Đề 6: Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt trong lần thứ hai gặp Tràng

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt qua đoạn trích sau. Từ đó làm rõ sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người:

“Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

– Điêu ! Người thế mà điêu !

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:

– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

– Đây, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi:

– Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

– Ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:

– Chặc, kệ!

Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về…”.

(Trích “Vợ nhặt” – Kim Lân)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt qua đoạn trích. Từ đó làm rõ sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người.

c. Triển khai vấn đề:

(1) Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm, , đoạn trích.

(2) Tóm tắt về lần gặp thứ nhất.

(3) Cảm nhận về đoạn trích:

- Cảm nhận chung:  Lần gặp gỡ thứ 2 vừa góp phần tạo nên tình huống truyện độc đáo, phản ánh chân thực về tình cảnh thảm khốc của người nông dân trong nạn đói, đồng thời thể hiện cái nhìn đầy nhân văn của Kim Lân về vẻ đẹp của tình người, của những khát vọng giản đơn mà cao cả. 

- Nạn đói đã tàn phá nhân hình của thị:

  • Quần áo rách tả rơi như tổ đỉa
  • Gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy có hai con mắt.

⇒ Những chi tiết miêu tả nét mặt hay cử chỉ của thị đều thảm hại bởi sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cái đói, đến miếng ăn. 

- Nạn đói đã tàn phá cả nhân tính của thị

  • Từ một cô gái vui vẻ, giờ đây thị trở nên đanh đá: sầm sập chạy tới, sưng sỉa, con cớn với Tràng. Khi Tràng vừa trả hàng xong, thị từ đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: “Điêu! Người thế mà điêu!” – Thị trách Tràng lỡ lừa thị cả miếng ăn.
  • Thị trơ trẽn trong hành động đòi ăn: ăn gì thì ăn chứ chả ăn giầu
  • Thị đánh mất phép lịch sự tối thiểu trong hành động ăn: ngồi sà xuống, cắm mặt, ăn một chặp 4 bát bánh đúc, cầm đũa quệt ngang mồm.
  • Thị trở nên bất chấp, liều lĩnh trong việc quyết định theo không Tràng chỉ qua một câu nói đùa.

⇒ Đó là hình ảnh chua xót, thảm hại của con người đàn bà đã bị cái đói hủy hoại không chỉ hình hài, dáng vẻ mà cả nhân cách cùng những phép tác xã giao, những ý tứ, lễ nghĩa tối thiểu. 

⇒ Giá trị và nhân cách con người bị hạ giá thê thảm khi chỉ cần một câu hò bâng quơ, bốn bát bánh đúc, câu đùa tầm phơ tầm phào, thị đã trở thành vợ theo, vợ nhặt- người vợ được lấy về do một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm, người vợ được nhặt về như cỏ rác. 

(4) Nghệ thuật xây dựng nhân vật: 

- Nhân vật được đặt trong tình huống để bộc lộ tính cách.

- Nhà văn lựa chọn được những chi tiết rất phù hợp để bộc lộ số phận cũng như vẻ đẹp của nhân vật.

- Nhân vật vợ nhặt nắm giữ vai trò khá quan trọng trong việc làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm

(5) Sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người.

- Hoàn cảnh có sức mạnh ghê gớm, có thể làm biến dạng về cả nhân hình lẫn nhân tính của con người.

- Qua đó ông lên tiếng tố cáo tội ác của các thế lực đen tối lúc bấy giờ đã đẩy người dân vào bước đường cùng.

- Đồng thời, Kim Lân cũng giúp chúng ta thấy được một khát vọng bất diệt của con người mà hoàn cảnh dù có bi đát đến đâu vẫn không thể dập tắt được: đấy chính là khát vọng hạnh phúc.

  • 23 lượt xem
Sắp xếp theo