1.1. Đói nghèo làm hủy hoại ngoại hình, dáng vẻ
a. Bà cụ Tứ
- Kim Lân là nhà văn xuất thân từ tầng lớp bình dân. Chính cuộc sống nghèo khổ đã giúp nhà văn có cái nhìn rưng rưng, thấu cảm với những kiếp nhân sinh nhọc nhằn. Ông đã xây dựng thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ trên bối cảnh của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Khó có thể hình dung truyện ngắn Vợ nhặt sẽ thế nào nếu thiếu đi nhân vật người mẹ này.
- Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở nửa sau của truyện. Kim Lân đã dùng những chi tiết ấn tượng để miêu tả sự xuất hiện của nhân vật. Nhà văn để cho Tràng ngóng mẹ với trạng thái nôn nóng, sốt ruột. Người con trai bồn chồn đứng ngồi không yên mong mẹ về bởi anh đang lo lắng, sợ hãi vì tự ý dẫn người đàn bà về làm vợ - điều mà trước anh chưa nghĩ đến.
- Kim Lân không tả nhiều, chỉ bằng mấy câu “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm, tính toán gì trong miệng” cũng đủ để nhân vật nhanh chóng đi vào tâm trí của người đọc.
b. Người đàn bà hàng chài
- Đến với nhà văn Nguyễn Minh Châu, người đọc khó có thể quên được hình tượng người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (1983). Đây là sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp văn học của nhà văn. Bằng khát vọng đổi mới nghệ thuật và tài năng thiên bẩm, Nguyễn Minh Châu đã tự vượt mình trong giai đoạn văn học trước 1975 và trở thành một trong nhưng cây bút cách tân, mở đường xuất sắc cho con đường đổi mới văn học nước ta, được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc). Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chứa đựng nhiều quan niệm tiến bộ của nhà văn về nghệ thuật và cuộc đời. Những tìm tòi mới mẻ của Nguyễn Minh Châu về con người có thể thấy qua những hình tượng nhân vật trong đó có người đàn bà hàng chài.
- Người đàn bà hàng chài xuất hiện ở phát hiện thứ hai của người nghệ sỹ, dưới điểm nhìn trần thuật của nhân vật Phùng.
1.2. Bi kịch do cuộc sống khốn quẫn
- Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, người đàn bà hàng chài là hiện thân của những đau khổ.
⇒ Người đàn bà chịu nỗi đau về thể xác cùng với đó là nỗi đau đớn về tinh thần. Bị đối xử dã man, chị cảm thấy đau đớn, nhục nhã.
- Mặt khác, người mẹ ấy luôn nơm nớp lo sợ cho sự phát triển nhân cách của các con, sợ chúng bị tổn thương về tâm hồn khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Bị chồng đánh, người đàn bà hàng chài “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy” khiến cho người nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng không thể nào hiểu nổi “trong mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Tuy vậy, khi thằng Phác xuất hiện, đánh trả bố để bảo vệ mẹ thì người mẹ ấy mới bộc lộ nỗi đau đớn vô cùng. Điều chị muốn giấu, muốn bảo vệ các con là không thể, cái điều chị e ngại đã xảy ra. Hành động “mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy” có thể lí giải là chị muốn cầu xin con không dùng thói côn đồ đối với người bố dữ dằn, không được thù ghét bố. Thằng Phác còn quá nhỏ để hiểu bao cái rối rắm, cái đa đoan trong kiếp sống của những người lao động khổ cực.
⇒ Như vậy, người đàn bà vô danh trong tác phẩm đã đại diện cho biết bao kiếp người nheo nhóc, lênh đênh trên đại dương cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu muốn phản ánh.
1.1. Bà cụ Tứ
- Trước việc con trai dẫn về nhà một người đàn bà đồng nghĩa với việc thêm một miệng ăn trong cảnh “tối sầm vì đói khát”, người mẹ già ấy đã chấp nhận người đàn bà đói, bỏ qua những việc tối cần thiết vào lúc dựng vợ gả chồng cho con. Bà có trái tim nhân hậu khi vượt qua nỗi ám ảnh của cái đói để cưu mang, đùm bọc, xót thương người “vợ nhặt” với suy nghĩ “ Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình” . Người mẹ chồng ấy nhìn con dâu với ánh mắt xót xa và ái ngại. Bằng tình thương của mình, bà đã xua đi cái cảm giác mặc cảm của người con dâu qua câu nói “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Mừng lòng chứ không phải bằng lòng, bà Tứ nhân hậu là ở chữ ấy, Kim Lân sâu sắc cũng là chữ đấy. Người mẹ nghèo khổ trong tác phẩm đã không vì cái đói, cái cực của kiếp người tha hương cầu thực mà chai sạn tâm hồn, dửng dưng, vô cảm với tình cảnh khốn cùng của người khác. Bà nói với người con dâu mới với giọng “thân mật”, chân tình biết bao khi mời người đàn bà khốn khổ theo không con trai bà “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Đọc đến đây người đọc hẳn thấy mình rưng rưng xúc động cũng như cảm phục tấm lòng nhân ái của người mẹ trong truyện. Đồng thời, ta cảm nhận được tình người thật ấm áp bởi trong cái đói thê thảm, những người nghèo vẫn giang rộng vòng tay, che chở, yêu thương nhau. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ ở nhân vật này là vì thế.
- Bên cạnh tình yêu thương với người cùng cảnh ngộ, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có lòng yêu thương con vô bờ. Con trai có vợ vào lúc đói kém, người chết vì đói “như ngả rạ” đã tác động mạnh đến tâm lí của người mẹ. Bà cụ Tứ có những cảm xúc đan xen phức tạp, bà vui vì con có được vợ nhưng buồn, lo lắng “Biết rằng chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” Hơn nữa, nỗi tủi của người mẹ không lo được chuyện trăm năm cho con cứ đầy lên uất nghẹn “Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…” Người đọc nhận thấy sự thay đổi của người mẹ ấy vào sáng hôm sau. Không còn khuôn mặt bủng beo u ám mà thay vào đó là nét “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường” “rạng rỡ hẳn lên”, vượt lên cả cái mệt mỏi của dáng đi “lọng khọng” là hàng động hoạt bát “xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Trong bữa ăn đầu tiên của gia đình có nàng dâu mới, bà cụ nói chuyện ngăn nhà nuôi gà với bao nhiêu là hi vọng. Người nói đến tương lai nhiều nhất trong truyện lại là bà mẹ gần đất xa trời. Phải chăng người mẹ muốn gieo vào lòng con trai, con dâu niềm tin vào sự đổi thay, vào sự sống bất diệt? Cũng trong buổi sáng hôm ấy, bà cụ nấu nồi chè khoán để đãi nàng dâu mới. Cái dáng lật đật, lễ mễ và hành động vừa khuấy khuấy vừa tươi cười đon đả mới đáng kính và xúc động làm sao. Tình cảm của người mẹ được Kim Lân diễn tả đầy đủ và tinh tế qua những từ láy đó. Phải chăng bà vội vã để níu kéo niềm hạnh phúc mong manh mà bà cảm nhận đang mất đi trước thực tại đói khổ? Có thể thấy, mọi suy nghĩ, hành động của bà cụ Tứ đều xuất phát từ lòng thương con vô bờ. Người mẹ già ít nghĩ đến mình. Bà lo, thương, trĩu nặng, trăn trở vì con. Đức hi sinh của bà thật cao cả.
1.2. Người đàn bà hàng chài
- Với nhân vật người mẹ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa lòng bao dung, vị tha, đức hi sinh được thể hiện trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Bị chồng đánh dã man nhưng chị không hề trách chồng mà nhận lỗi về mình “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Cái lí do chị đưa ra mang trong nó bao nhiêu là bao dung bởi chị cũng như những người đàn bà khác đâu có đẻ một mình được. Điều đáng nói ở đây là người phụ nữ ấy nhận hết lỗi về mình xuất phát từ niềm cảm thương sâu sắc dành cho chồng.
- Còn đối với những đứa con, người đàn bà hàng chài là người mẹ yêu con đến mức có thể chịu mọi đau đớn tủi cực vì con. Chị cần một đàn ông chèo chống lúc phong ba để nuôi đàn con đông đúc lớn lên, dù có phải sống với một người chồng tàn ác, phải chịu những trận đòn đau đớn. Hạnh phúc của người mẹ ấy thật giản dị nhưng cũng rất hiếm hoi “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” . Với chị, thiên chức của người mẹ gắn liền trách nhiệm bổn phận “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi con khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Vì vậy, người đàn bà có một lựa chọn đầy cay đắng, chị xin chồng “đưa lên bờ mà đánh”. Không phải chị không biết đến quyền được giải thoát khỏi người chồng vũ phu. Ở đây chị khước từ nữ quyền để thực hiện bổn phận làm mẹ với những đứa con.
2.1. Bà cụ Tứ
- Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ là người mẹ có trái tim nhân hậu mà còn là người sắc sảo, hiểu đời. Bà ngạc nhiên, “phấp phỏng” trước thái độ vồn vã, trang trọng của người con trai và còn ngạc nhiên hơn khi trong nhà mình có một người đàn bà, lại chào bà “U đã về ạ”. Bao suy đoán làm cho bà mẹ cứ phân vân, băn khoăn, điều bà không bao giờ dám nghĩ tới - con trai bà có vợ, lại đến vào lúc bà không ngờ nhất. Do vậy, bà cụ Tứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuy nhiên, chỉ nghe mấy câu nói của người con trai “Nhà tôi mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả…” , bà mẹ ấy “cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu biết bao cơ sự”. Cái cúi đầu nín lặng của bà cụ Tứ hàm chứa tất cả những éo le mà bà đã đoán ra. Bà không hỏi con trai về điều Tràng đang tránh nói, không dám kể và người phụ nữ lạ kia đang bẽ bàng, tủi hổ. Bằng sự từng trải, người mẹ đã không tra xét mà bà nhìn, nghe và thấu thị những uẩn khúc trong câu chuyện “nhặt” vợ để con trai đỡ căng thẳng và người đàn bà theo con trai mình không bị tổn thương. Cách ứng xử của bà cụ Tứ vừa thông minh, vừa nhân ái vô cùng.
2.2. Người đàn bà hàng chài
- Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là nhân vật khá đặc trưng, tiêu biểu cho những khám phá về con người của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai.
- Bề ngoài chị là một người thất học, lạc hậu nhưng thực ra ở nhân vật này có sự trải đời, thấu hiểu lẽ đời. Nếu như Đẩu và Phùng cho rằng người đàn ông đáng bị lên án vì hành động thô bạo của anh ta thì người đàn bà hàng chài lại có những lí lẽ riêng để thấy rằng người chồng của mình đáng được cảm thông. Chị không bỏ người chồng dữ tợn của mình vì nhận thấy những biến đổi trong tính cách của anh ta có căn nguyên từ cuộc sống đói nghèo. Anh phải lao động vất vả ở trên một con thuyền chật mà con lại đông, nheo nhếch, khổ sở. Trong cảnh túng quẫn, bức bối, bi phẫn người chồng thay đổi tâm tính từ người cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ trở thành người chồng vũ phu.
⇒ Sự thâm trầm trong việc thấu trải lẽ đời của người đàn bà làm cho Đẩu và Phùng có thêm những vỡ lẽ về con người, cuộc đời và nghệ thuật. Vấn đề được Nguyễn Minh Châu gợi ra ở đây là con người cần có cái nhìn đa diện và thấu đáo về cuộc đời.
- Kim Lân xây dựng nhân vật người mẹ trong tác phẩm của mình bằng một tình huống truyện độc đáo. Việc Tràng dẫn người vợ “nhặt” về nhà giữa cảnh người chết như ngả rạ vì đói đã tác động mạnh mẽ đến tâm lí của nhân vật người mẹ. Những cảm xúc vui, buồn, âu lo, thương xót… đan xen nhau trong nội tâm của bà cụ Tứ. Nhờ có tình huống truyện mà tâm lí nhân vật được diễn tả thật tự nhiên, sống động. Vì thế, hình ảnh bà mẹ nhân hậu đọng lại trong trí nhớ và để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.
- Để miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn còn dùng phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba của người trần thuật giấu mình nhưng lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật (lời nửa trực tiếp) “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? …”Những suy nghĩ thầm kín của bà cụ Tứ đã cho thấy sự tinh tế của nhà văn trong khắc họa phẩm chất của nhân vật. Tìm hiểu nhân vật này khó có thể bỏ qua những lời độc thoại nội tâm cảm động như thế.
- Mặt khác, trong sáng tác truyện ngắn, Kim Lân luôn coi trọng chi tiết. Miêu tả nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn đã tạo dựng được những chi tiết đắt giá như chi tiết về ngoại hình nhân vật, chi tiết về nồi chè khoán…
- Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu cũng sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật Phùng đóng vai trò là người kể chuyện. Câu chuyện về người đàn bà hàng chài được Phùng kể lại với những nhận thức của người nghệ sỹ về nghệ thuật và con người. Mặt khác, hình tượng người đàn bà được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau: của Đẩu - chánh án tòa án huyện, của thằng Phác - con của người đàn bà và của chính người đàn bà ấy. Sự di chuyển điểm nhìn trần thuật khiến cho đối tượng hiện ra từ nhiều phía, đồng thời cũng cho thấy những quan điểm khác nhau, thái độ khác nhau qua cùng một sự kiện. Nhà văn qua đó khám phá được vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà, tránh cái nhìn đơn giản, một chiều về con người. Đây chính là thành công của Nguyễn Minh Châu trong hành trình tự vượt mình, đem lại tiếng nói mới góp phần làm thay đổi văn học Việt Nam những năm 80 của thế kỉ trước.
- Tóm lại, nhân vật người mẹ ở hai tác phẩm đều mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: giàu đức hi sinh, vị tha, tình mẫu tử cao đẹp,… Khi miêu tả, phát hiện và tôn vinh những vẻ đẹp đó của nhân vật người mẹ, các nhà văn đã đem lại cho tác phẩm giá trị nhân đạo sâu sắc, gợi trong lòng độc giả những rung cảm thẩm mĩ có sức ám ảnh và lan tỏa.
- Tuy nhiên, văn chương không bao giờ chấp nhận lối mòn, bất cứ sự lặp lại nào (người khác hay chính mình) sẽ dẫn đến con đường khai tử cho nghệ thuật. Thấu hiểu điều đó, các nhà văn đều có những khám phá riêng ở hình tượng người mẹ. Bà cụ Tứ trong truyện ngắn của Kim Lân được đặt vào bối cảnh của nạn đói 1945. Từ đó nhà văn làm nổi bật lên chủ đề “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà họ nghĩ đến cái sống” và lòng nhân ái, tình mẫu tử cao đẹp của bà mẹ nghèo chính là tình người nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc. Đến với tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, người đọc nhận thấy nhân vật người mẹ được phản ánh trong cuộc sống mưu sinh đời thường. Qua đó, nhà văn phát hiện, tôn vinh vẻ đẹp của con người ngay cả trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận.