Đề so sánh các đoạn thơ Việt Bắc

Đề 1: Đọc hai đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc (Tố Hữu):

Đoạn 1:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Đoạn 2:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

(Trích Việt Bắc, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD, 2016)

Anh/ chị hãy cảm nhận hai đoạn thơ để thấy được “Việt Bắc” vừa là bản tình ca vừa là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Từ đó nêu nhận xét về nội dung thơ trữ tình- chính trị của Tố Hữu.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

1. Giải thích

- “Việt Bắc” vừa là bản tình ca vừa là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến: Bài thơ thể hiện tình cảm lưu luyến giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ cách mạng, ca ngợi lối sống ân nghĩa ân tình giữa nhân dân và cách mạng. Đồng thời cũng ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, những con người kháng chiến (nhân dân và cán bộ cách mạng) anh hùng trong chiến đấu.

- Hai đoạn thơ tiêu biểu cho bản tình ca vừa là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

2. Việt Bắc là bản tình ca:

- Đoạn thơ nằm trong mạch thơ ghi lại lời người về xuôi và thể hiện tình cảm nhớ thương da diết sâu nặng của người về xuôi với người Việt Bắc. Điệp từ “nhớ” thể hiện nỗi nhớ lan tỏa trong không gian, thời gian và đọng lại trong sâu thẳm hồn người, nỗi nhớ Việt Bắc được cụ thể hóa qua nghệ thuật so sánh “nhớ gì như nhớ người yêu”.

- Hình ảnh thiên nhiên và con người mang vừa thực vừa thơ mộng, trữ tình:

  • Hình ảnh thơ mộng, thi vị của thiên nhiên Việt Bắc: hình ảnh trăng – đầu núi, nắng – lưng nương vừa thực, vừa có nét ảo, hài hòa; một Việt Bắc xa mờ trong khói sương (bản khói cùng sương).
  • Hình ảnh con người (người thương, bếp lửa): gợi ra vẻ đẹp của con người cần cù chịu thương chịu khó, ân nghĩa thủy chung, mềm mại, duyên dáng. Đồng thời cũng gợi ra cuộc sống của con người Việt Bắc có nét hoang sơ nhưng không hề hoang vắng, lạnh lẽo mà rất ấm áp, nghĩa tình; gợi được cả nhịp sống của con người Việt Bắc, một nhịp sống bình yên ấm áp như tự ngàn đời.

3. Việt Bắc là bản anh hùng ca:

- Đoạn thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca: Khí thế ra trận được miêu tả bằng ấn tượng thị giác (từ láy điệp điệp, trùng trùng); Hình ảnh Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan: vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng; hình ảnh Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay là những hình ảnh giàu chất tạo hình, vừa thực vừa bay bổng.

- Khung cảnh hùng tráng đậm chất sử thi, cảm hứng lãng mạn thể hiện qua giọng điệu dồn dập, âm hưởng hào hùng, từ ngữ diễn tả hoạt động sôi nổi, hình ảnh ấn tượng.

⇒ Hai đoạn thơ tiêu biểu cho bài thơ "Việt Bắc” vừa là bản tình ca vừa là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến; cả hai đoạn thơ được Tố Hữu thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật giàu giá trị thẩm mĩ và sáng tạo.

4. Đoạn thơ, bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu:

- Mọi sự kiện, hình ảnh của cách mạng và con người cách mạng (tình nghĩa giữa cán bộ cách mạng về xuôi và người dân Việt Bắc; khí thế chiến đấu của cả dân tộc), những tình cảm chính trị đều được thể hiện thành công qua đoạn thơ, bài thơ.

- Hồn thơ Tố Hữu rất nhạy bén và dạt dào cảm hứng, kết tinh trong những đoạn thơ, bài thơ đặc sắc.

5. Đánh giá

- Hai đoạn thơ đã thể hiện giá trị nội dung tư tưởng xuyên suốt của bài thơ Việt Bắc – một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của thơ ca Việt Nam.

- Hai đoạn thơ tiêu biểu cho bài thơ Việt Bắc, đã làm sống dậy một phần những kỉ niệm ân nghĩa, ân tình của đười sống cách mạng và kháng chiến đồng thời tô đậm khí thế hùng tráng của cả dân tộc trong thời đại máu lửa.

- Tố Hữu đã tạo cho mình một tiếng thơ riêng – thơ trữ tình chính trị, khẳng định tài năng và phong cách thơ độc đáo của mình.

---------------------------------------------------------

Đề 2: Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những tháng ngày kháng chiến gian khổ:

Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai

và tái hiện những chiến thắng lịch sử hào hùng của quân dân Việt Bắc:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De núi Hồng.

( Việt Bắc, SGK Ngữ văn 12, tập một, trang 110, 112)

Anh (chị) hãy phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật sự vận động của cảm xúc thơ Tố Hữu.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

- Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu được coi là thi sử của cách mạng dân tộc

- Tập thơ Việt Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ Tố Hữu. Trong đó “Việt Bắc” là thành công xuất sắc. Tác phẩm là bản hùng ca về cuộc kháng chiến 9 năm gian lao mà anh dũng, là bản tình ca ân nghĩa thủy chung giữa cán bộ miền xuôi và đồng bào Việt Bắc.

- Hai đoạn thơ trích dẫn dưới đây là đoạn đặc sắc, thể hiện rõ nét cảm xúc thơ, phong cách thơ Tố Hữu

2. Cảm nhận về hai đoạn thơ

* Đoạn thơ thứ nhất:

- Tái hiện những tháng ngày kháng chiến thiếu thốn gian khổ nhưng vẫn ngời sáng ý chí và tinh thần quyết tâm của quân dân Việt Bắc

  • Cặp đại từ “mình – ta” thể hiện tình cảm thương mến, ngọt ngào, tha thiết
  • Điệp từ “có nhớ” gợi sự hồi tưởng, gợi nhớ những tháng ngày kháng chiến gian khổ đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi cùng nhau chia sẻ
  • Hệ thống hình ảnh đa dạng, giàu ý nghĩa biểu tượng khái quát: Hình ảnh gợi nhớ thiên nhiên Việt Bắc khắc nghiệt, gợi sinh hoạt kháng chiến gian khổ, gợi ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ của quân dân Việt Bắc…

⇒ Nhà thơ bộc lộ tâm trạng bồi hồi xúc động, từ đó tri ân đồng bào Việt Bắc đã đồng cam cộng khổ, hết lòng vì cách mạng, vì kháng chiến.

* Đoạn thơ thứ hai:

- Tái hiện những tháng ngày quân dân Việt Bắc quật khởi hào hùng, những chiến thắng dồn dập dội về. Việt Bắc trở thành điểm hội tụ niềm vui muôn phương.

  • Một loạt địa danh được gọi tên gợi nhớ những chiến công lừng lẫy của quân và dân Việt Bắc dội về từ muôn nẻo đường.
  • Giọng điệu thơ nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui sướng tự hào.
  • Nghệ thuật điệp linh hoạt biến hóa: Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng cho thấy niềm vui bao trùm không gian Việt Bắc và ngân nga trong lòng quân và dân cả nước.

⇒ Bộc lộ cảm xúc hân hoan phấn chấn tự hào. Tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, ý chí quyết tâm sắt đá đã tạo nên sức mạnh để quân dân Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng.

3. Nhận xét về sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu qua hai đoạn thơ

- Qua hai đoạn thơ cảm xúc thơ có sự vận động rõ nét: từ trữ tình sâu lắng đến hân hoan hào hùng, tự xúc động ngậm ngùi đến tươi vui rạng rỡ, từ cảm nhận sự gian khổ đến niềm vui chiến thắng ngập tràn.

- Từ đó độc giả hình dung được về sự vận động phát triển của cách mạng Việt Nam, về các giai đoạn của cuộc kháng chiến, trân trọng sự đóng góp hy sinh của đồng bào Việt Bắc cho kháng chiến

- Từ sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu, độc giả nhận ra đặc điểm thơ Tố Hữu: Lối thơ trữ tình – chính trị. Mọi cung bậc cảm xúc tâm trạng đều xuất phát từ những vấn đề chính trị, cách mạng của dân tộc của thời đại

- Nghệ thuật thể hiện: Bút pháp từ trữ tình sâu lắng đến sử thi hào hùng, giọng điệu từ bồi hồi xúc động đến lạc quan tin tưởng, ngôn từ hình ảnh từ đặc tả biểu tượng đến những địa danh được lịch sử hóa.

4. Đánh giá:

- Hai đoạn thơ đặc sắc góp phần tạo nên thành công của Việt Bắc, góp phần sáng tỏ ý nghĩa hùng ca – tình ca của Việt Bắc

- Tố Hữu xứng đáng được vinh danh là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam

  • 81 lượt xem
Sắp xếp theo