Thiên chức của nhà văn

1. Yêu cầu thứ nhất: Người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, tìm tòi những đề tài mới, hình thức mới.

Người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo phải là "người trinh sát, với chiếc cần ăng ten nhanh nhạy để nhận mọi tín hiệu, mọi làn sóng"; phải biết tổng hợp, đánh giá, phân tích để phát đi một tiếng nói duy nhất, đúng đắn, sâu sắc. Mỗi bài thơ, câu văn đều là kết quả quá trình sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ sau khi đã công phu chọn lựa và nhào nặn chất liệu hiện thực.

⇒ Do vậy, khi một nhà văn mới xuất hiện, câu hỏi của chúng ta về anh ta là: Anh ta là thế nào? Liệu anh ta có thể đem lại cho chúng ta điều gì mới mẻ trong cách nhìn cuộc sống?

⇒ Như vậy sáng tạo là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của nhà văn trong quy luật phát triển chung của văn học.

2. Yêu cầu thứ hai: Người nghệ sĩ phải biết rung cảm trước cuộc đời.

Tâm hồn nhạy cảm là sự thể hiện trái tim giàu tình cảm của nhà văn. Đó là lúc nhà văn thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, chuyển hóa cái đối tượng khách quan thành cái chủ quan đến mức “tưởng như chính mình sinh ra cái khách quan ấy”. Để từ đó, khi viết, họ dùng cái vốn bản thân sống sâu nhất để cảm nhận cuộc đời.

Tình cảm là yếu tố quyết định sự sinh thành, giá trị và tầm cỡ của tác phẩm nghệ thuật.

  • Lê Quý Đôn khẳng định: “Thơ khởi phát từ trong lòng người” → tình cảm quyết định đến sự sinh thành của thơ.
  • Ngô Thì Nhậm thì nhấn mạnh: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” → tình cảm quyết định đến chất lượng thơ.
  • Còn Nguyễn Đình Thi lại đúc kết: “Hình ảnh trong thơ phải là hình ảnh thực, nảy sinh trong tâm hồn ta khi ta đứng trước trước cảnh huống, một trạng thái nào đó”.

⇒ Như vậy, gốc của văn chương nói chung, tác phẩm nói riêng là tình cảm, nghĩa là người nghệ sĩ phải biết rung cảm trước hiện thực của đời sống thì mới sáng tạo nên nghệ thuật.

3. Yêu cầu thứ 3: Nhà văn phải có phong cách riêng.

Đặc trưng của văn học là hoạt động sáng tạo có tính chất cá thể. Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là "sự tự sát" trong văn chương.

Phong cách chính là nhà văn phải đem lại một tiếng nói mới cho văn học, đó là sự độc đáo mà đa dạng, bền vững mà luôn đổi mới. Đặc biệt, nó phải có tính chất thẩm mĩ, nghĩa là đem lại cho người đọc sự hưởng thụ thẩm mĩ dồi dào.

Phong cách không chỉ là dấu hiệu trưởng thành của một nhà văn mà khi đã nở rộ thì nó còn là bằng chứng của một nền văn học đã trưởng thành.

  • Nhà văn Tuocghenhev khẳng định: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác”.
  • Nguyễn Tuân cũng từng nhấn mạnh: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy, nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình.”
  • Cùng quan điểm ấy, nhà văn Lê-ô-nốp viết: “Không có tiếng nói riêng, không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫm theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết”

Phong cách nghệ thuật có cội nguồn từ cá tính sáng tạo của nhà văn. Cá tính sáng tạo là sự hợp thành của những yếu tố như thế giới quan, tâm lí, khí chất, cá tính sinh hoạt... Phong cách của nhà văn cũng mang dấu ấn của dân tộc và thời đại.

Có thể nhận ra phong cách của nhà văn trong tác phẩm. Có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm thì có bấy nhiêu chỗ cho phong cách nhà văn thể hiện. Cụ thể:

  • Qua cái nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật, đối với cuộc đời.
  • Qua giọng điệu riêng, gắn liền với cảm hứng sáng tác.
  • Nét riêng trong sự lựa chọn, xử lý đề tài, xác định chủ đề, xác định đối tượng miêu tả...
  • Tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật.

Các biểu hiện của phong cách văn học không tồn tại tách rời mà bao hàm lẫn nhau hay tồn tại thông qua nhau. Tất cả tạo thành một nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho hiện tượng văn học một tính chỉnh thể toàn vẹn.

  • 15 lượt xem
Sắp xếp theo