Đề 4: Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích: "Trong những dòng sông... Kim Phụng"

Đề 4: Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích sau:

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa dòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, năm 2008, tr 198)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

I. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn.

II. Thân bài

1. Khái quát

- “ Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế, ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên. Bài bút kí có 3 phần, văn bản được học trích phần thứ nhất. Đây là bài bút kí rất đậm chất tùy bút, người đọc tìm thấy ở đó một phong cách tài hoa, tự do, phóng túng với vốn văn hóa sâu rộng; một tâm hồn nhạy cảm, rất mực say mê với cái đẹp của cảnh vật và con người xứ Huế thân yêu. Vì thế, xét đến cùng, sự hấp dẫn của bút kí này chính là “ cái tôi” tài hoa ấy.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? câu hỏi bâng khuâng khơi gợi sự kiếm tìm cái đẹp tiềm ẩn trong sông Hương và thiên nhiên, con người xứ Huế.

- Thể hiện một cái tôi mê đắm, nồng cháy suy tư trước vẻ đẹp đầy quyến rũ của Hương Giang.

- Cách đặt tên độc đáo và lạ của tác giả đã thu hút sự tò mò cho người đọc những suy lắng và cảm nhận về một con sông thiên phú cho một “ nhan sắc” làm mê đắm lòng người.

2. Phân tích, cảm nhận:

Dẫn dắt: Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhân hóa dòng sông, ông kể toàn bộ thủy trình của nó tựa như một cuộc kiếm tìm ý trung nhân của người đẹp trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích. Người đẹp sông Hương có cuộc đời, có cội nguồn, có giai đoạn thử thách và hạnh phúc của mình.

a. Luận điểm 1: Bản trường ca của rừng già rầm rộ

- Sông Hương được sinh ra từ giữa lòng dãy Trường Sơn hùng vĩ bát ngát xanh. Nó được mệnh danh là “một bản trường ca của rừng già” nên mặc sức tung hoành “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, mãnh liệt băng qua những ghềnh thác, “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Và có lúc “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.

- Trường ca: rầm rộ, mãnh liệt, dịu dàng, say đắm

- Hình ảnh: mãnh liệt qua những ghềnh thác và cuộn xoáy như cơn lốc; dặm dài chói lọi màu đỏ hoa đỗ quyên rừng.

- Nghệ thuật: + nhân hóa, so sánh + câu văn dài được chia làm nhiều vế → góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của một bản trường ca.

b. Luận điểm 2: Sông Hương là một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại

- Với biện pháp nhân hóa, sông Hương được ví như, một “cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại”, bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”.

- Hình ảnh: cô gái Di – gan.

- Biện pháp nghệ thuật: nhân hóa + so sánh → lời văn thêm gợi hình, gợi cảm; đối tượng miêu tả sinh động, hấp dẫn → nhấn mạnh sự tương đồng giữa sông Hương với cô gái Di – gan.

c. Luận điểm 3: Người mẹ phù sa của một vừng văn hóa xứ sở, xứ Huế

- Khi ra khỏi rừng già, sông Hương được chế ngự để nhanh chóng trở thành người con gái mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở này.

- Người mẹ: sinh thành, nuôi dưỡng → tạo ra văn hóa Huế là sông Hương.

- Người mẹ phù sa: sông Hương ko chỉ bồi đắp phù sa để tạo nên những cánh đồng màu mỡ; mà sông Hương còn bồi đắp để tạo không gian văn hóa Huế: phong phú, giàu có, rất đặc sắc.

- Nghệ thuật: nhân hóa + so sánh + từ ngữ giàu sức gợi → giúp người đọc thấy được vị trí, vai trò của sông Hương đối với văn hóa Huế.

d. Tiểu kết:

- Dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương vùng thượng lưu toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại đầy cá tính.

3. Đánh giá:

a. Nội dung:

- Vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn: phong phú, đa dạng; cảm nhận sông Hương dưới góc độ của thi ca, nhân văn (so sánh sông Hương như con người) → đoạn văn đẹp, hấp dẫn và lấp lánh chất thơ.

- Hiểu biết của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông rất tường tận → ông trở về với thượng nguồn để khám phá cội nguồn của dòng sông mà ko một nhà văn nào làm được điều đó → đoạn văn đã giúp cho người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về sông Hương.

- Tình yêu, sự nâng niu, trân trọng của tác giả đối với con sông quê hương xứ sở.

b. Nghệ thuật:

- Hiểu biết sâu sắc về địa lí, lịch sử, văn hóa, thi ca Huế

- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc → giàu chất thơ

- Lối hành văn tài hoa, mê đắm cùng với các biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa....)

- Liên tưởng tưởng tượng phong phú, táo bạo, bất ngờ.

→ Tạo nên một trang viết đẹp như những trang hoa, tờ hoa.

III. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

  • 232 lượt xem
Sắp xếp theo