang bóng một thời" (1939)

- Nguyên nhân: Nguyễn Tuân không tin tưởng ở hiện tại, ở tương lai. Ông quay nhìn về quá khứ để đi tìm những vẻ đẹp xưa còn vương sót lại mà nâng niu trân trọng, ngợi ca, tiếc nuối. Và hơn thế nữa, không chỉ than tiếc những cái đã qua, ông còn cố sức làm sống lại cả một thời xưa cũ

- Bởi vậy, cuộc sống được miêu tả trong truyện: là cuộc sống xa xưa, trật tự xã hội cũ, với những nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền, những phong tục đẹp, thú tiêu dao lành mạnh khá cầu kỳ, đài các, những cách ứng xử nghi lễ nhịp nhàng của lễ giáo cổ, như là...

Con người chủ yếu thuộc lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí, lỡ thời, cố giữ thiên lương. Họ bày tỏ thái độ không bằng lòng với xã hội bằng cách quay lưng, đứng ra ngoài, đặt mình lên trên cái xã hội mà họ cho là tầm thường phàm tục, nhất định không làm lành, ánh mắt đầy khinh bạc... Điều đó càng chứng tỏ Nguyễn Tuân yêu mến tiếc thương dĩ vãng...

- Tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng tác phẩm đề cao những vẻ đẹp, giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, được đánh giá là gần đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ

c. Đời sống trụy lạc:

- Nguyên nhân: Nguyễn Tuân ở tù ra, hoang mang bế tắc, không tin tưởng ở cuộc đời, ông rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Người thanh niên vốn yêu nước ấy đã tìm đến rượu, đàn hát, thuốc phiện để tìm nguồn quên lãng, thoát li trốn chạy cuộc đời

- Lưu ý: Viết về đời sống trụy lạc, Nguyễn Tuân không nhằm phê phán hay ngợi ca, mà cốt chỉ để thể hiện trạng thái tinh thần của một thanh niên đang mất niềm tin ở cuộc đời.

- Những điểm tích cực: đôi khi người ta thấy có một niềm khao khát thế giới tinh khiết, thanh cao vút lên từ chính đời sống tầm thường phàm tục ấy. Nghĩa là người thanh niên buông thả, hèn yếu, vô trách nhiệm đang chìm đắm trong trụy lạc ấy vẫn khát khao vươn lên, hướng tới một thế giới trong trẻo và đẹp đẽ.

- Tác phẩm tiêu biểu: "Chiếc lư đồng mắt cua"

SAU CÁCH MẠNG:

a. Chính lòng yêu nước và thái độ bất mãn với chế độ thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến. Ông hăng hái chuyển mình, lột xác, chân thành đem ngòi bút phục vụ cách mạng và cuộc kháng chiến của dân tộc, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong 30 năm chiến tranh. Ông luôn có ý thức phục vụ trên cương vị 1 nhà văn, 1 chiến sĩ, 1 công dân, để vẫn phát huy cá tính độc đáo của mình

b. Đề tài: Nguyễn Tuân say sưa viết về đất nước và con người Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến trên cả hai mặt trận: lao động sản xuất và chiến đấu, nhưng với cảm hứng ngợi ca, tự hào, tin tưởng. Ánh mắt bi quan chán nản đã không còn dấu vết, bởi nó đã bị ông đào thải ngay từ ngày đầu đến với cách mạng và kháng chiến

- Đất nước Việt Nam: là những miền đất nơi ông đi qua, đều có những phát hiện kỳ thú, vẻ diễm lệ tuyệt vời...

- Con người Việt Nam: hình tượng nhân vật chính trong sáng tác Nguyễn Tuân bây giờ là nhân dân lao động và người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang. Dưới mắt Nguyễn Tuân, họ đều là những công dân cần cù, người chiến sĩ dũng cảm, đồng thời là con người tài hoa nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Những trang viết của Nguyễn Tuân đưa lại cho người đọc niềm tự hào về một dân tộc cần cù, dũng cảm, tài hoa và sang trọng trong tư thế văn hóa...

- Tác phẩm tiêu biểu: Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi,....

3. Phong cách nghệ thuật

3.1. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ NGÔNG.

Văn Nguyễn Tuân là văn chơi ngông. Chơi ngông trong văn chương và bằng văn chương. Nguyễn Tuân luôn lo viết sao cho không giống ai, và không dễ bắt chước, từ đề tài đến hình tượng, giọng điệu ngôn ngữ. Lối chơi ngông trong văn chương của Nguyễn Tuân thực chất là thái độ khinh đời ngạo thế dựa trên tài hoa uyên bác hơn đời và cả lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trên nhân cách thanh cao trong sạch. Văn Nguyễn Tuân như đứng trên đỉnh cao của tài hoa uyên bác mà ngông ngạo với đời. Hay đó là lối văn khoe tài hoa và sự uyên bác.

3.2. Nhà văn thích cái đẹp xưa còn vương sót lại, ông gọi là vẻ đẹp vang bóng một thời.

Nguyên nhân: Ông không tin tưởng ở hiện tại, ông quay về quá khứ, đi tìm những vẻ đẹp xưa còn vương sót lại… Ông quan niệm xã hội hiện tại không có chỗ cho cái đẹp, cái đẹp chỉ có ở thời xưa...

3.3. Thể loại văn học sở trường: Tuỳ bút:

Đây là thể văn trữ tình có tính chủ quan rất cao. Viết tùy bút bao giờ cũng có mạch chủ đạo, mạch chính rồi từ cái mạch chủ ấy mà phát triển thêm ra, phóng túng để cho cảm xúc dạt dào. Sức hấp dẫn của tuỳ bút là cái tôi của người nghệ sĩ có độc đáo, giàu liên tưởng không. Văn Nguyễn Tuân rất phóng túng, nhiều mạch rẽ, nhiều liên tưởng tạt ngang của 1 cây bút tham phô bày sự uyên bác. Nhưng những liên tưởng ấy bao giờ cũng nằm trong 1 ý đồ nghệ thuật. Có những liên tưởng tưởng như đi quá xa nhưng kỳ thực vẫn gắn với mạch chính. Tìm đến thể loại này, Nguyễn Tuân có dịp thể hiện cái tôi cá nhân tài hoa uyên bác hơn người (độc tấu) Tùy bút là một đóng góp không nhỏ của Nguyễn Tuân cho nền văn học hiện đại

3.4. Ngôn ngữ

- Kho từ vựng phong phú, trên nhiều lĩnh vực…

- Cách tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhịp điệu, biết co duỗi nhịp nhàng

- Rất nhiều tìm tòi sáng tạo trg hình ảnh từ ngữ, tạo nhiều bất ngờ thú vị. Văn ông đôi lúc đẹp vẻ cầu kỳ, sang trọng, vừa cổ điển vừa hiện đại, rất trang nhã…

4. Những biến đổi của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau cách mạng

a. Trên nền phong cách cũ: Vẫn lối viết tài hoa uyên bác. Vẫn sở trường, chuyên tuỳ bút. Vẫn nhiều tìm tòi trong ngôn ngữ, nhà luyện đan ngôn từ…

b. Những thay đổi sau cách mạng:

- Thái độ ngông nghênh không có lí do để tồn tại. Giọng văn trở nên tin yêu đôn hậu hơn. Giọng khinh bạc đôi chỗ vẫn còn nhưng chỉ để ném vào kẻ thù dân tộc hoặc những mặt trái của xã hội...

- Không còn đối lập xưa và nay, quá khứ và hiện tại mà thấy sự gắn bó giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Cái đẹp và người tài không còn cô đơn lạc lõng, mà có thể tìm thấy trong mọi lĩnh vực của đời sống con người. trước cách mạng: văn ông buồn thấm thía.

- Nay: ông hồ hởi mỗi khi phát hiện ra cái đẹp trong cuộc đời. Vì thế ông như tạo ra 1 thế giới nghệ thuật riêng, ở đó: thiên nhiên là những công trình mĩ thuật thiên tạo tuyệt vời, còn con người đều là những người tài hoa và nghệ sĩ… Văn ông cho ta tự hào về 1 đất nước của những con người cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, và thật sự tài hoa sang trọng trong tư thế văn hoá.

5. Biểu hiện của chữ Ngông trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

a. Thứ nhất: Am hiểu nhiều lĩnh vực, nhiều môn nghệ thuật, vận dụng con mắt của nhiều lĩnh vực để quan sát, sáng tạo hình tượng…Văn Nguyễn Tuân bao giờ cũng pha chất khảo cứu, rất giàu tri thức văn hoá…

b. Thứ hai: Cách nhìn sự vật: Bao giờ cũng từ nhiều chiều, nhiều góc độ, và không bao giờ dừng lại ở cái nhìn bề ngoài hời hợt, mà phải nhìn ở chiều sâu, nhìn thấu bản chất của nó. Ông thường lật xoay nhiều phía để quan sát, ngắm nghía, mô tả cái bản chất của sự việc, và bao giờ cũng có những phát hiện rất bất ngờ, kỳ thú, có khi là 1 quá trình…

Đặc biệt bao giờ Nguyễn Tuân cũng nhìn sự vật từ phương diện văn hóa thẩm mỹ để phát hiện ra những nét đẹp, từ chuyện cái ăn cái uống ngỡ như rất bình thường... Nguyễn Tuân là nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp cái thật… Văn ông có những phát hiện kỳ thú bất ngờ về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước cây cỏ quê hương mình… Đấy là chỗ Nguyễn Tuân hơn người: Uyên bác mà rất tài hoa, không chỉ là sự tiếp cận sự vật thông thường, ghi chép thông thường…

c. Thứ ba: Cách nhìn con người: Bao giờ cũng nhìn từ phương diện tài hoa nghệ sĩ.

Nhân vật của ông dù thuộc hạng người nào, dù rơi vào cảnh ngộ nào bao giờ cũng là và xứng đáng là những nghệ sĩ tài hoa, hoặc có chất tài hoa, ít ra là trg nghề nghiệp của mình. Không tài hoa không thể lọt vào thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân...

d. Thứ tư: Nhà văn rất ưa cảm giác, đặc biệt thích cảm giác lạ và cảm giác mạnh.

Cho nên ông rất thích tô đậm những gì phi thường, xuất chúng, gây cảm giác mãnh liệt. Với ông đã dữ dội thì phải khủng khiếp, đã đẹp thì phải tuyệt vời, tài năng thì phải siêu phàm… nghĩa là bao giờ cũng đẩy đến tột cùng cảm giác. Ông rất hay tả gió (cho rằng mình sở trường tả gió), bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội, là nhà văn của những khung cảnh tuyệt mỹ. Ông viết như là đua tài với tạo hóa.

* Một vài nhược điểm của tùy bút Nguyễn Tuân sau cách mạng: Phóng túng quá, nhiều mạch rẽ, khó theo dõi, tản mạn, đôi chỗ hơi cầu kỳ, khó hiểu, tham phô bày kiến thức, có cảm giác nặng nề…

6. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

(1) Nhà văn đã vận dụng rất nhiều tri thức của nhiều ngành nghệ thuật gần gũi với văn chương và cả những lĩnh vực tưởng như không có quan hệ gì với văn chương.

- Đó là những kiến thức địa lí, lịch sử , dân tộc học. Văn Nguyễn Tuân như một công trình khảo cứu công phu về con sông Tây Bắc . Hãy xem nhà văn kể lai lịch con sông Tây Bắc( dẫn chứng…) và cũng chỉ Nguyễn Tuân mới đủ công phu dò đến tận ngọn nguồn lạch sông để đếm và kể tên, gọi tên hơn 50 con thác trên sông Đà thượng nguồn Tây Bắc... Con sông Đà theo sự khảo cứu của Nguyễn Tuân còn gắn với truyền thống lịch sử, những câu đồng dao thần thoại, truyền thống anh dũng của đồng bào Tây Bắc.

- Những kiến thức hội họa điện ảnh được đưa ra để dựng lên vẻ hùng vĩ hoang sơ, nhưng rất tuyệt vời thơ mộng của sông Đà. Đây là những câu văn đầy chất hội họa, giàu giá trị tạo hình( dẫn chứng)

- Cả những kiến thức thuộc lĩnh vực quân sự được tung ra để khắc họa diện mạo hung dữ và tâm địa xảo quyệt của con sông... Chúng cũng bày thạch trận thủy trận( dẫn chứng…) Nghĩa là Nguyễn Tuân bao giờ cũng vận dụng con mắt của nhiều lĩnh vực để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả và thể hiện. Văn Nguyễn Tuân vì thế giàu giá trị văn hóa, có được độ uyên thâm, uyên bác, đem lại niềm thích thú say mê cho độc giả...

(2) Nhà văn luôn nhìn nhận đánh giá sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, và nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. ở đây con sông Đà hiện lên thật sinh động hiện thân của thiên nhiên Tây Bắc... Trước cách mạng, văn Nguyễn Tuân từng hấp dẫn người đọc ở cái nhìn sắc sảo, lịch lãm khi nói chuyện uống trà, nhắm rượu thưởng hoa... đầy ý nghĩa văn hóa thẩm mỹ. Đến đây, người đọc thán phục tài năng của Nguyễn Tuân khi dựng lên hình ảnh con sông Đà trong văn học với những nét đẹp kì thú của thiên nhiên... Con sông thực hung bạo (dẫn chứng..). Con sông thực sự thơ mộng trữ tình (dẫn chứng…). Như vậy bài tùy bút có nhiều kiến thức địa lí lịch sử... nhưng chủ yếu Nguyễn Tuân đã khảo cứu con sông từ góc độ thẩm mỹ để phát hiện ra bao vẻ đẹp kỳ thú của dòng chảy vĩ đại...

(3) Nhà văn thường tô đậm những cái phi thường, xuất chúng, gây cảm giác mãnh liệt :

Cuộc vượt thác giao tranh giữa con người và thiên nhiên thực là khủng khiếp, như cuộc giao chiến thực sự giữa con người và thủy quái hung hăng... Ngay vẻ trữ tình thơ mộng của con sông cũng được tô đậm để gây ấn tượng tuyệt mỹ...

(4) Nguyễn Tuân vốn tài hoa nghệ sĩ. Nhân vật của ông cũng là một người nghệ sĩ tài hoa:

Phân tích hình tượng ông đò gần 70 tuổi trong cuộc vượt thác để chứng minh ông thực sự là một nghệ sĩ tài hoa.

Tóm lại, con người Nguyễn Tuân tài hoa uyên bác hơn người, tỏ ra ngông ấy lại rất nặng tình dân tộc, tình quê hương đất nước. Nguyễn Tuân từng yêu tha thiết... Đến sông Đà, và ở đây, người đọc thấy ông say sưa ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên nước trời tổ quốc, với những con người ngày đêm vật lộn giao tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để giành sự sống...

(5) Khắc họa vẻ đẹp con người và thiên nhiên Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã tìm đến thể loại văn học sở trường: tùy bút. Tùy bút? tùy bút Nguyễn Tuân có đặc điểm? Sử dụng thể này, Nguyễn Tuân có dịp tung ra những hiểu biết, những kiến thức uyên bác và khoe hết sự tài hoa của mình?... Nhìn chung văn ông phóng túng, giàu chất thơ, nhiều liên tưởng, so sánh độc đáo hết sức mới lạ....

(6) Ngôn ngữ: Tác phẩm này thể hiện rõ những sáng tạo của Nguyễn Tuân trong ngôn ngữ.

- Vốn từ vừa phong phú, vừa chính xác, đủ dùng trong bất cứ trường hợp nào. Ông đủ vốn từ quân sự để diễn tả một con sông độc dữ? Ông cũng kh thiếu vốn từ hội họa để khắc họa con sông thơ mộng?

- Nhiều sáng tạo trong hình ảnh, những tìm tòi phát hiện mới lạ, đầy ấn tượng như găm vào tâm khảm người đọc? Những đoạn văn đầy hấp dẫn. Nguyên nhân? Nguyễn Tuân coi trọng nghề văn. Con người ấy chịu suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi phát hiện, luôn có cách diễn đạt không giống ai. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Tuân là giọt mật của con ong yêu hoa, cần mẫn sáng tạo đem thơm thảo cho đời...

  • 6 lượt xem
Sắp xếp theo