Đề 7: Cảm nhận về đoạn văn sau: “Sáng hôm sau... chết thì thôi"

Đề 7: Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn sau:

Sáng hôm sau, Mị mới biết mình đang ngồi trong nhà thống lí Pá Tra. Họ nhốt Mị vào buồng. Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa.

Trong khi đó, A Sử đến nhà bố Mị. A Sử nói:

- Tôi đã cướp được con gái bố làm vợ, tôi đem về cúng trình ma nhà tôi rồi, bây giờ tôi đến trình cho bố biết. Tiền bạc để cưới thì bố tôi bảo đã đưa cả cho bố rồi.

Rồi A Sử về. Ông lão nhớ ngay câu nói của thống lí Pá Tra dạo trước: cho con gái về nhà thống lí Pá Tra thì được trừ nợ. Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm thế nào khác được rồi!

Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc. Một hôm, Mị trốn về nhà, hai tròng mắt còn đỏ hoe. Trông thấy bố, Mị quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mị cũng khóc, đoán biết lòng con gái:

- Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!

Mị chỉ bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa. Mị đành trở lại nhà thống lí.

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017,tr. 8)

Từ đó, nhận xét về giá trị hiện thực hiện của đoạn trích.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

1. Phân tích

a. Luận điểm 1: Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ.

- Nguyên nhân:

  • Do món nợ truyền kiếp của cha mẹ Mị.
  • Sự lừa gạt của gia đình nhà thống lí đối với một cô gái ngây thơ, trong sáng “Mị sờ một ngón thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị cũng thường đeo nhẫn ngón tay ấy” → Mị đã bị sập bẫy và bị bắt về làm dâu gạt nợ.

- Sáng hôm sau Mị mới biết ở nhà thống Pá Trá, lập tức chúng đã cho con ma xó về nhận mặt “tiếng nhạc sinh tiền cúng mà đương rập rờn nhảy múa” → Mị bị ràng buộc bởi phong tục hôn nhân, bị trói buộc bởi thần quyền và bị giam hãm của cường quyền → trong đầu cô đã bị đeo ba chiếc vòng kim cô → như thứ bùa chú khó có thể thoát ra → trói buộc cuộc đời, giam hãm tuổi thanh xuân → chi phối đến suy nghĩ và hành động của Mị

⇒ Chỉ vì món nợ mà Mị đã phải hi sinh tình yêu, cuộc đời từ tươi đẹp sang những ngày héo tàn, giống như bông hoa đang chúm chím nở đã bị chà đạp phũ phàng. Thấy được tình cảnh đáng thương của con gái, cha Mị chỉ còn thốt lên cay đắng “Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm thế nào khác được rồi” → câu văn lời của nhân vật và của người kể chuyện hòa làm một → nỗi cay đắng của người cha và cũng chính là nỗi cay đắng của nhà văn Tô Hoài trong thực trạng đau đớn, xót xa như vậy

b. Luận điểm 2: Sự phản kháng của Mị trong những ngày đầu

- Mi bị bắt về làm dâu gạt nợ, cô phải hi sinh tình yêu, tự do, hạnh phúc để trả món nợ hôn nhân từ đời cha mẹ để lại. Đối với một người có lòng ham sống yêu đời khao khát tự do như Mị cô không thể chấp nhận sự thật, cuộc hôn nhân cay đắng phũ phàng như vậy. Đau đớn cho thân phận của mình, Mị chỉ còn biết khóc “hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”. Đó là giọt nước mắt đau khổ mặn chát của một người con gái đã bị tước đoạt tình yêu, hạnh phúc. Mị khóc âm thầm trong nỗi đau của riêng mình mà không có ai thương xót, an ủi, dỗ dành, đồng cảm, sẻ chia.

- Mị đã quyết định tìm đến cái chết để chấm dứt kiếp đời tủi cực đắng cay → đây là lựa chọn duy nhất của Mị để giải thoát cho bản thân mình. Bởi Mị bị trói buộc bởi phong tục hôn nhân, thần quyền và cường quyền nên cô không còn có cách lựa chọn nào khác. 

Nhưng vì thương cha, Mị không đành lòng chết, cô hiểu ra những chua xót mà cha cô lường trước “Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ”. Vì thương cha nên Mị không đành chết, phải quay về nhà thống lí Pá Tra chấp nhận cuộc đời nô lệ

c. Luận điểm 3: Mị cam chịu chấp nhận kiếp đời nô lệ:

- Quay về nhà thống lí Pá Tra là quay về hang hùm miệng cọp, quay về địa ngục trần gian. Ở nhà chồng không có tình thương, không có tình yêu chỉ có những con người độc ác, dã man.

- Sống trong hoàn cảnh ấy, Mị dần tê liệt cả lòng ham sống yêu đời lẫn tinh thần phản kháng “bố Mị chết nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến việc Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”

- Mị bị biến thành công cụ lao động, bị vắt kiệt sức lao động “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa…tước thành sợi” → tác giả sử dụng phép liệt kê: hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, bẻ bắp, hái củi, bung ngô + cấu trúc câu văn trùng điệp “nhớ đi nhớ lại” “giốn nhau, tiếp nhau” “mỗi năm mỗi mùa” “làm đi làm lại” “giặt đay xe đay”, cùng với câu văn dài tới 7 dòng

⇒ Tô Hoài đã nhấn mạnh công việc chồng chất Mị phải đối diện. Chúng bóc lột tàn tệ, không cho Mị nghỉ tay. Nếu như con ngựa con trâu còn được nghỉ ngơi nhai cỏ gãi chân, còn Mị thì phải vùi đầu vào việc; cỗ máy còn có lúc nghỉ ngơi, còn đàn bà con gái nhà thống lí thì làm quần quật cả ngày lẫn đêm

- Sự đối xử thật tàn nhẫn, dã man của gia đình nhà thống lí khiến cho Mị mất hết ý thức về bản thân. Mị là người, một con người mà giờ đây cô không nhận ra điều đó, cô nghĩ mình là con trâu, con ngưa, con ngựa thì chỉ biết làm việc, ngựa biết ăn cỏ

⇒ Ý niệm thân phận trâu ngựa đã ăn sâu vào tiềm thức của Mị.

- Mị bị giam hãm trong một căn buồng có lỗ cửa sổ vuông bé bằng bàn tay, đó là ngục thất tinh thần giam hãm tuổi thanh xuân của Mị, cô như một tù nhân, một người tù khổ sai, một tù nhân với bản án chung thân ở chốn địa ngục trần gian này.

Ở trong căn buồng ấy, Mị như con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa” → Hình ảnh so sánh lột tả được hết dáng điệu, tâm hồn và tính cách của Mị:  một cô Mị chậm chạp, câm lặng; một cô Mị sống âm thầm, sống như đã chết?

- Mị đã bị mất ý niệm về thời gian, mất cảm giác về cuộc sống “không biết sương hay nắng” nghĩa là không biết sáng sớm hay trưa hoặc chiều tối.

d. Tiểu kết:

Nói tóm lại, khi về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị đã bị đọa đầy về thể xác và tinh thần, nỗi khổ của thân phận nô lệ → Mị thực sự đã bị vùi sâu dưới đáy xã hội, đã bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người. Mị đã phải sống những chuỗi ngày tủi cực với muôn đắng ngàn cay.

2. Đánh giá:

a. Đánh giá về nội dung:

- Tô Hoài đã miêu tả rất chân thật bằng sự thấu hiểu của nhà văn đã từng gắn bó với những thân phận đau khổ nơi miền xa. Trang văn như một thước phim tư liêu quý báu giúp người đọc hiểu hơn nỗi đau của người dân miền núi dưới chế độ cũ.

- Ý nghĩa: Qua chuỗi ngày bi thảm của Mị khi làm dâu gạt nợ nhà thống lí, Tô Hoài không chỉ gián tiếp tố cáo sự áp bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến miền núi mà còn nói lên một sự thật đau xót: Dưới ách thống trị của cường quyền bạo lực và thần quyền hủ tục, người lao động miền núi Tây Bắc bị chà đạp một cách tàn nhẫn về tinh thần đến mức tê liệt cảm giác về sự sống, mất dần ý niệm về cuộc đời; họ bị hủy diệt ý thức sống của con người.

b. Về nghệ thuật:

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật với những tính cách, tâm lí phức tạp…

- Nghệ thuật trần thuật linh hoạt: kể đan xen tả; ngòi bút miêu tả thiên nhiên, những sinh hoạt gắn với phong tục, tập quán rất chân thật góp phần giải thích tính cách, tâm hồn nhân vật.

- Ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu tính tạo hình, biểu cảm.

→ Tác phẩm xứng đáng là một trong những sáng tác văn xuôi tiêu biểu của văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

3. Lệnh phụ

a. Khái niệm: Giá trị hiện thực là gì?

b. Biểu hiện: Giá trị hiện thực trong đoạn trích

c. Ý nghĩa:

- Góp phần tạo nên giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả.

- Giúp cho độc giả có cái nhìn đầy đủ nhất về số phận người dân miền núi.

- Giá trị hiện thực là gốc rễ làm cho tác phẩm xanh mãi với thời gian, nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thoát li khỏi đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo”. Hay nói cách khác, không đi sâu từ hiện thực đời sống, thì các tác phẩm văn học khó có thể chạm đến trái tim bạn đọc để khơi gợi những tình cảm nhân văn cao đẹp.

  • 14 lượt xem
Sắp xếp theo