Thể loại Kí và tùy bút (Phần I - Tri thức thể loại)

1. Thể loại Kí

1.1. Giới thuyết thể loại

Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết vốn có sự ổn định tương đối về đặc trưng thể loại, các tác phẩm kí tuy cùng nằm trong loại hình văn xuôi tự sự song lại là tên gọi chung cho một nhóm thể tài có tính giao thoa giữa báo chí (chính luận, điều tra, ghi chép tư liệu, tường thuật sự kiện...) với văn học, in đậm dấu ấn “sự hợp nhất truyện và khảo cứu” (M.Gorki) và thường có tính xã hội, tính thời sự sâu sắc, bao gồm nhiều tiểu loại thể văn như bút kí, kí sự, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự, du kí, hồi kí, nhật kí, tuỳ bút, tản văn, tạp văn, tiểu luận,... 

Theo những nhà biên soạn Từ điển thuật ngữ văn học, kí là thể loại văn học có đặc điểm “tôn trọng sự thật khách quan của cuộc sống, không hư cấu”“Nhà văn viết kí luôn chú ý đảm bảo cho tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm”. Còn các tác giả của “Từ điển tiếng Việt” thì cho rằng, kí là loại “thể văn tự sự có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất”. Có thể nói, đây là những khái quát rất cụ thể về đặc trưng cơ bản của thể loại này.

Kí là một loại hình văn học không thuần nhất. Đó là lĩnh vực văn học bao gồm nhiều thể loại, chủ yếu là văn xuôi ghi chép, miêu tả và biểu hiện những sự việc, con người có thật trong cuộc sống. Kí có cái hạt nhân làm thành đặc trưng riêng của nó. Ở thể loại này, người ta đặc biệt quan tâm đến các sự kiện, hoàn cảnh lịch sử, những biểu hiện của đời sống có thực ngoài đời và đồng thời muốn bộc lộ trực tiếp cá tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm xã hội của tác giả. “Với thể loại kí, từ sự thôi thúc của cuộc sống mà tác giả có nhu cầu được công bố kịp thời đến những nhận xét, những đánh giá, những ý tưởng… Kí ghi được rất rõ những nét mang dấu ấn của một sự kiện, của một thời kì, của một lớp người, của một vùng miền”.

Chính vì các tính chất nói trên mà thể loại kí có một phạm vi biểu hiện đời sống rất rộng lớn.

  • Kí có thể thiên về ghi chép sự việc, hiện tượng như phóng sự, kí sự;
  • Kí có thể thiên về biểu hiện những cảm xúc trữ tình như tùy bút, tản văn;…

⇒ Chính vì cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong nhìn nhận và khai thác các sự kiện của đời sống cũng như năng động phát huy vai trò sáng tạo của người cầm bút mà loại kí rất đa dạng và tác phẩm kí cụ thể luôn độc đáo.

Thể kí, như cái tên đặt cho nó, đã nói lên đặc điểm cơ bản của nó là thể văn dùng để “ghi lại” sự việc, ý nghĩa, cảm xúc, … Mặc dù theo nguyên tắc, tích chất của thể kí là “xác thực” và người viết kí không được quyền hư cấu nhưng không thể coi viết kí chỉ là một công việc chụp ảnh và ghi âm một cách máy móc và vai trò của người viết kí là hoàn toàn thụ động mà người viết kí phải làm công việc lựa chọn, sắp xếp.

1.2. Phân loại

Do hướng đến những phạm vi thông tin và nhận thức đa dạng, ký cũng rất phong phú, bao gồm nhiều thể, nhiều tiểu loại:

- Ký sự: là một thể của ký thiên về tự sự, thường ghi chép các sự kiện, hay kể lại một câu chuyện khi nó mới xảy ra.

  • Ký sự có cốt truyện hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh, cũng là loại thể có yếu tố trữ tình và chính luận, nhưng khuynh hướng của tác giả được toát ra từ tình thế và hành động.
  • Yếu tố phi cốt truyện của những loại ký này không nhiều. Ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn. Tác phẩm ký sự cũng cấu tạo theo phương thức kết cấu thông thường của một tác phẩm nghệ thuật: mở đầu và phát triển sự kiện, sự biến phát triển đến cao độ - hoặc căng thẳng nhất - và kết thúc.

⇒ Ký sự là bức tranh toàn cảnh trong đó sự việc và con người đan chéo, những gương mặt của nhân vật không thật rõ nét.

- Phóng sự: là một thể ký nổi bật bằng những sự thật xác thực, dồi dào và nóng hổi, không chỉ đưa tin mà còn dựng lại hiện trường cho mọi người quan sát, đánh giá, do đó nó nghiêng hẳn về phía tự sự, miêu tả, tái hiện sự thật. Nội dung chủ yếu của phóng sự thiên về vấn đề mà người viết muốn đề xuất và giải quyết. Do đó phóng sự, mặc dù có chất liệu chủ yếu là người thật việc thật, nhưng có màu sắc chính luận.

- Nhật ký: là một thể loại ký mang tính chất riêng tư, đời thường nhiều nhất.

  • Nếu hầu hết các tác phẩm văn học là để giao lưu với người khác, thì nhật ký lại chỉ để giao lưu với chính mình. Là ghi chép của cá nhân về sự kiện có thật đã, đang và tiếp tục diễn ra theo thời gian, nhật ký thường bao gồm cả những đoạn trữ tình ngoại đề và những suy nghĩ có tính chất chủ quan về sự kiện.
  • Một nhật ký có phẩm chất văn học khi nó thể hiện được một thế giới tâm hồn, khi qua những sự việc và tâm tình cá nhân tác giả giúp người đọc nhìn thấy những vấn đề xã hội trọng đại. Trong thực tế có thể có những nhật ký ít có chất văn học như các nhật ký hành trình (nhật ký hàng hải), nhật ký công tác; và cũng có những tác phẩm có tên nhật ký nhưng nội dung lại không hoàn toàn là nhật ký (chẳng hạn Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh).

- Hồi ký: những ghi chép có tính chất suy tưởng của cá nhân về quá khứ, một dạng gần như tự truyện của tác giả. Hồi ký cung cấp những tư liệu của quá khứ mà đương thời tác giả chưa có điều kiện nói được. Khác với nhật ký, do đặc thù thời gian đã lùi xa, sự kiện trong hồi ký có thể bị nhớ nhầm hoặc tưởng tượng thêm mà người viết không tự biết.

- Bút ký: là một thể của ký, nằm trung gian giữa ký sự và tùy bút.

  • Bút ký thiên về ghi lại một cảnh vật mà nhà văn mắt thấy tai nghe, thường trong các chuyến đi.
  • Bút ký tái hiện con người và sự việc một cách phong phú, sinh động, nhưng qua đó biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả, có màu sắc trữ tình.
  • Kết hợp linh hoạt các phương thức nghị luận, tự sự, trữ tình nhưng tùy theo độ đậm nhạt khác nhau của các phương thức mà ta có bút ký chính luận, bút ký tùy bút v.v..

- Tùy bút: Là một thể của ký đối lập với phóng sự. Nếu phóng sự thiên về tự sự với điểm tựa là sự kiện, thì tùy bút nghiêng hẳn về trữ tình với điểm tựa là cái tôi của tác giả. Hình thức thể loại này cho phép nhà văn phóng bút viết tùy theo cảm hứng, tùy cảnh, tùy việc mà suy tưởng, nhận xét, đánh giá, trình bày v.v. Những chi tiết, con người cụ thể trong tác phẩm chỉ là cái cớ để tác giả bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá.

- Du ký: loại ký có cốt truyện ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời; những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn.

  • Du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến.
  • Hình thức du ký có thể bao gồm các ghi chép, ký sự, hồi ký, thư tín, hồi tưởng v.v.
  • Tác giả của du ký tường bộc lộ niềm say mê khát khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ.

- Kỷ hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản, thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết hợp của những đoạn tản văn và thơ. Nổi tiếng trong thể ký này phải kể đến những sáng tác của nhà thơ Nhật Bản Matsuo Bashō.

- Truyện ký: ngược lại với ký sự, thường tập trung cốt truyện vào việc trần thuật một nhân vật: những danh nhân về khoa học và nghệ thuật, những anh hùng trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, chính khách, nhà hoạt động cách mạng.

- Tản văn: Giới nghiên cứu có người cho tản văn là một loại ký, có người cho rằng ký chỉ bao gồm một phạm vi hẹp hơn tản văn. Có hai ý kiến như trên bởi khái niệm tản văn được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp.

  • Theo nghĩa rộng, tản văn là văn xuôi, đối lập với vận văn (văn vần). Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long chia toàn bộ thư tịch thành "văn" và "bút", trong đó văn là "vận văn", còn bút là tản văn. Trong văn học cổ các áng văn xuôi không viết theo văn biền ngẫu như kinh, truyện, sử, tập, biểu, chiếu, cáo, hịch, phú, minh, luận đều là tản văn.
  • Theo nghĩa hẹp, tản văn là tác phẩm văn xuôi ngắn gọn, hàm xúc, giàu khả năng khơi gọi với kết cấu có sự kết hợp linh hoạt tất cả các phương thức, phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nội dung thường thể hiện đời sống theo kiểu chấm phá và đặc trưng quan trọng nhất là nó thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân của người cầm bút.

Ngoài những thể ký phổ biến nói trên, trong thực tế còn có nhiều thể ký khác, và trong mỗi thể nói trên cũng có thể bao gồm nhiều tiểu thể loại. Ranh giới giữa các thể loại ký nói trên cũng không tuyệt đối, luôn có tình trạng chuyển hóa, thâm nhập lẫn nhau. Trong Người bạn đọc ấy Tô Hoài nhận xét: "Trước kia từ điển văn học phân chia: phóng sự thì chỉ trình bày sự việc, bút ký thì có những lời bình phẩm của người viết. Bây giờ ta có thể đọc một bài bút ký trong đó không thiếu những đoạn viết theo lối phóng sự, lẫn hồi ký, có khi cả thể truyện ngắn. Mà ai dám đánh cuộc: bút ký bây giờ không bằng ngày trước?". Chỉ trong những cuốn sách lý luận và sách giáo khoa các nhà nghiên cứu mới phân chia thể tài một cách chính xác, trong khi thực tế văn học luôn diễn ra những yếu tố ngoại biên, mờ nhòe, đặc biệt với những tác giả văn học có năng khiếu đặc biệt và sự linh hoạt cao độ khi cầm bút.

3. Đặc trưng của thể loại kí.

- Kí luôn bám sát những vấn đề nhân sinh – thế sự nóng hổi của thực tế đời sống:

  • Kí là một loại hình văn học mang tính thời đại, người viết kí luôn là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn chương. Do vậy một đặc trưng rất quan trọng của loại hình văn học năng động này là “luôn bám sát vào các vấn đề nhân sinh – thế sự nóng hổi của thực tế đời sống”.
  • Bên cạnh đó, kí còn mang đến cho người đọc những tri thức về văn hoá của dân tộc, phản ánh lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Như vậy, đặc điểm nàycho người đọc thấy được phạm vi, giới hạn hiện thực được mô tả trong kí hết sức rộng lớn và phong phú.
  • Đối tượng nhận thức, vùng thẩm mĩ của kí rất phong phú: bao gồm các vấn đề nhân sinh – thế sự, các sự kiện chính trị - xã hội, hình ảnh thiên nhiên phong phú, tươi đẹp. Viết về những vấn đề nhân sinh tức là kí đang phản ánh về cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người.

- Kí luôn đề cao tính thông tin xác thực trong mô tả, trần thuật:

  • Kí là loại hình văn học hết sức cơ động và linh hoạt, vì vậy mà nó có khả năng phản ánh hiện thực một cách nhạy bén, kịp thời. Tính xác thực của con người, sự việc được nói đến trong kí được đảm bảo một cách cao độ.
  • Có rất nhiều thể loại văn học cũng nói về sự thật nhưng nếu như ở các thể loại này, sự thật như là cái nguyên cớ để tác giả bộc lộ tư tưởng của mình thì tuyên ngôn về sự thật trở thành lẽ sống, thành đặc trưng nổi bật nhất của kí văn học. Bởi vậy tiếp xúc với bất cứ tác phẩm kí nào người đọc đều bắt gặp trong đó cái cốt lõi của người thật, việc thật được phản ánh một cách xác thực.

- Hư cấu trong kí:

  • Tác giả kí khéo sử dụng tài liệu đời sống kết hợp với tưởng tượng, cảm thụ, nhận xét, đánh giá. Đan xen vào mạch tự sự còn có những đoạn thể hiện suy tưởng nhận xét chân thực, tinh tường của nhà văn trước sự việc.
  • Cái thú vị của kí là ở những ý riêng, suy nghĩ riêng của tác giả được đan cài với việc tái hiện đối tượng. Vì vậy, sức hấp dẫn của kí chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Kí ít chấp nhận sự hư cấu, do đó phải dựa vào những liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ, tài hoa của tác giả khi phản ánh sự vật, cuộc sống. Điều ấy làm nên cái hay cái đẹp của một tác phẩm kí.

- Một trong những cách thức vận dụng hư cấu trong kí là nghệ thuật sử dụng cái Tôi: Bằng cái Tôi, nhà văn thoát khỏi tình trạng quẩn quanh giữa người thực, việc thực để mở rộng hoàn cảnh văn học đến những chân trời xa xôi khác, bằng cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, hồi ức...Tuy vậy, hư cấu không làm ảnh hưởng tới tính xác thực của nội dung và phải làm tăng ý nghĩa xã hội và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

⇒ Như vậy, kí là thể loại có sự đan xen giữa truyện (ghi chép, miêu tả, tái hiện sự vật, hiện tượng) với thơ (bộc lộ cái tôi trữ tình của người viết). Bởi vậy, bên cạnh việc tái hiện hiện thực cuộc sống bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, ngòi bút của người viết còn thỏa sức vẫy vùng, với những liên tưởng, tưởng tượng phong phú, đa dạng, khai thác và sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, bộc lộ những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt và vốn hiểu biết sâu rộng của người viết.

4. Những điểm cần lưu ý khi đọc - hiểu một tác phẩm kí theo đặc trưng thể loại

- Sức hấp dẫn của kí chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Kí ít chấp nhận sự hư cấu, do đó phải dựa vào những liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ, tài hoa của tác giả khi phản ánh sự vật, cuộc sống. Điều ấy làm nên cái hay cái đẹp của một tác phẩm kí. Vì vậy khi dạy đọc hiểu kí cần lưu ý:

  • Đọc đối tượng của bài kí: Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, đánh giá về độ chân xác, tính thời sự của các sự kiện; dung lượng thông tin…
  • Đọc cái tôi của người viết kí: Hiện thực là cái cớ để nhà văn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, bình luận, triết lí
  • Đọc nghệ thuật viết kí: Bố cục, cấu tứ; Khả năng liên tưởng, tưởng tượng; Xây dựng hình ảnh qua việc sử dụng các biện pháp tu từ; cách tạo nhịp điệu; sử dụng ngôn ngữ;...

II. Tùy bút

Tùy bút là một thể của loại hình kí.

Do trong chương trình Ngữ văn 12 có hai tác phẩm gần nhau về thể loại nhưng tên gọi lại khác nhau: “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân được gọi là tùy bút, còn “Ai đã đặt tên cho dòng sông”? của Hoàng Phủ Ngọc Tường được gọi là bút kí hay kí, cho nên cần phải đi đến sự thống nhất về bản chất.

Theo các nhà nghiên cứu thể loại, “tùy bút là một thể thuộc loại hình kí, rất gần với bút kí, kí sự”. Nét nổi bật của tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại. Cấu trúc của tùy bút, nói chung, không bị ràng buộc bởi một cốt truyện cụ thể. Song nội dung của nó vẫn được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng, chủ đề nhất định.

Tuy vẫn còn dấu vết phái sinh từ kí, nhưng có thể nhận thấy tùy bút đã tách hẳn ra thành một thể loại văn học, mang những đặc điểm riêng biệt: “Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách phóng khoáng, tự do, theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là kí, là ghi chép, nhưng không chỉ ghi chép sự việc, mà ghi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết khi tiếp xúc với thực tế”.

Trong tùy bút cũng có kể chuyện, thuật sự. Nhưng cái mạch chính, ưu trội lên, luôn là trữ tình. Các sự việc, hiện tượng xuất hiện có vẻ bừa bộn, không theo một trật tự lôgic hình thức nào cả. Nhờ dòng cảm xúc, ấn tượng và trường liên tưởng chủ quan của người nghệ sĩ nối kết mọi thứ lại; để rồi từ đó mà toát lên những suy nghiệm sâu sắc về đời sống. Đó là “một sự mạch lạc cao cấp” (Hoàng Ngọc Hiến). Không có cốt truyện, không có tình tiết éo le gây cấn, nên sức hấp dẫn của những trang tùy bút tùy thuộc vào cách thức tác giả bộc lộ thế giới tinh thần chủ quan với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, những rung động tinh tế cùng những liên tưởng bất ngờ, tài hoa, uyên bác. Bởi theo V.E.Khalizep, trong tác phẩm trữ tình “không có sự tái hiện mở rộng và chi tiết về các sự kiện, hành vi và quan hệ qua lại của con người (…). Như vậy là trong trữ tình, người ta trực tiếp thể hiện yếu tố chủ quan của đời sống con người”“Tính chất trực tiếp và thẳng thắn của tự biểu cảm là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình". Trong khi đó, trữ tình ở tác phẩm tùy bút thường ít nhiều có màu sắc gián tiếp, thông qua những biểu hiện sinh động của tự nhiên và đời sống.

Với những nét nổi bật như thế, dễ dàng nhận thấy tùy bút rất gần với kí, là một tiểu loại của kí. Kí cũng có nghĩa là bao gồm cả tùy bút.

  • 3.063 lượt xem
Sắp xếp theo