Đề 1: Cảm nhận về vẻ đẹp cây xà nu trong đoạn trích mở đầu và kết thúc tác phẩm

Đề bài: Trong "Rừng xà nu", nhà văn viết:

Đoạn mở đầu:

Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loài cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

Và kết thúc tác phẩm là:

Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

(Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 38 và 48)

Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp cây xà nu trong đoạn trích trên. Từ đó, anh/chị lí giải: Cây xà nu là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc tạo nên màu sắc sử thi và sự lãng mạn bay bổng cho thiên truyện .

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Cảm nhận về vẻ đẹp cây xà nu, làm rõ nhận định “Cây xà nu là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc tạo nên màu sắc sử thi và sự lãng mạn bay bổng cho thiên truyện

c. Triển khai vấn đề:

(1) Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

(2) Cảm nhận vẻ đẹp cây xà nu: 

* Vị trí: là hình tượng xuyên suốt tác phẩm.

* Cây xà nu gắn bó với con người Tây Nguyên:

- Cây xà nu trong tác phẩm và các trích đoạn trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Qua hình tượng cây xà nu, nhà văn tạo dựng một bối cảnh hùng vĩ và hoang dại đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu chuyện.

- Cây xà nu gần gũi với đời sống của người dân làng Xô Man, là chứng nhân của những sự kiện quan trọng xảy ra với họ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì.

* Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất số phận của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh:

- Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đạn đại bác của kẻ thù gợi nghĩ đến những mất mát, đau thương mà đồng bào ta đã trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị khủng bố ác liệt.

- Sự tồn tại kì diệu của rừng xà nu qua những hành động hủy diệt, tàn phá thể hiện sự bất khuất kiên cường, sự vươn lên mạnh mẽ của con người Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu một mất một còn của dân tộc.

- Đặc tính “ham ánh sáng ” của cây xà nu tượng trưng cho niềm khao khát tự do, lòng tin vào lí tưởng Cách mạng của người dân Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam.

- Khả năng sinh sôi mãnh liệt của cây xà nu cùng sự rộng lớn, bạt ngàn của rừng xà nu gợi nghĩ sự tiếp nối của nhiều thế hệ người dân Tây Nguyên đoàn kết bên nhau kháng chiến.

* Nghệ thuật miêu tả cây xà nu:

- Kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, khi dựng lên hình ảnh cả rừng xà nu, khi đặc tả cận cảnh một số cây.

- Phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan trong việc miêu tả những cây xà nu với vóc dáng đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh dưới ánh nắng...

- Miêu tả cây xà nu trong sự so sánh đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên, gợi những suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống.

Giọng văn đầy biểu cảm, mang cảm hứng ngợi ca.

(3) Lí giải nhận định:

- Hình tượng xà nu mang vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ, tạo nên bối cảnh sử thi hùng tráng làm nền cho 2 câu chuyện về cuộc đời Tnú và làng Xô Man đánh giặc. Đồng thời, biểu tượng cho số phận, tinh thần đấu tranh kiên cường, phẩm chất tốt đẹp của người Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm.

- Cây xà nu có sức sống mãnh liệt, diệu kì như trong huyền thoại làm nên màu sắc Tây Nguyên mà nhà văn say mê, tự hào.

  • 8 lượt xem
Sắp xếp theo