1.1. Báo Cứu quốc, số 35, ra ngày 1/9/1945
“Ngày vinh quang của Tổ quốc, ngày vui nhất của nhân dân, ngày làm cho chúng ta phải in sâu vào óc những thắng lợi vẻ vang trong khi tranh đấu giành quyền độc lập, ngày làm cho chúng ta không thể sao nhãng được nhiệm vụ đoàn kết, tranh đấu, hi sinh để bảo vệ nền độc lập.
Ngày Độc lập đã tới!
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập”...
1.2. Báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945
“Bằng một giọng rành mạch, giản dị, thỉnh thoảng Người lại hỏi vọng xuống: “Tôi nói thế này đồng báo nghe có rõ không?” tỏ ra mỗi lời nói của ông cất lên lúc này đều rất nghiêm trọng và ông muốn quốc dân không để lọt mất lời nào, ông đọc lời Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...”
“Trong ngôi nhà này, tại môn phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Dòng chữ thếp vàng ấy nổi bật trên tấm bảng bằng đá trắng được gắn ở tường, cạnh cửa ra vào ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà nằm giữa khu vực ba mươi sáu phố phường đông đúc, đã gắn liền với những ngày Cách mạng tháng Tám vẻ vang của dân tộc, đồng thời lại gắn liền với sư kiện lịch sử, không ai có thể quên mỗi lần nhắc đến sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ.
(Trích Bác Hồ với thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1990)
Có một truyền thống Việt Nam
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc với tính cách là ngày Quốc khánh Việt Nam. Sự lựa chọn thật thích đáng. Đó là ngày ra đời của Tuyên ngôn độc lập do lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh tuyên đọc, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 phải được xem là một sự kiện hoàn toàn tự nhiên. Dân tộc Việt Nam, sau gan 100 năm chịu ách đô hộ, thống trị tàn bạo của nước ngoài đã bằng cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, chấp nhận những hy sinh, mất mát to lớn giành lại được giang sơn gấm vóc, giành lại được độc lập, tự do.
Sự kiện trọng đại đó được đánh đấu bằng một bản Tuyên ngôn độc lập long trọng tuyên bố với thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay”...; “và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.
Tuy nhiên, trong cái hoàn toàn tự nhiên đó, có cái thể hiện tính đặc thù truyền thống rất Việt Nam mà không phải bao giờ cũng lặp lại ở những hoàn cảnh khác, ở những đất nước khác.
Trên bình diện so sánh có thể thấy, với sự kết thúc chiến tranh thế giới chống phát xít Đức - Nhật hàng loạt dân tộc thuộc địa, sau nhiều thập kỷ, có khi là hàng thập kỷ cũng đã chịu ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc cũng đã vùng dậy giành được quyền độc lập, tự chủ, nhưng không phải ở đâu cũng đi kèm theo các bản Tuyên ngôn độc lập.
Xét theo chiều dài lịch sử mấy ngàn năm tồn tại, dân tộc Việt Nam ta không phải chỉ một lần mất nước, một lần rơi vào cảnh bị thống trị... Do vị trí địa lý - chính trị đặc thù, sự tồn tại và sự tự khẳng định mình của dân tộc Việt Nam đã không phải một lần đối đầu với những thử thách thật khốc liệt mà hậu quả là sự lựa chọn: hoặc “thà hy sinh tất cả thứ nhất quyết không chịu làm nô lệ”, hoặc là chịu sự đồng hoá, nô dịch, diệt vong. Cuộc đấu tranh giành và giữ vững quyền sống, quyền tự do của cả cộng đồng dân tộc luôn luôn làm xuất hiện những anh hùng hào kiệt, không chỉ đại diện cho tinh thần ngoan cường, bất khuất mà còn đại diện cho cả ý chí, khát vọng được sống trong độc lập, tự do, và vì vậy họ trở thành người phát ngôn của cả một dân tộc, về những quyền sống, quyền độc lập, tự chủ thiêng liêng không ai được xâm phạm.
Ngược dòng thời gian, lịch sử Việt Nam ghi nhận: trước Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam còn có Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV của Lê Lợi - Nguyễn Trãi sau khi đánh đổ ách thống trị của triều Minh; có “Nam quốc sơn hà...” của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI trong chiến thắng xâm lược Tống. Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận quyết tâm “biến nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng trong những năm đầu Công nguyên, khi trên đàn thề trước ba quân dấy nghĩa, Hai Bà Trưng nguyện: “Một xin rửa sạch nước thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng” trước khi bước vào cuộc đấu tranh hoàn toàn không cân sức đánh đổ chính quyền đô hộ Đông Hán. Hay trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thế kỷ XIII: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...” trước hoạ xâm lăng của giặc Nguyên Mông; rồi lời truyền của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lễ duyệt binh trước khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược: “Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng...” và ông cổ vũ ba quân: “phải đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử trí Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...”.
Điểm qua lịch sử, có thể thấy Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX hoàn toàn không phải là sự kiện đột biến, cá biệt trong lịch sử vốn phải tính bằng thiên niên kỷ của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập trong thế kỷ đương đại càng chứng tỏ, dù bọn người có của nhiều, súng lắm, có một trình độ văn minh cao hơn nhiều và lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái từ phương Tây tới, trong gần 100 năm với những pháp luật dã man, nhà tù nhiều hơn trường học, với chính sách ngu dân, ràng buộc dư luận, với rượu cồn, thuốc phiện, hòng làm cho nòi giống Việt Nam suy nhược; dù chúng tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, khiến dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, đất nước xơ xác tiêu điều, thì tinh thần quật cường, ý chí giành lại độc lập, tự do của nhân dân ta vẫn không hề bị thui chột mà chỉ càng được tôi luyện thêm mạnh mẽ.
Với Tuyên ngôn độc lập ở thế kỷ XX có thể thấy một truyền thống Việt Nam xuyên suốt lịch sử nhiều thế kỷ, phản ánh một tính cách, một tâm linh rất đặc thù Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn luôn đoàn kết, đồng tâm nhất trí, vươn tới sự tự khẳng định với tính cách là một quốc gia, một dân tộc với một lòng tự tôn, tự hào dân tộc chính đáng. Và một khi đã thành truyền thống, nó là một thứ giá trị tinh thần làm nên sức mạnh vật chất có sức cổ vũ, nuôi dưỡng tâm linh các thế hệ người Việt Nam là không bao giờ và dù trong hoàn cảnh nào cũng không chịu tự đánh mất mình với tính cách là một dân tộc.
Sự kết tinh của những phẩm giá dân tộc
Thời điểm và hoàn cảnh ra đời của Tuyên ngôn độc lập những năm giữa thế kỷ XX càng tô đậm thêm tính truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Có một cái rất chung và cốt lõi xuyên suốt các tuyên ngôn chính thức và không chính thức của các vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam là tiếng nói của họ cũng chính là tiếng nói của cả dân tộc. Bằng tiếng nói của mình, các vĩ nhân thể hiện thành lời những khát vọng của dân tộc về các quyền cơ bản, trong đó có quyền cơ bản nhất: quyền sống trong độc lập, tự chủ, tự do, quyền tồn tại với tính cách là một dân tộc, một quốc gia độc lập. Dù cách diễn đạt có thể khác nhau, thì về nội dung, ý tưởng vẫn chỉ là một, và đó là điều thống nhất nhất quán dù khoảng cách về thời gian giữa các vị có khi phải đo bằng thiên niên kỷ; dân tộc Việt Nam đang tồn tại với tính cách là một quốc gia độc lập và đó là quyền cơ bản, thiêng liêng, không ai được xâm phạm. Dân tộc Việt Nam có đủ quyết tâm và lực lượng, trí lực và sự kiên trì để bảo vệ quyền thiêng liêng không ai có thể xâm phạm đó.
Trong thế giới ngày nay, mỗi dân tộc hiện đang tồn tại dưới hình thức là một quốc gia đều đã phải đi và vượt qua những con đường hoàn toàn không dễ dàng và chắc chắn ít lặp lại ở những dân tộc khác, để tự khẳng định mình. Khát vọng tồn tại và nguy cơ diệt vong luôn luôn là động lực và cũng là thách thức thường xuyên được đặt ra trong quá trình tồn tại và phát triển, phát triển và tồn tại. Sự biến mất của các cộng đồng người trên bản đồ chính trị thế giới chứng tỏ không ít dân tộc, do nhiều nguyên nhân, đã không vượt qua được sự thách thức đó.
Trên khung cảnh chung của lịch sử dân tộc, phải chăng có thể nói đến những giá trị cao quý nhất đó là bản lĩnh và phẩm giá của cả một dân tộc biết dựng và biết giữ, đã dựng và giữ một cách thành công sự tồn tại của cả cộng đồng với tính cách là một dân tộc. Quốc gia dân tộc Việt Nam xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các dân tộc như vậy. Xét trên bình diện đó, sự thành lập quốc gia dân tộc Việt Nam với một tổ chức Nhà nước riêng một biên thuỳ chính là thành quả cao quý nhất của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, và đó chính là thước đo sự trưởng thành của ý thức, tinh thần dân tộc, bản lĩnh, phẩm giá cao quý của một cộng đồng dân tộc.
Bằng thiên tài trí tuệ và nghị lực phi thường, Nguyễn Ái Quốc vượt lên trên những hạn chế của đương thời thực hiện một cuộc khảo sát lịch sử. Và bằng cách đó, Người đã rút ngắn con đường rất dài mà dân tộc phải vượt qua để tiếp cận - đến với hệ tư tưởng tiên tiến nhất thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin. Người dứt khoát lựa chọn con đường cách mạng vô sản để đi, và dẫn dắt cả dân tộc cùng đi đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính Người đã cổ vũ, động viên, tổ chức và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà bằng bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố với nhân dân và các dân tộc trên thế giới về sự ra đời, sự hồi sinh của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới về các quyền của nước Việt Nam hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Nhân danh dân tộc Việt Nam, Người long trọng khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”.
Lời khẳng định thật đanh thép. Lời của lãnh tụ thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ, và vì vậy, sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia dân tộc.
Xét trên nhiều phương diện có thể nói Tuyên ngôn độc lập đã được cả dân tộc ta viết ra bằng máu, thể hiện nghị lực, quyết tâm giành và bảo vệ bằng được quyền sống trong độc lập, tự do. Tác giả Trần Dân Tiên hoàn toàn có lý, khi viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”.
Như vậy, về thực chất, Tuyên ngôn độc lập và sự kết tinh của những phẩm giá của con người và dân tộc Việt Nam trong trung kỳ lịch sử đã không phải một lần vùng dậy từ kiếp đời nô lệ để giành quyền sống trong độc lập, tự do của cả dân tộc, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Những giá trị thời đại
Tuyên ngôn độc lập đã trực tiếp khẳng định với thế giới về các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam vừa giành được. Nhưng xét theo nội dung, tính chất và cả thời điểm ra đời, Bản tuyên ngôn hoàn toàn không phải là một sự kiện riêng lẻ, cá biệt mà là một xu thế tất yếu của thời đại.
Các quyền dân tộc cơ bản được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn độc lập Việt Nam không phải là một cái gì chỉ riêng biệt Việt Nam. Trước và cả khi Tuyên ngôn độc lập Việt Nam được truyền đi rộng rãi đến các quốc gia trên thế giới thì các cường quốc thực dân, nhân danh những kẻ thắng trận và những kẻ tự phong cho mình “sứ mệnh” bảo vệ các dân tộc đang toan tính với nhau âm mưu đặt các nước thuộc địa cũ dưới chế độ uỷ trị quốc tế thuộc Mỹ hay tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Đờ Gôn lấy tư cách của nước thuộc phe Đồng Minh quyết liệt đòi quyền của kẻ chiến thắng được tiếp tục giữ trọn vẹn đất đai hải ngoại đã từng thuộc Pháp.
Ý đồ thật độc ác. Hiểm hóc thật khó lường. Một lần nữa, trên quy mô thế giới, vận mệnh của các dân tộc đặt bao nhiêu hy vọng vào chính nghĩa Đồng Minh lại trực tiếp bị đe doạ rơi vào ách nô lệ, đoạ đày của các cường quốc thực dân. Các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ... của các dân tộc các quốc gia mà ngày nay được thừa nhận như hòn đá tảng của pháp luật quốc tế hiện đại, thì ngày ấy chưa ở đâu ghi nhận. Trong lúc đó, từ Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam mới vừa giành được độc lập, tự do bằng một cuộc chiến đấu quyết liệt “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đang vang lên đanh thép, dõng dạc bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngày nay, các nhà chính trị học, sử học, luật học, xã hội học... đang cố gắng lý giải, mỗi người theo một cách, lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bảnTuyên ngôn độc lập của mình bằng sự trích dẫn Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp. Dù cách lý giải có thể rất khác nhau, nhưng mọi người đều thống nhất với nhau ở sự thừa nhận tính hợp lý, độc đáo, sáng tạo đầy tính nhân văn và tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị lỗi lạc. Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII đánh dấu bằng Tuyên ngôn độc lập 1776 và Cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới khẳng định những lý tưởng không hề xa lạ với dân tộc Việt Nam đang khát khao tự do, độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Tuy vậy, dù có đánh giá cao ý tưởng của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ là “bất hủ”, của Cách mạng Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, Người vẫn không dừng lại ở đấy mà đã xa hơn, đi đến những khái quát mới: “Suy rộng ra”, lời của Tuyên ngôn độc lập Mỹ có nghĩa là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Sự “suy rộng ra” đó ở Người là một bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự vĩ đại, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII lên ngang tầm những lý tưởng của thời đại mới: Thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thời đại phá tan tành xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do bước lên vũ đài thế giới sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Xét theo quá trình, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không ra đời một cách bột phát mà có thể nói nó đã được suy ngẫm và viết ra từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam. Sự “suy rộng ra” sau này ở Tuyên ngôn độc lập từ lời của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776 bao hàm một sự khám phá lớn, kết quả của một quá trình khảo nghiệm, soát xét lớn các bài học từ trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nguyên lý “mọi người sánh ra đều bình đẳng” có thể nhìn nhận từ vị trí của một cá nhân riêng biệt, nhưng cũng có thể và cần phải được nhìn nhận từ vị trí của cả một dân tộc. Và vấn đề rất tự nhiên được đặt ra là: Khi cả một dân tộc không có bình đẳng, độc lập, tự do thì mỗi thành viên hợp thành dân tộc đó cũng không thể có bình đẳng, tự do. Vì vậy, đối với các dân tộc bị áp bức, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc và của mỗi cá nhân quyện chặt vào nhau thành cuộc đấu tranh chung. “Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do” - Đó là kết luận lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ thực tế đấu tranh không chỉ của riêng mình mà cho cả các dân tộc.
Đây là vấn đề, là kết luận luôn luôn được đặt ra trong thời kỳ chế độ thực dân, thuộc địa thống trị thế giới và vẫn đang được đặt ra trong thời đại ngày nay, khi những kẻ đại diện cho quyền lợi ích kỷ của các cường quốc đế quốc vẫn nhân danh quyền con người can thiệp thô bạo vào công việc của các dân tộc khác. Họ vẫn đang lên giọng đạo đức giả dạy cho các dân tộc. Từ Bản án chế độ thực dân Pháp đến Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những kẻ nhân danh, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, quyền con người đi áp bức, chi phối đời sống các dân tộc. Cũng như trước đây, hiện nay hành động của họ vẫn “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Lá cờ quyền con người, xét theo thực chất, phải thuộc về tay các dân tộc đã từng bị các cường quốc đế quốc đoạ đầy, nô dịch. Đó phải chăng cũng là kết luận lớn có thể rút ra từ Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh không chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam. Đây phải chăng cũng là một trong những thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập muốn gửi đến các thế hệ tương lai không chỉ người Việt Nam mà cả các dân tộc cùng chung ý tưởng.
Theo Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp
1- Cách mạng Tháng Tám thành công đã khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập. Nước Việt Nam độc lập thì tiếng Việt cũng được độc lập. Độc lập là tiếng nói và chữ viết trở thành chính danh. Mệnh đề ấy rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn không đơn giản chút nào trong sự nghiệp đấu tranh cho văn hoá của dân tộc Việt Nam .
Tiếng Việt “ là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc”(Hồ Chí Minh, 1962), là công cụ hữu hiệu trong phát triển và giữ gìn văn hoá Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Nhưng tiếng Việt, cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám, mới thật sự là thứ ngôn ngữ chính danh. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” mà Hồ Chủ Tịch đọc ngày 2 tháng Chín năm 1945 là một minh chứng cho điều tiếng ta đã thật sự trở thành một tiếng độc lập.
2- Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán đã có một cương vị đáng kể trong đời sống nước ta do các tiếp xúc ngôn ngữ và cả chính sách hướng tới việc đồng hoá văn hoá. Mặc dù người Việt đã có những cố gắng tự chủ cao độ, mà biểu hiện rõ nhất trong việc hình thành cách đọc Hán-Việt, thế nhưng, ngay cả sau thế kỷ thứ mười, khi nước ta đã giành độc lập, chữ Hán vẫn được coi là chính danh trong giáo dục-đào tạo (hệ thống khoa cử), trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước (từ Chiếu chỉ và các Châu bản của nhà vua) và trong sáng tác văn chương (dòng văn học chữ Hán). Các văn kiện nổi tiếng về nền độc lập dân tộc như bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (tương truyền của Lý thường Kiệt, hay “Bình Ngô Đại cáo” (của Nguyễn Trãi),… đều được viết bằng chữ Hán. Phải đến “Tuyên Ngôn Độc Lập” (1945) cuả Hồ Chí Minh ta mới có một văn kiện chính thức đầu tiên về nền Độc lập dân tộc được viết bằng tiếng Việt, chữ Việt một cách chính danh. Ngôn ngữ “Tuyên Ngôn Độc Lập” là một sản phẩm đẹp đẽ của tiếng Việt chuẩn mực và hiện đại. Một hòn ngọc văn hoá qua tay một thợ kim hoàn điêu luyện.
3- Ngôn ngữ “ Tuyên ngôn Độc lập” là ngôn ngữ chính luậncủa một áng hùng văn đầy cảm xúc và của một ý chí sắt đá. Thành công của ngôn ngữ trong văn bản này có thể nhận thấy trên nhiều phương diện.
Trước hết nói về ngôn từ và văn bản.
“ Tuyên ngôn Độc lập” có ba nội dung cợ bản. Ba nội dung ấy được tác giả gói gọn trong ngôn từ của lời kết: “ Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”.
Đây là một Tuyên bố Nhà nước, một văn bản Quốc gia chính thức cho nên, theo thông lệ của các chuẩn mực, người viết đã chọn dùng ngôn ngữ luật pháp chứ không phải ngôn ngữ hành chínhđể thể hiện .Theo đó, tác giả đã không xuất phát từ cái ý chủ quan của riêng mình mà bắt đầu văn bản bằng việc nêu lên một chân lý khách quan, vốn đã thấy trên chính trường quốc tế: “ Mọi người sinh ra đều bình đẳng”,… “Tạo hoá đã cho họ những quyền không thể xâm phạmđược trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để chứng minh cái quyền dân tộc tất yếu của Việt Nam . Lối biểu đạt này cũng làm ta nhớ ngay đến cách nói tương tự trong những tuyên ngôn về Xã Tắc ngày trước của ông cha ta:
“ NamQuốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư”
Hay trong “Bình Ngô đại Cáo”:
“ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Nguyễn Trãi
Đã là tuyên ngôn thì phải nói ngay được cái chân lý, cái cốt lõi. Các phân tích ngôn từ triển khai tiếp theo sẽ bám vào đó mà thể hiện các lập luận.
Ngôn ngữ văn bản này được viết rất giản dị nhưng tổ chức cực chặt chẽ. Các liên kết lô gích và liên kết mạch lạc làm nòng cốt cho việc triển khai các lập luậncơ bản. Đó liên tục là một chuỗi của các lập luận: Lập luận về quyền dân tộc, lập luận về việc thực dân Pháp vi phạm các quyền đó, lập luận về thời cơ của vận nước, lập luận về quyền và trách nhiệm của dân tộc Việt Nam, lập luận về quyết tâm của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giữ gìn quyền độc lập và tự do.Một đặc trưng khác là cùng với lập luận chặt chẽ, lời văn của Tuyên ngôn hết sức trang trọng và lịch sự.
4- Trong đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết rất nhiều văn bản bằng tiếng Việt. Theo chúng tôi, trong số đó, có năm văn bản điển hình được Bác viết ở những thời điểm khác nhau, với những mục đích khác nhau và với cá tính sáng tạo khác nhau và những với cảm xúc khác nhau. Phải làm một phép so sánh thì sẽ thấy rõ đặc diểm của “Tuyên ngôn độc lập”:
a/ Ngôn ngữ của tác phẩm “ Đường Kách mệnh” (1927) là ngôn ngữ Việt đời mới, khác với cái ngôn ngữ từ chương trước đó và đương thời, sách nhằm sớm phổ biến, tuyên truyền và huấn luyện cách mạng theo lối mới cho nên ngôn từ rất được chú ý trong cách diễn đạt để sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền đạt. Trong sách, tác giả đã giới thiệu rất tài những nội dung triết học rất quan trọng của chủ nghĩa Duy vật Lịch sử kết hợp với thực tiễn của phong trào công nhân và giải phóng dân tộc thuộc địa ở ta. Tác phẩm này đã” lập trình” cho lý luận cách mạng Việt nam. Bằng một thứ tiếng mẹ đẻ hiện đại, Bác đã khéo giới thiệu những nội dung kinh điển có trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ( Mác & Ăng-ghen, 1848) và “Nhà nước và Cách mạng” ( Lê-Nin, 1917) với thực tiễn nóng bỏng và đường hướng của Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
b/ Ngôn ngữ của “ Tuyên ngôn Độc Lập” là ngôn ngữ của một văn kiện chính trị lớn, hướng đến một công chúng lớn mà đối tượng đích là “ Quốc dân và Thế gíơi”. Nội dung truyền thông trong bản bố cáo rất lớn lao, có ý nghĩa vận mệnh của Quốc gia và Dân tộc. Dễ dàng nhận ra là tác giả đã viết văn bản trong một sự hào sảng cao độ, các cảm xúc như trào lên ngọn bút quanh hai từ Độc lậpvà Tự do. Ngôn ngữ luật pháp được vận dụng triệt để, các phát ngôn đầy tính nhân văn và lịch lãm, nhưng không màu mè và giả tạo, không lên gân mà rất tự nhiên, trung thực. Quan điểm của người nói khi phát ngôn rất chân thành và tha thiết nhưng cũng rất kiên định và cương quyết.
Sự súc tích của câu văn và từ ngữ cũng là một nét nổi trội. Có những nội dung rất lớn nhưng tác giả chỉ cần gói gọn trong một dòng với những ngắt đoạn cực ngắn, ví dụ như khi nói về tình thế của cách mạng ta lúc đó, Tuyên ngôn đã viết : “ Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị. … Chúng ta lấy lại đất nước ta từ trong tay Nhật chứ không phải trong tay Pháp”. Thế là rõ: Đối ngoại thì Pháp không có lý do gì để trở lại Việt Nam , đối nội thì chính quyền cũ đã hạ cờ. Lịch sử đã sang trang. Mấy ngày sau, khi quân đồng Minh nhập Việt thì họ chỉ là khách đến làm nhiệm vụ trong một đất nước có chủ.
c/ Ngôn ngữ của “ Lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến”(20/12/1946), lại rất khác. Đây là một văn kiện với ngôn từ cực kỳ ngắn gọn, xuất hiện trong một tình thế hiểm nghèo vào cái lúc “ Sơn hà nguy biến”. Cốt lõi văn bản thể hiện ở tiêu điểm: lời thề quyết chiến: “ Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất đinh không chịu làm nô lệ”.Bác Hồ đã không dùng văn phong chính luận nưa mà dùng lối khẩu ngữ để nói với đồng bào. Người lập luận rành rọt và lập luận ấy đã lay động đến đáy lòng mọi người: “ Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng giặc Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”…” Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Hễ là người Việt nam yêu nước thì phải đứng lên đánh Pháp cứu Tổ Quốc. Ai có súng dùng súng,ai có gươm dùng gươm,không có súng gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc,…”. Đây là tiếng hịch truyền của non sông, là tiếng kèn xung trận.
d/ Hai mươi năm sau ( 17/7/1966), nước ta lại đang vào cơn thử thách ( “ Xã Tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (Trần Nhân Tông, 1288), phong cách ngôn ngữ hiệu triệu lại được Bác Hồ lặp lại trong Lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Trong một tình huống hiểm nghèo còn lớn hơn xưa mà đất nước đang phải đối mặt, thì “ tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương”, Bác Hồ đã nói với đồng bào:” Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày kháng chiếnthắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Phong cách khẩu ngữ của lời tâm sự ấy đã rất thành công khi đưa Người xích lại với đồng bào và Quốc dân trong giờ phút thử thách của lịch sử.
e/ Ngôn ngữ bản Di chúc của Người lại có lối diễn đạt rất khác. Đây là một văn bản chứa đựng những lời tâm sự cá nhân, những nguyện vọng và mong muốn của một trưởng lão Quốc gia đối với những vấn đề lớn của đất nước trước khi rời khỏi cõi bình sinh. Như nhận thức được cái tất yếu của quy luật cuộc sống, Bác Hồ đã dùng ngôn ngữ của một lối viết rất bình thản, tự tin, hơn thế có chỗ còn dí dỏm để an ủi mọi người. Tuy là tâm sự cá nhân nhưng trong Di chúc Bác nói tới toàn là chuyện “Quốc gia đại sự “ ở thời điểm đó và cả những tính toán quốc kế lâu dài. Ngôn từ của di chúc rất hiền từ, dung dị và khiêm tốn, không áp đặt, không mệnh lệnh rao giảng mà khuyên bảo chí tình từ một ý chí mạnh mẽ, không vị thân. Ngôn ngữ của Bác ở đây cũng toát lên một tinh thần dân chủ, đồng thoại qua lối tâm sự từ tốn và khơi gợi. Văn bản đọng lại là lòng tin, những ước vọng và cả những trăn trở ưu tư của Bác.
Trở lại với ngôn từ của bản “ Tuyên ngôn Độc lập”, chúng ta thấy lời văn ở đây là kết tinh một thứ tiếng Việt rất mới mẻ và hiện đại. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, văn xuôi nước ta vẫn còn viết nhiều theo lối biền ngẫu, tỉa tót, đăng đối do đó cách diễn đạt còn cầu kỳ, nặng nề và kém hiệu quả. Ngôn ngữ báo chí Cách mạng trong hai thập kỷ (1925-1945) đã góp phần tích cực trong việc cải cách và hiện đại hoá lối viết tiếng Việt trên chữ Quốc ngữ mà cái chính là để tuyên truyền vận động cách mạng. Hồ Chí Minh đã gương mẫu và đi tiên phong trong sự phát triển này. Từ báo Thanh Niên (1925) đến sách “Đường Kách mệnh” ( 1927), từ báo “Việt Nam Độc Lập” (1941) đến “ Tuyên ngôn Độc lập” (1945) đã xuất hiện ngôn ngữ chính luận Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ của tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà sau hơn sáu mươi năm công bố, ngày nay, ngôn ngữ của “ Tuyên ngôn Độc lập” vẫn bảo lưu đầy đủ giá trị hiện đại của nó mà chưa một văn bản chính thức nào của Nhà nước ta vượt qua được. Ngay cả sự lựa chọn từ ngữ của tác giả cũng nói lên khả năng tự chủ tuyệt vời của người viết. Trong khi trích dẫn lời Tuyên ngôn bất hủ của nước Mỹ năm 1776, Hồ Chủ Tịch đã dịch từ “ GOD” thành hai chữ “Tạo hoá” cực hay và thâm thuý. Thay vì dịch “Chúa Trời” hay “Thượng Đế”, hai chữ “Tạo Hoá” vừa gần gũi tâm lý người Việt, vừa thể hiện chỗ đứng của người viết, vốn theo triết học của Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng.
Nước Việt Nam có quyền Độc lập, đã Độc lập và quyết giữ Độc lập. Đó là tất cả những gì “ Tuyên ngôn Độc lập“ đã nói tới bằng một thứ ngôn ngữ và chữ Việt độc lập và bởi một thiên tài suốt đời chiến đấu cho nền Độc lập dân tộc.
GS.TS Đinh Văn Đức