Lệnh phụ trong đề văn Việt Bắc

1. Nhận xét về tính dân tộc trong trích đoạn

- Về phương diện nội dung:

  • Vẽ lên bức tranh thiên nhiên, cuộc sống Việt Bắc mang nét đặc trưng của một miền quê đất nước.
  • Làm hiện lên hình ảnh những con người Việt Nam với những vẻ đẹp truyền thống từ ngàn đời: cần cù, tài hoa, thủy chung, tình nghĩa
  • Khẳng định nghĩa tình gắn bó thắm thiết của con người. Đó là ân tình cách mạng mà chiều sau là truyền thống đạo lí thủy chung của dân tộc.

- Về phương diện nghệ thuật:

  • Sử dụng thành công thể thơ lục bát- thể thơ truyền thống dân tộc.
  • Vận dụng hiệu quả lời ăn, tiếng nói giản dị của nhân dân trong đời sống và ca dao (tiêu biểu là đại từ ta- mình).
  • Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.
  • Ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu.

2. Nhận xét về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc được thể hiện trong trích đoạn

- Nhận xét chung về cuộc kháng chiến:

  • Thể hiện khí thế hào hùng, sức mạnh vô địch của cuộc kháng chiến.
  • Bộc lộ niềm vui to lớn trước những thắng lợi vĩ đại.
  • Khẳng định vai trò to lớn của VB trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Những đặc sắc nghệ thuật: Nhịp thơ đanh gọn, khí thế, hào hùng; hình ảnh bay bổng, lãng mạng đậm chất sử thi; giọng thơ hùng tráng, mạnh mẽ.

3. Chỉ ra chất dân gian trong trích đoạn thơ

- Trích đoạn tái hiện cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn nhưng là cuộc chia tay lớn mang tính chất chính trị trọng đại qua hình thức của cuộc chia tay tình tứ của lứa đôi. Đoạn thơ đậm đà tính dân tộc, với thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng nhuần nhuyễn, kết cấu đối đáp, cách ví von thường thấy trong ca dao được sử dụng sáng tạo, cặp đại từ nhân xưng mình – ta với sự biến hóa linh hoạt, tác giả đã tạo dựng được hình tượng kẻ ở, người đi đại diện cho tình cảm của cả cộng đồng.

4. Nhận xét phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu được thể hiện qua trích đoạn thơ

Đoạn thơ thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

- Tiếng thơ trữ tình – chính trị (sự kiện lịch sử năm 1954 trở thành cảm hứng )

- Tính dân tộc đậm đà

Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát. Một thể thơ truyền thống của dân tộc phù hợp với những vấn đề đạo lý và nghĩa tình. Nhịp thơ chậm, thể hiện tiếng lòng của người ra đi lưu luyến, lâng khuâng, bin rịn. Ngôn ngữ thơ bình dị, dễ hiểu, giàu hình ảnh, giàu chất nhạc. Bên cạnh đó Tố Hữu sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: lặp từ “nhớ, nhớ sao) nhân hóa, so sánh, sử dụng thành ngữ, … những thành công nghệ thuật nói trên đã giúp cho Tố Hữu làm sống lại một mảng hiện thực đã qua của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ đã khái quát được cuộc sống sinh hoạt ở chiến khu Việt Bắc gian nan, nghèo khó mà nghĩa tình, lạc quan. Điều quan trọng nhất đó là Tố Hữu gửi vào những lời thơ ấy ân tình sâu nặng của người cán bộ với Việt Bắc - mảnh đất là cái nôi của cách mạng.

5. Nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu:

- Đoạn thơ nói riêng và bài thơ Việt Bắc, thơ Tố Hữu nói chung đều thể hiện tính chất trữ tình chính trị sâu sắc: nói đến sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao, nói đến những tình cảm lớn nhưng lại dùng lối đối đáp của một cuộc trò chuyện tâm tình, giọng thơ thiết tha, sâu lắng…

  • Chất chính trị của đoạn thơ: Nhà thơ làm sống lại những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta. Thiên nhiên, trong đó có rừng cây, núi đá đã cùng bộ đội ta đánh giặc. Việt Bắc như người mẹ yêu thương che chở cho quân dân ta, đồng thời là mồ chôn dành cho thực dân Pháp. Mặt khác, đoạn thơ còn ghi lại những địa danh, những trận đánh đi vào lịch sử chiến thắng vinh quang của dân tộc.
  • Chất trữ tình của đoạn thơ: thể hiện qua nỗi nhớ, là tình cảm cách mạng trong hoài niệm của người cán bộ về xuôi. Năm tháng đi qua nhưng kỉ niệm về kháng chiến không phai mờ trong tâm trí của mọi người. Nhà thơ Tố Hữu đã hoá thân vào cả hai nhân vật “mình,ta”để bộc lộ cảm xúc vui mừng, tự hào. Mừng vì cuộc chiến tranh nhân dân đã thắng lợi nhờ đóng góp lớn lao của nhân dân và sự hi sinh của bao chiến sĩ. Tự hào vì ta đã làm chủ đất trời, chiến trận.

- Ý nghĩa: Chất trữ tình chính trị trong đoạn thơ đã hoà quyện với nhau được diễn đạt bằng thể thơ lục bát với âm điệu, giọng thơ vừa ngọt ngào vừa hào hùng, tràn ngập cảm hứng lãng mạn cách mạng. Tất cả đã góp phần thể hiện tấm lòng thuỷ chung cách mạng, ca ngợi và biết ơn nhân dân Việt Bắc trong nỗi nhớ của người về xuôi, đem lại niềm tin vào cách mạng và kháng chiến trong cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc.

-  Tính chất trữ tình chính trị làm nên tầm vóc sử thi của thơ Tố Hữu, sự gắn bó của thơ ông với vận mệnh của dân tộc, thể hiện lòng yêu nước và nhiệt huyết cứu nước, quyết tâm dùng thơ ca làm vũ khí đấu tranh cách mạng của nhà thơ.

6. Phong vị dân gian trong trích đoạn thơ

- Khái niệm Phong vị dân gian: được hiểu là chất dân gian, là màu sắc, hương vị dân gian.

- Phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc được tạo nên từ cách vận dụng nhuần nhuyễn những yếu tố nghệ thuật quen thuộc của văn học dân gian. Đoạn trích nêu trên thể hiện rất rõ phong vị dân gian đó.

  • Biểu hiện 1: Kết cấu đối đáp trong khung cảnh chia tay đầy lưu luyến - đây là một mô típ quen thuộc trong ca dao, dân ca.
  • Biểu hiện 2: Những từ "mình", "ta" và cấu trúc lời hỏi, lời đáp đối ứng, gợi nhớ đến những câu ca dao về tình cảm lứa đôi.
  • Biểu hiện 3: Nhiều hình ảnh ước lệ quen thuộc của ca dao, dân ca được Tố Hữu sử dụng rất thích hợp với khung cảnh và tâm trạng trong bài thơ như "Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu", “nhớ gì như như nhớ người yêu”…
  • Biểu hiện 4: Phong vị ấy còn thể hiện ở âm điệu thiết tha, quyến luyến như những lời ru trong ca dao, dân ca.
  • Biểu hiện 5: Không chỉ dừng ở những yếu tố hình thức, phong vị ca dao, dân ca của bài "Việt Bắc" nói chung, đoạn trích nói riêng còn thấm sâu trong nội dung tư tưởng - cảm xúc. Đó là sự trân trọng, thiết tha với mọi nghĩa tình, ân tình, đề cao đạo lí thủy chung, son sắt vốn là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dân tộc và được thể hiện sâu đậm trong ca dao, dân ca.
  • 1.384 lượt xem
Sắp xếp theo