Đề 8: Cảm nhận về đoạn trích: "Bữa cơm ngày đói... tâm trí mọi người"

Đề bài: Cảm nhận đoạn văn sau để thấy được vẻ đẹp của bà cụ Tứ. 

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chum ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

I. Mở bài

- Dẫn dắt, Nêu vấn đề nghị luận: Đoạn trích đã miêu tả bữa cơm ngày đói rất thảm hại, qua đó ta thấy được tấm lòng đôn hậu, giàu lòng yêu thương con của bà cụ Tứ cùng với nghệ thuật xây dựng đối thoại đặc sắc của nhà văn Kim Lân.

II. Thân bài

1. Khái quát:

- Khái quát tác giả, tác phẩm (Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn và nền văn học).

- Tóm tắt để đến đoạn trích cần phân tích. 

2. Phân tích đoạn trích:

a. Bữa cơm ngày đói thảm hại:

- Mẹt rách

- Độc một lùm rau chuối thái rối

- Một đĩa muối

- Một nồi cháo loãng lõng bõng.

⇒ Miêu tả rất chân thực của một nhà nhân đạo chủ nghĩa.

b. Không khí bữa cơm rất vui vẻ, đấm ấm, mọi người ăn đều rất ngon lành.

- Cả nhà đều ăn ngon lành

- Bà cụ Tứ kể toàn chuyện vui, chuyện sung sướng. Người già thường hay kẻ chuyện quá khứ nhưng bà cụ Tứ không đi theo tâm lí thông thường ấy. Quá khứ đau thương, cơ cực của bà sẽ là những cơn gió độc giết chết những mầm non hạnh phúc. Vốn là người từng trải nên bà cụ Tứ thừa hiểu rằng, người ta sống bằng vật chất, nhưng người ta cũng sống bằng yếu tố tinh thần; cho nên trong hoàn cảnh đói khát tối sầm này sự vui vẻ, lạc quan, yêu đời, hi vọng vào tương lai là điều rất quan trọng. Chính những câu chuyện ấy như những ngọn gió đông mát lành, như những tia nắng mùa xuân ấm áp để cho mầm xanh kia được cứng cáp vươn lên.

- Bà khuyên bảo các con làm ăn “Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho mà xem”. Lời lẽ mộc mạc, chân chất nhưng giọng kể thì đầy ắp sinh khí, niềm vui tươi, sự hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Người mẹ ấy, khuyên các con nuôi gà theo tư duy rất “nông dân” nhưng cực kì thiết thực. Tư duy ấy xuất phát từ tư tưởng lạc quan của người nông dân trong bài Mười quả trứng: Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

⇒ Câu chuyện giản dị, cũ “diễm xưa” cũ mèm mà sao vẫn hấp dẫn, vẫn rất đáng yêu, đáng quý đến lạ thường.

- Tràng vâng rất ngoan ngoãn

- Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.

c. Chi tiết nồi chè khoán, hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của tình mẫu tử thiết tha, cảm động:

- Vốn là người từng trải, lại là người cầm tay hòm chìa khóa ⇒ bà cụ Tứ hiểu con người ta dễ nhận ra cái đói, dễ đối mặt nhau trong bữa ăn.

- Để kéo dài niềm vui cho các con, bà cụ Tứ đã chuẩn bị một nồi chè khoán rất công phu:

  • Từ cách cải danh “chè khoán”: một cái tên rất mĩ miều.
  • Bà bí mật; hứa hẹn: Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
  • Cách chạy: lật đật, lễ mễ
  • Cách rao, mời chào: Chè khoán. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
  • Cách cười đon đả, hì => rất tin

⇒ Thứ thức ăn tầm thường dùng cho gia súc nhưng qua bàn tay, giọng điệu, cử chỉ của bà cụ Tứ đã trở thành món ăn đặc biệt. Bà đã nêm gia vị của tình mẫu tử, bà chính là biểu tưởng của tình người tình mẫu tử.

⇒ Đối với Tràng và thị món ăn này đặc biệt hơn cả sơn hào, hải vị; sẽ trở thành món ăn ko bao giờ quên trong lòng họ.

⇒ Chi tiết nghệ thuật đặc sắc, góp phần tạo nên giá trị nhân đạo cao cả.

d. Cách ăn của Tràng và thị, đặc biệt là của thị khi được bà cụ Tứ đưa cho chè khoán.

- Mặc dù là món cháo cám rất khó ăn, thị vẫn và điềm nhiên → cách ứng xử rất tế nhị, văn hóa.

- Khi ăn cháo cám họ đánh tránh nhìn mặt nhau

⇒ Trong hoàn cảnh đói khát, trước tấm lòng cao đẹp của người mẹ, Tràng và thị đã tinh tế hơn, trưởng thành hơn. Đây là chi tiết rất nhỏ nhưng được Kim Lân miêu tả rất tinh tế. Ranh giới giữa người và vật rất mong manh, nhưng tình yêu thương đã giúp họ có cách ăn, cách ứng xử rất Người.

c. Tiểu kết:

- Đoạn văn rất đặc sắc, đã diễn tả tinh tế tấm lòng của bà cụ Tứ dành cho các con.

- Trong đoạn văn, đã miêu tả hoàn cảnh rất thảm hại của bữa cơm đón nàng dâu mới. Mặc dù cái đói khát tối sầm đang bủa vây gia đình bà cụ Tứ, nhưng bà vẫn tìm cho mình lí do, niềm tin để vươn lên trên cái đói, cái thảm đảm để mà vui, mà hi vọng.

- Góp phần làm nối bật tư tưởng chủ đề của truyện: Trong cái đói, cái khát, cái chết cận kề con người ta vẫn yêu thương cưu mang, đùm bọc nhau, vẫn hương tới sự sống, khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình → tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

3. Đánh giá:

- Đánh giá về nội dung: Nét đặc sắc của đoạn trích chính là việc tác giả đã rất thành công khi khắc họa nhân vật bà cụ Tứ. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình huống éo le, bà vẫn tìm cho mình một cách ứng xử rất phù hợp, sâu sắc. Bà cụ Tứ là một hình ảnh đẹp, thể hiện cách tiếp cận những người nông dân trong nạn đói của nhà văn Kim Lân rất nhân văn. Chính điều này tạo nên điểm sáng trong cách tiếp cận ấy đã tạo nên thứ ánh sáng nhân văn đủ sức nâng giấc những con người cùng đường tuyệt lộ.

- Đánh giá về nghệ thuật: Để tạo nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, tác giả đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, éo le; xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ quê kiểng nhưng sử dụng rất đắc địa; đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật rất sắc sảo. Điều đặc sắc nhất của đoạn trích là tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, ông đã miêu tả bằng sự hiểu biết của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng, bằng tấm lòng của một nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”.

III. Kết bài

- Đoạn văn đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của bà cụ Tứ, biểu tượng cao đẹp cho tình người, tình mẫu tử.

  • 526 lượt xem
Sắp xếp theo