Đề 4: Cảm nhận về đoạn thơ: "Ta với mình, mình với ta... đều đều suối xa"

Đề bài: Cảm nhận về đoạn thơ:

"Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà, đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu

Nhớ gì như nhớ người yêu?

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa, bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya, đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối, đều đều suối xa"

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, sgk Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD)

Từ đó rút ra nhận xét về chất tình ca của đoạn thơ?

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Cảm nhận đoạn thơ và chất tình ca.

c. Triển khai vấn đề

(1) Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ.

(2) Cảm nhận về đoạn thơ:

* 4 câu đầu: lời thề thủy chung, son sắt

- Ta với mình, mình với ta: Nghệ thuật tiểu đối, lối điệp vòng đan xen Ta – mình: tình cảm gắn bó bền chặt, không thể tách rời

- Lòng ta sau trước, mặn mà đinh ninh: Lời thề thủy chung, son sắt với tình cảm gắn bó sâu nặng: mặn mà, đinh ninh – hai từ láy liên tiếp không chỉ khẳng định mức độ của tình cảm (mặn mà) mà đó còn là tình cảm luôn khắc sau trong tâm trí, đau đáu, thường trực, khôn nguôi (đinh ninh).

- Mình đi, mình lại nhớ mình/ Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu:

  • Khẳng định lại một lần nữa tình cảm không thể tách rời giữa ta và mình: giờ hợp thành một mình duy nhất – mình đấy cũng là ta đấy. Ba chữ mình lặp lại liên tiếp như một lời hô ứng, đồng vọng khẳng định: mình nhớ ta thì ta cũng nhớ mình, tuy hai mà một.
  • Đó còn là tình cảm không thể cân, đong, đo, đếm như nước trong nguồn nhẹ nhàng mà dạt dào, bất tận, sâu lắng và không bao giờ vơi cạn
  • Hình ảnh nước trong nguồn còn gợi đến đạo lí sâu xa của dân tộc: uống nước nhớ nguồn.

⇒ Bốn câu thơ trở thành điểm tựa cho cảm xúc dạt dào của nỗi nhớ ở những câu sau.

* 18 câu tiếp: nỗi nhớ dào dạt, tha thiết trong lòng người đi

- 6 câu đầu: Nỗi nhớ thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, trữ tình

  • Chữ nhớ lặp lại, mở đầu ba cặp câu lục bát: nỗi nhớ mãnh liệt, trào dâng.
  • Hình ảnh so sánh Nhớ gì như nhớ người yêu: nỗi nhớ ám ảnh, thường trực, đau đáu, đậm sâu trong lòng người.
  • Nỗi nhớ thiên nhiên được so sánh với nỗi nhớ ngọt ngào trong tình yêu: cảnh sắc thiên nhiên cũng thấm đẫm hương vị tình yêu với sự lãng mạn, thơ mộng, ngọt ngào vừa mang đặc trưng của núi rừng Việt Bắc; vừa rất phù hợp với không gian bày tỏ cảm xúc của lứa đôi ta – mình: với ánh trăng đầu núi, ánh nắng lưng nương, bản khói cùng sương, rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê,...những hình ảnh ấy càng trở nên thi vị, tình tứ hơn khi gắn liền với bóng dáng người thương đi về.
  • Điệp ngữ nhớ từng + lối nói trùng điệp + liệt kê: khẳng định những kỉ niệm sâu sắc, nỗi nhớ vơi đầy trong lòng người đi.

- 6 câu tiếp: Nhớ về con người Việt Bắc giản dị, lam lũ, vất vả mà đậm sâu nghĩa tình.

  • Cội nguồn của nỗi nhớ chính là tình cảm gắn bó, yêu thương, đồng cam, cộng khổ giữa người đi, người ở khi đã trải qua cay đắng, ngọt bùi, chia nhau từng củ sắn, bát cơm, đắp chung chiếc chăn mỏng để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc kháng chiến.
  • Hai chữ thương nhau cộng những từ ngữ gợi sự đồng cảm, sẻ chia: chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng → vừa gợi sự gắn bó, vừa gợi sự biết ơn sâu sắc của người đi trước sự hi sinh thầm lặng của đồng bào Việt Bắc.
  • Hình ảnh sâu đậm nhất trong nỗi nhớ là nhớ về những người mẹ Việt Bắc lam lũ, khổ cực nhưng giàu tình yêu thương: vượt qua mọi khó khăn, khốc liệt để chắt chiu từng hạt gạo, bắp ngô nuôi con, nuôi quân

⇒ Khắc sâu đạo lí uống nước nhớ nguồn của cha ông

- 6 câu cuối: Nỗi nhớ về những kỉ niệm kháng chiến ấm tình quân dân:

  • Nghệ thuật liệt kê + lối nói trùng điệp nhớ sao → làm sống dậy những kỉ niệm gắn bó nghĩa tình quân dân thắm thiết.
  • Điệp từ nhớ, nhớ sao → nỗi nhớ mênh mang, vô tận đang ào ạt chảy về trong nỗi nhớ của người đi gắn liền với những lớp học i tờ, những đêm liên hoan văn nghệ, dùng tiếng hát át mọi gian nan của quân và dân ta; gắn liền với những ngày tháng cơ quan cùng nhân dân lao động, chiến đấu;...→ những miền kí ức tuyệt vời về những con người trong khó khăn, gian khổ vẫn tràn đầy lạc quan.
  • Nhớ về Việt Bắc còn nhớ về những âm thanh vô cùng quen thuộc: tiếng chày giã gạo trong đêm khuya; tiếng mõ lốc cốc gọi đàn trâu về khi chiều buông xuống; hòa cùng với tiếng hát lời ca ở những câu thơ thơ trên tạo nên một bản giao hưởng bất tận của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc → bản giao hưởng của nỗi nhớ trong lòng người đi.

* Nhận xét về chất tình ca:

- Giải thích ngắn gọn chất tình ca: lời bài thơ giống như những khúc ca viết về tình yêu, dạt dào yêu thương, chan chữa tình cảm,...

- Biểu hiện của chất tình ca:

  • Thể thơ lục bát với cách ngắt nhịp đều đặn 2/2/2/2; 3/3; 4/4 kết hợp với lối nói trùng điệp và nghệ thuật tiểu đối → giai điệu ngọt ngào, tha thiết, đắm say cho đoạn thơ.
  • Đoạn thơ là tiếng lòng đầy yêu thương nhung nhớ, chung thủy, sắt son của người cách mạng về xuôi dành cho nhân dân Việt Bắc.
  • Đoạn thơ là khúc ca ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước; ca ngợi những vẻ đẹp đáng trân quý trong tâm hồn con người Việt Nam và nhất là ca ngợi tình quân – dân cá nước – những tình cảm truyền thống quý báu của dân tộc.

- Đánh giá:

  • Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: Tình cảm chính trị giữa quân với dân đã được tác giả thể hiện thông qua và bằng con đường tình yêu ngọt ngào, da diết. Thể thơ lục bát kết hợp với nghệ thuật tiểu đối, nghệ thuật trùng điệp, những hình ảnh bình dị, gần gũi đã cho thấy những đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích; đồng thời góp phần làm nên những giai điệu ngọt ngào của nỗi nhớ trong tâm hồn người đi, người ở và đó cũng là tình cảm riêng của Tố Hữu dành riêng cho Việt Bắc.
  • Nhờ chất tình ca mà bài thơ Việt Bắc nói chung, đoạn thơ nói riêng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc trở thành khúc hát tâm giao ngợi ca tình quân dân tha thiết cũng như ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, con người.
  • 1.876 lượt xem
Sắp xếp theo