Lệnh phụ trong đề văn Vợ nhặt

1.Giá trị nhân đạo của tác phẩm

- Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau khổ của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ, đồng thời lên án những thế lực tàn bạo, đen tối chà đạp lên quyền sống, ước mơ hạnh phúc và phẩm giá của con người.

-  Biểu hiện trong tác phẩm: 

  • Biểu hiện thứ nhất của giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ nhặt” thể hiện ở việc tác giả bộc lộ niềm đau xót, thương cảm đối với cuộc sống bi thảm của người dân nghèo trong nạn đói.
  • Biểu hiện thứ hai của giá trị nhân đạo thể hiện ở việc nhà văn tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân, phát xít đối với nhân dân ta.
  • Biểu hiện thứ ba của giá trị nhân đạo trong tác phẩm này thể hiện ở việc nhà văn khám phá, phát hiện, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân.
  • Biểu hiện cuối cùng của giá trị nhân đạo là nhà văn đã hé mở con đường đổi đời tươi sáng, tích cực cho người dân khốn cùng.

- Biểu hiện qua nhân vật Tràng: 

  • Qua nhân vật Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ phản ánh số phận cùng khổ của người nông dân nghèo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám mà còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đó là vẻ đẹp của tình người, của khát vọng hạnh phúc. Đoạn trích đã diễn tả thành công sự đổi thay trong tâm trạng của nhân vật Tràng: từ bất ngờ, bỡ ngỡ đến hạnh phúc tột cùng; từ ngờ nghệch, vô tâm trở thành người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm.
  • Xây dựng hình tượng nhân vật Tràng, nhà văn đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng với khát vọng hạnh phúc của con người để từ đó khẳng định: dù trong tình huống bi thảm tới đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra người. Đây cũng chính là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.

2. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân

- Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

- Với năng lực phân tích tâm lý tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn những chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lý một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động.

- Nhờ có bà cụ Tứ mà câu chuyện nhặt vợ của Tràng được soi chiếu từ một góc mới, làm bật lên các âm hưởng khác nhau: đau buồn và hứng khởi, bi quan và lạc quan, lãng mạn và đời thường. Với cách sử dụng điểm nhìn của bà cụ Tứ, tâm trạng riêng của người mẹ từng trải, rất thương con, vừa mừng vừa lo trước cảnh hai đứa con về với nhau, tác giả Kim Lân đã thể hiện tài năng xây dựng tâm lí nhân vật, am hiểu con người nông thôn.

- Mở rộng: Theo lời nhà văn Kim Lân, “Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói con người ta khổ cực và đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc,vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai”. (Học sinh có thể liên hệ, mở rộng và so sánh với giá trị nhân đạo trong tác phẩm của các tác giả khác cùng viết về đề tài người nông dân).

3. Nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện ở tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm với số phận của một người mẹ nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Tác giả gửi gắm tình cảm trân trọng, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ: tuy nghèo nhưng rất thương con, nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, đặc biệt bà là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. Tấm lòng đó còn thể hiện qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng của nhân vật với chiều sâu bên trong tâm hồn vừa phức tạp, vừa sâu sắc, hiểu và cảm được tận cùng nỗi niềm của người mẹ nghèo;

- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn Vợ nhặt có giá trị phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.

4. Nhận xét cái nhìn mới mẻ về con người của nhà văn Kim Lân

- Nhà văn có cái nhìn xót xa, thương cảm và tin yêu về con người Việt Nam dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến và bọn thực dân phát xít trong nạn đói khủng khiếp Ất Dậu 1945. Tuy sống trong thân phận rẻ rúng, hết sức bi đát, bị cái đói, cái chết bủa vây nhưng họ vẫn khao khát sống, khao khát yêu thương và có niềm tin bất diệt vào tương lai sẽ được đổi đời. Kim Lân còn tìm thấy sức mạnh của tình yêu trong thẳm sâu những con người bé nhỏ. Tràng lấy vợ, một câu chuyện dở khóc dở cười nhưng sau sự kiện bi hài ấy, con người và thế giới của riêng Tràng thay đổi: vợ hiền thảo hơn, Tràng đã trưởng thành nên người. Bà mẹ lần đầu tiên trên trán bớt đi đám mây u ám. Tình yêu thương đã khiến cho ba con người nhỏ bé và mái ấm gia đình của họ không bị vùi xuống vực thẳm của sự chết chóc. Trong thời khắc quyết định số phận, họ đã nương tựa, cưu mang, sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu.

- Cách nhìn mới mẻ, lạc quan tin tưởng về con người cho thấy tài năng quan sát, miêu tả, dựng cảnh, đi sâu khai thác diễn biến tâm trạng nhân vật rất hợp lý, chân thực, đặc biệt tạo tình huống truyện độc đáo, bất ngờ, éo le và cảm động của nhà văn Kim Lân, góp phần làm bừng sáng giá trị nhân văn trong sáng tác của nhà văn nông thôn được đánh giá xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại 1945-1975.

  • 39 lượt xem
Sắp xếp theo