Đề 4: Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích: "Người đàn bà lẳng lặng... sao nhà biết?"

Đề bài: Trong "Vợ nhặt", Kim Lân viết

“… Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí làm ăn không? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chum ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.

Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vần trên nền trời như những đám mây đen.

Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:

- Trống gì đấy, u nhỉ?

- Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt gồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ... - Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lầm bầm:

- Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?

Im lặng một lúc thị lại tiếp:

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít... Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

- Việt Minh phải không?

- Ừ, sao nhà biết?...”

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr 30,31,32)

Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề:

(1) Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt , đoạn trích, vấn đề nghị luận.

(2) Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích:

* Giới thiệu chung về nhân vật người vợ nhặt:

- Lai lịch: Không nhà cửa, không gia đình, không tên (Thị, cô ả, người đàn bà) 🡪Cuộc đời thị là một số o tròn trĩnh, thể hiện tính chất cay đắng của thân phận con người

- Ngoại hình: Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, gầy sộp, áo quần tả tơi như tổ đỉa…🡪 Thân phận khốn khổ, đói nghèo truy đuổi không biết bám víu vào đâu…

- Tính cách: Trước khi làm vợ Tràng : Thị chao chát, chỏng lỏn trong lời nói, vô duyên trong hành động. Được Tràng cho ăn, thị ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc và chấp nhận theo không về làm vợ Tràng

⭢ Cái đói đã làm thị đánh mất cả sĩ diện ⭢ thị cần một nơi nương tựa, bấu víu.

(3) Sau khi về làm vợ Tràng, thị hoàn toàn thay đổi, trở thành người phụ nữ đúng mực, bộc lộ nhiều phẩm chất đáng quý. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích trên.

- Thị trở nên hiền hậu, đúng mực:

  • Trong hành động: Chăm chỉ quét dọn nhà cửa, vườn tược, vun vén cho tổ ấm; chăm chút cho bữa cơm gia đình; hiền thục đoan trang khác hẳn trước đây, chính Tràng cũng nhận ra hôm nay “ nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”
  • Trong lời nói, cử chỉ: “Trống gì đấy, u nhỉ?”, “Ừ, sao nhà biết?”

- Biết cảm thông với hoàn cảnh khốn khó của nhà chồng: Trong bữa cơm, khi đón nhận bát chè khoán thực ra là cháo cám từ người mẹ, Thị đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng

- Thị còn là người gieo niềm tin và hướng về tương lai:

  •  Bữa cơm đón nàng dâu mới thật thảm hại diễn ra trong tiếng thúc thuế dồn dập ngoài kia khiến bà mẹ từ đầu đã cố vui, gượng vui cũng phải quay mặt để giấu đi giọt nước mắt. Thế nhưng, cũng chính tại thời khắc tuyệt vọng đó, thị lại thắp lên một niềm hy vọng mới cho Tràng bằng câu hỏi đầy ngạc nhiên “ - Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?”

Im lặng một lúc thị lại tiếp:

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.”

  • Khi trang phấn khởi hỏi lại “ Việt Minh phải không ?”, thị đã trả lời thật lễ phép và hào hứng: “ - Ừ, sao nhà biết?...”

🡪 Đánh giá : Đoạn trích nói riêng, tác phẩm nói chung đã thể hiện tài năng của Kim Lân trong việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, eo le; cách kể tự nhiên, hấp dẫn, dựng cảnh sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc; nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện tâm lí tinh tế; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắc lọc và giàu sức gợi cảm. Qua đó, tác giả đã xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt, có thể thấy thị là nạn nhân của nạn đói, nhưng trong sâu thẳm vẫn là người phụ nữ đảm đang, chịu thương, chịu khó, khát khao mái ấm gia đình và có niềm tin vào tương lai. Nhân vật góp phần làm toát lên giias trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

(4) Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

- Tư tưởng nhân đạo thể hiện qua tiếng nói tố cáo tội ác của chế độ thực dân – phát xít đã đẩy những người dân vô tội vào nạn đói khủng khiếp, khiến họ phải đứng ngay bên bờ vực của cái chết, thậm chí đánh mất cả danh dự của bản thân.

- Không những thế qua cách miêu tả, qua giọng điệu của tác phẩm người đọc cảm nhận được tấm lòng thương yêu, cảm thông, chia sẻ của nhà văn với tình cảnh của nhân vật.

- Trong nạn đói quắt quay, khi con người phải đối mặt với cái chết, Kim Lân vẫn phát hiện và khẳng định được vẻ đẹp tâm hồn của họ, rằng họ vẫn luôn hướng về sự sống, vẫn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao hạnh phúc và hướng về tương lai bằng một niềm tin mãnh liệt.

 - Cho đến gần cuối truyện, nạn đói vẫn chưa buông tha nhân vật, họ ngồi ăn bữa cơm đón nàng dâu mới thật thảm hại trong tiếng thúc thuế dồn dập ngoài kia. Thế nhưng, với chi tiết kết thúc là hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” hiện lên trong óc Tràng vẫn gieo vào lòng người đọc một niềm tin mãnh liệt rằng rồi đây CM sẽ dẫn dắt những người dân khốn khổ như Tràng tìm đến một tương lai tốt đẹp hơn. 

  • 371 lượt xem
Sắp xếp theo