Đề 1: Cảm nhận về hình tượng sóng trong 4 khổ thơ đầu

Đề bài: Trong bài thơ "Sóng", Xuân Quỳnh viết: 

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ


Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?


Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau…”

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sóng trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về tình cảm của người con gái khi yêu.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

- Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

- Thân bài triển khai được các luận điểm.

- Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sóng trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về tình cảm của người con gái khi yêu.

c. Triển khai vấn đề

(1) Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ:

- Tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng”:

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho những nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Ngay từ những tác phẩm đầu tay nữ sĩ đã thể hiện một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, tươi tắn của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. “ Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 tại biển Diêm Điền trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được in trong tập “ Hoa dọc chiến hào” .

- Khái quát nội dung đoạn thơ: Sóng với những cung bậc cảm xúc trong tình yêu và khát vọng muốn hiểu về tình yêu của mình.

(2) Cảm nhận về đoạn thơ:

- Hình tượng sóng gắn liền với khát vọng ra đi và tìm đến tình yêu:

  • Những tính từ mang nghĩa trái ngược: “dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ”. Đó là những đặc tính đối nghịch đến bất ngờ của sóng, cũng là những cung bậc cảm xúc khi yêu của người con gái.
  • Điệp từ “và” để thể hiện quan hệ cộng hưởng, nối tiếp của những trạng thái đối lập trong tình yêu để tạo nên chỉnh thể thống nhất về cảm xúc.
  • Quan điểm hiện đại khi yêu của nhân vật trữ tình: mạnh mẽ dữ dội để đi tìm lời giải đáp cho tình yêu: Sóng tìm ra tận bể . Đó là một sự mạnh mẽ và hiện đại: dứt khoát ra đi tìm đến biển, đến những chân trời mới bao la, tự do để thể hiện tình cảm của mình.

- Tình yêu của sóng, cũng là tình yêu của em, luôn luôn là khát vọng muôn đời:

  • Từ trái nghĩa: ngày xưa, ngày sau cho thấy người con gái dù ở thời đại nào cũng vẫn khao khát được yêu.
  • “Bồi hồi” là từ ngữ miêu tả trực tiếp cảm xúc của người con gái khi yêu.

- Nhân vật trữ tình nghĩ về tình yêu của mình:

  • Điệp ngữ: Em nghĩ về… là những suy tư, trăn trở của người con gái. Đó là những rạo rực, mãnh liệt, một lòng nghĩ về tình yêu của mình.
  • Nhân vật trữ tình băn khoăn về nơi tình yêu bắt đầu.

- Những câu hỏi giàu chất suy tưởng: “Từ nơi nào sóng lên?”; “Gió bắt đầu từ đâu?”, ... đó là nhịp lòng, là những cảm xúc dâng trào của nhân vật.

- “ Em cũng không biết nữa, Khi nào ta yêu nhau” Người phụ nữ, nhân vật em trong bài thơ cũng không thể cắt nghĩa được tình yêu. Một sự bất lực đáng yêu của một trái tim yêu không chỉ đòi hỏi cảm xúc mà còn đòi hỏi nhận thức mãnh liệt.

(3) Đánh giá nghệ thuật của tác phẩm:

Sử dụng thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp, phối âm, ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, giàu xúc cảm đã thể hiện một trái tim yêu nồng nàn, say đắm.

(4) Nhận xét về tình cảm của người con gái khi yêu:

- Người con gái khi yêu luôn xuất hiện cùng lúc nhiều trạng thái cảm xúc, đôi khi có thể mâu thuẫn nhau.

- Khi yêu, họ sẽ luôn muốn hiểu được người yêu, hiểu mình và hiểu tình yêu của mình dù biết rằng tất cả những băn khoăn đều không dễ dàng giải đáp.

-Tình yêu của họ luôn nồng nàn, say đắm.

  • 11 lượt xem
Sắp xếp theo