Đề 3: Cảm nhận về đoạn thơ: "Những ai đã khuất... vẹn tròn, to lớn"

Đề bài: Trong "Đất Nước", Nguyễn Khoa Điềm viết:

“Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn”

( Trích “Đất nước” – Trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập 1)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về cách thể hiện mối quan hệ giữa con người và đất nước của nhà thơ.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

- Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận

- Thân bài triển khai được các luận điểm.

- Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Cảm nhận đoạn thơ , từ đó đưa ra nhận xét về mối quan hệ giữa con người và đất nước.

c. Triển khai vấn đề

(1) Về nội dung:

- Đất Nước kết tinh, hóa thân trong cuộc sống của mỗi người, là nguồn cội, là sự hòa quyện không thể tách rời giữa cá nhân với cộng đồng. 

- Hai chữ “cúi đầu” thể hiện niềm thành kính thiêng liêng, chạm vào tình cảm cội nguồn, khơi dậy trong lòng người truyền thuyết vua Hùng dựng nước. “Tổ” là nguồn cội, là giống nòi của dân tộc, là tổ tiên thuở trước. Xúc động và đáng trân trọng biết bao thái độ thành kính của nhà thơ khi hướng về quá khứ, cội nguồn của dân tộc.

- Đất Nước có “trong anh và em”. Như vậy, trong mỗi cá nhân, cá thể đều có hình hài, sức sống của Đất Nước, Nhân Dân. Tuy trong anh và em chỉ có “một phần của Đất Nước” – nghĩa là nhỏ bé, giản dị thôi nhưng không vì thế mà tầm thường, vô nghĩa mà ngược lại rất đỗi thiêng liêng, tự hào sâu sắc bởi nó đã làm nên cuộc đời, số phận và sức sống của một Đất Nước, sức sống của mỗi chúng ta.

- Mỗi người phải có trách nhiệm với sự trường tồn của Đất Nước. Yêu nước, lớp lớp con cháu người Việt nối bước cha ông, gánh vác trên vai trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước.

(2) Về nghệ thuật:

- Từ Đất Nước được viết hoa hai thành tố một cách trang trọng.

- Thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn đan xen, giọng điệu thơ tâm tình, sâu lắng, hòa quyện giữa chất chính luận với trữ tình.

- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, giàu sức gợi; nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê… 

(3) Nhận xét về cách thể hiện mối quan hệ giữa con người và đất nước của tác giả.

- Giọng thơ gần gũi, chân thành, mộc mạc mà thấm thía

- Nhìn đất nước như 1 gia đình có nguồn cội, có chung tổ tiên, từ đó khẳng định trách nhiệm của mỗi người với đất nước – Hòa tình yêu gia đình vào tình yêu đất nước- góp phần thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân.

- Quan niệm mới mẻ, sâu sắc, góp phần thức tỉnh trách nhệm của tuổi trẻ đô thị Miền Nam vùng địch tạm chiếm.

  • 17 lượt xem
Sắp xếp theo