Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ

“một số phận văn hóa”

A. Hệ thống luận điểm

B. Gợi ý mở bài

Lưu Quang Vũ là một cây bút tài hoa đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều thể loại: thơ, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Ngọn gió thời đại và điểm tựa tinh thần từ tình yêu rộng lớn, bao dung đã thổi bùng lên nhiệt hứng sáng tác của ông, trở thành nhà soạn kịch được đánh giá là tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Trong số những tác phẩm kịch tiêu biểu của Lưu Quang Vũ, phải kể đến “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

C. Phân tích chi tiết

I. Khái quát chung

1. Tác giả

1.1. Cuộc đời

- Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa (Vĩnh Phú). Quê gốc ở Đà Nẵng. Ông là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh.

- Cuộc đời Lưu Quang Vũ đã từng có những thăng trầm: Đó là lúc gia đình ông tan vỡ, lại thất nghiệp, ông phải “Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối”.

- Tâm hồn người con trai phiêu bạt của Lưu Quang Vũ đã tìm thấy bến đỗ của cuộc đời mình, tình yêu và sự nâng đỡ tâm hồn của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tiếp thêm cho ông nguồn năng lượng mới để sáng tác. Đây cũng là thời điểm biến chuyển mạnh mẽ trong không khí chính trị và đời sống xã hội.

⇒ Ngọn gió thời đại và điểm tựa tinh thần từ tình yêu rộng lớn, bao dung đã thổi bùng lên nhiệt hứng sáng tác của ông, trở thành nhà soạn kịch được đánh giá là tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại, 1 hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch

1.2. Sự nghiệp

- Nói đến Lưu Quang Vũ là nói đến một cây bút tài hoa đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều thể loại: thơ, văn xuôi và đặc biệt là kịch.

- Đặc điểm kịch Lưu Quang Vũ:

  • Nội dung: nóng hổi tính thời sự, thể hiện cái nhìn hiện thực sắc sảo và chất triết lí sâu sắc, sâu sa.
  • Nghệ thuật: Hình tượng nhân vật sống động, sắc nét, ngôn ngữ vừa giản dị, đời thường, vừa thấm đẫm chất thơ và chất triết lí đặc biệt.

⇨ Lưu Quang Vũ qua đời giữa lúc tài năng đang độ chín, ngày 29/08/1988 ông đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn với người bạn đời là nghệ sĩ Xuân Quỳnh.

2. Tác phẩm

2.1. Bối cảnh xã hội – Hoàn cảnh sáng tác:

- Kịch Lưu Quang Vũ mang đậm hơi thở thời đại. Trở lại bối cảnh xã hội những năm 80 thế kỉ XX mới thấy hết tâm huyết của Lưu Quang Vũ và những vấn đề nóng bỏng ông đặt ra trong từng vở kịch.

  • Đây là thời kì hậu chiến, xã hội đang đối đầu với những hậu quả của chiến tranh. Thêm vào đó là cơ chế bao cấp với tất cá những khó khăn của nó trong đời sống.
  • Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) xã hội bắt đầu chuyển mình. Trong đời sống văn nghệ đặt ra nhu cầu đổi mới. Về lĩnh vực sân khấu, Lưu Quang Vũ chính là người tiên phong với sự xuất hiện một loạt những vở kịch: Sống mãi tuổi 17, Tôi và chúng ta,... đã thổi lộng vào đời sống văn học nghệ thuật một luồng gió mới.

- Vượt qua khỏi cách viết sử thi vẫn còn chi phối văn học những năm sau 1975, Lưu Quang Vũ đã đưa ngòi bút chạm đến những vấn đề đời tư thế sự, khai thác nhiều mảng đa dạng của đời sống. Những tác phẩm kịch của ông được chắt lọc từ đời sống bề bộn thường nhật, với những con người nhỏ bé, có tên hoặc không tên, từ sân khấu cuộc đời bước thẳng lên sân khấu kịch rồi trở lại cuộc đời.

2.2. Vở kịch – trích đoạn:

- Vở kịch hoàn thành năm 1981, kịch bản bị “đóng băng” đến năm 1984 được công chiếu và gây tiếng vang, tạo thành công chưa từng có

- Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra những vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Vở kịch bóng gió đề cập tới lối làm việc tắc trách của 1 bộ phận quan chức, tạo ra tình huống đặc sắc để biểu đạt những trăn trở về lẽ sống, và khát vọng được sống thực là mình của con người. Nguyễn Thị Minh Thái gọi “Hồn Trương Ba, da hàng thịt là “vở diễn duy nhất ở Việt Nam đạt tới một số phận văn hóa”

- Cảnh VII thuộc phần kết của vở kịch, là lúc mâu thuẫn của toàn vở kịch được đẩy đến cao trào và đòi hỏi phải cởi được nút thắt

II. Phân tích

1. Xung đột kịch

- Nhan đề: HỒN TRƯƠNG BA >< DA HÀNG THỊT

- Tình huống: Con người mẫu mực, cao quý, nhân hậu phải trú ngụ trong thân xác tâm thường, thô lỗ đầy những ý muốn ti tiện.

- Trong nhân vật:

  • Trương Ba khao khát được sống thực với bản chất của chính mình (nhân hậu) nhưng lại nhận thấy mình bị tha hóa khi trú ngụ trong thân xác hàng thịt.
  • Trương Ba hết lòng yêu thương vợ con, gắn bó gia đình nhưng lại thấy mình lạc lõng ngay trong chính gia đình của mình, đồng thời sự sống chắp vá của ông làm cho cả gia đình buồn khổ, đau xót.

Ý nghĩa xung đột kịch: Phản ánh hiện thực của thời đại, mặt trái của xã hội Việt Nam thời hậu chiến, con người mải mê chạy theo những ham muốn, dục vọng tầm thường mà sẵn sàng từ bỏ những phẩm chất cao đẹp, phản ánh cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa phần con và phần người trong một con người; đề ra những bài học nhân sinh sâu sắc.

2. Bi kịch của Trương Ba

- Trương Ba là một người làm vườn, giỏi đánh cờ, yêu thương gia đình, mọi người và sống nhân hậu, chân thực.

- Do sự tắc trách của quan trời mà ông phải chết một cách vô lí. Cái “thiên ý” sửa sai của tiên cờ Đế Thích nhằm trả lại sự sống cho Trương Ba tưởng chừng đem lại sự hạnh phúc nhưng vô tình gây ra biết bao phiền toái, đầy Trương Ba vào nghịch cảnh vô lí hơn: trú nhờ trong thân thể thô kệch của anh hàng thịt.

⇨ Đó là nghịch cảnh phi lí, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba phải quy phục.

⇨ Đây cũng là mâu thuẫn lớn nhất của tấn bi kịch mang tên: hồn Trương Ba, da hàng thịt.

⇨ Từ một cái kết thúc vốn có hậu trong truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề lớn lao trong cuộc sống con người: khi người ta sống với bất cứ giá nào, họ có từng thấy hạnh phúc hay không? Con người ta sẽ ra sao nếu không được là chính mình, không được sống trọn vẹn với những phẩm chất, có giá trị vốn có?...

- Đời sống dị thường của ông Trương Ba sau phép màu “cải tử hoàn sinh” đã làm nảy sinh những mây thuẫn cả “nội sinh” lẫn “ngoại sinh”

+ Người láng giềng thân thiết, một bạn cờ rất phục tài đánh cờ của ông Trương Ba giờ không thể hiểu nổi vì sao “lối đánh cờ của bác khác hẳn xưa”, nó “chẳng còn cái khoáng hoạt, dũng mãnh, thâm sâu ngày trước, những cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn, thô phũ.”

+ Những người ruột thịt cũng dần nhận thấy những bất ổn. Người âm thầm chịu đựng (bà vợ), người thấu hiểu thương cảm (người con dâu), người xa lánh nhưng thâm tâm đau xót (anh con trai, con gái…)

  • Bà vợ luôn nhớ về hình vóc, dáng dấp nhỏ nhắn, mảnh mai của chồng và cố quen dần với thân hình nặng nề của anh hàng thịt với những bữa ăn phải đầy đủ rượu thịt, tiết canh,…
  • Anh con trai, người gánh vác nỗi lo cơm áo cho cả gia đình, người tháo vát, thức thời nhất thì tính toán rành rọt đến tàn nhẫn: “Tiền làm vườn chỉ đủ nuôi thân ông Trương Ba chứ không đủ nuôi ông hàng thịt”. Trước cái tát và cơn giận dữ tột độ của ông Trương Ba, anh đã thẳng thừng: “Ông không phải là cha tôi, ông không còn là cha tôi nữa”.
  • Ngay cả đứa cháu nội được ông cưng chiều, hợp nhất cũng không chấp nhận sự có mặt của ông: “Ông lừa cả nhà, lừa tất cả mọi người nhưng không lừa được tôi đâu!”

⇨ Nhưng so với tất cả những điều đó thì những gì đang diễn ra trong con người ông Trương Ba mới thật sự là sự xung đột dữ dội nhất, là đỉnh điểm bi kịch tác phẩm.

3. Đối thoại của Trương Ba đối với mọi người

3.1. Đối thoại Trương Ba – xác hàng thịt.

- Từ ngày nhập vào xác hàng thịt, Trương Ba đã phải sống trong hàng loạt mâu thuẫn.

  • Ông không quen với cái “xác” mới của mình bởi ông đã 50 tuổi, còn xác anh hàng thịt lại quá trẻ chỉ mới 30.
  • Ông vốn yếu đuối lại bị hen, ăn ít, sống tao nhã còn anh hàng thịt thì mỗi bữa 8, 9 bát cơm, thích ăn thịt, uống rượu xô bồ.

⇨ Cái mâu thuẫn cứ tăng dần lên, dẫn đến cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn – xác.

- Lời thoại của hồn Trương Ba ở đầu đoạn trích đã bộc lộ tâm trạng vừa chán ngắt, vừa sợ hãi cái thân xác vay mượn: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!”

- Hồn Trương Ba châm ngòi cho cuộc đối thoại bằng cách tách ra khỏi xác. Sự phân tách và đối đầu giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt có thể hiểu là sự tranh cãi quyết liệt giữa 1 bên tượng trưng cho sự cao khiết, cho đạo đức, cho phần “Người” chân chính và 1 bên tượng trưng cho bản năng, cho những ham muốn trần tục, là phần “con” thường ẩn nấp trong mỗi con người.

- Hồn quả quyết xác chỉ là những thứ thấp kém: “Mày không có tiếng nói, mà chỉ xác thịt âm u đui mù” – cái bản năng thuần túy của loài vật “mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt,… Trái lại, dù phải sống nhờ thể xác ấy nhưng hồn vẫn có đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,…”. Với hồn, đời sống ấy tuy phải trú ngụ trong cái xác thô thiển nhưng vẫn phải giữ nguyên được giá trị khiết.

- Phản bác lại hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng chẳng vừa: “ông không tách khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác.”

  • Cái lí lẽ mà xác đưa ra là: “hai ta đã hòa với nhau làm một rồi”, “ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi”.
  • Ông “chẳng có cách nào chối bỏ được đâu” vì “tôi là cái hoàn cảnh mà ông bắt buộc phải quy phục”, “là cái bình để chứa đựng linh hồn”.
  • Chưa hết, xác còn chứng minh tầm ảnh hưởng “lắm khi lấn át cả cái linh hồn cao khiết” của hồn bằng những dẫn chứng cụ thể: “Khi ông ấy ở bên nhà tôi… Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…” rồi “các món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ thứ thú vị khác… chẳng nhẽ ông không tham giự vào chút đỉnh gì?” Còn nữa, “cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi”, “ông tát thằng con trai ông tóe máu mồm máu mũi…”

- Cuộc đối thoại cứ thế tiếp diễn đến khi “xác” đề ra giải pháp cho sự tồn tại hòa bình mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bằng “trò chơi tâm hồn”.

  • Luật chơi là hồn “cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi”, khi làm điều gì xấu “cứ việc đổi lỗi” cho xác để được thanh thản.
  • Bù lại, hồn sẽ phải chấp nhận làm những việc để “thỏa mãn những thèm khát” của xác.

- Trong cuộc đối thoại này, có thể thấy hồn Trương Ba càng lúc càng đuối lí.

Từ chỗ cao giọng phủ nhận: “Vô lí, mày không thể biết nói!” rồi mỉa mai, giễu cợt “xác thịt âm u đui mù” 

→ Chấp nhận xác có tiếng nói dù cho đó là “tiếng gọi nơi hoang dã” của bản năng thấp kém, tầm thường.

Từ chỗ phủ định quyết liệt những bằng chứng “hai năm rõ mười” của xác

→ Lúng túng, không dám trả lời, đứt quãng: “Ta… ta… đã bảo mày im đi!”

Từ chỗ hăng hái đấu tranh, sẵn sàng đáp lại lí lẽ

→ “Bịt tai lại”, “Ta không muốn nghe mày nữa!”
Từ cách xưng hô “mày” – “ta” vào đầu cuộc đối thoại

→ Đổi cách xưng hô mà xác đã tinh ý phát hiện ra: “Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy!”

Từ khí thế đấu tranh

→ Tiếng kêu “trời” như tuyệt vọng và cuối cùng phải “bần thần nhập lại vào xác thịt”. Trong ấm ức, không còn lựa chọn nào khác.

⇨ Sự đuối lí của hồn Trương Ba càng lúc càng rõ, nó khiến cho ta cảm giác hồn đã bị dồn vào con đường cụt không lối thoát, phải chấp nhận sự an bài, đồng ý với giải pháp hòa thuận mà xác đưa ra. Đây cũng chính là bi kịch “sống nhờ” của Trương Ba.

- Trái lại với hồn, xác hàng thịt mỗi lúc một lấn lướt.

  • Xác chủ động “tuyên chiến” khi hồn khao khát được tồn tại độc lập riêng mình.
  • Xác thách thức : “Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy!” rồi “tôi có sức mạnh ghê gớm, có khi lấn át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”
  • Xác cao giọng, khoái chí đòi hồn: “Ta nên thành thật với nhau chút”.
  • Xác biết rõ hồn nghĩ gì về mình, đồng thời cũng tỏ ra thấu hiểu từ điệu bộ lúng túng bên ngoài đến những luận biện trong lòng tìm kiếm sự thanh thản, vô tội của hồn.
  • Xác “lợi thấu” khi đưa ra lí lẽ, “mềm dẻo” trong thuyết phục, tranh luận khi thì dùng lí lẽ, khi đưa ra bằng chứng. Khi cao giọng thách thức, lúc buồn rầu thanh minh. Khi thì đắc ý, tinh quái, lúc lại vuốt ve xoa dịu. Vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa trắng trợn phỉ báng. Xác đã chứng tỏ được ưu thế của nó và sự chi phối khủng khiếp của nó bằng kết cục màn đối thoại : “Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!”

⇨ Khi con người sống lâu với cái ác, cái xấu xa thấp hèn thì tất yếu cũng sẽ tiêm nhiễm những cái xấu xa, thấp hèn.

⇨ Thông qua màn đối thoại, tác giả phê phán những kẻ chỉ biết chạy theo những dục vọng tầm thường, thấp hèn mà quên giữ gìn phần tâm hồn cao quý, đồng thời cũng phê phán những con người bảo thủ, duy ý chí, không biết coi trọng những nhu cầu chính đáng về vật chất của con người. Đừng bỏ bê thân xác để chỉ biết đến 1 thứ linh hồn chung chung trừu tượng không thuộc về 1 ai trên cõi thế gian này, nhưng cũng đừng chỉ chạy theo thèm khát của xác thịt mà trở về với hồng hoang nguyên thủy.

- Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thân xác chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần “người” và phần “con” trong mỗi con người.

- Với Trương Ba, nhân vật chính trong vở kịch này, cuộc đấu tranh ấy chỉ tạm lắng dịu, mâu thuẫn kịch từ chỗ trào lên, sôi sục tạm thời lắng xuống âm ỉ, nhức nhối bên trong để nhất định phải biến thành hoạt động hóa giải mâu thuẫn, cởi nút cho bi kịch này.

⇨ Lưu Quang Vũ cũng gửi gắm triết lí nhân sinh sâu sắc : con người cần có sự hài hòa giữa thể xác và linh hồn, mọi sự chắp vá đều khập khiễng và chỉ mang lại cho con người bi kịch, do vậy cần có sự chăm lo cho cả phần xác lẫn phần hồn 1 cách chính đáng.

3.2. Đối với người thân

a. Với bà vợ ông Trương Ba

- Một trong những tiên đề quan trọng để hồn Trương Ba đi đến quyết định hóa giải mâu thuẫn là cảm nhận rõ rệt và đau đớn về bi kịch sống nhờ, sống tạm trái lẽ tự nhiên. Bi kịch ấy càng trở nên rõ ràng và dày vò Trương Ba khi những người thân yêu nhất cũng hiểu sai ông.

- Người vợ chê trách ông Trương Ba đã trở thành 1 người vô tâm, ích kỉ: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!” rồi thể hiện thái độ kiên quyết đòi bỏ đi. Qua lời kể của người vợ còn có thế cảm nhận rõ những thay đổi của hồn Trương Ba khi ở trong thân xác hàng thịt: từ ông Trương Ba làm vườn hiền hậu “vốn là người hết lòng yêu thương vợ con” đã trở thành 1 con người khác : “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa nữa”.

⇨ Sự thay đổi đó của Trương Ba làm cho người vợ vô cùng chán chường và hơn thế đã tạo ra nguy cơ khiến cho gia đình ấy không còn êm ấm, hòa thuận.

- Khi mà Trương Ba không còn có thể làm tấm gương sáng thì anh con trai cũng trở thành hư hỏng, tha hóa, chạy theo đồng tiền: “ông biết không : thằng cả đã quyết định dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng của hàng thịt” – cho dù Trương Ba có đồng ý hay không.

- Trương Ba vừa ngạc nhiên, vừa đau xót biểu hiện qua hàng loạt câu nghi vấn “Sao bà lại nói thế?”, “Đi đâu?”, “Thật sao?”,… vừa day dứt vừa mang đậm sắc thái biểu đạt của

- Kết thúc cuộc đối thoại với người vợ, Trương Ba “đau khổ, 2 tay ôm đầu” trong tâm trạng nặng nề, đau khổ và bất lực.

b. Với cái Gái

- Khi bị vợ tỏ thái độ ruồng bỏ thì Trương Ba nhìn thấy đứa cháu gái, Trương Ba vốn yêu con trẻ, thương cháu và cháu gái cũng vô cùng yêu thương kính trọng ông. Khi nhìn thấy cái Gái “đứng trước mặt với cái nhìn lặng lẽ soi mói”, ông như cầu cứu: “Gái, cháu…” để rồi bất ngờ trước thái độ giận giữ quyết liệt của đứa cháu gái ngây thơ: “Tôi không phải là cháu của ông!”

- Cái Gái kiên quyết phủ nhận, đoạn tuyệt tình ông cháu với Trương Ba và trong mặt nó, hồn Trương Ba trong xác hàng thịt không còn bóng dáng, dấu vết của ông Trương Ba làm vườn ngày xưa : “Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi.”

- Khi Trương Ba ra sức thanh minh “Chỉ có ông nội cháu mới biết quý cây như thế”, đứa cháu gái đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy ông không phải là ông nội nó mà chỉ là lão đồ tể xấu xa đáng ghét : “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm!”. Rồi quả quyết : “Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy!”. Lại còn cái diều quý của cu Tị, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp” để rồi “trong cơn sốt mê man, cu Tị cứ khóc bắt đền cái diều, nó tiếc…”

⇨ Đứa cháu gái thân yêu cũng không còn nhận ra ông nữa mà thậm chí còn xua đuổi, căm ghét: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!” Sự tha hóa của ông đã khiến đứa cháu gái bé bỏng tổn thương sâu sắc bởi sau cuộc thoại nó vừa khóc vừa chạy vụt đi.

c. Với chị con dâu

- Chị con dâu thấu hiếu, đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của cha. “Đến lúc này, cả nhà chỉ còn mình con vẫn thương thầy như xưa.” Lời khẳng định của chị mới thật trân quý: “Hơn xưa nữa, thưa thầy” bởi chị biết “thầy khổ hơn xưa nhiều lắm”.

- Song, chị cũng phải thốt lên: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy,… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa..”; “làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?”

⇨ Trương Ba ý thức sâu sắc những thay đổi của bản thân đã gây ra hệ lụy cho cả bản thân và gia đình. Thái độ của ông không còn băn khoăn, nghi ngờ, cũng không còn thanh minh mà lặng lẽ thừa nhận: “Cảm ơn con đã nói thật.”

⇨ Từ chỗ bối rối, lúng túng thanh minh đến đau đớn, xót xa buộc phải tự thừa nhận, tự ý thức sâu sắc về bi kịch tha hóa không lối thoát của mình: Một con người trong sạch, tốt lành nay trở thành cái xác thô kệch hiện hữu trong nhà không chỉ gây phiền toái mà còn gây cho những người yêu thương nhất nỗi dằn vặt, đớn đau.

-  Đánh giá:

+ Qua màn đối thoại Trương Ba và người thân đã thể hiện rõ nét bi kịch và nỗi đau của nhân vật khi phải sống trong nghịch cảnh bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, đó vừa là nối đau bên trong của một con ngươi phải sống cuộc sống không phả là chính mình: bị chi phối bởi những thói xấu, những dục vọng có tính bản năng của hàng thịt, bị biến đổi cả cách sống, cách nghĩ theo hướng “ti tiện”.

+ Bi kịch của Trương Ba còn là bi kịch của người bị ruồng bỏ ngày trong gia đình của mình, sự sống chắp vá khập khiễng gây nhiều đau khổ cho bản thân ông và cả những người ông yêu quý nhất.

⇨ Đó là một cuộc sống thừa, một cuộc sống còn tồi tệ hơn cả cái chết.

3.3. Đối thoại với Đế Thích

- Trong thân xác hàng thịt, Trương Ba không còn là mình. Tất cả những người thân đều nhận thấy và đau đớn. Thể xác đang xâm chiếm, đang lấn lướt linh hồn và tha hóa nó. Tiếng nói, tiếng cười đắc thắng, hợm hĩnh của xác đang vang vọng đâu đây. Bi kịch của Trương Ba đến đây – lên đến đỉnh điểm.

- Đó là lúc Trương Ba “thẫn thờ”, “bế tắc”, “run rẩy” trong nỗi đau, “lặng ngắt như tảng đá” để rồi nhận thấy: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm mọi cách để lấn át ta.”

+ Một sự vỡ lẽ vừa bàng hoàng, vừa chua chát đã dẫn đến quyết định dứt khoát của Trương Ba, đẩy tình huống kịch vào thế càng quyết liệt hơn: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phúc mày và tự đánh mất mình?” Ta “không cần cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”

+ Những câu độc thoại nội tâm trên sân khấu kịch đã phơi trải cơn bão dữ dội và đau đớn của hồn Trương Ba trong cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình từ bàn tay thô bạo của “con quỷ dữ bản năng” ở Trương Ba. Và đó chính là điểm mấu chốt dẫn đến hành động Trương Ba “đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết” thắp hương, châm lửa gọi Đế Thích.

⇨ Không ai khác, chính Trương Ba đã trực tiếp cởi nút, hóa giải bi kịch của cuộc đời mình.

a. Khi Đế Thích vừa xuất hiện:

- Trương Ba lập tức dõng dạc tuyên bố với Đế Thích quyết định của mình: “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!” Lí giải cho quyết định đó, Trương Ba cũng bộc lộ quan điểm sống hết sức đúng đắn và sâu sắc của mình: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.”

⇨ Quan niệm đó là kết quả qúa trình trải nghiệm sâu sắc nỗi đau của người sống mượn, sống chắp vá mà Trương Ba từng cảm nhận sâu sắc. Quan niệm đó cũng khẳng định sâu sắc khao khát mãnh liệt nhất của hồn Trương Ba đã được ấp ủ, nung nấu trong thời gian dài: khát vọng thoát khỏi nghịch cảnh, được sống thực với chính mình. Đó cũng là đỉnh điểm của sự bế tắc muốn được giải thoát.

- Không hiểu quan niệm ấy, Đế Thích đã khuyên Trương Ba nên chấp nhận, tiếp tục sống gửi, sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Đó là điều Trương Ba không được lựa chọn khi muốn duy trì sinh mệnh của mình: “Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu?” Vả lại, “dưới đất, trên trời đều thế cả” đến ngay cả Ngọc hoàng hay những vị tiên cung nhiều khi phải sống giả dối, không được làm chính mình vì “thế giới này vốn không toàn vẹn”.

- Trương Ba kiên quyết không chấp nhận lí lẽ đó của Đế Thích vì chính ông đã trải nghiệm đến tột cùng của nghịch cảnh “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, không chỉ vậy, hồn Trương Ba còn thẳng thắn phê phán quan niệm phiến diện của Đế Thích, trước hết đó là sự ích kỉ: “sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”, sau đó là lối sống hời hợt, giản đơn, chỉ biết quan trọng mạng sống mà không quan tâm đến cách sống và ý nghĩa sự sống: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống còn tôi sống như thế nào ông chẳng cần biết.”

- Khi từ chối dứt khoát sự sống vay mượn và phép màu của Đế Thích, Trương Ba vẫn không nghĩ đến người khác, ông xin Đế Thích trả lại sự sống cho anh hàng thịt mặc dù trước đó sống trong xác hàng thịt Trương Ba đã bị dày vò, chế nhạo, bị làm cho tha hóa. Bởi cái “phần hồn tầm thường ấy của anh hàng thịt” tuy tầm thường thật đấy, nhưng “đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau”.

⇨ Đó là biểu hiện của tinh thần trọng đạo lí và lẽ phải: lẽ phải là thân xác anh hàng thịt, sinh ra để sống với linh hồn anh ta cho dù nó chỉ là cái phần hồn tầm thường. Đó cũng là biểu hiện của lòng nhân hậu, vị tha.

b. Khi cụ Tị mất

- Khi Đế Thích đang phân vân không biết sẽ cho hồn Trương Ba tiếp tục sống như nào thì đột nhiên nghe “tiếng khóc ran lên” từ “phía nhà chị Lụa mẹ cụ Tị”, “hồn thằng bé bay vụt lên khỏi mái nhà, tan mờ ra như một làn sương mỏng”.

(Mở rộng: chi tiết “chắc lại do hai ông Nam Tào, Bắc Đẩu tắc trách gạch nhầm tên bừa, hoặc do bà Vương Hầu ép, bà ấy không ưa trẻ con”

⇨ Cung cách làm việc tắc trách, luộm thuộm của những đấng nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, sau cái “tặc lưỡi” và dưới ngòi bút oan nghiệt của Nam Tào, Bắc Đẩu, ông Trương Ba và cụ Tị đã phải “tận số” một cách oan nghiệt.

Gợi nhớ về một thời không xa, khi sinh mệnh con người chất ngất những ngỗi oan khuất bởi trên đầu họ là những thế lực, thậm chí là “siêu” thế lực “cho ai sống mới được sống, bắt ai chết là phải chết”.)

- Đế Thích đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội đó khuyên hồn Trương Ba nên nhập vào xác cu Tị để sống, vả lại Đế Thích cũng muốn hồn Trương Ba sống “dù với bất cứ giá nào” để đọ cờ, bởi “ông chính là lẽ sống của tôi”.

- Trương Ba ngẫm nghĩ rồi kiên quyết chối từ dù “trong thân một đứa bé, ông sẽ có cả cuộc đời trước mặt”. Bởi lẽ, ông nhận rõ sẽ lại nảy sinh biết bao chuyện nực cười nữa: “Mình tôi giữa đám người hậu sinh” thế rồi “tôi sẽ như ông khách ngồi dai ở nhà người ta”, “tôi sẽ bơ vơ lạc lõng, hoặc sẽ trở nên thảm hại, đáng ghét như kẻ tham lam”

⇨ Nếu ở trong xác cu Tị, ông sẽ lại một lần nữa lâm vào nghịch cảnh đau đớn. Ông cũng hiểu rằng: “Mất đứa con, chị ấy làm sao sống được?” Ông không thể nhẫn tâm cướp “cái thân thể non nớt của cụ Tị”.

- Trương Ba cũng thẳng thắn bộc lộ quan điểm với Đế Thích: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác.” Đồng thời ông cũng phê phán ý nghĩ ích kỉ của Đế Thích: “Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư? Không, ông phải tồn tại lấy chứ!”

⇨ Lời thoại đã bộc lộ rõ sự minh mẫn, sáng suốt của Trương Ba khi nhận thức về giá trị sống của con người. Giá trị sự sống của con người không thể do bên ngoài ban phát mà phải do chính mỗi người tự kiến thiết, tự xây dựng cho mình.

- Cùng với những nhận thức đúng đắn ấy, hồn Trương Ba đã đi đến những quyết định cuối cùng: chấp nhận chết hẳn, chết vĩnh viễn để cho cu Tị được sống lại.

⇨ Đó là một quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân ông, giúp ông thoát khỏi bi kịch, không còn cái vật quái gở mang tên “hồn Trương Ba, da hàng thịt” nữa.

⇨ Quyết định đó còn có ý nghĩa với cả những người xung quanh: gia đình ông tránh được bất hòa mà trở về yên ấm vốn có, cứu được sinh mệnh của anh hàng thịt, đem lại hạnh phúc cho mẹ con chị Lụa và cu Tị. Đó là quyết định bộc lộ rõ nhất tinh thần dũng cảm, ý thức đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để được sống thực, sống là chính mình: “Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi trở lại thanh thản, trong sáng như xưa.”

- Về hình thức lời thoại, trong cuộc đối thoại này, Trương Ba nói nhiều, ngôn ngữ rành mạch, giọng điệu kiên quyết, dứt khoát cho thấy ông chủ động dẫn dắt cuộc thoại, bộc lộ rõ tính cách một con người trung thực, dũng cảm, có tâm hồn trong sạch và nhân hậu. Trương Ba chỉ xuống giọng xin Đế Thích một cách tha thiết khi ông muốn cho anh hàng thịt và cu Tị được sống lại. Đó là biểu hiện chân thực, sống động ngay từ hình thức lời thoại: một nhân cách cao đẹp, tấm lòng vị tha luôn yêu thương tha thiết con người của Trương Ba.

4. Cảnh kết

- Khung cảnh “vườn cây rung rinh ánh sáng” là một khung cảnh đẹp tựa chốn thần tiên, tươi mát, đầy sức sống, là kết quả của bàn tay vun trồng, chăm bón trước đó của Trương Ba, là biểu hiện của đôi bàn tay khéo léo, tinh tế và tâm hồn nhân hậu biết nâng niu vạn vật.

- Cuộc đối thoại với vợ:

  • Người vợ hỏi: “Ông ở đâu? Ông ở đâu?”
  • Trương Ba trả lời: “Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đấy, trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ…”. Phép liệt kê cho thấy Trương Ba tuy đã chết hẳn “không phải mượn thân ai cả” nhưng vẫn luôn tồn tại trong nỗi nhớ thương, trong niềm trân trọng của những người thân yêu.

- Hình ảnh cái Gái và cu Tị: bẻ quả na ra đưa một nửa cho cu Tị, hành động chia nhau trái ngọt đầy tình cảm ấm áp. Đó chính là trái ngọt do Trương Ba gieo trồng, đôi trẻ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thế rồi cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất như lời ông nội bảo. “Những cây nối tiếp nhau mà lớn khôn. Mãi mãi.” Cũng như những điều tốt đẹp của ông nội nó. Trương Ba tuy chết hẳn nhưng những điều tốt đẹp ông để lại trên đời vẫn còn được thế hệ sau nhân lên mãi mãi. Trương Ba vẫn sống trong lòng mọi người. Đó mới chính là điều làm cho Trương Ba trở thành bất tử trong cuộc đời.

III. Đánh giá

1. Về nhân vật Trương Ba

- Là người có tâm hồn trong sáng, lối sống nhân hậu, vị tha, biết quan tâm, yêu thương người khác.

- Là con người trung thực, ngay thẳng, biết trân trọng những chân lí, lẽ phải.

- Con người giàu bản lĩnh, có ý thức đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để bảo tồn, bảo toàn vẻ đẹp nhân cách.

2. Nội dung

- Phản ánh hiện thực đương thời: xã hội với sự thay đổi của các hệ giá trị, con người khi bị tha hóa do chạy theo những cám dỗ đời thường về vật chất.

- Thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với bi kịch chắp vá của con người, không có sự hài hòa giữa linh hồn, thể xác, không được sống thực là chính mình.

- Gửi gắm những triết lí nhân sinh sâu sắc:

  • Được sống làm người đã quý giá những được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Mọi sự lắp ghép khập khiễng đều chỉ mang lại bi kịch cho con người.
  • Bản thân mỗi người phải luôn có ý thức đấu tranh chống lại nghịch cảnh, cố gắng hoàn thiện nhân cách, chống lại sự dung tục và vươn tới những giá trị cao quý.
  • Con người ai cũng có mong muốn sống lâu thậm chí là bất tử nhưng cách duy nhất làm người ta bất tử không phải là một loại thần dược nào đó mà chính là khi họ biết sống tốt, hóa thân vào những điều đẹp đẽ mãi tồn tại trên đời.

- Mở rộng: Đó là những triết lí nhân sinh sâu sắc, giàu giá trị, ý nghĩa:

  • Ý nghĩa thời sự: Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời có những biến đổi mạnh mẽ thời hậu chiến, chạy theo những giá trị thấp kém: “Muốn nuôi sống thân xác – Phải đem thịt linh hồn.”
  • Ý nghĩa muôn thuở: Trong bất cứ thời kì xã hội nào từ cổ chí kim, trong con người luôn tồn tại sự tranh chấp giữa phần con và phàn người, giữa những dục vọng mang tính bản năng với nhân cách, văn hóa và đạo đức con người.
  • Ý nghĩa khái quát ở tầm nhân loại: không phải chỉ là vấn đề của một dân tộc mà là vấn đề cho cả 1 xã hội loài người.

⇨ Đúng mọi thời đại và cả nhân loại.

- Nguyên nhân:

  • Ông là một người trí thức luôn trăn trở về các vấn đề thời đại, con người với cái nhìn hiện thực sắc sảo.
  • Bản thân Lưu Quang Vũ là người có những trải nghiệm sâu sắc trong những biến động đương thời, ông cũng từng lăn lộn nhiều nghề để kiếm sống, tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội.

⇨ Tạo nên chất thực trong những triết lí.

3. Nghệ thuật

- Tổ chức xung đột kịch độc đáo, đặc sắc; không chỉ là xung đột bên trong Trương Ba (giữa khát vọng sống và những đau đớn, dằn vặt bên trong) với những xung đột bên ngoài: hai lối sống (lối sống đúng đắn, sâu sắc của Trương Ba và sự hời hợt, giả dối, ích kỉ của Đế Thích)

- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng song hàm súc, có ý nghĩa triết lí sâu sa.

- Xây dựng chân dung và thể hiện những nội tâm nhân vật một cách sống động.

D. Gợi ý kết bài

Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng “Hồn Trương ba, da hàng thịt” thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra những vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực xã hội đương thời mà qua đó còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với bi kịch chắp vá của con người, không có sự hài hòa giữa linh hồn, thể xác, không được sống thực là chính mình.

E. Liên hệ, mở rộng

- Chính Lưu Quang Vũ đã tâm sự về những năm tháng tối tăm nhất cuộc đời: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát – Như một tấm gương chẳng biết soi gì."

- Khi gặp được bến đỗ cuộc đời mình, Lưu Quang Vũ đã viết tặng bà – nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Biết ơn em, từ miền gió cát – Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng”

- Tác giả dường như đã linh cảm về điều ấy (sự ra đi của mình) khi viết trong một bài thơ:

“Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay

Ta đã có những ngày vui sướng nhất

Đã có cả men nồng và rượu chát

Đã đi qua cùng tận của con đường?”

- Lưu Quang Vũ đã từng tâm sự: “Động lực xui giục tôi viết kịch cũng là những động lực khiến tôi làm thơ, đó là khát vọng muốn được bày tỏ, muốn được thể hiện tâm hồn mình và thế giới chung quanh, muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, được trao gửi và dâng hiến.” (Nhiều tác giả, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp)

- Tính thời sự trong kịch Lưu Quang Vũ được nhận xét: “Kịch bản Lưu Quang Vũ nồng đượm hơi thở của đời sống với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi rói” (Nguyễn Thị Minh Thái)

- Đánh giá về đặc điểm (chất thơ) trong kịch Lưu Quang Vũ: “Lưu Quang Vũ trước hết và cuối cùng vẫn là một nhà thơ. Tôi tin, không có thơ thì Lưu Quang Vũ chắc chắn không có kịch và không thể trở thành một nhà viết kịch bật sáng đến thế trong thời kỳ đổi mới văn nghệ” (Nguyễn Thị Minh Thái)

- Ông đã tự lí giải rành mạch về chất thơ trong các tác phẩm kịch của mình: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ và kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi”

  • 42 lượt xem
Sắp xếp theo