Đề 3: Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích: "Sông Hương là vậy... cho dòng sông?"

Đề bài: Cho đoạn trích sau:

Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nắng đem ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của thiên nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông…

Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó: từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, “Dòng sông trắng – lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thướt mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên “như kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy.

Có một nhà thơ từ Hà Nội đã đến đây, tóc bạc trắng, lặng ngắm dòng sông, ném mẩu thuốc lá xuống chân cầu hỏi với trời, với đất, một câu thật bâng khuâng:

– Ai đã đặt tên cho dòng sông?

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014).

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận về phong cách bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích , bình luận về phong cách bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

c. Triển khai vấn đề:

(1) Giới thiệu chung:

- Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường (gắn bó sâu đậm với xứ Huế, là nhà văn chuyên viết bút kí, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,… Lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa)

- Tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông? Là bài bút kí xuất sắc viết tại Huế, ngày 4/1/2981, in trong tập sách cùng tên.

- Trích đoạn: là những cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương ở góc độ lịch sử, văn hóa và thi ca.

(2) Phân tích:

* Sông Hương - vẻ đẹp giản dị của người con cái dịu dàng của đất nước.

- “Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc” : thể hiện rõ cái tôi nội cảm và bộc lộ cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương có sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình.

⇒ Nhìn sông Hương như là khởi nguồn cho những giá trị lịch sử.

- Điều làm nên vẻ đẹp đáng trân trọng, đáng mến của sông Hương là: khi nghe lời gọi của Tổ quốc, nó biết cách “tự hiến đời mình làm một chiến công” nhưng khi trở về cuộc sống bình thường, sông Hương tự nguyện “làm một người con gái dịu dàng của đất nước”.

⇒ Những thay đổi không hề bất ngờ bởi nó mang dáng dấp, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua: “Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi)

⇒ Sông Hương biết tự thích nghi với từng hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau; trở nên mới mẻ trong cảm nhận của con người, có thêm những vẻ đẹp mới.

- Trong cuộc sống bình thường, sông Hương là người con gái dịu dàng của đất nước, đẹp nhất trong ngày cưới với màu điều lục:

  • Bên trong đỏ rực: mãnh liệt, mạnh mẽ đầy cá tính, nồng nhiệt.
  • Bên ngoài màu xanh chàm của sương khói thơ mộng.

⇒ Giống như tấm voan huyền ảo của thiên nhiên.

⇒ Trong liên tưởng này, sông Hương thực sự trở thành người con gái của xứ Huế với vẻ đẹp đặc trưng trong sắc áo màu điều lục, màu tím tha thiết, thủy chung.

* Sông Hương - dòng sông của thi ca:

- Với vẻ đẹp độc đáo và đa dạng, không bao giờ tự lặp lại mình, sông Hương luôn có vẻ đẹp mới, có khả năng khơi nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn, nhà thơ.

- “Có một dòng thi ca” ⇒ luôn khơi nguồn cảm hứng trữ tình dào dạt trong lòng thi nhân nghệ sĩ.

  • Tản Đà thấy: “Dòng sông trắng - lá cây xanh”
  • Cao Bá Quát thấy sự hùng tráng như “Kiếm dựng trời xanh” - một khí phách Cao Bá Quát, con người luôn ôm chí lớn.
  • Bà Huyện Thanh Quan với nỗi quan hài vạn cổ thấm đượm nỗi buồn.
  • Tố Hữu: là sức mạnh phục sinh tâm hồn, gợi lên chất thơ hài hòa.

* Lí giải về sông Hương:

- Bài kí mở đầu bằng câu hỏi trăn trở: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” nhưng phải đến cuối cùng của bài kí nhà văn mới đưa ra câu trả lời.

- Có nhiều cách để trả lời nhưng nhà văn đã chọn đáp án đầy trữ tình: “Tôi thích nhất một huyền thoại kể răng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bên bờ đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi”.

* Đánh giá:

- Nội dung: đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương nói riêng, của thiên nhiên, đất nước Việt Nam nói chung, qua đó thể hiện niềm tự hào và tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước của tác giả.

- Nghệ thuật: kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và trữ tình; lối hành văn tài hoa, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu tử, liên tưởng thú vị,…

(3) Bình luận về phong cách bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

- Mang đậm dấu ấn xứ Huế.

- Hòa quyện giữa chất trí tuệ và chất thơ.

- Lối hành văn hướng nội, lãng mạn, mê đắm

  • 51 lượt xem
Sắp xếp theo