Đề 5: Cảm nhận về đoạn thơ: "Những đường Việt Bắc... đèo De, núi Hồng"
Đề bài: Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc
"Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng."
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, sgk Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD)
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ
1. Khái quát đoạn thơ
- Vị trí: Nằm trong phần đầu của tác phẩm , là lời của người ra đi nhớ về CS kháng chiến VB
- Nội dung: Khung cảnh sôi động của cuộc kháng chiến còn được nhà thơ tập trung miêu tả qua dòng hoài niệm về hình ảnh những con đường Việt Bắc ban đê. Qua đó, Đoạn thơ thể hiện cảm hứng ngợi ca Việt Bắc, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân tộc ta.
2. Phân tích
- Câu 1, 2: Miêu tả hình ảnh những con đường được nhắc đến trong niềm tự hào sâu sắc:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Hai câu thơ gợi không khí thời đại chống Pháp. Từ mọi miền của tổ quốc những đoàn quân và dân công hướng về mặt trận với không khí sôi động của ngày tổng tiến công.
Cụm từ “những đường Việt Bắc” vừa gợi ra 1 không gian rộng lớn khắc họa những con đường cụ thể trải khắp núi rừng, đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng cho con đường cách mạng như Tố Hữu từng ngợi ca “Đường Cách mạng dài theo năm tháng”
Hình ảnh những con đường Việt Bắc gắn liền với hai chữ “của ta” khắc họa tư thế làm chủ, tự tin, vững mạnh của quân và dân ta trong kháng chiến. Cảm hứng này đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca cách mạng, trong các cụm từ ngữ mang tính chất sở hữu như câu thơ Mây của ta, trời thắm của ta - Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Ta đi tới - Tố Hữu), hoặc câu Trời xanh đây là của chúng ta - Núi rừng đây là của chúng ta ... Những ngả đường bát ngát... (Nguyễn Đình Thi).
Hình ảnh con đường ra trận được đặc tả trong thời gian “đêm đêm”. Từ láy toàn phần này diễn tả thời gian liên tục gợi hình ảnh đoàn quân nối tiếp bền bỉ, bất tận
Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh vừa gợi hình ảnh, diễn tả không khí náo nức, sôi động, khẩn trương của những ngày kháng chiến.
Câu thơ sử dụng nghệ thuật so sánh kết hợp với động từ mạnh, âm hưởng thơ tưng bừng, rộn rã khiến ta có cảm giác cả núi rừng như đang rung chuyển bằng sức mạnh của con người. Ở đây sức mạnh của con người được đo bằng thước đo sông núi.
- Câu 3, 4: Miêu tả hình ảnh đoàn quân
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Hai câu thơ sử dụng từ láy giàu giá trị tạo hình và biểu cảm: tiếng điệp điệp trùng trùng trong câu thơ tiếp theo đã làm hiện lên cảnh những đoàn quân ra trận vừa đông đảo, vừa mạnh mẽ, hào hùng và dài vô tận như núi rừng trùng điệp.
Cũng như hình ảnh "Đầu súng trăng treo" của Chính Hữu, ánh sao đầu súng là một hình ảnh thực mang vẻ đẹp lãng mạn khi người lính hành quân trong đêm, những ngôi sao lấp lánh như treo trên đầu mũi súng. Trăng sao luôn là ngươi bạn đồng hành với các chiến sĩ trong những đêm hành quân gian khổ. Nguyễn Đình Thi đã viết: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh - Soi sáng đường chiến sĩ giữa hàng quân”. Câu thơ là sự kết hợp hài hoà giữa hiện thực và cảm hứng lãng mạn khi ảnh sao lấp lánh trên trời cao treo trên đầu súng và làm bạn cùng vành mũ nan quen thuộc của anh vệ quốc - vành mũ từng xuất hiện trong một bài thơ khác của Tố Hữu: vẫn đôi dép lội chiến trường - vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy. Vẻ đẹp của lí tưởng cao cả, của ý chí bất khuất kiên cường đã được Tố Hữu thể hiện một cách thật lãng mạn ngay trong hình ảnh bình dị, chân thực của người chiến sĩ trên đường hành quân.
- Câu 5, 6: Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc, con đường ra trận không chỉ có những đoàn quân vệ quốc mà còn có:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Hai câu thơ khắc hạo hình ảnh đoàn dân công sẻ núi san rừng, tải lương thực quân nhu ra chiến trường. Đây là cảnh tượng hoành tráng của cuộc chiến tranh nhân dân. Sau này trong kháng chiến chống Mĩ, Tố Hữu từng ngợi ca:
Xuân hãy xem
Cuộc diễu binh của ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tát cả thành chiến sĩ
Phép đảo ngữ và hai thanh trắc liên tiếp trong các cụm từ "đỏ đuốc", "nát đá" đã đem đến những ấn tượng kì diệu về sự đông đảo, về sức mạnh, niềm vui và ánh sáng. Những đoàn dân công tiếp vận, chuyển lương phục vụ chiến trường cùng bước đi trong đêm, những ánh đuốc soi đường đỏ rực nối tiếp nhau; dân công ào ạt tiến về phía trước, gió thổi những tàn lửa bay tạt lại phía sau như nối dài thêm dòng người - dòng ánh sáng tạo ra một cảnh tượng hùng tráng, tưng bừng, gợi không khí vui tươi, náo nức của ngày hội.
Nếu từ láy "rầm rập" và hình ảnh so sánh "như là đất rung" miêu tả đoàn quân vệ quốc bước đều mạnh mẽ thì nghệ thuật thậm xưng trong hình ảnh "bước chân nát đá" lại ca ngợi sức mạnh phi thường của những đoàn dân công đông đảo nối tiếp nhau ngày đêm tải lương, tải đạn ra chiến trường, phục vụ cách chiến dịch, trực tiếp góp phần vào chiến thắng. Cách nói này còn gợi liên tưởng tới thành ngữ "chân cứng đá mềm" trong dân gian, qua đó, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động sức mạnh và ý chí kiên cường của những con người dũng cảm có thể vượt lên trên mọi khó khăn, có thể chiến thắng mọi gian khổ, thử thách.
- Câu 7, 8: Ở đoạn thơ trên, Tố Hữu đã đưa tới một cảm nhận lớn lao về cuộc kháng chiến khi cả thiên nhiên, rừng núi, đất trời cùng con người đánh giặc, khi "Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây", và khi "Đất trời ta cả chiến khu một lòng" thì tới đoạn này, nhà thơ lại ca ngợi sức mạnh kì diệu của con người khi những bước chân rầm rập của đoàn quân, bước chân nát đá của dân công đã khiến cho mặt đất như rung chuyển; nhà thơ còn ca ngợi khí thế hào hùng của quân dân Việt Bắc qua những từ ngữ chỉ số lượng đông đảo: điệp điệp trùng trùng, từng đoàn, muôn...
Cảnh tượng còn hùng vĩ, tráng lệ hơn bởi con người luôn bước đi trong một không gian chan hoà ánh sáng: ánh sáng lung linh của sao trên đầu súng, ánh sáng rực rỡ của những ngọn đuốc soi đường, ánh sáng lấp lánh huyền ảo của muôn tàn lửa bay, và đặc biệt là ánh sáng chói loà từ những ngọn đèn pha của những đoàn xe ra trận giữa thăm thẳm sương dày:
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Câu thơ có hai thanh trắc liền nhau giữa 6 thanh bằng đem lại ấn tượng về ánh sáng chói lóa đột ngột trong đêm. Câu thơ bắt nguồn từ cảm xúc hiện thực, đó là hình ảnh những đoàn xe ô tô tiếp lương chở đạn ra chiến trường, ánh đèn pha bật sáng xé tan màn đêm dày đặc của núi rừng. Từ cảm xúc hiện thực này, Tố Hữu còn ca ngợi sức mạnh của lực lượng quân đội ta, mới ngày nào còn yếu thế “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” trong những ngày tháng gian khó “Mênh mông bốn mặt sương mù” .Vậy mà giờ đây ánh đèn pha bật sáng đầy sức mạnh.
Hình ảnh so sánh ở vế sau của câu thơ trước hết miêu tả độ sáng của đèn pha như ánh sáng ban ngày; nhưng hình ảnh "ngày mai lên" còn có thể là ẩn dụ cho ánh bình minh ngày mới tươi sáng, tràn đầy niềm tin và hi vọng - khuynh hướng sử thi đã gắn kết sâu sắc với cảm hứng lãng mạn làm tăng thêm sức mạnh cho những con người đang chiến đấu ngay trong gian khổ, nguy nan.
Với âm hưởng lãng mạn, khỏe khoắn, hai câu thơ đã dựng lên bức tượng đài đất nước Việt Nam từ máu lửa đau thương đến quật khởi anh hùng. Hình ảnh này ta cũng từng cảm nhận trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi
Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
- 4 câu tiếp: Kết quả của những đêm dài gian truân, vất vả ấy là:
Tin vui chiến thẳng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng
Cũng như đoạn thơ trên, những dòng thơ này mang đậm chất diễn ca lịch sử, ghi lại những địa danh như Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên..., nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt, đặc biệt ghi lại những chiến dịch lớn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhịp thơ nhanh dồn dập, sảng khoái, những từ vui điệp lại trong cả bốn dòng thơ cùng sự nối tiếp các cụm từ: vui về... vui từ... vui lên ...; những địa danh liên tiếp hiện ra theo bước đi dồn dập của chiến thắng ... - đó là những yếu tố ngôn từ đặc sắc thể hiện sinh động không khí náo nức, say mê cùa quân dân Việt Bắc ngày chiến thắng.
3. Nhận xét
Đoạn thơ tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Đề tài: phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhân vật trữ tình là con người kháng chiến. Tiêu biểu cho con người Việt nam trong chiến tranh đồng lòng, đồng sức, đoàn kết, nhất trí để giải phóng đất nước.
Nhịp thơ nhanh, chắc gợi không khí khẩn trương, sôi sục, cũng như những chiến thắng càng ngày càng lớn, càng ngày càng mạnh.
Ngôn ngữ thơ giàu chất nhạc, giàu chất họa. Bên cạnh đó, Tố Hữu còn sử dụng các biện pháp nghệ thuật: liệt kê (Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên,…); nhân hóa (rừng che, rừng vây,…); nói quá (bước chân nát đá); sử dụng từ láy (rầm rập,…) …
⇒ Những thành công nghệ thuật nói trên đã giúp Tố Hữu làm sống lại một mảng hiện thực đã qua của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc hành quân mang tính lịch sử của dân tộc lại được nhìn bằng đôi mắt thi sĩ lãng mạn, cảm quan lạc quan hướng về tương lai của người chiến sĩ. Qua không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng, khí thế hào hùng ở Việt Bắc có thể thấy rõ cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kỳ, gian khổ những dân tộc Việt Nam không nhụt chí, trái lại vẫn vững vàng, kiên cường, chung sức chung lòng đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.