Đề 2: Phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai lần xuất hiện

Đề bài: Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân là một chi tiết xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần. 

“…Ngoài đầu núi đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta chưa có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu…”;

“…Trong bóng tối Mị đứng im lặng như không biết mình bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được…”

Hãy phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai lần xuất hiện sau để từ đó thấy được ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Hãy phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai lần xuất hiện sau để từ đó thấy được ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn…

c. Triển khai vấn đề:

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

– Đánh giá khái quát về chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm, trích dẫn 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo.

II. Thân bài

1. Cảm nhận 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo.

a. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ nhất:

– Đây là những tiếng sáo đầu tiên báo hiệu những đêm tình mùa xuân đang đến, những tiếng sáo “rủ bạn đi chơi”, tiếng sáo gọi bạn yêu của những tâm hồn tự do, khao khát yêu đương.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

  • Tiếng sáo gọi bạn tình “vọng” vào tâm hồn Mị “thiết tha bổi hổi”. Từng lời hát giản dị, mộc mạc nhưng lại hàm chứa cái lẽ sống phóng khoáng, tự do của con người đã có sức mời gọi lớn lao đối với Mị: “Mày có con trai… người yêu”.
  • Mị “ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”: Cô Mị sau bao ngày lặng câm đã cất tiếng, dù đó chỉ là những lời thì thầm. Bản “tình ca” tha thiết của những kẻ yêu nhau, của những người tự do, khao khát hạnh phúc đã cất lên trên đôi môi của Mị, đánh dấu một bước trở lại của người con gái yêu đời, yêu sống ngày nào.

b. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ hai:

– Đây là tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo vọng vào tâm hồn Mị khi Mị bị A Sử trói.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

  • “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượi còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…”: Mị như quên hẳn mình đang bị trói, quên những đau đớn về thể xác, Mị vẫn thả hồn theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết, tiếng sáo không chỉ vang vọng trong không gian mà còn tồn tại trong chính tâm hồn Mị.
  • “Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được”: Tiếng sáo của những đôi lứa yêu nhau và của cả những người lỡ duyên đã có sự tác động lớn lao tới tâm hồn Mị, nó thôi thúc Mị, khiến Mị vùng bước đi, quên thực tại đau khổ trước mắt.

→ Hành động tàn nhẫn tới tận cùng của A Sử chỉ có thể trói Mị giữa ngày xuân nhưng không thể giam nổi sức xuân đang trào dâng trong Mị.

2. Đánh giá:

a. Ý nghĩa của tiếng sáo:

– Chi tiết tiếng sáo qua 2 lần miêu tả có vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm hồi sinh tâm hồn Mị, làm trỗi dậy sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong cô. Nó giống như một tác nhân làm sống dậy trong Mị những cảm xúc rạo rực của tuổi trẻ, làm bùng lên niềm khao khát sống, khao khát yêu đương. Nếu không có không khí ngày tết nhộn nhịp ở Hồng Ngài, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình không cất lên thì có lẽ Mị vẫn mãi chìm đắm trong những tháng ngày câm lặng, vô thức. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống.

– Sự xuất hiện của chi tiết âm thanh tiếng sáo còn góp phần tô đậm thêm những giá tri nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn muốn ca ngợi và khẳng định sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động miền núi không có một thế lực nào có thể hủy diệt được. Và chỉ cần âm thanh của tiếng sáo ấy có thể làm thức dậy nguồn sức sống ấy.

– Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hoài xây dựng đẫm chất thơ. Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ.

b. Ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn:

– Tiếng sáo là một trong những chi tiết được Tô Hoài dụng công miêu tả. Nó xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau.

– Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo. Qua cách diễn đạt này, độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.

  • 20 lượt xem
Sắp xếp theo