Đề 5: Cảm nhận về đoạn trích: "Cái đói đã tràn đến... Họ cùng nín lặng"

Đề bài: Trong "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân viết:

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.

[...] Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:

– Ai đấy nhỉ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

– Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

– Quái nhỉ?

Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.

– Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.

– Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?

Họ cùng nín lặng.

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb GD, 2016, trang 24-25)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét phong cách sáng tác của nhà văn Kim Lân.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Bức tranh xóm ngụ cư trong nạn đói, tâm trạng, thái độ của Tràng và của xóm ngụ cư trước việc Tràng có vợ

c. Triển khai vấn đề:

(1) Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và vấn đề nghị luận.

(2) Trình bày cảm nhận:

* Bức tranh xóm ngụ cư trong nạn đói

- Cái đói bao trùm làm nên một bầu không khí ảm đạm, chết chóc. Cái đói làm thay đổi cuộc sống ở xóm ngụ cư.

- Tái hiện bức tranh bi thảm về nạn đói khủng khiếp năm 1945 qua không gian một ngã tư xóm chợ bị bao trùm bởi sự chết chóc, thê lương (thiên nhiên: Gió ngăn ngắt, đường làng ngõ xóm xác xơ, heo hút, tiếng quạ gào thê thiết; hình ảnh con người: lũ lượt bồng bế, dắt díu, những cái thây nằm còng queo,…; màu sắc: xanh xám, tối sầm... ; mùi vị: mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người...)

⇒ Sự tàn phá khủng khiếp của nạn đói phản ảnh một hiện thực thê thảm về nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc có sức tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

* Tâm trạng, thái độ của Tràngcủa xóm ngụ cư trước việc Tràng có vợ:

- Qua một tình huống độc đáo - Tràng nhặt được vợ - nhà văn phát hiện khát vọng đáng trân trọng của người nông dân ngay khi cận kề cái chết: dù là vợ nhặt, vợ theo không, Tràng vẫn vô cùng phấn khởi, trân trọng. Dù đối mặt với cái chết thì trong tâm hồn của người đàn ông khốn khổ vẫn nhen nhóm khát khao hạnh phúc, khát khao mái ấm gia đình.

- Tâm trạng, thái độ của xóm ngụ cư trước việc Tràng có vợ: bàn tán, hiểu, bỗng rạng rỡ hẳn lên… Bên bờ vực cái chết vì đói khát vẫn biết chia sẻ, biết cảm thông cho nhau, tin tưởng vào điều tốt đẹp.

* Nghệ thuật:

- Tạo tình huống truyện độc đáo.

- Nghệ thuật miêu tả: bút pháp tả thực tạo ấn tượng mạnh, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

- Ngôn ngữ sinh động, so sánh độc đáo, giàu tính tạo hình

(3) Nhận xét về phong cách của nhà văn:

- Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, có am hiểu về phong tục và đời sống của làng quê Bắc Bộ thế nên sở trường của ông là viết về nông thân và những người nông dân.

- Có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; Văn phong giản dị nhưng hấp dẫn, ngôn ngữ phong phú, sống động. Rất gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường thế nên nó mang đậm màu sắc của nông thôn.

  • 10 lượt xem
Sắp xếp theo