Tư liệu tham khảo Đất Nước

I. Tư liệu về tác giả, tác phẩm

1. Nguyễn Khoa Điềm cũng như một số nhà thơ hàng đầu của thế hệ, ông đã cảm nhận sâu sắc thời điểm lịch sử trang nghiêm, nên đã để tâm huyết vào chủ đề lớn của thơ ca là Đất Nước. Và tất nhiên để phù hợp với nội dung phong phú, rộng lớn đó phải có một hình thức lớn, có nội dung lớn là trường ca. Cho nên nhiều trường ca đã ra đời trong giai đoạn văn học này mà nổi tiếng hơn cả là ba trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.

Nguyễn Khoa Điềm kết hợp giữa trữ tình và chính luận, lối kết hợp này trong thơ giống Chế Lan Viên (thường những nhà thơ sáng tác những bài thơ dài và trường ca đều kết hợp giữa trữ tình và tự sự). Trữ tình - chính luận phát huy được mặt trí tuệ, thể hiện sự uyên bác với những kiến thức sách vở triết lí, nếu biết khéo léo kết hợp với xúc cảm, với trí thức nhỡn kiến (mắt thấy) thì sẽ tạo được sự hấp dẫn lạ lùng cho thơ.

Ta có thể hình dung chính luận trong khúc trường ca này như một sợi dây: Đất nước trường tồn trong chiều dài thời gian, trong chiều rộng không gian, trong phong tục tập quán, trong tâm hồn và tính cách người Việt. Bằng sợi dây dẻo dai ấy, những hạt cườm trữ tình óng ánh, lung linh được xâu thành chuỗi cườm “Đất Nước muôn đời” […] Luân lí của mạch chính luận là từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, từ ngoài vào trong, từ cộng đồng đến cá nhân […]. Những suy nghĩ về đất nước trong mỗi cá nhân càng sâu sắc thì giọng điệu trữ tình càng thống thiết.

(Nguyễn Đức Quyền - Trích theo Trần Đình Sử, Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam: phần văn học hiện đại, NXB Quốc gia Hà Nội)

2. Không phải ngẫu nhiên mà những gì gọi là đặc sắc nhất của “Mặt đường khát vọng” lại tụ vào một chương mang tiêu đề Đất Nước. Bao nhiêu “định nghĩa” được đặt ra. Từ kỉ niệm riêng - Đất là nơi anh đến trường, Nước là nơi em tắm, Đất Nước là nơi ta hò hẹn… Từ truyền thuyết - Đất là nơi Chim về, Nước là nơi Rồng ở, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…Từ muôn vàn dấu hiệu tưởng như không bao giờ kể hết, tưởng kể mấy cũng không đủ. Chính cảm giác về cái nhiều như vô tận trong những cách hình dung về Đất Nước là nguồn cho cảm hứng trữ tình chính luận của Nguyễn Khoa Điềm trong “Mặt đường khát vọng”.

(Lại Nguyên Ân - Văn học và phê bình, NXB Tác phẩm mới)

3. Câu thơ (Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi) thốt ra như một lời nói bình thường, nhưng lời nói đó là một chân lý. Và để chân lý đó giản dị như một lời nói tự nhiên thốt ra thì đất nước đã phải được tạo dựng qua bao đời người, qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao biến thiên thời gian. […] Nhà thơ khơi dậy lại những trầm tích đã đắp bồi nên Đất Nước để thổi bùng lên ngọn lửa tự hào, yêu mến quê hương xứ sở mình trong lòng tuổi trẻ đô thị miền Nam những năm đất nước còn bị chia cắt trước một kẻ thù ngoại xâm. Dụng công của tác giả là lấy những chất liệu dân gian - cái đặc trưng nhất để làm bật lên tầng sâu văn hóa lịch sử của Đất Nước mà không một thể lực nào, một hiểm họa nào có thể làm xói mòn, sụt lở được.

Đất nước, như thế, hiện ra trong thơ như một thứ gia tài thiêng liêng của tổ tiên để lại cho cháu con. Từng câu thơ là lời tình nghĩa về Đất nước. Mọi hình sông thế núi, mọi sự tích huyền thoại đều được soi nhìn trong khát vọng gửi gắm, trao truyền của các thế hệ nối tiếp nhau từ vô tận đến vô cùng.

(Phạm Xuân Nguyên - Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi)

II. Một số bài viết nghiên cứu

1. Những giá trị văn hóa truyền thống trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Mai Bá Ấn - trường THPT Tố Hữu)

Nói đến Nguyễn Khoa Điềm, ai cũng dễ dàng hình dung ra một phong cách thơ đẫm chất triết luận xuất phát từ vốn tri thức uyên bác và bề sâu văn hoá trong mối liên tưởng vừa sắc sảo triết lý lại vừa huyền ảo thấp thoáng bóng dáng văn hoá cổ xưa của hồn dân tộc. "Thơ ca Nguyễn Khoa Điềm chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian. Câu thơ dù ở thể thơ truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị của ca dao, tục ngữ. Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ” [9,tr.255]. Nguyễn Khoa Điềm lại được sinh ra và lớn lên giữa lòng chiếc nôi văn hoá Huế. Chính cái chất Huế thâm trầm, hoàng thành rêu phong ngả bóng làm nhuộm tím nước con sông Hương biếc xanh càng khiến thơ Nguyễn Khoa Điềm sâu kín và loáng thoáng chút bí ẩn mơ hồ. Nguyễn Xuân Nam đã có một nhận xét khá rõ nét: “Thơ Nguyễn Khoa Điềm… có sức liên tưởng mạnh. Anh thường dẫn người đọc đi từ quá khứ đến tương lai, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ sách vở đến đời sống” [7,tr.125]. Vâng, giàu vốn tri thức sách vở Đông Tây, ngồn ngộn chất liệu đời thực là một thế mạnh tạo nên nhiều khoảnh khắc loé sáng trong những liên tưởng độc đáo của thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trong phạm vi bài biết này, chúng tôi xin được đề cập đến những giá trị văn hoá truyền thống trong thơ anh.

Trong đời sống văn học những năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều những công trình nghiên cứu văn học trong mối quan hệ với văn hoá. Điều này, phần nào mang yếu tố tất nhiên, vì suy cho cùng, văn học chính là một bộ phận chủ yếu của văn hoá. Văn học bất kỳ một dân tộc nào cũng mang hồn vía của dân tộc ấy. Tuy nhiên, làm cho “tư liệu văn hoá” trong thơ sáng bừng lên giá trị thẩm mỹ mang tính lay động cao không phải nhà thơ nào cũng thành công, chưa kể đến việc những vốn liếng văn hoá ấy phải được đan quyện vào và chung sống cùng hiện thực thời đại. Trong thơ ca ViệtNamcó không ít tác giả đã sử dụng vốn văn hoá làm nền tảng sáng tạo nhằm làm mới vốn cổ mà ai cũng biết rằng rất quý. Nhưng sử dụng vốn văn hoá cổ đặt trong trường liên tưởng mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống để tạo nên gương mặt thơ riêng, không phải ai cũng đạt được thành công như Nguyễn Khoa Điềm. Qua nghiên cứu thơ Nguyễn Khoa Điềm, chúng tôi xin được rút ra những giá trị văn hoá truyền thống được anh sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm thơ lẻ và trường ca.

1- Lòng tự hào về cội nguồn dân tộc:

Ai cũng biết, vật biểu (vật tổ) của dân tộc Việt Nam khác với các dân tộc khác chính là yếu tố cặp đôi (hài hoà triết lý Âm Dương), vì thế, biểu tượng nòi giống Việt Nam không phải là một con vật duy nhất mà là một cặp đôi Âm trước Dương sau (nòi giống Lạc Hồng, nòi giống Tiên Rồng) gắn liền với huyền thoại về những đàn chim Lạc thẳng cánh về phương Nam mở nước và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ đẻ ra trăm trứng Việt. Chính điều này khiến Nguyễn Khoa Điềm liên tưởng ngay đến đôi cánh tự do của loài chim tổ (Cần lưu ý trong triết lý Âm Dương, vật biểu của phương Nam chính là Chim): “Một đất nước/ Từ buổi đầu tiên/ Mang dấu hiệu cặp cánh tự do của bầy chim Lạc/ Qua suốt bốn nghìn năm” (Nghĩ về một nhãn hiệu).

Cũng theo văn hoá học, vật biểu của phương Đông lại là Rồng, vì thế để khơi mào cho một khái niệm Đất Nước hoàn chỉnh, Nguyễn Khoa Điềm liên tưởng ngay rằng: “Đất là nơi Chim về/Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” (Mặt đường khát vọng)

Từ những liên tưởng ấy, Nguyễn Khoa Điềm lập tức kéo quá khứ nối về hiện tại của thời mình đang sống và chiến đấu (thời đánh Mỹ): “Chắc những đứa con của Âu Cơ từng lên rừng và xuống biển/ Cũng không nhớ thương nhau nhiều như ta nhỉ?/Anh nhớ em làm mỗi ngọn lửa cũng nhớ em/ Lửa cháy trong rừng Trường Sơn bao đêm” (Trên núi sông).

Và vì thế, cội nguồn dân tộc, gốc gác tổ tiên luôn nhắc nhở mọi người Việt rằng:“Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Mặt đường khát vọng).

Bái vọng tổ tiên, yêu quê cha đất tổ, chính là những yếu tố góp phần làm nên truyền thống yêu nước Việt nam.

2. Truyền thống của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước

Trong hai loại hình văn hoá của thế giới thì ViệtNamlà điển hình của loại hình văn hoá gốc nông nghiệp (loại hình văn hoá gốc du mục điển hình là phương Tây). Chính cái gốc văn hoá nông nghiệp này đã chi phối rất lớn đến mọi sinh hoạt và đời sống ViệtNam. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm gốc văn hoá nông nghiệp gắn liền với nghề trồng lúa nước được thể hiện ở nhiều góc độ.

2.1- Một dân tộc chuyên đắp đê chống lũ

Có một nhà nghiên cứu văn hoá đã cho rằng: Có hai yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống văn hoá ViệtNam, đó chính là: luôn phải đắp đê chống lũ và tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn muốn thâu tóm mình. Đúng vậy, một đất nước sinh tồn bằng sản xuất nông nghiệp thì, đắp đê ngăn lũ như một mệnh lệnh thiêng liêng để mà tồn tại: “Đất Nước/Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy!/ Đất Nước/Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!/ Đất Nước/ Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy/Đất Nước/Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!/ Đất Nước/ Đất Nước không thể trôi được!/Máu xương, mồ mả tổ tiên đã trôi đi/ Những dòng họ đã trôi đi/Nhưng hôm nay không thể nào trôi được!”.

Hôm nay đang tích tụ dồn nén sức mạnh quá khứ bốn nghìn năm của dân tộc luôn đối đầu với nước lũ và đối mặt với nước lớn để mà giữ nước: “Đất Nước/Đang gầm lên trong sóng gió ngất trời/Hàng chục triệu thước khối nước đang lao vào mặt đất/ Cuộc xáp trận của vật chất muốn đè vật chất/Của thiên nhiên đè xuống con người”.

Và khi nhắc đến truyền thống đắp đê chống lũ, Nguyễn Khoa Điềm liên tưởng ngay đến nhân vật Sơn Tinh trong cuộc chiến với Thuỷ Tinh. Quá khứ đang hướng về hiện tại đánh Mỹ của toàn dân tộc, về chống “cơn lũ dữ” Đế quốc Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm, từ hiện tại còn mở rộng thời gian liên tưởng đến cả tương lai và không gian toàn nhân loại: “Sơn Tinh đang nhìn ta lo lắng đăm đăm/Cả nhân loại đang nhìn ta cổ vũ/Con cháu ta mai sau hối hả lật từng trang sử/ Ngợp trước con đê sông Hồng lên cao, lên cao…/ Chào 4000 năm! Con đê như một cánh tay cao/Của thế trận những người làm chủ/ Làm chủ cuộc đời và lướt từng đỉnh lũ” (Mặt đường khát vọng).

2.2- Văn hoá làng, xã nông thôn

Theo các nhà văn hoá thì trong các đơn nguyên văn hoá ViệtNam, văn hoá làng (xã) chiếm một ví trí vô cùng quan trọng. Nó được xem là một đơn nguyên điển hình của nền văn hoá gốc nông nghiệp. Hai đặc trưng cơ bản của văn hoá nông thôn là tính cộng đồng và tính tự trị. Khi vượt ra khỏi phạm vi Làng để vươn đến phạm vi Nước, tính cộng đồng của làng (xã) nông thôn sẽ nâng lên thành tinh thần đoàn kết dân tộc, và tính tự trị của làng (xã) sẽ nâng lên thành ý thức độc lập dân tộc ở phạm vi Nước. Đối với người Việt các đơn vị trung gian giữa Làng và Nước đều không quan trọng, họ chỉ biết “sống ở làng, sang ở nước”. Vì vậy, khi xong nhiệm vụ với Nước, họ trở lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình: “Đánh xong giặc trở về ngôi làng lại cần cù lam lũ với cái cày, con trâu. Nhưng sự vĩ đại của nhân dân chính là ở đó” [6, tr.276]. Chính những sản phẩm nhỏ nhoi họ làm ra hàng ngày đã góp phần hình thành Đất Nước: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng/ Đất nước có từ ngày đó”.

Cái dáng cầm cuốc, cầm cày từ đời này nối sang đời khác đã làm nên cái nền móng văn hoá nông nghiệp nông thôn ViệtNam: “Có tổ tiên ta cầm cuốc, cầm cày”. Và mãi mãi muôn đời con cháu về sau luôn ghi khắc trong sâu thẳm lòng mình hình dáng cha ông trên ruộng đồng làng, trên những cánh đồng làng bạt ngàn màu xanh của lúa: “Lúa lên xanh trên những cánh đồng/ Cũng có tay cha ông in vào trong lúa/ Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ/Cũng có dáng một ngày cha ông khăn gói bước ra” (Mặt đường khát vọng).

Chính vì thế, cái đất làng, cái nền làng, cái đình làng là vô cùng quan trọng. Nó gắn chặt với đời sống người dân quê ViệtNam“chân đất đầu trần”:“Ôi cái nền làng ta/Dựng lên cùng thớ đất Ta quen đi chân trần/ Thăm nhau mà thấy mát” (Cái nền căm hờn).

Chính những người dân quê ấy, chứ không phải ai khác hơn, theo Nguyễn Khoa Điềm, họ đã làm nên Đất Nước. Đất nước hình thành qua những sinh hoạt mang đậm nét văn hoá làng (xã) truyền thống Việt Nam: “Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước/ Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng/Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi/Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân/Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái” (Mặt đường khát vọng).

2.3 Văn hoá môi trường sông nước

Nền văn minh lúa nước Đông Nam Á được xem là chiếc nôi của nghề trồng lúa trên toàn thế giới. Chính vì thể, yếu tố sông nước cũng là một điển hình của loại hình văn hoá gốc nông nghiệp ViệtNam. Tổ quốc, Quốc gia đối với nhiều dân tộc có thể là những khái niệm trừu tượng, nhưng với những người dân nông nghiệp ViệtNam, những khái niệm ấy là vô cùng đơn giản và gần gũi. Đó chính là hai yếu tố chính của nền sản xuất nông nghiệp: Đất và Nước. Nhưng vì là nền nông nghiệp lúa nước, sống trong môi trường sông nước nên lúc cần họ chỉ cần gọi Tổ quốc là “Nước”, cũng là yếu tố đầu tiên trong bốn yếu tố quan trọng: “Nước, phân, cần, giống” của cư dân nông nghiệp. Bản thân Nguyễn Khoa Điềm cũng đã lý giải: “Vì khi làm nông nghiệp, số phận nhân dân đã gắn chặt với số phận dòng sông. Vậy thì văn hoá ắt phải mang gương mặt dòng sông” [6, tr.177]:“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi” (Mặt đường khát vọng).

Môi trường sông nước đã khiến trong ngôn ngữ ViệtNamcó hẳn một trường từ ngữ sông nước đúc kết từ lâu đời. Ta gọi “Mặt trời mọc” chính là ngôn ngữ của hạt mầm nông nghiệp, gọi “Mặt trời lặn” chính là ngôn ngữ sông nước. Và vân vân những trường nghĩa sông nước trong ngôn ngữ Việt Nam: “ngụp lặn giữa dòng đời”, “chìm trong bể khổ”, “chìm đắm trong suy tư”, “hồ sơ bị ngâm lâu”… Và có lẽ cũng xuất phát từ nền văn minh sông nước mà tất cả các phong tục tập quán cũng vì sự tồn tại với môi trường tự nhiên và từng bước định hình thành truyền thống: “Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau/Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi/Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi/Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau/Con mộm nan tre đánh lừa cái chết/Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu/Đánh lừa thuồng luồng xăm mày xăm mặt” (Mặt đường khát vọng).

3. Văn hoá dân gian
3.1 Trò chơi dân gian

Đó là những trò chơi truyền thống gắn liền với tuổi thơ của mỗi con người, mỗi vùng đất. Hẳn cậu bé Nguyễn Khoa Điềm cũng đã từng gắn chặt tuổi thơ mình cùng những trò chơi nên cái sức mạnh văn hoá truyền thống ấy đã là hành trang không thể thiếu của đời người. Đó là trò thả diều, một trò chơi dân gian nổi tiếng của xứ Huế mà cho đến bây giờ “diều Huế” trở thành một thứ “đặc sản” văn hoá rất riêng: “Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng/Rút những cọng rơm vàng về kết tổ/Đã dạy ta với cánh diều tuổi nhỏ/Biết kéo về cả một sắc trời xanh”.

Đó còn là chuyền nẻ kết hợp nhuần nhuyễn giữa động tác và lời đồng dao đi cùng động tác:“Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê ly/ “Chuyền chuyền một…” miệng, tay buông bắt/ Ngôn ngữ lung linh quả chuyền thoăn thoắt/Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga” (Mặt đường khát vọng).

Từ một trò chơi tưởng chừng con trẻ vô bổ ấy, khi đã trở thành giá trị văn hoá truyền thống thì nó chứa một sức mạnh vô song: một tình yêu tiếng nói dân tộc đến nặng lòng. Và trò chơi “đánh trận giả” thuở ấu thơ lại cũng hiện về làm nền tảng sức mạnh trên bước đường ta ra trận thật - trận đọ sức mất còn cùng siêu cường quốc Mỹ: “Lối đường làng ta chọc chú ve xưa/ Nay là lối em ta đào hầm đặt bẫy/ Những trận giả trẻ con ta từng chơi, buổi ấy” (Gửi anh Tường).

3.2 Văn học dân gian

Văn học dân gian vốn là một biểu hiện cụ thể của văn hóa dân gian. Đó là nền văn chương truyền miệng tự xa xưa còn lưu mãi đến ngày nay mà không cần chữ viết. Văn học dân gian ViệtNamcũng đa dạng, phong phú không kém bất kỳ một nền văn học dân gian lâu đời nào trên thế giới. Đó là những thần thoại, truyền thuyết, những ca dao, tục ngữ: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại/Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”/Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội/Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Và: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Mặt đường khát vọng) để rồi vận vào tục ngữ, ca dao hình thành nên tính cách của con người ViệtNamhiện đại: “O phó bí thư mười bảy tuổi/ “ăn chưa no, lo chưa tới” mẹ ơi” (Người con gái chằm nón bài thơ). Đó còn là Đất nước của hàng ngàn pho chuyện cổ tích có tự thời “ngày xửa ngày xưa”: “Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể” (Mặt đường khát vọng) và:“Em ta nay là máu, lửa căm thù/Không kịp nghe Thạch Sanh và tròn tiếng mẹ ru” (Gửi anh Tường) Hay: “Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay Người…/Khi trái thị chạm tay Người và Người ấp ủ/Thị lừng hương và cô Tấm bước ra/Đi trả thù và sống Tự do”(Mặt đường khát vọng).

Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước được phô bày với tất cả vẻ đẹp lung linh của truyền thống văn hóa vừa gần gũi, cụ thể lại vừa thiêng liêng, huyền ảo.

4 Văn hoá phong tục, tập quán:

Phong tục, tập quán cũng là một thành tố quan trọng trong văn hóa tổ chức đời sống cá nhân của người Việt. Đó là những phong tục, tập quán được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo nguời Việt, khi một sinh linh được sự tác hợp Âm Dương của Cha và Mẹ vừa mới hình thành như một hạt máu, bản thân nó đã có sự sống riêng trong lòng người mẹ. Người mẹ lúc này không chỉ sống cho riêng mình mà sống cả vì sự sống của thai nhi trong bụng. Vì thế, cái phong tục tính “tuổi mụ” trở thành một phong tục thiêng liêng trong quan niệm tín ngưỡng về mười hai bà mụ: “Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành/ “Tuổi của mụ” con nằm trong bụng mẹ/Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ/ Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi”.

Đó là tập quán “miếng trầu là đầu câu chuyện” có từ thuở các vua Hùng dựng nước bằng câu chuyện “Trầu cau” ăm ắp nghĩa tình vừa mang yếu tố truyền thuyết lại vừa đậm yếu tố đời thường của cổ tích: “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn”. Đó là tập quán thể hiện quan niệm “cái răng cái tóc là góc con người” của người Việt cổ xưa: “Tóc mẹ thì bới sau đầu” (Mặt đường khát vọng). Đó còn là tín ngưỡng sùng bái con người thể hiện qua một thứ “tôn giáo” đặc sắc ViệtNam: Đạo thờ cúng tổ tiên. Người ViệtNamquan niệm, khi chết đi chỉ có phần vật chất (thể xác) là tiêu tan còn tinh thần (linh hồn) thì tồn tại vĩnh viễn và thường xuyên đi về trần gian thăm nom, phù trì con cháu. Vì thế, bái vọng tổ tiên là điều không thể thiếu thể hiện sự tôn trọng đầy thiêng liêng của người sống đối với người đã khuất: “Con lại về thăm ảnh cha xưa/Người chiến sĩ đánh Tây/Mười lăm năm, mới có mặt trên bàn thờ/ Bạn con đến thắp nén nhang thơm ngát/Mắt cha vui phấp phới bóng trăm cờ” (Đất ngoại ô).Hồn thiêng cha ông vẫn cùng đi về cùng cháu con trong đời thực: “Nơi ta và tổ tiên/ Vẫn đi về trước cửa/Nơi mùa màng vất vả/Vẫn thơm lừng mái phên” (Cái nền căm hờn).

Cái sâu bền của thơ Nguyễn Khoa Điềm chính là ở đó. Vừa linh thiêng, quyến rũ vừa căng đầy sức mạnh của hiện thực cuộc đời.

5. Truyền thống lịch sử dân tộc:

Lịch sử và văn hóa là hai phạm trù vừa độc lập lại vừa rất thống nhất. Tất cả mọi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đều phải có bề dài lịch sử. Và từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với những giá trị văn hóa từ quá khứ đến thời kỳ lịch sử ấy. Truyền thống lịch sử dân tộc trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.

5.1 Là một dân tộc mà lịch sử hình thành gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam

Lịch sử Việt Nam đã trải qua không ít những giai đoạn bị cắt chia đất nước bởi nhiều lý do, song lịch sử một giai đoạn thường bị chi phối bởi thế lực chính trị của giai đoạn lịch sử ấy mà thôi, còn văn hóa sử thì lại tồn tại vượt thời gian, vì thế nó trở thành sợi dây nối thiêng liêng, dù vô hình, làm nên sự thống nhất của dân tộc: “Chúng ta là người miền Nam/ Nhưng tôi biết anh gốc gác họ Hoàng Kinh Bắc/ Còn tôi họ Nguyễn tỉnh Đông/ Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm/Hôm nay bỗng réo sôi từng hồi từng trận” (Mặt đường khát vọng).

Chính vì lẽ đó mà người Việt dù vô cùng gắn bó với quê cha đất tổ, nhưng khi vì lợi quyền mở mang và thống nhất giang san, họ sẵn sàng vui vẻ rời quê làm kẻ lưu đày, lao ra chiến trận: “Cầm giáo, cầm khiên và cất tiếng hát lưu đày” (Mặt đường khát vọng). Lưu đày mà cầm giáo, cầm khiên; lưu đày mà ra đi trong vang ca tiếng hát thì quả là một cuộc lưu đày đầy thi vị và lạc quan. Đây cũng chính là nét văn hóa truyền thống quý báu của người dân Việt.

5.2. Là truyền thống đánh giặc giữ nước

Đây là truyền thống nổi bật làm nên phẩm giá ViệtNam: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc”. Lịch sử dân tộc gắn liền với lịch sử đánh giặc giữ nước và vì thế: “Hãy nhìn rất xa/Vào bốn ngàn năm Đất nước/Năm tháng nào cũng người người lớp lớp/ Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Có nhiều người đã trở thành anh hùng”, trong đó có không ít những người mẹ anh hùng trực tiếp tham gia đánh giặc: “Mẹ của con ơi hẳn mẹ sẽ yêu hơn/ Thịt da mẹ vuông tròn là thế đó/Chúng con xin đón mẹ vào đội ngũ/ Hiếu thảo gia đình, chung thuỷ nước non”. Đó là truyền thống của thần tích Phù Đổng Thiên Vương và cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân thời Trần ngày trước: “Đất nước muôn năm/Nhưng ngựa đá lại xuống đường/Những bà mẹ đo chân vào thần tích/Để hoài thai triệu triệu những anh hùng” Và: “Trong lặng im ai đó trả lời:/ Người Mỹ đừng quên đây là xứ sở/Của những Yết Kiêu bất tử!” (Mặt đường khát vọng).

Rồi cùng tiếp nối với ngọn cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn: “Kỷ niệm tuổi thơ phơ phất bóng lau qua/Lớp trẻ đi những triền đồi bãi sóng/ Trên vai bạn cờ lau tập trận/ Lịch sử ngàn năm là ước mơ nay/Xe đi trong rừng lau gió bay” (Lau).

Đánh thức truyền thống cha ông để kéo tuổi trẻ lầm lạc của miềnNamtrở về nguồn cội:“-Sao các anh đến Hoa Lư/Không đem theo mỗi người một cành lau/Để làm cờ và tập trận/Như Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa từng nuôi chí lớn”.

Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, máu hòa trong máu làm nên sợi chỉ đỏ vô hình xuyên suốt chiều dài lịch sử: “Máu thấm sâu xuống mỗi mặt đường/Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Lợi/ Trên trăm lối những anh hùng để lại/Máu cháu con hoà với máu cha ông” (Mặt đường khát vọng).

Đó còn là truyền thống gần của những ngày đầu đánh Pháp bằng “chiến thuật trái mù u” thô sơ nhưng không kém thông minh khiến kẻ thù bao phen khiếp vía:“Ôi trái mù u động dưới chân Người/Còn muốn theo người ra cản giặc” (Nơi Bác từng qua), “Cho tôi làm một trái mù u/ Lăn theo chân các anh, các chị” (Con chim thời gian).

Chính truyền thống đã lưu truyền vào xương thịt một cách tự nhiên làm nên sức mạnh: “Cho xương con có dáng trăm cọc bêu đầu/ Cho mắt con có màu gươm của mắt nghìn người bị chém/Cho tay con có mười chiếc đinh của nghìn tay bị đóng” (Mặt đường khát vọng).

5.3. Là quan niệm mang tính truyền thống dân chủ: Đất nước của nhân dân

Chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tự mình thú nhận khi được hỏi về quan niệm Đất Nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, ông bảo: “ Ý tưởng xuyên suốt của tôi trong chương này là thể hiện một Đất nước của nhân dân, do đó, từ ngữ, hình ảnh, chất liệu thơ được sử dụng đều nhằm làm rõ ý tưởng này” [6, tr. 274]. Tác giả đã khái quát về nhân dân, đó là những người:

“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại/Để Đất Nước này là Đất nước của Nhân dân”.

Chính Nhân dân đã sáng tạo lịch sử và sáng tạo văn học, vì thế, đã là “Đất Nước của Nhân dân” thì nhất định phải là “Đất Nước của ca dao, thần thoại”. Nhân Dân trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa khái quát lại vừa cụ thể. Nhưng dẫu có thế nào họ vẫn là nhân vật trung tâm làm nên Đất Nước:“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất Tổ Hùng Vương/ Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm/ Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiêng/ Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh/Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm/Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/Ôi Đất Nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hoá núi sông ta” (Mặt đường khát vọng).

Và có lẽ, tập trung nhất, tiêu biểu nhất cho sự nối kết truyền thống văn hoá - lịch sử để làm nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, chính là danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Vì sao? Vì: "Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương/Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một Cột/Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp/ Có Người cũng đã thành thơ/ Có Người, mũi tên đồng Cổ Loa/Không chịu vùi dưới đất/Không nằm yên trong viện bảo tàng/ Chúng bay lên xé gió thời gian/Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử/Để cắm vào đầu giặc Mỹ”.

Người gọi dậy cả những giá trị văn hóa tưởng chừng như đã mất: “Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt/Biết toả hào quang từ hàng chục cánh tay/ Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu/Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại/Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi/ Dẫu mất đầu vẫn giữ /một dáng đứng Việt Nam/ Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần/(cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn/ nhưng có Người, cái mất đi phải trả về hình dáng)/ Quá khứ được nhìn từ đôi mắt hôm nay/ Và Hôm Nay từ đôi mắt Ngày Mai/ Chúng tôi sống bằng Tương lai một nửa” ((Mặt đường khát vọng).

Quá khứ - Hôm nay - Ngày mai nối tiếp nhau, toàn dân theo con đường Người đã chọn làm nên giá trị trường tồn bền vững của truyền thống văn hóa nước nhà.

6. Văn hoá Trị Thiên - Huế:

Sinh ra và trưởng thành trên vùng đất giàu giá trị văn hóa, thơ Nguyễn Khoa Điềm thấm đẫm hồn Huế, chính vì thấm nhuần nền văn hóa dân gian nơi chôn nhau cắt rốn nên khi khái quát về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm nghĩ ngay đến những câu ca dao bình dân của xứ sở: “Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”/Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi” (Mặt đường khát vọng). Đau thương tủi hờn những ngày Huế còn rên xiết dưới bàn chân giặc, câu dân ca trữ tình cũng đứt đoạn nỗi niềm đau: “Trước bến Văn Lâu/ Đau biết mấy lần mẹ hát khúc ca dao”.

Đó còn là những vần “thơ mụ Đội”, câu chuyện của “cụ Trâu trên khu phố buồn đau”, rồi: “Đêm đêm khơi từng ngọn lửa/Kể tôi nghe chuyện mụ lý, ông cò…” (Đất ngoại ô).

Đó còn là những trò chơi dân gian gắn liền với vùng đất Huế, long lanh sắc màu giữa chợ Gia Lạc: “Con gà đất bảy màu/ Sống bằng hơi con trẻ/Hùng dũng gọi mùa xuân/ Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia Lạc” (Con gà đất, cây kèn và khẩu súng); là dòng Hương thơ mộng, bao đời trở thành chứng nhân lịch sử của vùng đất kinh thành, là dòng sông tri âm của nhiều danh nhân tên tuổi: “Biết ơn dòng sông dựng dáng kiếm uy nghi/Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa/Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa/Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm” (Mặt đường khát vọng).

Và gần hơn là lời Hịch phò vua những ngày cần Vương đánh Pháp: “Qua hoàng thành cha ông gọi tên tôi ù ù trong họng súng thần công/Hịch Cần vương tưởng còn vang qua chín cửa/Sắc đẹp nghìn xưa thấm từng trang lịch sử” (Đất ngoại ô).

Đó còn là vùng đất của những ngày cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế học: “Lớp học nào Người đã đến ngồi đây/Những mùa thu im lìm lá đổ/ Như vùi sâu cả bầu trời xứ sở/Xuống lòng sông nức nở khúc nam ai” (Nơi Bác từng qua).

Đó còn là những con phố Huế thân quen gắn với tuổi tên những anh hùng, danh nhân dân tộc. Không đơn giản là những tên đường, tuổi tên họ đã làm sống dậy truyền thống hào hùng trong những ngày Huế sục sôi xuống đường tranh đấu:“Trần Hưng Đạo gối lên Phan Bội Châu/ Phan Bội Châu nối tay Huỳnh Thúc Kháng/Qua cầu là Chi Lăng, Nguyễn Du/Vào đại nội có Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm/…Nhà thơ cầm tay anh hùng” (Mặt đường khát vọng).

Văn hóa Huế một phần gắn chặt với sông nước Hương giang vì thế những vạn chài ven sông trở thành một thứ văn hóa đầy ám ảnh: “những người dân nghèo về đây/ như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến” (Đất ngoại ô).

Nhà Nguyễn Khoa Điềm ở vùng Vĩ Dạ, mỗi bận qua lại bến Đập Đá là mỗi một lần chứng kiến đời sống vạn chài lênh đênh sông nước: “Ôi những cuộc đời sụt lở dần theo con nước mỗi năm lùa vô Đập Đá”. Và từ cái chuyện văn hóa bến sông, bãi cồn ấy, tác giả liên tưởng ngay về mẹ, về lời mẹ dạy con xuất phát từ sự cần thiết của nước ngọt trên những bãi ngô ven thôn Vĩ Dạ:“Nước mặn lên lúa héo ở bên cồn/ Mẹ vẫn dặn “đổi nước ngọt” chứ đừng “bán nước” (Đất ngoại ô).

7. Truyền thống văn hóa - lịch sử thế giới:

Với vốn tri thức uyên bác của một người ham đọc và đọc nhiều, Nguyễn Khoa Điềm nắm bắt được rất nhiều những tư tưởng triết học, những giá trị văn minh nhân loại. Chính vì thế, trường liên tưởng của thơ ông thường được tiếp sức bởi những tri thức văn hóa - lịch sử nhiều lớp, nhiều tầng: “Những tội ác con người đã đi qua bỗng hồi sinh trở lại/ Như những tầng diệp thạch vỡ làm đôi/ Và những con bò sát khổng lồ ùa ra múa vuốt, liếm môi/ Rồi những Khan Tác-ta bỗng bước ra từ bão cát/Rùng rùng đi tàn phá nước non này”.

Khi tố cáo tội ác tinh vi của Đế quốc Mỹ, tác giả đã mở rộng không gian liên tưởng từ những giá trị văn hóa qua cái nhìn đối lập xưa - nay: “Những bạo chúa tự hào lối đánh bánh xe quay?/ Giờ đã có trực thăng treo người vào không khí”Và: “Chuồng cọp của lãnh chúa xưa đáng gọi hôi tanh/ Nay miệng những thằng ác ôn đã tanh ngòm gan với máu/ Xưa “Luật cọ vế” là vinh hoa sáng tạo/ Nay thú tính, dâm ô thành lý thuyết tôn thờ” (Mặt đường khát vọng).

Không chỉ văn hóa truyền thống của dân tộc mới ẩn chứa sức mạnh và niềm tin, tất cả tinh hoa văn hóa nhân loại đều là gia sản chung của nhân loại tiến bộ. Hơn ai hết, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý, tự do; hiểu rất rõ giá trị tinh thần của những nền văn hóa thế giới, lấy nó làm sức mạnh, dồn vào làm nên cuồng phong đánh tan giặc Mỹ. Chính “cái kiểu văn minh Mỹ” chứ không ai khác đã hủy diệt những giá trị văn hóa được toàn nhân loại tôn thờ: “Chúng đánh cho ta khắc nghiệt trước cái hôn Ju-li-et – Rô-mê-ô/ Không bén mảng những cánh rừng của Ang-đéc-xen, những bãi biển Ta-go nhìn bầy con trẻ” (Mặt đường khát vọng).

Không những đánh mất giá trị văn hóa chung của nhân loại, Đế quốc Mỹ còn đánh mất văn hóa của chính cha ông mình để lại: “Mà đến ViệtNam. Và đánh mất ở đây tất cả những giá trị cao quý con người/ Đánh mất Lin-côn, Giép-phóc-xơn, Hê-ming-uê… trong những bãi B.52” (Mặt đường khát vọng).

Trên bình diện văn hóa học, dân tộc ViệtNamluôn sống theo lối quân bình Âm Dương, chính vì thế người Việt rất linh hoạt và cũng rất lạc quan, người phương Tây thường gọi chúng ta là một dân tộc sống “vì tương lai”. Chính vì thế, từ những ngày giữa rừng núi âm u, trong bối cảnh bom gầm đạn rú, giữa cuộc chiến tranh một mất một còn, con người bỗng thấy tự tin hơn, yêu đời hơn khi trải lòng mình vào âm nhạc: “Anh nhớ đêm nào nghe nhạc Bet Tô Ven/Mưa thấm qua hầm dĩ nhờn trên mặt/Bom toạ độ vung xoè năm ngón sắt/Muốn bới tung chỗ kiêu hãnh ta nằm/Trong chương cuối cùng bản giao hưởng số năm/Đó là lúc trái đất vừa toả nắng/ Ta reo lên cho nhạc sĩ nghe cùng:/- Thiên tài ơi, trận đánh, Anh cũng tấn công” (Gửi anh Tường).

Cũng bởi chính điều này mà biểu tượng văn hóa Châu Mỹ La tinh Chê - ghê - va - ra luôn được lớp lớp thế hệ người ViệtNamtôn kính. Trong biểu tượng tự do, bất khuất của Chê có cái gì đó rất ViệtNam. Nếu nói như Chê là: “Nhân loại cần nhiều Việt nam cho nhân loại” thì chúng ta cũng cảm nhận rất rõ rằng: Việt Nam cũng cần rất nhiều những giá trị, những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm nên sức mạnh Việt Nam: “Tôi hình dung Chê đứng trước cuộc đời/Mười họng súng kẻ thù giương tận ngực/Tỳ tay lên cái chết làm diễn đàn/- “Hãy nhớ lấy lời tôi!” - Chê kêu gọi/ “Nhân loại cần nhiều ViệtNamcho nhân loại” (Hình dung về Chê Ghêvara).

Đến đây thì ai cũng có thể nhận ra rằng: sức mạnh của văn hóa truyền thống là vô cùng quan trọng đối với lịch sử một dân tộc. Và cũng chính những giá trị văn hóa đó khi được cảm nhận sâu sắc và đưa vào thơ sẽ tạo nên những khoảng âm vang rất lớn để thơ ca trường tồn và song hành cùng lịch sử. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính chiều sâu của những giá trị văn hóa đã tạo nên nét phong cách riêng làm nên gương mặt thơ Nguyễn Khoa Điềm .

2. Văn hóa dân tộc trong trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (Nguyễn Thị Dung - Báo Văn hóa nghệ thuật)

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có chỉnh thể của một kết cấu trữ tình trọn vẹn, sâu lắng, khai thác bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian, đã khắc họa diện mạo văn hóa Việt Nam từ nguồn gốc đến cách thức tổ chức đời sống, xã hội, đặc biệt những đặc trưng về phong tục tập quán. Từ đó, tác phẩm làm nổi bật lên những giá trị, phẩm chất, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam.

Đất nước là một chương tiêu biểu trong Trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Một phần của chương này đã được trích giới thiệu trong chương trình dạy Ngữ văn cho học sinh lớp 12, cũng là trích đoạn được bạn đọc ở nhiều thế hệ biết đến và quen gọi là Bài thơ Đất nước. Một bài thơ có chỉnh thể của một kết cấu trữ tình trọn vẹn, sâu lắng - một cuộc tâm tình của anh với em về đất nước mình - Đất nước của nhân dân, vừa bình dị lại vừa thiêng liêng.

Với một giọng điệu tâm tình quen thuộc của văn học dân gian - kết cấu diễn ngôn được lựa chọn để kể câu chuyện về đất nước, nói như nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu, Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn dắt bạn đọc “đến hiện đại từ truyền thống” để hiểu về đất nước Việt Nam mình từ chiều rộng của không gian văn hóa đến chiều sâu và bề dày của truyền thống lịch sử văn hóa, văn hiến dân tộc. Nếu văn học là sự phản ánh đời sống bằng hình tượng thì trên phương diện phản ánh đời sống văn hóa bằng các hình tượng nghệ thuật, tác giả của Đất nước đã sử dụng cả một trường văn hóa với những chất liệu dân gian, dân tộc thông qua một loạt những diễn ngôn và biểu tượng văn hóa.

Danh lam thắng cảnh là một phần của di sản văn hóa, làm nên niềm tự hào Việt Nam, bởi vậy, khắc họa khuôn mặt văn hóa dân tộc không thể không nói đến đặc điểm và vai trò của yếu tố văn hóa này. Trong Đất nước, bằng phép liệt kê có chọn lọc, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã điểm tên những địa danh văn hóa tiêu biểu của nước ta ở cả ba miền: Bắc - Trung - Nam. Mỗi địa danh được nhắc đến trong Đất nước là một địa chỉ văn hóa. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái là hai thắng cảnh ở miền Bắc Việt Nam. Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn gắn liền với huyền thoại bồng con chờ chồng hóa đá của nàng Tô Thị. Hòn Trống Mái nằm trong quần thể di tích núi Trường Lệ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, theo tương truyền được hình hành từ sự hóa thân của hai vợ chồng. Hai thắng cảnh nổi tiếng này được tạo tác không chỉ bằng sự tài tình của tạo hóa mà còn được dệt thành từ câu chuyện tình yêu, chuyện nghĩa tình chồng vợ thủy chung, son sắt đã hóa tượng đài đá bất tử, thách thức mọi khắc nghiệt của thời gian. Còn đó vết chân ngựa Thánh Gióng để lại “trăm ao đầm” quanh chân núi Sóc Sơn (Hà Nội); là trùng điệp núi non hùng vĩ của quần thể di tích Đền Hùng với “chín mươi chín con voi” bao quanh núi Hy Cương (Phú Thọ) làm nên di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Đền Hùng; là thắng cảnh Hạ Long với những “con cóc, con gà quê hương” mang vẻ đẹp giản dị mà độc đáo. Còn ở miền Trung là Quảng Ngãi với địa danh “Núi Bút, non Nghiên”, một thắng cảnh đẹp mà theo tương truyền gắn với tích anh học trò nghèo hiếu học được cậu ông trời (con cóc) lấy trộm bút và nghiên của trời làm phương tiện đi thi. Dấu tích của những ao hồ và núi đồi do bút rơi và nghiên mực vỡ vung tung tóe khắp nơi bên cạnh núi Kim Nhan ngày nay còn lại ở Quảng Ngãi là minh chứng cho những điềm lành mà Trời đã ban cho vùng đất Quảng Ngãi, để núi Bút, non Nghiên trở thành một biểu tượng về truyền thống hiếu học. Dòng Cửu Long hiền hòa tươi đẹp được tạo thành từ “những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”, bên cạnh các tên đất, tên làng là tên người như: Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm đều là một phần của văn hóa Nam Bộ. Với Nguyễn Khoa Điềm, trải dài trên mảnh đất văn hiến hình chữ S đâu đâu cũng ghi dấu tích “dáng hình, lối sống, ao ước ông cha” - là cái hồn của đất, của sông, của núi làm nên những huyền thoại đẹp, thổi hồn cho những ruộng đồng, gò bãi, làm tăng thêm sức hấp dẫn, giá trị của những địa danh, di tích như Vịnh Hạ Long, Hòn Trống Mái, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… Đây là một phần của gương mặt văn hóa dân tộc, là một nét riêng của danh lam thắng cảnh Việt Nam được lý giải trong Đất nước. “Không gian mênh mông” của văn hóa nói như Nguyễn Khoa Điềm là không gian “dân mình đoàn tụ” đã hiện hữu không chỉ bằng tên đất, tên sông - cái có thực mà còn bằng cả một niềm tâm tưởng vô cùng vô tận của những hoài vọng sâu lắng từ một miền huyền thoại, truyền thuyết mà ở đó dân mình đã xây đắp, bảo vệ, gìn giữ và “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, “làm nên Đất nước muôn đời”.

Khi nói đến đời sống và tổ chức cộng đồng người Việt truyền thống không thể tách rời đặc điểm sản xuất nông nghiệp. Do đặc điểm riêng về khí hậu và thổ nhưỡng nên về cơ bản, nước ta xét về mặt sản xuất và tổ chức sản xuất trước đây là một nước thuần nông, lực lượng lao động chủ yếu là nông dân với việc nhà nông của những người nông dân một nắng hai sương giãi dầu mưa nắng, liền tay hết “đắp đập be bờ” ngăn nước, trị thủy để gieo trồng; có được hạt lúa, củ khoai phải trải qua “xay, giã, dần, sàng”...

Những nề nếp, thói quen, tục lệ như một phần tất yếu của nếp sống là phong tục, tập quán, một trong những nét đặc trưng để nhận diện phương thức tổ chức đời sống, lối sống dân gian Việt Nam. Đây là nét văn hóa truyền thống bình dị, thân quen đã được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ, là một phần không thể thiếu trong tâm thức và thực hành văn hóa của nhân dân từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Có thể nói, Đất nước Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng hiện thực tâm thức văn hóa dân gian ấy rất thành công để lý giải nguồn gốc, quá trình lớn lên của dân tộc bằng nề nếp, thói quen, tục lệ - một trong những đặc sắc văn hóa người Việt. Những thực hành thường nhật như ăn trầu, búi tóc, đặt tên con trẻ, thờ cúng tổ tiên… được khơi gợi bằng “miếng trầu bây giờ bà ăn”, “tóc mẹ thì bới sau đầu”, “cái kèo cái cột thành tên”, “ngày giỗ tổ”... để rồi từ đó mở ra bao liên tưởng về cả một kho tri thức dân gian.

Trầu cau là truyện cổ trong kho tàng truyện cổ dân gian người Việt chứa đựng nghĩa nhân sinh đẹp đẽ đằng sau sự hòa quyện của trầu, cau, vôi, đó là tình anh em thắm thiết, tình vợ chồng keo sơn, tình cảm gia đình nồng ấm muôn đời được dân ta trân trọng, giữ gìn. Nhắc đến “miếng trầu bây giờ bà ăn” là gợi nhắc đến những cổ tích (Trầu cau, Tấm Cám), những ca dao mà ở đó trầu cau đã trở thành tín vật của tình yêu, hôn nhân, là “đầu câu chuyện”, là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời mà hồn cốt và tinh thần của nó còn được thực hành trong đời sống người Việt cho đến nay. Với ý tưởng và nhận thức riêng về vai trò của phong tục đối với lịch sử dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm đã viết “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Miếng trầu, tục ăn trầu đã trở thành tín hiệu văn hóa khởi đầu cho sự ra đời của dân tộc Việt Nam, đó là sự ra đời trước tiên để hình thành diện mạo dân tộc, gắn bó với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ buổi “trồng tre đánh giặc”. Nói về “tóc mẹ thì bới sau đầu” là nhắc đến tục búi tóc sau đầu - một thói quen đồng thời là một biểu hiện của quan niệm thẩm mỹ gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt truyền thống. Đặt tên cho con cũng là một phong tục xưa khá phổ biến của người Việt Nam xuất phát từ niềm tin những điều lành, điều cấm, do đó “cái kèo, cái cột” - thứ vật quen thuộc, có vai trò quan trọng trong kết cấu ngôi nhà Việt truyền thống đã được dùng để đặt tên cho người cũng là hợp lôgic với tư duy và khát vọng của người Việt: Bình yên và vững chãi, thế là đủ cho ao ước của cha mẹ về cuộc đời con trẻ, tâm lý của người Việt ta là thế, cứ đơn giản, gần gũi, nôm ma mà an lành.

Trong lòng mỗi người dân Việt, dù đi đâu, ở đâu thì ý thức về cội nguồn dòng tộc, tổ tiên sẽ luôn ngự trị. Người Việt luôn tự hào mình có nguồn gốc Lạc Hồng, cha là Rồng, mẹ là Tiên. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là một trong những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc Việt, là huyền thoại quý mà cho đến nay, dân ta vẫn luôn tự hào, thờ phụng đã được nhà thơ gợi nhắc qua câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, “Chim về, Rồng ở”. Cũng với nguồn gốc tông tộc ấy mà Rồng và chim Lạc là hai linh vật được tôn sùng, bái vọng trong văn hóa Việt Nam. Bái vọng và thờ cúng tổ tiên, thờ cúng ông bà, cha mẹ đã khuất là xuất phát từ cái đạo lý “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn” hay hướng về cội nguồn với một tấm lòng thành kính lễ, “cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ” là truyền thống đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Nếu như trích đoạn này có kết cấu của một mạch trữ tình suy tưởng để chiêm nghiệm về đất nước thì từ đầu cho đến kết thúc, đích của nó đã đạt đến bằng việc trả lời thành công các câu hỏi: đất nước có từ bao giờ, đất nước là gì và ai đã làm ra đất nước? Với Nguyễn Khoa Điềm, khởi đầu của đất nước là truyền thống văn hóa với những phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, đất nước do đó cũng là những gì gần gũi, bình dị thân thương mà thiêng liêng nhất như tuổi thơ, như tình bạn, tình yêu, gia đình, làng xóm... và nhân dân chứ không ai khác là người đã làm ra đất nước. Tư tưởng “Đất nước này là đất nước của dân” được khẳng định trong Đất nước là kết quả của những đúc kết sau nhiều suy tư, truy nguyên sâu sắc, cũng là một điều dường như đã được xác lập thống nhất, là tư tưởng xuyên suốt trong cả đoạn thơ này. Rõ ràng, nhân dân là chủ nhân của phong tục, tập quán, lối sống, là người thực hành, bảo tồn và phát huy nhưng giá trị văn hóa tốt đẹp của chính mình; không ai khác, chính nhân dân cũng lại là người hóa thân mình vào hồn sông núi để vẽ nên dáng hình đất nước. Đúng như Nguyễn Khoa Điềm viết: “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”, vai trò lịch sử và vai trò văn hóa của nhân dân đã được lý giải như thế trong Đất nước. Sẽ thật là thiếu nếu chúng ta nói về bản sắc văn hóa Việt Nam mà quên nhắc đến tính cách, tâm hồn con người Việt Nam. Những đặc tính: giản dị, cần cù, kiên trì trong cuộc sống, trong lao động; dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, trước sau nghĩa tình chung thủy; biết quý trọng sức lao động... và đặc biệt có một tình yêu nước nồng nàn nhưng giản dị là những tính cách nổi bật của con người Việt Nam. Những nét đẹp tâm hồn và tính cách ấy của dân tộc ta đều đã được truyền tải một cách tự nhiên trong Đất nước trong từng hình ảnh, câu từ:

“Em ơi em/ Hãy nhìn rất xa/ Vào bốn nghìn năm Đất nước/ Năm tháng nào cũng người người lớp lớp/ Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/ Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở thành anh hùng... Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại’’.

Dù đặt trong bối cảnh nào của cuộc sống, trong lao động hay trong chiến đấu thì những phẩm cách sáng ngời của tinh thần và tâm hồn Việt Nam vẫn luôn hiện hữu và trở thành mạch nguồn sức mạnh, thành bản lĩnh dân tộc.

Đất nước Việt Nam - bốn chữ thiêng liêng ấy vốn là đề tài lớn của nghệ thuật, là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác văn học. Nguyễn Khoa Điềm từ một góc nhìn văn hóa khai thác ở bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian là chất liệu nghệ thuật đã thực sự thành công khi viết về đất nước. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đem đến diện mạo Việt Nam từ nhiều chiều, từ nguồn gốc đến cách thức tổ chức đời sống, xã hội và đặc biệt, những đặc trưng về phong tục tập quán, từ đó nổi bật lên giá trị, phẩm chất, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam. Có thể nói, ở Đất nước có cả một kho tri thức văn hóa dân gian. Nói như Phạm Hoài Nam, sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm có “Sức liên tưởng mạnh” và khả năng “dẫn người đọc đi từ quá khứ đến tương lai, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ sách vở đến đời sống”. Ở góc nhìn văn hóa, trong sự cảm thụ trích đoạn này, người viết cho rằng Đất nước đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm sâu sắc, thú vị về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ đó càng yêu thương, gắn bó và tự hào. Đó cũng chính là những giá trị về mặt nhận thức văn hóa, thẩm mỹ văn hóa và giáo dục văn hóa của Đất nước.

Trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, trong xu hướng hội nhập văn hóa hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cốt lõi của dân tộc ngày càng là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Văn chương đã và đang góp sức rất nhiều trong sự nghiệp văn hóa của dân tộc, nhiều nhà văn, nhà thơ không chỉ là người nghệ sĩ chân chính, trên con đường sáng tạo nghệ thuật, với những tác phẩm của mình, họ còn góp mặt với vai trò như một nhà văn hóa, đó là: Nguyễn Khoa Điềm với Đất nước trong Trường ca Mặt đường Khát vọng cũng đã làm được điều có ý nghĩa như thế.

  • 11 lượt xem
Sắp xếp theo