Lệnh phụ trong đề văn Chiếc thuyền ngoài xa

1. Nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

- Biểu hiện: Đó là tình huống nhân vật Phùng đang trong những giây phút thăng hoa của cảm xúc, bất ngờ chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lí, dã man. Từ đây, nhận thức, suy nghĩ về con người, về cuộc sống của Phùng có những thay đổi: từ chỗ khám phá cái đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã phát hiện ra những nghịch lí của cuộc đời, để rồi cuối cùng nhận thức được nhiều điều: những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực. Nghịch lí giữa người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng, nghịch lí giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏvợ.

- Ý nghĩa: Với tình huống của truyện, nhà văn đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màng sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất cần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài

- Xây dựng đoạn đối thoại rất tự nhiên và có ý nghĩa.

- Xây dựng nhân vật không chỉ qua ngoại hình mà còn qua lời nói, cử chỉ,… làm nổi bật tính cách riêng, tiêu biểu.

- Nhân vật không tên, số phận đáng thương nhưng đối lập với vẻ ngoài xấu xí là vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, một vẻ đẹp khuất lấp.

⇒ Nhận xét:

  • Giọng kể buồn thương, thể hiện nỗi lo âu trăn trở trước cuộc mưu sinh nhọc nhằn của con người.
  • Nhà văn ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, lên án nạn bạo hành.
  • Phát hiện và trân trọng vẻ đẹp trong tâm hồn của người đàn bà hàng chài, cảm phục trước sự hi sinh thầm lặng của người phụ nữ nghèo khổ lam lũ.

3. Nhận xét về cảm hứng thế sự trong truyện ngắn

- Dự cảm lo âu của nhà văn về thân phận con người đã thôi thúc Nguyễn Minh Châu hướng đến thông điệp: sự ngu dốt tối tăm cùng với cuộc sống lao động cực nhọc có thể dẫn đến số phận bi đát của người nông dân.

- Trong Chiếc thuyền ngoài xa, gia đình hàng chài chính là một bức tranh thu nhỏ cho cuộc sống ấy. Ở đây, con người hiện lên chân thực đến trần trụi trong một cuộc sống đói nghèo tăm tối. Nhưng Nguyễn Minh Châu còn khám phá ở một tầng sâu hơn trong những bí ẩn của con người. Nguyễn Minh Châu đem đến cho ta những bất ngờ. Người chồng ấy đâu chỉ là một tội nhân. Anh ta còn là ân nhân đã đem đến cho người đàn bà thô mộc xấu xí với gương mặt rỗ vì đậu mùa ấy một gia đình mà chị ta khao khát. Anh ta vốn cũng hiền lành. Anh ta còn là người chồng, người cha đã gồng lưng chèo chống con thuyền- gia đình hàng chài- giữa biển cả khi trời yên cũng như khi biển động để nuôi sống cả đàn con. Trên vai anh ta là cả một gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn. Và, sự gồng gánh ấy chưa hề đứt đoạn.

- Còn người đàn bà, tưởng như ít học, mông muội (giơ lưng chịu đòn không một tiếng kêu la), lại là một người rất thấu hiểu lẽ đời, biết cảm thông và biết hy sinh. Chị chia sẻ cùng chồng gánh nặng mưu sinh bằng cách chìa tấm lưng ra chịu những trận đòn, hiểu rằng ấy là một cách giải tỏa những ấm ức cuộc sống. Chị chắt chiu cho mình và cho con những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi và quý giá. Chị biết giữ gìn cho con một tâm hồn hướng thiện khi xin chồng đưa mình lên bờ, đến quãng vắng mà đánh. Chị lại giữ cho con một gia đình trọn vẹn, một người cha gánh vác bằng một lời cầu xin thống thiết “đừng bắt con bỏ nó”. Rõ ràng, đằng sau cái vẻ xù xì thô mộc ấy là những vẻ đẹp bất ngờ của con người, như một niềm tin của Nguyễn Minh Châu vào con người và cuộc đời.

4. Chi tiết tấm ảnh của nghệ sĩ Phùng 

- Bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng chụp được là một bức ảnh đen trắng, ghi lại hình ảnh chiếc thuyền đang từ từ tiến vào bờ trong màn sương sớm tại một làng chài miền trung. Bức ảnh hoàn toàn không có sự xuất hiện của con người.

- Tuy nhiên, khi “ngắm kĩ” bức ảnh, anh lại thấy hiện lên “cái màu hồng của ánh sương mai”. Và nếu “nhìn lâu hơn”, nghệ sĩ nhiếp ảnh nhận ra hình ảnh “người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kêch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.”

- Ý nghĩa của các hình ảnh: Những hình ảnh ấy có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện chủ đề tư tưởng của các phẩm. Nó nói lên mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: cuộc sống chính là khởi nguồn cảm hứng sáng tạo, là chất liệu cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ đồng thời, cuộc sống, con người cũng chính là đích đến, là mục đích cao nhất của nghệ thuật. Không những vậy, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm thể hiện được chiều sâu, bản chất của hiện thực đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ, lãng mạn. Để làm được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, toàn diện về hiện thực, phải có sự trải nghiệm và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ.

5. Suy nghĩ về sự sống:

- Cuộc sống mưu sinh không chừa một ai. Nó tác động và thậm chí có thể đe dọa hạnh phúc gia đình.

- Con người cần phải kiên cường đối diện phong ba để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

- Khẳng định vai trò cũng như tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Một trong những phẩm chất làm nên điều kì diệu ấy là lòng bao dung vị tha và đức hi sinh của họ.

6. Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm:

- Khái quát về giá trị nhân đạo: long thương người, hướng đến con người với cái nhìn nhân văn; biểu hiện cơ bản giá trị nhân đạo.

- Nhận xét giá trị nhân đạo qua nhân vật ngời đàn bà hàng chài:

  • Thấu hiểu, thương xót, đồng cảm với số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài nói riêng và người phụ nữ nói chung.
  • Lên tiếng phê phán nạn bạo hành trong gia đình – một mảng tối của xã hội đương đại.
  • Phát hiện và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.
  • Trân trọng khát vọng hạnh phúc gia đình, khát vọng cao đẹp, nhân văn.

- Đánh giá giá trị nhân đạo: toàn diện; mang tính phát hiện (vẻ đẹp khuất lấp)

7. Cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn 

- Khám phá bản chất cuộc sống và con người ở góc độ thế sự bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều (cuộc sống của người dân chài còn nhiều nghịch lí, nhân vật người đàn bà vừa nhẫn nhục đến mức phi lí vừa có những phẩm chất đẹp đẽ...).

- Đánh giá về cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn trong tác phẩm.

8. Quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống

- Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật.

- Chiếc thuyền nghệ thuật thì ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần.

- Khát vọng tìm đến cái đẹp để mong muốn làm cho con người đẹp lên là rất đáng quý nhưng không thể vì nghệ thuật mà quên đi cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời.

- Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để khám phá cuộc sống. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cải đẹp hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời.

  • 303 lượt xem
Sắp xếp theo