Đề 4: Làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo" qua nhân vật Tnú và dân làng Xô Man

Đề bài: Trong truyện ngắn “Rừng xà nu”, nhân vật cụ Mết có nói: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo".

Anh/chị hãy phân tích nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói trên, từ đó làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

I. Mở bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

- Nguyễn Trung Thành là một nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây.

- Tác giả thành công với truyện ngắn Rừng xà nu – được xem là hịch tướng sĩ trong kháng chiến chống Mĩ.

- Một trong những câu nói trở thành chân lí là lời của cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo. Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ điều đó, đồng thời làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.

II.Thân bài:

1. Khái quát tác phẩm:

- Truyện ngắn “Rừng xà nu” được nhà văn Nguyễn Trung Thành viết năm 1965, in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.

- Truyện miêu tả rừng xà nu và kể chuyện Tnú sau ba năm đi “lực lượng” về thăm làng. Tối hôm đó, tại nhà cụ Mết, dân làng mừng đón Tnú, Cụ Mết kể cho dân làng nghe câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của làng Xô Man chống kẻ thù tàn bạo. Sáng hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn chân Tnú trở về đơn vị.

2. Phân tích nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết:

a. Về nội dung:

- Hoàn cảnh xuất hiện câu nói của cụ Mết:

  • Tnú về thăm làng Xô Man sau ba năm đi lực lượng;
  • Cụ Mết kể cho dân làng nghe về việc vợ con Tnú bị kẻ thù tra tấn dã man. Tnú xông ra cứu vợ con nhưng không thành
  • Cụ cũng không kìm nổi sự tiếc thương, đau đớn và xúc động, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt” như muốn che giấu lòng mình. Và cụ đã dặn dò con cháu qua câu nói trở thành chân lí: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo;
  • Ý nghĩa câu nói: phải chống lại bạo lực bằng bạo lực, phải dám đứng lên tiến hành chiến tranh vũ trang cách mạng để chống lại chiến tranh phản cách mạng của kẻ thù.

- Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa kịp cầm giáo mà kẻ thù đã cầm súng:

  • Lúc ấy, nhân vật Tnú và dân làng Xô Man đã có trong mình cả lí tưởng cách mạng, cả ý thức văn hoá (kí ức về những sử thi anh hùng của Tây Nguyên, ý thức học chữ để làm cách mạng) và những phẩm chất tốt đẹp (Mai hiền dịu, giàu đức hi sinh; Tnú khoẻ mạnh, gan góc, tuyệt đối trung thành với cách mạng; làng Xô Man giàu tình nghĩa… ). Với chừng ấy những thứ quý báu, họ cũng không thể tự bảo vệ mình và những gì mình yêu thương (cái chết của anh Xút, bà Nhan, Mai và đứa con của Mai với Tnú… Chính Tnú cũng bị đốt cụt 10 đầu ngón tay).
  • Lí do: “Mày chỉ có hai bàn tay trắng. Tau không nhảy ra cứu mày vì tau cũng chỉ có hai bàn tay không”. Khi chúng ta chỉ có hai bàn tay không, đơn độc giữa kẻ thù đầy vũ khí thì chúng ta không thể cứu được mọi người và cũng không thể tự cứu bản thân mình.

- Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi đã cầm giáo đứng lên:

  • Khi lũ làng ào ào xông lên với giáo mác trong tay, lửa đã tắt trên bàn tay Tnú, đau thương ngừng lại, kẻ thù phải trả giá (Cái chết của 10 thằng ác ôn dưới mũi mác, mũi giáo của cụ Mết và thanh niên làng Xô Man, cái chết của thằng chỉ huy dưới bàn tay tàn tật của Tnú).
  • Khi cầm vũ khí đứng lên, cuộc sống của làng Xô Man đã hoàn toàn thay đổi: âm thanh tiếng chày giã gạo dồn dập của làng Xô Man khi Tnú trở về, câu nói của cụ Mết: “Năm nay làng không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suối. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được 3 năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mĩ phải đánh lâu dài” chính là biểu hiện cụ thể của sự thay đổi ấy.
  • Khi cầm vũ khí đứng lên, dân làng Xô Man cũng như cánh rừng xà nu trở nên bất diệt: con đường đến làng Xô Man chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò, những chỗ ác chiến điểm sẵn sàng đợi giặc. Rừng xà nu thì ào ào rung động, đại bác của kẻ thù không ngăn nổi sự sống, sức sống của những mầm cây đang tiếp tục nhú lên.
  • Khi cầm vũ khí đứng lên, con người Xô Man trở nên hoàn thiện hơn: Dit giống Mai. Song Mai chỉ có tình yêu thương còn Dít có thêm cả sự cứng cỏi, hiểu biết và đầy bản lĩnh để bảo vệ những gì mình yêu thương. Heng giống Tnú song có thể thấy Heng sẽ đi xa hơn Tnú. Ở tuổi của Tnú ngày xưa, cậu bé Heng đã có tư thế của một người lính thực thụ, có những hiểu biết và ý thức hơn hẳn Tnú ngày xưa.

b. Nghệ thuật:

- Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm:

  • Đề tài có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô man chống Mỹ Diệm.
  • Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.
  • Cách trần thuật: Chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong một đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng;

- Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Chuyện về thời hiện tại được kể bằng giọng điệu và ngôn ngữ sử thi.

c. Nhận xét con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên:

- Qua tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã khái quát được con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên từ tự phát đến tự giác, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do;

- Tác giả khẳng định được sức sống bất diệt của Tây Nguyên trong cuộc đối mặt với kẻ thù.

III. Kết bài:

- Tóm lại vấn đề đã nghị luận

- Cảm nghĩ bài học cuộc sống từ lời nói của cụ Mết, từ nhân vật Tnú và dân làng Xô Man…

  • 8 lượt xem
Sắp xếp theo